AN NHIÊN
Trần Thế

An nhiên tự tại
không ngại yêu đời
Dù không mở lời
cũng thấy an nhiên…
An Nhiên nghĩ
rằng có thể vì tánh ích kỷ mà mình sống không
được như ý và đã xem tánh nầy như một công án tư
duy.
Sau một thời gian
tư duy về tánh ích kỷ, An Nhiên thấy rõ mình là
loài hữu tình. Vậy, muốn sống cho được như ý
không còn cách nào khác là phải yêu thương đồng
loại.
An Nhiên cũng
nhận ra rằng tình yêu thương không phải là hình
phạt nên không bị bắt buộc phải yêu thương. Tuy
nhiên, có yêu thương thời mới được thương yêu.
Đó là luật hỗ tương về nhân quả để được như lý
tác ý.
Hơn nữa, tình yêu
thương vẫn luôn luôn có mặt không những trong
đời sống lứa đôi mà còn trong cả tập thể. An
Nhiên được sinh ra từ tình yêu thương thì An
Nhiên cũng không thể sống mà không thương yêu.
Cũng có thể nói là nhờ tình yêu thương mà An
Nhiên mạnh và sẵn sàng mềm yếu cho yêu thương.
Suy cho cùng nghĩ
cho tận, An Nhiên lại thấy mình vốn không có
tánh ích kỷ khi biết rằng mình cũng vì người
khác mà sống như đã có câu "nhân chi sơ tánh bổn
thiện". Tiếc thay, tánh bổn thiện chưa phải là
toàn thiện mà chỉ là đầu mối dẫn đến toàn thiện.
Ngày nào An Nhiên chưa thật sự toàn thiện là
ngày đó An Nhiên còn trầm luân trong bể khổ của
tình cảm và khó tránh được trường hợp mất lòng
người nầy để được lòng người khác.
Phàm những gì
chưa hoàn toàn thời còn phải dụng công. Muốn
được toàn thiện biết sống làm sao? Câu tự hỏi
nầy đã trở thành đề tài suy tư kế tiếp mà An
Nhiên vẫn chưa tìm ra lối sống hợp lý, đành thả
trôi đời mình theo thói quen với niệm ý "tu tâm
dưỡng tánh và thuận nghiệp tùy duyên sống như
mọi người, người sống sao mình sống vậy, người
làm bậy mình không làm theo". Nếu có bị chỉ
trích thì lấy câu để đời làm an ủi "Ở sao cho
vừa lòng người. Ở hẹp người cười, ở rộng người
chê. Béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương
sống xương sườn giơ ra".
Cái tâm lý muốn
được toàn thiện tạm thời đã ổn, nó không còn ray
rức lương tâm của An Nhiên. Như được cởi trói
khỏi xiềng xích tình cảm mà vẫn không thấy mình
lạnh nhạt với đời, An Nhiên cảm thông với mọi
người dễ dàng hơn như thông cảm với chính mình.
Những gì họ nghĩ, họ nói, họ làm là những gì mà
An Nhiên tin rằng mình cũng đã trải qua từ vô
lượng kiếp nối tiếp hiện tại. Bởi không thể sống
với tất cả mọi nghiệp trong cùng một kiếp và làm
nhiều việc khác nhau trong cùng một lúc. An
Nhiên xem tha nhân là những người đang sống giùm
mình những biệt nghiệp khác để cùng nhau xây đời
chung đụng.
Xây đời mà không
yêu đời thì có khác chi trả nợ đời. Câu nói vần
điệu "Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà nghiệp
báo" nghe quen nầy đã có lần thúc giục An Nhiên
muốn từ bỏ vợ con, từ bỏ gia đình, nhất là khi
gặp nghịch cảnh trong đời sống vật chất. An
Nhiên không tin đời là nợ vì đời không có chủ.
Nếu có, chính đó là mình, vừa là chủ nợ vừa là
con nợ. Vì thế, nếu không yêu đời thì tự mình
làm khổ mình và không ai có thể trả nợ đời giùm
mình nếu mình nghĩ đời là nợ.
Từ
bỏ gia đình, sống không gia đình không có nghĩa
là từ bỏ đời. Chưa từ bỏ đời thời vẫn còn bị
dính mắc những gì làm nên cuộc đời như thực
phẩm, áo quần, nhà cửa và tài sản, v.v. Quan
niệm "Tu là cõi phúc, tình là dây oan" cũng đã
có lần khiến xui An Nhiên muốn từ bỏ vợ con
nhưng khi nghĩ kỹ, lại thôi. Vì biết rằng dù có
dứt được tình gia đình như câu thơ nguyện thề
"Kiếp sau xin chớ làm người - làm cây thông đứng
giữa trời mà reo", mình cũng không thể sống như
loài vô tình được. Sau khi từ bỏ gia đình, biết
đâu mình còn nặng tình nhiều hơn với đời. Đó là
chưa kể rơi vào trọng tội làm ly tán thiên hạ
bằng cách muốn có thiên hạ.
Càng nặng tình
với thế nhân càng phải gánh nặng những đòi hỏi
của nhân thế. Không gánh nổi những đòi hỏi của
nhân thế thì liệu tâm mình có được an không. An
Nhiên lại nghĩ rằng sau khi chọn lối sống không
gia đình mình cũng còn nương tựa vào những người
có gia đình. Ngày nào còn giao tiếp với người có
gia đình thì không ở kiếp nầy cũng ở kiếp khác
mình sẽ hoàn tục. Bởi ảnh hưởng của luật nhân
quả xoay vần từ hữu sang vô, từ vô sang hữu mà
thành ra đạo đời lẫn lộn.
Trở đi rồi trở
lại từ hai lối sống có gia đình và không gia
đình theo duyên nghiệp thì lối sống nào cũng là
sống. Cả hai lối đều không thoát khỏi định luật
vô thường của sắc tướng, có đó rồi mất đó, nên
lối sống nào cũng vậy thôi. Sự chọn lựa giữa hai
lối sống nầy không làm cho An Nhiên hoang mang
nữa và sẵn sàng vui nhận với lối sống hiện tại
dù có gia đình hay không.
Những gì cần suy
đã nghĩ xong, An Nhiên thấy đời mình qua nhanh
như giấc mộng. Cái an nhiên tự tại không tìm mà
có, ngày qua ngày với những việc trong tầm tay
mà An Nhiên vẫn thấy mình luôn luôn rảnh.
Ngoài tình gia
đình mà mình đang sống An Nhiên còn có nhiều thứ
tình khác. Tình đồng hương, tình hàng xóm, tình
nhân loại, tình quê hương... tình yêu phong cảnh
thiên nhiên. Khi một tình cạn đi thì những tình
khác dâng lên nuôi dưỡng phàm tánh hữu tình nơi
An Nhiên. Bấy nhiêu tình cũng quá đủ cho An
Nhiên không thấy buồn chán trong kiếp sống làm
người. Nhận chân ra được ý nghĩa của câu "Tâm
bình thế giới bình - Thế giới chưa bình tâm vẫn
bình" và câu "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Vậy thời, người vui cho cảnh được vui." An Nhiên
thấy một ngày như mọi ngày và ngày nào cũng vui
cũng nên thơ.
Các bạn của An
Nhiên khi nghe An Nhiên nói thao thao bất tuyệt
về thiền đạo tu tập, có bạn hỏi: "Người am tường
đạo pháp như anh lẽ ra xuất gia mới phải, sao
anh không đi tu?" An Nhiên đọc bốn câu thơ thay
câu trả lời:
Đời không đạo đời
điên đảo
Đạo không đời đạo
thành không
Sắc tức thị không
- Không tức thị sắc
Tu tức
không tu - Không tu tức tu...
Thấy
An Nhiên vui vẻ và dễ hoà đồng với mọi người, có
bạn mời đến chuà, có bạn mời đến nhà thờ và có
bạn mời đến nhà đối ẩm, hàn huyên tâm sự sau
những ngày làm việc mệt mỏi.
An Nhiên không
thể trong cùng một lúc đến được nhiều nơi, nhưng
nơi nào An Nhiên cũng đã có mặt. Thấy An Nhiên
chỗ nào cũng đến, lại hay nói chuyện huề vốn, có
bạn hỏi: "Nếu người ta gọi anh là ba phải thì
anh nghĩ sao?" An Nhiên hỏi lại:
- Bạn có biết vì
sao tôi có tánh ba phải không?
Bạn An Nhiên trả
lời gọn:
- Không biết.
An Nhiên trả lời
rất tự nhiên cho câu hỏi của mình:
- Vì yêu đời.
Không muốn thấy kẻ được người không.
- Không ai nghe
anh, anh có yêu đời được không?
An Nhiên nghe câu
hỏi liền nghĩ đến hình ảnh những người ở một
mình, như là các tu sĩ nhập thất hoặc cấm phòng,
các đạo sư nơi hang động, những người chí thú
việc mình đang làm hoặc đang ngao du thiên hạ,
đọc thơ thế câu trả lời:
An nhiên tự tại
không ngại yêu đời
Dù không mở lời
cũng thấy an nhiên…
Trần Thế
------------------


|