NHỮNG ĐẶC TÍNH
CỦA NỀN VĂN HÓA
PHẬT GIÁO
NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Nói
riêng về lịch sử Phật Giáo, thì thế kỷ 20 là thế
kỷ được đánh dấu bằng sự du nhập của đạo Phật
vào Tây phương. Bằng những con đường khác biệt
nhau, thoạt xem như là những tình cờ của lịch sử,
mà Thiền của Nhật Bản và Trung Hoa, Phật giáo
Mật tông của Tây Tạng, và cả Phật giáo Nam
truyền đang dần nở rộ ở Tây Phương. Hiện nay
không thể tính hết các chùa Nhật, Trung Hoa và
Việt Nam, các tự viện Tây Tạng, các chùa của Nam
tông cũng như không thể đếm hết các đầu sách do
người Nhật với Trung Hoa, Tây Tạng và người Tây
Phương viết hay dịch về Phật Giáo.
Trong sự khủng
hoảng sâu sắc về tinh thần của thế kỷ 20, quả
thật không ít người Tây Phương trong đủ mọi
thành phần (chỉ kể vài người tiêu biểu như: P.
Kapleau, thương gia Mỹ qua tu học ở Nhật và trở
thành lão sư; R. Oppenheimer, nhà vật lý nguyên
tử; Salinger, nhà văn Mỹ; Tina Turner, nữ hoàng
nhạc Rock…) đã tìm thấy trong đạo Phật một cái
gì làm nơi nương tựa cho cuộc đời của họ.
Nhưng
dù gì đi nữa, mới lạ đối với Tây Phương hay là
‘đã cũ’ với người Đông Phương, thì trong sự
khủng hoảng tinh thần của thế kỷ này, đạo Phật
cũng tự nói lên được giá trị bền vững của nó.
Giá trị đó là một nền văn hóa đã và đang thường
trú trong sinh mệnh của nhiều quốc gia và vẫn là
một sức mạnh định hướng cho tương lai nhân loại.
Sau
đây, bằng cái nhìn còn nhiều giới hạn của mình,
chúng tôi nêu lên những đặc tính của nền văn hóa
Phật Giáo, những yếu tố làm khung cho một đời
sống văn minh theo quan điểm Phật Giáo.

1/
Một nền văn hóa nhân bản: Đạo Phật sở dĩ có,
trước hết vì con người, vì lợi lạc cho con người.
Theo đạo Phật, con người giá trị hơn hết trong
mọi loài, hơn cả các thần và chư Thiên, vì khả
năng trở nên hoàn thiện của nó là cao nhất.
Có
thể định nghĩa đạo Phật là con đường đi cho mỗi
một con người đến chỗ hoàn thiện, như một con
người là đức Thích Ca trước kia đã trở nên hoàn
thiện. Ngài đã nói: Ta là Phật đã thành các
người là Phật sẽ thành.
Con
người trong đạo Phật không phải là một định
nghĩa chung chung theo kiểu triết lý, không phải
là những con số của thống kê, cũng không chỉ là
một đối tượng của riêng một lãnh vực nào, kinh
tế, chính trị, xã hội, sinh học… Con người trong
đạo Phật là con người cụ thể, từng cá nhân một,
với nghiệp báo riêng giàu nghèo, sướng khổ, bất
hạnh hay may mắn… Đạo Phật đến với từng con
người cụ thể khi đạo Phật nói rằng có 8 vạn 4
ngàn pháp môn (là một con số tượng trưng về số
lượng và chất lượng) để chữa trị cho 8 vạn 4
ngàn phiền não khổ đau của chúng sanh. Con người
trong đạo Phật là một cá thể nghiệp báo độc nhất,
không ai có thể thay thế cho ai, và mỗi người
phải chịu trách nhiệm trọn vẹn với đời mình, tự
do tiến hóa hay thụt lùi theo định luật nhân quả.
Trong
tâm từ bi vô lượng, đạo Phật lấy việc cứu giúp
con người làm sự sống của mình, khi nói rằng:
Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật.
2/
Một nền văn hóa hòa bình: Đạo Phật bắt đầu
bằng sự an bình, vận hành trong an bình để đến
mục đích cuối cùng là an lạc. Quá trình của
Giới-Định-Huệ là quá trình từ bình an đi đến
bình an. Giới luật là sự giữ gìn hòa bình nơi
bản thân để mở ra an bình cho tất cả. Có thể nói
bình an là một giá trị cao cả, để có thể đánh
giá xem người nào tiến hóa nhiều, người nào tiến
hóa ít.
Ngày
nay đạo Phật phát triển trên khắp thế giới, sự
phát triển đó là lịch sử của hòa bình, phát
triển mà không hề có một cuộc chiến tranh tôn
giáo, không mang tâm niệm bá quyền thống trị.
Đạo Phật đến với con người bằng sự hòa bình,
thuyết phục con người trở về Trí Huệ của chính
mình, mà không động đến bạo lực, đe dọa, không
dùng quyền lực để dụ dỗ và ngay cả khi bị ngược
đãi cũng vẫn nhẫn nhục bình an.
Hòa
bình, bất bạo động không chỉ với con người, mà
còn với loài vô hình và hữu tình, từ sông núi cỏ
cây, thú vật đến các thần và chư Thiên… không
xem thế giới như một đối tượng để chiếm hữu và
sử dụng cho mình đến cạn kiệt, hư hoại. Hòa bình
– và một hệ quả của nó là bình đẳng chính là sức
mạnh của đạo Phật.
3/
Một nền văn hóa khai phóng: Thành Phật là
thành tựu sự hoàn thiện. Có thể nói thành Phật
là trở thành một con người toàn diện Bi Trí Dũng.
Trong quá trình hoàn thiện và trở nên toàn diện
đó, mọi tiềm năng tốt đẹp của con người đều được
khai phóng. Khai phóng với nội minh (trí huệ của
đạo Phật) và khai phóng với ngoại minh (các khoa
học: ngôn ngữ, y khoa, kỹ thuật, nghệ thuật…) để
tựu thành Trí biết tất cả (Nhất thiết chủng trí).
Điều này được chứng tỏ qua những nền văn hóa, kỹ
thuật và nghệ thuật rực rỡ, như ở ta thì có Lý,
Trần, ở Trung Hoa thì có Đường, Tống. Theo học
giả Nhật Nakamura, thì một điều có vẻ nghịch lý
là, những nhà tu Thiền, những người triệt để từ
bỏ mọi hình tướng nhất, lại là những người thiện
nghệ nhất trong sản xuất, trong quản lý đồ chúng,
trong sự điều hành một xã hội tự viện có khi mấy
ngàn người.
4/
Một nền văn hóa giúp cho người biết rõ chính
mình: Triết học Tây Phương khởi từ Socrates
với câu nói: Hãy tự biết chính mình. Minh
triết Đông phương thấy rằng con người là một
tiểu vũ trụ. Đạo Phật nói rằng: Trong thân thể
mười mấy tấc này, có sự hình thành và chấm dứt
của vũ trụ.
Hơn
cả triết học và khoa học, đạo Phật dùng Giới
Định Huệ là những khả năng cao tột, trong sáng
nhất mà con người có thể có để tìm hiểu tự thân,
và biết rõ tự thân tức là biết rõ thế giới, vì
cả hai đồng một thể, đồng chất (7 đại) đồng một
cách sinh thành (duyên khởi).
Chỉ
nói riêng về một môn phân tâm học hiện đại,
nghiên cứu về ý thức và tiềm thức con người,
cũng chẳng thể đạt đến mức độ thâm sâu bằng Duy
thức học của Phật Giáo, vì Duy thức đã dựa trên
Thiền định để biết rõ cơ cấu tâm thức của con
người.
Tất
cả các môn học ở đời nhằm tìm hiểu, khám phá về
con người, trong một cái nhìn toàn cục và thống
nhất, đều cần đến cái thấy rốt ráo của đạo Phật
để mở đường ra khỏi hạn cục và bế tắc.
5/ Một nền văn hóa đáp ứng được tất cả nguyện
vọng chân chính của con người: Có lần các
sinh viên đại học Mỹ hỏi nhà bác học R.
Oppenheimer, người chủ trì làm trái bom nguyên
tử đầu tiên rằng: Quan điểm của ông về vấn đề
sống và chết như thế nào? Ông đáp: Các bạn
hãy tìm trong kinh Phật, cách đây hơn 2000 năm,
vấn đề đó đã được đạo Phật giải quyết rồi...
Đạo Phật không chỉ là lời giải đáp thực tiễn cho
vấn đề sống chết, mà còn giải quyết vấn đề nhân
sinh. Tất cả đều được giải quyết trên định luật
nhân quả duyên sanh.
Sự giải
quyết rốt ráo của đạo Phật là chấm dứt tất cả
phiền não cho một con người. Nói rộng ra, một xã
hội bất an loạn động là do tổng số phiền não của
xã hội ấy quá lớn, quá sức chịu đựng của con
người.
6/
Một nền văn hóa thanh tịnh hóa (trong sáng hóa)
con người và xã hội: Một đời sống đạo Phật,
dù ở mức độ nào, cũng được trong sạch hóa thân
tâm: một thân thể khỏe mạnh do giữ giới trong
việc ăn uống và điều độ hằng ngày, một tâm hồn
không u tối vì tham lam, thù hận, ganh ghét, sợ
hãi…Đó là một nhân cách tỏa ra ánh sáng và tình
thương. Lý tưởng Đông phương, tính cách cao
khiết, ít ham muốn, biết vừa đủ trong vật chất,
thể hiện nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, các
hiền giả Ấn Độ và Trung Hoa… cũng là một tính
cách của đạo Phật. Bằng sức mạnh thực hành của
mình, đạo Phật sẽ thực hiện trọn vẹn tính cách
này.
Một
xã hội trong sạch, lạc quan, tích cực và an vui
gồm những người trong sạch, lành mạnh – mà hình
ảnh thu nhỏ và tinh thần của nó là xã hội Tăng
đoàn - là điều đạo Phật thực hiện nơi trần thế.
7/ Một nền văn hóa uyển chuyển, vô ngại, gần gũi
với tất cả mọi người: Bằng sự bất biến tùy
duyên, đạo Phật đi vào đất nước nào đều đi vào
trái tim (cuộc sống thực tế) của dân tộc đó.
Đạo
Phật rộng
lớn và bao trùm, nên đối với bất kỳ ai, với loại
căn cơ nào, đều có những cánh cửa cho người đó
bước vào. Đạo Phật gần gũi với tất cả, với người
đòi lý trí đạo Phật có lý trí, với người đòi
tình cảm, đạo Phật có tình cảm, đòi hành động có
hành động, đòi phân tích có phân tích… Đạo Phật
thì vô ngại với tất cả. Nó đã không chống đối
phủ nhận khoa học - như một vài tôn giáo đã từng
làm - mà trái lại, còn khuyến khích tất cả các
khoa học, bởi vì khoa học càng tiến , càng dễ
nhìn thấy đạo Phật hơn. Ví dụ như Albert
Einstein.
*
* *
Ở trên
chỉ sơ lược, không triển khai, vài đặc tính của
văn hóa Phật Giáo. Trong lịch sử Việt Nam, nền
văn hóa Phật Giáo đã được hai triều đại Lý, Trần
phổ vào đời sống Việt Nam để thành tựu một thời
đại đỉnh cao về đủ mọi mặt. Nền văn hóa đó có
thể là động lực đưa thời đại của chúng ta lên
một đỉnh cao mới hay không, việc đó tùy thuộc
vào sự thể hiện của nền văn hóa đó vào trong đời
sống của mỗi một chúng ta, tùy thuộc vào Trí Huệ
và Từ Bi của mỗi chúng ta, tùy thuộc vào Tín
Hạnh Nguyện của mỗi chúng ta.
NGUYỄN THẾ ĐĂNG


|