HÀNH ĐẠO

Trần Thế

 

Vợ hỏi: - Sáng nay anh ngồi thiền có thấy gì không?

Chồng trả lời: - Trong khi anh tĩnh tọa, bao nhiêu chuyện đến từ cuộc sống chung đụng hằng ngày trở lại trong trí rõ ràng hơn bao giờ hết. Có nhiều chuyện phức tạp không giải được ngay đang khi gặp, trong đó có sức khỏe ở tuối về chiều; kế đến là chuyện không còn sức sống theo luật thành trụ hoại diệt. Nhờ thân định trí thông mà anh thấy rõ nguyên nhân của phức tạp và giải được vấn đề như người gỡ thế cờ bí sau một hồi suy nghĩ kỷ. Anh định xả Thiền sớm để vào ngồi trước máy tiếp tục học làm cái mình muốn, thì có 3 ông sư áo vàng không biết từ đâu đến. Ông to cao nhất, tướng mạo phương phi, đôi mắt sáng quắc đứng giữa, lên tiếng hỏi anh như sư tử hống: "Nhà ngươi không phải hóa thân của Duy Ma Cật, mà sao nhà người không lật đật? Ngồi yên chi đây thì có khác chi người đi tu?" Anh đọc kệ thế câu trả lời. Sau khi nghe kệ xong thì cả 3 ông đồng biến mất. Anh rời tọa cụ để tiếp tục đem Thiền vào đời mà em là người có duyên nghe kệ trước tiên sau 3 ông sư ấy. Kệ rằng:

HÀNH ĐẠO

Thân là chùa

Tâm là chánh điện

Người là sư

Sống là hành đạo...


Trần Thế

(Pd. Huệ Trí, Cổ tự Giác Viên Saigon 1968)

 

* Đặc biệt thân tặng đến Huệ Thới, Huệ Nghĩa và các đệ tử đã cùng quy y với cố thiền sư Thích Thiện Phú, chủ trì Giác Viên Cổ Tự. Chư huynh đệ nầy đã thuận nghiệp tùy duyên mà hoàn tục. Tuy gặp nhiều chướng duyên sau khi hoàn tục nhưng chánh pháp của người có căn tu không vì nghiệp mà thối chuyển. Đạo lực đó rất cần thiết ở thời mạt pháp nầy, hầu làm gương soi cho người yếu tinh thần trước sức mạnh tình tiền để rồi lạc hướng đường đi của tiền nhân. Hãy cùng nhớ lại hình ảnh chiếc bình bát trôi ngược giòng của Thái tử Tất Đạt Đa sau khi giác ngộ để suy ngẫm. Theo Huệ Trí, hình ảnh đó không chỉ minh chứng sự thành đạo để được mọi người thán phục suông. Giá trị của hình ảnh ấy chính là sự nhắc thầm mãi mãi cho người sau giữ vững tâm bất thối chuyển. Giữ được tâm nầy ở thời mạt pháp thì có khác chi chiếc bình bát trôi ngược dòng?

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008