Niềm Vui Ngày
Xuân
Thích Thông Huệ

Nói đến Xuân, hầu
như ai cũng nghĩ đến sự tốt đẹp, an vui, mới mẻ.
Bởi vì, mùa Xuân là mùa của tiết trời ấm áp, của
vạn vật hồi sinh sau những tháng đông tàn tạ
lạnh lẽo. Mùa Xuân cũng khiến lòng ta dịu lại,
trải rộng ra, hòa nhập với đất trời và đồng cảm
với mọi người.
Thịt mỡ, dưa hành,
câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng
pháo, bánh chưng xanh.
Ngày xưa, ông cha
ta đón Xuân bằng những món ăn tinh thần và vật
chất đơn giản như thế. Bây giờ, bánh chưng dưa
hành được bày bán quanh năm, câu đối đỏ và cây
nêu tràng pháo không còn phổ biến, nên không khí
Tết đã khác xưa rất nhiều.
Dù vậy, tâm trạng
nôn nao mong chờ trong những ngày giáp Tết và
niềm vui rộn rã háo hức trong lúc đón Xuân, xưa
và nay vẫn không thay đổi mấy.
Hoàn cảnh gia
đình không ai giống ai, nhưng người nào cũng
muốn nhà mình sạch sẽ hơn, tươm tất hơn ngày
thường. Người lớn trang phục chỉnh tề, trẻ nhỏ
ít nhiều cũng có tấm áo mới và tiền lì-xì mừng
tuổi. Cách nói năng đối xử với nhau cũng có phần
cẩn trọng, lịch sự, biểu hiện sự hoan hỷ, thông
cảm giữa người và người.
Ở nước ta, những
thú vui, trò giải trí được tổ chức thật đa dạng
trong những ngày đầu năm: từ những thú tao nhã
như chơi hoa, vẽ tranh, thư pháp… đến những trò
giải trí có tính cách dân gian hoặc các lễ hội
truyền thống mùa Xuân. Tất cả đều được hưởng ứng
nồng nhiệt, được tham dự đông đảo.
Điều này nói lên
tính cách của dân tộc Việt, dù hoàn cảnh khó
khăn đến mấy, cũng không mất sự lạc quan yêu đời.
Thật khó tìm thấy ở nơi nào khác mà người dân
lại hưởng Tết quá lâu, quá kỹ và quá nhiều màu
sắc như Việt Nam ta.
Cũng chính vì vậy,
phần đông những người xa xứ đều mang trong lòng
nỗi nhớ quê hương, đều tìm cơ hội về thăm nơi
chôn nhau cắt rốn để hưởng một mùa Xuân sum họp.
Trước bàn thờ tổ
tiên, họ sẽ thành tâm dâng lên ông bà cha mẹ
những thành quả trong học tập, trong công danh
mà mình đã đạt được. Đồng thời, họ cũng bùi ngùi
nhận ra rằng, mình chưa báo đáp được đầy đủ công
ơn trời biển của các Người; tự hứa với lòng sẽ
tìm cách giúp đỡ gia đình, người thân và những
ai không may mắn, để bù đắp lại những tháng ngày
hờ hững đã qua.
Đối với người
Phật tử, mùa Xuân là lúc thích hợp để hành hương,
chiêm bái các tự viện. Một số người còn nặng về
phước lộc đến chùa cầu Phật Trời ban cho sức
khỏe, hạnh phúc và mọi điều may mắn trong cuộc
sống. Họ nghĩ đến Phật như một đấng thần linh,
một chốn náu nương trừu tượng nhưng cũng là
nguồn an ủi, là sự động viên tinh thần quý giá.
Những ngày đầu
năm cũng là dịp để chúng ta đến thăm bà con, bạn
bè, cùng tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng
uống với nhau ly rượu, một tách trà. Nếu có điều
kiện, chúng ta tổ chức tham quan những di tích
lịch sử, những thắng cảnh của quê hương để thấy
rằng đất nước ta thật đẹp đẽ, dân tộc ta thật
kiên cường bất khuất. Tình yêu quê hương sẽ có
dịp được tăng trưởng, tình cảm giữa người và
người có dịp được thắt chặt. Ta sẽ thấy lòng
mình chan hòa cùng đất trời và con người, ta sẽ
biết cách sống đầy tình nghĩa với đồng bào đồng
loại. Ta cũng biết tôn trọng và bảo vệ môi
trường sống chung qua ta, bởi vì vạn vật đối với
ta đều vô cùng thân thiết.
Tuy nhiên, những
loại hình giải trí đa dạng cũng chỉ “mua vui một
vài trống canh”, niềm hạnh phúc sum họp rồi cũng
nhường cho nỗi sầu ly biệt. Mấy ngày Tết rộn
ràng bao nhiêu, khi trở lại với những lo toan
đời thường, chúng ta càng thấy quạnh quẽ trống
vắng. Nhất là đối với những người luống tuổi neo
đơn, khi con cháu lần lượt ra đi hết, thì niềm
sum họp ngắn ngủi ngày nào càng làm nặng nề hơn
nỗi buồn hiu quạnh hôm nay.
Cho đến niềm hạnh
phúc của người Phật tử cảm nhận được khi đến
chùa, cũng chỉ hiện hữu khi họ còn chiêm ngưỡng
dung mạo và nụ cười tự tại của Đức Phật, còn đắm
mình trong khung cảnh bình an của ngôi Già-lam.
Trở về nhà, họ
lại bị quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc tồn
sinh, lại bị đắm nhiễm trong trần cảnh và bị
trói buộc trong xiềng xích danh lợi.
Vì thế, trong
niềm vui nào cũng ẩn hiện bóng dáng của khổ đau,
vì vui ấy do vay mượn từ bên ngoài và vì nó
không bền lâu, không chắc thật. Cũng như mùa
Xuân đất trời, chỉ hiện diện trong ba tháng rồi
theo luật tuần hoàn, nhường chỗ cho mùa hè nóng
bức. Nhà Phật gọi đó là cái vui sinh diệt, vui
trong vô thường.
Vậy thì, có niềm
vui nào tồn tại vĩnh viễn không? Nếu có, bằng
cách nào chúng ta tìm được niềm vui ấy? Đây là
vấn nạn của con người, và chính Đức Phật đã đưa
ra lời giải đáp tường tận, cách đây hơn 25 thế
kỷ.
Chúng ta thường
đổ thừa hoàn cảnh và những tác nhân bên ngoài
gây đau khổ cho mình. Rất ít người chịu nhìn lại
bản thân, xem phiền não do đâu mà có.
Kinh Lăng Nghiêm
kể đoạn ngài A-Nan hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế
Tôn, thế nào là cội gốc phiền não sinh tử, thế
nào là cội gốc Bồ-đề Niết-bàn?”. Câu trả lời đến
từ mười phương chư Phật: “Cội gốc phiền não sinh
tử là sáu căn của ông, cội gốc Bồ-đề Niết-bàn
cũng là sáu căn của ông chứ không đâu khác!”.
Mắt thấy sắc liền
phân biệt đẹp xấu, đẹp thì muốn chiếm làm của
riêng, xấu thì sanh tâm ghét bỏ, khi lòng tham
không thỏa mãn lại phát khởi sân hận…Tai nghe
tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm,
ý duyên theo pháp trần… mỗi mỗi đều dính mắc nên
tạo nghiệp.
Nghiệp thiện dẫn
ta đến các cõi lành, nghiệp ác dẫn vào đường dữ,
rốt cuộc cứ quẩn quanh trong ba cõi sáu đường!
Như thế, nếu các căn tiếp xúc với trần cảnh mà
dính mắc, thì ngay hiện đời đã chịu phiền não,
khi mất thân lại mang nỗi khổ lớn nhất, ấy là
cái khổ luân hồi sinh tử.
Ngược lại, nếu
vẫn tiếp duyên xúc cảnh mà không khởi tâm phân
biệt, thì nghiệp do đâu phát sinh? Vòng luân hồi
đương nhiên bị chặt đứt.
Hình tượng Đức Bồ
tát Di-Lặc mập tròn, bụng to, khuôn mặt đầy đặn
phúc hậu, nụ cười thật thoải mái với những đứa
trẻ vây quanh, biểu hiện một niềm hạnh phúc vô
bờ. Vì sao Ngài có được sự hỷ lạc tuyệt vời đến
thế?
Những đứa trẻ
tượng trưng sáu trần luôn bám theo Ngài quậy
phá, như trần cảnh lúc nào cũng hiện hữu xung
quanh chúng ta. Nhưng khác với chúng ta, Ngài
tuy vẫn tiếp duyên mà không chấp trước, không
nhiễm ô. Vì Đại xả nên lục tặc biến thành lục
thông, nên Ngài luôn luôn có một niềm vui trọn
vẹn, miên viễn (Đại hỷ).
Niềm vui này là
tiền đề của hạnh phúc tuyệt đối - hạnh phúc giải
thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Như vậy, hạnh
phúc thật sự của con người không phải từ bên
ngoài đến, mà từ sự buông xả ở ngay nội tâm
mình. Trong đời sống thường nhật, chúng ta xả bỏ
những tranh chấp hơn thua, những điều thị phi
không như ý, xem đó chỉ là những cơn mưa bóng
mây thoáng qua rồi mất; ngay lúc ấy, ta thấy
mình được an ổn đôi phần.
Tiến lên một
bước, ta quán chiếu trần cảnh chỉ là duyên hợp
giả có, tâm không khởi phân biệt khi các căn
tiếp xúc các trần. Biết rằng mọi ý niệm đều hư
dối, từng bước ta buông xả hết mọi tình chấp đối
với ta - người và các pháp. Buông xả thì mới hay
Niết bàn tại hiện tiền chứ không ở đâu xa lạ, và
mùa Xuân bất diệt cũng ở ngay tại đây và bây
giờ!
Nhận ra mùa Xuân
bất diệt ấy, Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng
đã làm bài kệ:
Niên thiếu hà
tằng liễu sắc không,
Nhất Xuân tâm sự
bách hoa trung.
Như kim khám phá
Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn
khán trụy hồng.
Hòa thượng Trúc
Lâm dịch:
Thuở bé chưa từng
rõ sắc không,
Xuân về hoa nở
rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị
ta khám phá,
Chiếu trải giường
Thiền ngắm cành hồng.
Tuổi trẻ chưa
thấu rõ lý sắc không, cứ mãi mê đuổi theo ngoại
cảnh, nên khi thấy hoa nở báo Xuân về, lòng bỗng
nhiên rộn ràng cảm xúc. Ngày nay, Ngài đã khám
phá bộ mặt thật của Chúa Xuân, tức nhận ra bản
lai diện mục của chính mình và quán triệt thực
tướng của các pháp.
Các pháp do duyên
tụ hợp, hết duyên lại trở về không, tánh của các
pháp vốn là Không, nhờ duyên hợp nên giả có.
Bằng cái thấy siêu việt nhị nguyên, Thiền sư
luôn sống trong mùa Xuân vĩnh cửu; Ta-bà cũng là
Tịnh-độ, phiền não và Bồ-đề không hai không khác.
Người vô sự ngồi trên giường Thiền, ngắm từng
cánh hồng rơi rụng mà lòng vẫn an nhiên. Bởi vì,
hoa nở hoa tàn vẫn là Xuân, mỗi phút giây đều là
Xuân.
Trong hội Linh
Sơn, khi Đức Phật đưa cành sen xanh lên, nhìn
khắp lượt đại chúng, Ngài bắt gặp ánh mắt Ca-Diếp.
Thời điểm bốn mắt nhìn nhau là một khoảnh khắc
thiên thu. Tâm thầy và tâm trò tương ưng, không
lời diễn tả nên chỉ biết mỉm cười! Nụ cười Ca-Diếp
là hình ảnh tuyệt đẹp thể hiện sự khế hợp
Thầy-trò trong một thực tại vô ngôn, khi Chúa
Xuân bị khám phá.
Ý nghĩa sâu xa
của sự tích Niêm hoa vi tiếu không phải là ở chỗ
niêm hoa (đưa cành hoa lên) hay vi tiếu (mỉm
cười), mà chính là sự giao cảm bất tư nghì giữa
tâm Thầy và tâm trò, tại thời điểm tứ mục tương
cố (bốn mắt gặp nhau).
Do vậy, Đức Phật
mới trao truyền Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn
diệu tâm cho Ca-Diếp. Và cũng từ đó, Phật pháp
lưu truyền như nước từ nguồn tỏa khắp các nhánh
sông, mang đến sức sống cho muôn loài muôn vật.
Cho đến ngày nay, sức sống ấy vẫn luôn tuôn trào,
để những người hữu duyên có thể nhìn thấy nhánh
mai vàng rực rỡ trong một đêm cuối Xuân!
Nhân
mùa Xuân đất trời lại đến, chúng ta hãy cùng
chân thành chúc nhau sớm khám phá Chúa Xuân miên
viễn của chính mình, sớm có niềm vui thưởng thức
vẻ đẹp của cành mai không bao giờ tàn tạ. Niềm
vui ấy mới là tuyệt đối, là vĩnh cửu, mới là
mục đích cao tột trong đời tu của tất cả chúng
ta.
Thích Thông Huệ


|