Quan Niệm Về Sống
- Chết
Nguyên Hiệp
dịch
Hầu hết mọi hệ
thống tư tưởng, chính trị và triết học chỉ giải
quyết vấn đề con người khi sống. Như Khổng Tử
nói: “Sống còn chưa biết, làm thế nào biết được
chết?”. Từ quan niệm này nên người ta thường cho
rằng quan tâm đến những vấn đề liên quan đến con
người khi còn sống thì quan trọng và thực tiễn
hơn là quan tâm đến những vấn đề về con người
sau khi chết.
Tuy nhiên, cách
trả lời này đã né tránh câu hỏi làm nhiều người
thắc mắc là: “Sự thật về cái chết và điều gì sẽ
xảy ra sau khi chết?” Thực ra, nếu chúng ta hiểu
được những gì xảy ra sau khi chết thì thái độ
của chúng ta đối với cuộc sống sẽ có rất nhiều
thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Cần lưu ý là
Khổng Tử không nói rằng chết là tận diệt, là hết;
ông cũng không nói rằng không có một đời sống
tương lai sau khi chết. Đơn giản ông chỉ muốn
nói: sống làm một con người có khuôn phép, có
đạo đức thì quan trọng hơn đặt câu hỏi về bản
chất của đời sống sau khi chết.
Tuy thế, hầu hết
các tôn giáo đều có lời dạy về cuộc sống sau khi
chết. Có hai học thuyết đề cập đến cái chết có
ảnh hưởng trong số các tôn giáo trên thế giới:
một là học thuyết một đời sống và học thuyết
khác là học thuyết nhiều đời sống.
Thiên
Chúa giáo là một trong các tôn giáo giảng dạy về
học thuyết một đời sống. Theo học thuyết này thì
cuộc sống của thân thể vật lý bắt đầu tại lúc
được sinh ra, nhưng cũng có một thực thể tâm
linh được gọi là “linh hồn” cư ngụ trong thể xác
đó. Chết là sự hủy bỏ xác thân, nhưng linh hồn
thì không. Sau khi chết, linh hồn tùy thuộc vào
sự phán xét của đấng Tạo hóa, hoặc sẽ được lên
thiên đường, hoặc sẽ bị đọa xuống địa ngục. Điều
này hàm ý rằng, mỗi người chỉ có một cuộc sống
trên trái đất và sau đó sẽ tồn tại vĩnh cữu hoặc
đầy ân phúc trên thiên đường, hoặc chịu khổ đau
ở trong địa ngục, hoàn toàn không có cơ may
thoát khỏi. Hàm ý này có trình bày một sự hiểu
biết trọn vẹn về lời dạy của Thiên Chúa hay
không thì chưa rõ. Rất có thể Chúa có nhiều điều
để thuyết giảng về việc sống chết nhưng Chúa
không có thời gian để mang đến cho môn đồ của
mình một trình độ hiểu biết cao hơn.
Học thuyết về
nhiều đời sống cho rằng, sự sinh ra và chết đi
của một chúng sinh chỉ là một khoen trong chuỗi
mắt xích vô số kiếp sống của chúng sinh đó.
Trong nhiều kiếp sống khác nhau, chúng sanh đã
đi lang thang trong sáu cảnh giới hiện hữu: cõi
trời, cõi người, cõi a-tu-la, cõi ngạ qủy, cõi
súc sinh và cõi địa ngục. Sau khi chết, con
người sẽ tái sinh vào một trong các cảnh giới
này. Người ấy có thể tái sanh trở lại làm người,
nhưng cũng có thể làm một vị thiên, súc sanh, a-tu-la
hay một chúng sanh trong cõi địa ngục. Sự thay
đổi hình thức đời sống hay sự hiện hữu tiếp diễn
không hạn định mãi đến khi nào chuỗi mắt xích
này bị phá bỏ. Điều này mỗi khi xảy ra thì khái
niệm sanh tử không còn ý nghĩa đối với người đó
nữa.
Ấn Độ giáo và
Phật giáo thừa nhận học thuyết nhiều đời sống
này, nhưng có một sự khác biệt tương đối lớn
trong quan điểm của họ về sự phá vỡ chuỗi mắt
xích. Ấn Độ giáo giữ vững niềm tin rằng vấn đề
sanh tử trở nên vô nghĩa khi con người thể nhập
với Brahman - Phạm Thiên Toàn Năng. Phật giáo
cho rằng con người giải thoát khỏi vòng luân hồi
sanh tử khi đạt được giác ngộ.
Để hiểu được quan
niệm của Phật giáo, trước hết chúng ta phải hiểu
rằng Phật giáo giải thích vấn đề này ở hai tầm
mức. Thứ nhất là tầm mức giác ngộ, đó là lúc mà
chân lý tối hậu được chứng nghiệm. Và thứ hai là
tầm mức thế tục, tức là ở tầm mức hiểu biết
thông thường.
Ở tầm mức giác
ngộ, khái niệm về sống và chết không còn được
bàn đến nữa. Tôi sẽ giải thích điều này sau. Tuy
nhiên, ở tầm mức thế tục, Phật giáo tin vào học
thuyết nhiều đời sống và thừa nhận dòng tâm thức
của một chúng sanh. Trong trường hợp này, dòng
tâm thức có thể tạm so sánh với Linh hồn trong
Thiên Chúa giáo và Tự ngã trong Ấn Độ giáo.
Trong Phật giáo, tâm thức của một chúng sanh
được miêu tả như một dòng suối, trong đó, một
khoảnh khắc sau được tạo ra bởi một khoảnh khắc
trước. Xin đưa ra thí dụ về xâu chuỗi hạt. Sự di
chuyển mỗi hạt chuỗi quyết định sự di chuyển của
hạt chuỗi kế tiếp. Tuy nhiên điều quan trọng là
những hạt chuỗi này được liên kết lại với nhau
bằng một sợi dây; không có một thực thể vĩnh cữu
vượt ra khỏi con đường nhân quả.
Như vậy trong
Phật giáo, sự tiếp nối của sinh mạng không có
nghĩa là thân thể vật lý được chuyển tiếp vào
đời sống kế tiếp, hay mọi thứ chứa trong bộ não
của con người (nó cũng là một phần của thân thể
vật lý) sẽ chuyển sang đời sống kế tiếp. Sự thật,
thân thể vật lý thay đổi trong từng sát na. Cái
được chuyển tiếp vào đời sống kế tiếp hay những
đời sống tương lai, và cấu thành sự miên tục của
sinh mạng là sức mạnh ảnh hưởng của những hành
vi con người trong đời sống hiện tại này và
trong nhiều đời sống trước. Cả Phật giáo và Ấn
Độ giáo gọi điều này là nghiệp.
Đến
đây, chắc bạn muốn nói: “Điều đó thú vị đấy,
nhưng 1: vui lòng chỉ cho tôi thiên giới và địa
ngục có thể tìm thấy ở đâu? Và 2: vui lòng chứng
minh cho tôi rằng, tôi đã tồn tại trước khi tôi
sinh và sẽ vẫn còn hiện hữu sau khi chết như thế
nào?”
Để trả lời cho
câu hỏi đầu tiên tôi xin được hỏi: Bạn có tin
rằng mắt của bạn có thể nhìn thấy được thiên
giới hay địa ngục không? Nếu một người nào đó
chỉ cho bạn thiên giới hay địa ngục, bạn sẽ
không nói rằng đó chỉ là một ảo tưởng, và do đó
không tin nó chứ? Nếu bạn đã nghiên cứu về dòng
điện từ, bạn có thể đồng ý với tôi rằng mắt con
người của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một
phần rất nhỏ của vũ trụ, và có rất nhiều thứ mà
mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy được.
Một vài trăm năm trước đây không có người nào có
thể nhìn thấy tổng thể cấu trúc bộ xương của một
người đang sống, nhưng bây giờ chúng ta có thể
nhìn thấy thông qua dụng cụ rọi X-quang. Chúng
ta đang tiến bộ nhanh chóng vào thế giới siêu vi
cũng như lĩnh vực không gian. Ai biết, có thể
trong nhiều năm sau, một thiết bị khám phá mới
sẽ được phát minh, và phương tiện đó sẽ giúp con
người nhìn thấy một độ sóng dài khác từ sóng ánh
sáng mà hiện giờ chưa nhìn thấy được. Lúc đó con
người có thể khám phá ra rằng, cái được gọi là
địa ngục thì ở ngay trên trái đất này; hay những
thiết bị về không gian sẽ gửi trở lại một vài
bức ảnh về không gian mà những bức ảnh đó chụp
lại một trong những cõi trời hay những thế giới
mà Phật giáo đã thừa nhận.
Còn để chứng minh
rằng con người đã tồn tại trước đó và vẫn tiếp
diễn sau khi chết thì có một số tài liệu đã đề
cập đến. Những tài liệu này ghi lại rằng, có
những người bình thường đã nhớ lại được những
đời sống quá khứ của họ, hoặc cụ thể như các vị
Lạt Ma Tây Tạng, họ có thể tiên đoán nơi mà họ
sẽ tái sanh trở lại.
Nhưng ở đây tôi
muốn sử dụng một phương pháp khác để chứng minh
điều này. Có một vài hiện tượng trong vũ trụ mà
chúng ta có thể dùng để giải thích khái niệm về
Sanh và Tử, và điều này có thể đưa ra một vài
đầu mối để trả lời cho câu hỏi đầy bí ẩn mà các
bạn muốn hỏi ở trên. Lý do đơn giản đã thuyết
phục tôi rằng giải pháp này có giá trị là vì con
người chúng ta không khác hơn một sản phẩm của
tự nhiên và hoàn toàn bị chi phối bởi những định
luật tự nhiên như trọng lực. Do đó, những định
luật biểu thị đặc tính của những hiện tượng tự
nhiên khác có thể áp dụng thích hợp đối với con
người. Khi tôi nghiên cứu câu hỏi này, thú vị
thay, tôi đã tìm ra một vài hiên tượng trong vũ
trụ có sự tương ứng thích hợp đối với học thuyết
nhiều đời sống. Hiện tượng đơn giản nhất và dễ
dàng nhất để chúng ta lãnh hội là sự đa dạng của
H2O.
Chúng ta đều biết
H2O phải không? Vâng, H2O là công thức hoá học
của nước. Nghĩa là cứ hai phân tử Hydro thì có
một phân tử Oxy. Công thức H2O không thay đổi dù
khi nước bốc hơi tại điểm sôi hay đóng thành
băng tại điểm đông đặc. H2O không sai khác khi
nó ở dạng hình thể kết tinh trắng, đẹp mà người
ta thường gọi là tuyết; hay trong trường hợp
chất lỏng, giăng mắc trong không trung và người
ta thường gọi là sương.
Đến đây một ý
tưởng rất thú vị sinh khởi. Nước biến mất khi nó
biến đổi thành hơi nước hay đông thành đá. Bạn
sẽ không nói rằng vào lúc đó, nước chết đi và
hơi nước hay đá được sanh ra phải không? Hay khi
tuyết tan và trở thành nước, vào lúc đó bạn sẽ
không nói rằng tuyết bị chết và nước được sanh
ra phải không? Điều này sẽ đúng khi nước đơn
giản được xem là nước. Tuy nhiên, nếu nước không
những được nhận diện là nước mà còn là H2O thì
khi đó khái niệm về sinh ra và chết đi không còn
là vấn đề nữa. H2O vẫn không thay đổi khi hình
thức của nó chuyển từ nước sang hơi nước hay
băng và ngược lại. H2O thật sự không bị trải qua
“sống và chết” mặc dầu hình dáng và các đặc tính
vất lý của nó có thể biến đổi thành những tên
gọi khác nhau. H2O cũng sẽ không bị chết và tái
sinh trong tương lai cho dù hình thái và các đặc
tính vật lý của nó sẽ thay đổi rất nhiều lần,
mãi đến cuối cùng H2O bị phân chia thành Hydro
và Oxy.
Từ phép suy loại
này chúng ta có thể thấy rằng học thuyết về
nhiều đời sống như Ấn Độ giáo và Phật giáo đã
đưa ra thì chí lý và gần với sự thật hơn những
học thuyết khác. Do đó, tôi suy ra những kết
luận sau đây:
1- Trong vũ trụ
cũng có một thực thể tương tự như H2O. Thực thể
đó, tôi tạm thời gọi là “X”. Từ X này, biểu hiện
ra những hình thức khác nhau của một chúng sanh,
tức là: chư thiên, loài người, A-tu-la, ngạ quỷ,
súc sanh và chúng sanh ở địa ngục. Trong Thiên
Chúa giáo và Ấn Độ giáo, X được gọi là linh hồn.
2- Sáu hình thức
hiện hữu luôn chuyển đổi vị trí. Như một con
người có thể tái sanh làm một vị thiên, A-tu-la,
súc sanh, ngạ quỷ hay chúng sanh ở địa ngục.
Cũng như vậy một chúng sanh ở địa ngục cũng có
thể tái sanh ở những hình thức khác nhau bao gồm
cả loài người.
3- Theo Phật giáo,
một người không thể sống trên thiên giới mãi mãi
hay đọa vào trong địa ngục vĩnh hằng. Cuộc sống
luôn tiếp diễn, hình thức của nó thay đổi liên
tục. Hiện tượng trôi chảy liên tục của chết đi
và tái sanh trở lại trong sáu cảnh giới này được
gọi là luân hồi tái sanh.
4- Khái niệm về
sanh và chết chỉ có nghĩa khi nào con người được
đề cập đến như một đối tượng cụ thể. Nếu vấn đề
được chuyển đổi trở lại chính bản chất nguyên
thủy của đối tượng đó thì khái niệm về sống và
chết không còn tác dụng. Nước và H2O là một ví
dụ: nước là một đối tượng được xác định cụ thể,
nó có thể thay hình đổi dạng, nhưng H2O thì bản
chất nó luôn luôn như vậy dù khi nó ở dạng nước,
tuyết, hay sương.
5. Đây là điều
quan trọng: nếu một người còn chấp chặt mình là
một con người có tự ngã thì người ấy còn phải
trải qua sống và chết. Cũng như thế áp dụng đối
với nước: nếu nước được nhận diện như là nước
thì chúng ta thấy nó có sinh ra và mất đi khi nó
thay đổi hình dạng. Nhưng nếu một người nhận
mình như là X, thì không có sự chết đi, dù khi
hình dạng của X biểu hiện dưới hình thức một con
người bị hủy diệt. Như vậy ta thấy, chỉ có một
sự thay đổi liên tục về hình thức, trong khi X
vẫn không thay đổi. Thêm nữa, áp dụng tương như
vậy, nếu nước được xem như là H2O thì nước không
có sinh ra mất đi. Do đó, nếu chúng ta khát khao
chấm dứt sanh tử luân hồi, điều đầu tiên chúng
ta nên làm là xa rời việc chấp thủ tự ngã.
Đáng tiếc thay,
điều này hoàn toàn đi ngược lại bản năng dục
vọng của chúng ta. Chúng ta xưa này luôn chấp
thủ rằng chúng ta là những con người thực hữu,
và đó là lý do tại sao chúng ta trầm luân trong
luân hồi. Như thế mục đích cốt tủy của lời dạy
đức Phật là giúp chúng sanh tự giải thoát ra
khỏi luân hồi. Do đó, cốt tủy của Phật giáo là
dạy con người nên xem mình như X. Tuy nhiên,
điều quan trọng cần lưu ý là Phật giáo không dạy
chúng ta xem X như là linh hồn. Linh hồn không
phải là thực thể tối hậu; nó vẫn bị chết đi,
giống như H2O bị phân thành Hydro và Oxy. Phật
giáo dạy chúng ta xem bản thân mình như X khi
được giải thích ở tầm mức giác ngộ. Ở tầm mức
giác ngộ, chúng ta biết rằng X là điều không thể
lãnh hội được bằng giác quan con người, mà nó
chỉ có thể được thực chứng và được thừa nhận
bằng tuệ giác. Nhưng nếu vấn đề là như vậy thì
làm sao chúng ta có thể hiểu và giải thích nó
đây? May mắn thay, bằng khoa học hiện đại, tôi
đã tìm ra một điều mà nó có thể giúp chúng ta
rất nhiều nhằm hiểu được việc giải thích về X ở
cấp độ giác ngộ. Đó là năng lượng.
Trong khoa học
hiện đại mà chúng ta học thì vạn vật ở trong vũ
trụ đều là hình thức của năng lượng. Điện, hơi
nóng, ánh sáng, lửa, âm thanh, phản ứng hóa học,
vật chất.., tất cả đều là những biểu hiện khác
nhau của năng lượng. Chúng ta không thể nhìn
thấy, nghe, ngửi, nếm, hay xúc chạm năng lượng,
nhưng khắp nơi trong vũ trụ những hình thức của
nó thì vô số lượng, có thể nhìn thấy, nghe thấy,
ngửi được, nếm được, xúc chạm hay nói cách khác
là nó được khám phá bằng các giác quan của con
người. Do đó, năng lượng được xem như cái cốt
lõi của vạn vật.
Tuy nhiên, cần
ghi nhớ rằng, năng lượng cũng chỉ là một danh
xưng do con người đặt ra. Sự thực, định nghĩa về
năng lượng đã được thay đổi từ khi từ này lần
đầu tiên được sử dụng. Như vậy, xin đừng chấp
chặt cứng nhắc định nghĩa của từ điển về từ ngữ.
Tôi có thể lý giải từ này khác hơn những nhà
khoa học đã thực hiện. Từ năng lượng, như tôi
dùng nó ở đây, được đặt cho một vật nào đó trong
vũ trụ mà nó bao hàm toàn thể vạn vật, và không
thể nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm, hay xúc chạm
bằng các quan năng của con người, nhưng bản thân
nó có thể biểu lộ trong trong rất nhiều hình
thức khác nhau mà chúng ta có thể khám phá được
bằng các giác quan. Bởi vì nó bao hàm trọn vẹn
toàn thể vạn vật, nó không thể bị tăng lên hay
giảm xuống; nó không có sự chuyển động. Tóm lại:
năng lượng là vũ trụ và vũ trụ là năng lượng.
Nếu bạn có thể
lãnh hội được những gì tôi vừa trình bày ở trên
về năng lượng thì bạn sẽ không gặp mấy khó khăn
trong việc hiểu X như đã được giải thích theo
Phật giáo ở tầm mức giác ngộ. Theo Phật giáo,
dựa vào giác ngộ, con người có thể nhận chân
được X của họ, và chính X đó, bao hàm hết thảy
vạn vật; X đó là vạn vật và vạn vật là X; X
không bị tăng hay giảm; X đó như như bất động,
và X đó không ô nhiễm cũng không thanh tịnh.
Bởi vì quá khó
khăn để giải thích X và lĩnh hội được X, cho nên
hơn 2.500năm qua, những nhà Phật học đã đặt cho
nó nhiều tên gọi khác nhau trong nỗ lực làm sáng
tỏ khái niệm. Thuật ngữ đơn giản nhất, theo ý
tôi là “Bản Thể”. Chữ “thể” có nghĩa rằng tất cả
thế giới hiện tượng đều phát xuất từ đó, thay vì
hiện hữu riêng lẻ. Khác với quan niệm về linh
hồn, bản thể không hàm ý sự riêng biệt của một
cá thể. Không thể có những bản thể khác nhau: X
này là của tôi, là của anh, là của mọi người, và
của vạn vật. Do vậy, có thể nào X lại bị chết?
Làm thế nào có thể áp dụng khái niệm về sống và
chết đối với X? Cho nên, bản thể này là điều
chúng ta cần nhận biết.
Chúng ta chỉ biết
được điều này rõ ràng khi chúng ta giác ngộ và
thể tánh của chúng ta được hiển lộ; còn nếu
chúng vẫn còn trầm luân trong sinh tử luân hồi
thì khó lãnh hội được. Do đó, Phật giáo là một
bài học mà chúng ta nên nghiên cứu một cách
nghiêm túc, bởi vì nó cung cấp cho chúng ta
nhưng phương pháp nhận chân và thừa nhận bản thể
của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể giải
thoát chính mình ra khỏi sự sống chết vô cùng
tận, là nguồn gốc của tất cả mọi khổ đau.
Tuy nhiên, tôi
cũng muốn nhấn mạnh rằng, trong đời sống hàng
ngày của chúng ta, học thuyết về nhiều kiếp sống
thậm chí còn quan trọng hơn cả tuệ quán về X,
bởi vì tất cả chúng ta đều chưa giác ngộ và vẫn
còn bị luân hồi. Sẽ hết sức sai lầm khi thờ ơ
với học thuyết nhiều đời sống và nghĩ đơn giản:
“Tôi là vạn vật và vì thế không có sự chết đi”,
cho nên khi cái chết đến, chúng ta vẫn còn sợ
hãi.
Để kết luận buổi
nói chuyện hôm nay, tôi xin trình bày một vài
quan điểm của tôi về hai hiện tượng xã hội quan
trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta:
1. Giết người
không có nghĩa là sự loại trừ một đối thủ và
giành lấy được chiến thắng như con người thường
nghĩ. Bởi vì chỉ có hình thức con người vật lý
bị hủy hoại, nên nạn nhân vẫn còn hiện hữu. Do
vậy đó không phải là một sự chiến thắng, và điều
đó có thể là đầu mối của những vấn đề bất an.
2. Tự
sát không có nghĩa là kết thúc khổ đau. Thân thể
con người vật lý có thể bị hủy bỏ nhưng đời sống
vẫn tiếp tục. Vấn đề đó có thể trở nên phức tạp
và nghiêm trọng nhiều hơn từ kết quả của việc tự
sát.
Như tôi đã nói
ngay lúc bắt đầu buổi nói chuyện này, thái độ
sống có thể thay đổi rất nhiều nếu chúng ta biết
được những gì xảy ra sau cái được gọi là chết.
Những khoa học gia, những chính trị gia và triết
gia nào mà làm ngơ với vấn đề quan trọng này thì
có thể đang dấn thân vào sự sai lầm nghiêm trọng
vì sự thiển cận của mình. Bởi vậy, chúng ta cần
phải thận trọng và cân nhắc khi đánh giá một vấn
đề./.
Nguyên Hiệp
dịch
=============================
CÁC
AUDIO LIÊN QUAN
===========
Book-Review
"TỬ THƯ TÂY TẠNG"
Nguyên
Phong
Tibetan Book of
the Dead - Tử Thư Tây Tạng 01 (mp3)
Tibetan Book of
the Dead - Tử Thư Tây Tạng 02 (mp3)
BÊN KIA CỬA TỬ
Nguyên tác:
Giám mục
Charles
Leadbeater - Việt
dịch:
Nguyên Phong
Bên Kia Cửa Tử - phần 01 (mp3)
Bên Kia Cửa Tử - phần 02 (mp3)
TÂY TẠNG
HUYỀN BÍ
(nguyên tác Anh ngữ:
THE THIRD EYE)
Nguyên tác:
Lama Lobsang Rampa - Bản
phóng tác: Nguyên Phong
Giọng đọc:
Tâm Từ &
Nhóm Sen Thanh Đọc Kinh Truyện
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 1
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 2
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 3
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 4
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 5
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 6
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 7
Tây Tạng Huyền Bí – Phần 8
|