Tăng Ni Trẻ Và Vấn Đề Ở Trọ

TỊNH HẠNH - NGUYỄN ÁNH VY

 

Trước khi đặt bút viết, con đã phải suy nghĩ rất nhiều rằng nên hay không nên bàn về vấn đề này. Bởi vì con chỉ là một Phật tử. Việc đưa ra giải pháp về chỗ ở cho Tăng Ni sinh trẻ hiện giờ là của Giáo Hội. Tuy nhiên, con rất muốn đưa ra những ý kiến của mình xung quanh vấn đề trên.

Thật tình mà nói con cũng đã từng ở chung với rất nhiều quý Sư Cô. Cứ sau khi kết thúc khóa học của mình, Sư Cô này chuyển đi thì sẽ có Sư Cô khác chuyển đến. Nhìn cảnh người tu đi học ở xa phải mướn phòng trọ để ở, con rất thương cho quý Thầy Cô trẻ. Bất đắc dĩ lắm họ mới phải quyết định như vậy.

Thật chẳng sung sướng gì khi phải mang hình tướng đầu tròn áo vuông đi thuê nhà. Nếu người ngoài hiểu thì không nói, gặp người không hiểu sẽ có lời này lời kia. Con cũng đã từng thắc mắc tại sao hiện nay tình trạng quý Thầy Cô trẻ vào thành phố học cứ phải đi thuê phòng bên ngoài rất nhiều. Cái gì cũng có lý do của nó. Con rất thương, rất hiểu, rất thông cảm cho họ. Bấm bụng để phải ra ngoài ở. Chi phí thuê phòng cho một người đời cũng đã là một vấn đề phải tính toán huống chi đối với một người tu: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sách vở, tiền ăn uống, tiền sinh hoạt, phương tiện đi lại…

Đối với một người đi làm như con cũng phải hoạch định trước sau cho việc chi tiêu trong một tháng của mình. Trong khi đó quý Thầy Cô không thể nào mặc bộ đồ tu để đi làm kiếm tiền trang trải cho các khoảng đó được. Có rất nhiều hoàn cảnh người tu rất tội, xa quê hương xa chùa tổ khăn gói vào Sài Gòn học, giai đoạn đầu còn có thể được ở chùa nhưng về sau cũng phải ra ngoài ở thuê vì lý do đi học quá nhiều, ở chùa không đồng ý cho vấn đề đi lại như vậy, không kiểm soát được tăng chúng.

Con thừa nhận ý kiến này đúng nhưng cũng không nên để cho số Tăng Ni trẻ ấy phải xách gói ra khỏi chùa để tìm chỗ trọ. Bên ngoài đầy dẫy sự cám dỗ, nếu là người có ý chí, quyết tâm thì không nói, còn nếu người chịu không nổi thì có còn trụ lại trong chiếc áo tu này nữa hay không? Khi thấy một vị phải hoàn tục, con không trách họ mà lại thấy thương cho vị ấy nhiều hơn. Con đã từng chứng kiến cảnh một vị Thầy cả ngày trên chiếc xe máy cũ kĩ chạy hết chùa này đến chùa kia chủ yếu chỉ để tìm một nơi để trọ học mà cũng không được. Bởi vì có một số chùa chỉ nhận người quen biết. Không chịu nổi trước cảnh ấy con đành phải gọi điện thoại cho một Thầy quen để gửi vị tu sĩ trẻ ấy vào chùa có nơi để trọ học. Con nói ra ở đây không phải để kể công mà là để tất cả chúng ta hãy suy nghĩ lại về việc Tăng Ni sinh hiện giờ không có chỗ ở, mà mục đích để vào Sài Gòn là để làm gì? Đơn giản chỉ để học, rồi sau đó cũng phải về lại quê hương hoặc đi khắp nơi để hoằng dương chánh pháp.

Ngoài đời chúng con còn có thể đi làm để kiếm tiền, không lẽ quý Thầy Cô cũng phải đi “bán Pháp” mà kiếm tiền hay sao chứ? Hãy xót thương, hãy thông cảm cho họ. Phải trong hoàn cảnh đó mới hiểu được tâm tình người tu sĩ trẻ trước cảnh ở trọ. Có nhiều cảnh đau lòng đến ứa nước mắt. Buổi chiều quý Sư Cô đi học lớp Phật học về, ăn vội chén cơm chiều sau đó lại phải vội vã đến lớp bổ túc văn hóa, 21h30 về tới chùa, vừa làm việc vừa lo bài vở cho ngày hôm sau, vì là năm cuối cấp nên thời gian đi học ở ngoài sẽ nhiều hơn, có vị chịu không nổi đã ngã bệnh. Từ chỗ đó có một số chùa không đồng ý trước lịch trình như vậy nên đề nghị vị ấy đi tìm chùa khác ở.

Chưa hết con cũng có biết một vị Thầy, Thầy rất giỏi về tin học, hầu như những gì liên quan đến tin học từ việc lớn đến việc nhỏ cũng một tay Thầy đảm trách. Công việc ở trường quá nhiều nên hôm đó Thầy phải về chùa trễ (trong bụng cũng chưa có một hạt cơm), vậy mà về đến nơi lại bị chúng trong chùa phản đối về vấn đề đi lại của Thầy và bảo “học xong thì về quê”?!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Con viết những dòng này không phải con đang lên tiếng ủng hộ cho việc quý Thầy Cô trẻ nên ra ngoài thuê phòng ở để đi học mà con chỉ mong muốn làm sao để Giáo Hội, các tự viện nhanh chóng đưa ra giải pháp về vấn đề chỗ ở cho Tăng Ni sinh khi bước vào thành phố để học. Làm sao để các vị ấy không còn phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, chỗ ở, chỗ học. Vì chi phí ra ngoài thuê phòng trọ đối với người tu sĩ cũng là một gánh nặng lắm rồi, đó là chưa kể lúc bệnh đau thì ai sẽ lo đây? Rồi cũng từ đó trong Tăng chúng dần dần đã mất đi sự truyền thông, huynh đệ rời rạc, đâu còn là khái niệm “Đi như một dòng sông” của Tăng đoàn ngày xưa nữa.

Nếu như ở các trường Phật học cũng có ký túc xá giống các trường đại học bên ngoài, tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh trẻ khi vào thành phố học thì sẽ không còn cảnh quý Thầy Cô phải đi khắp nơi để thuê phòng trọ. Và con cũng rất mong các chùa trong thành phố sẽ trợ duyên thêm cho quý vị ấy trên con đường tu học trong những năm xa quê hương và chùa tổ.

Hãy chia sẻ với họ để hiểu, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm. Chúng ta đừng nhìn vào hình ảnh bên ngoài để lên án hay chê bai cho việc ở trọ của một người tu. Nếu tính ra số lượng tu sĩ đi ở trọ trong thành phố hiện nay rất nhiều. Cũng chính vì phải lo toan đủ thứ cho việc sinh hoạt và học ở trường nên quý Thầy cũng phải đi tụng đám mới có thể chi phí thêm cho việc học của mình.

Còn rất nhiều hoàn cảnh của một người tu sĩ trẻ khi mới bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Đậu vào trường cũng vui rồi nhưng cũng như một sinh viên ở ngoài, nếu không đủ chi phí cho việc ăn, ở,  tu học cũng phải xách gói về quê. Hơn nữa, con thiết nghĩ với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, nhu cầu thắc mắc, đòi hỏi của quý Phật tử cũng rất nhiều, nếu một người tu sĩ chỉ nói giáo lý suông cũng không được. Bên cạnh kiến thức Phật học, đem giáo lý vào đời sống cho người Phật tử thì cũng phải biết thêm về các kiến thức xã hội trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại này. Cho nên việc các Thầy Cô trẻ phải học thêm các trường đại học ở ngoài cũng là một điều đáng hoan nghênh. Chính vì thế bên cạnh sự sắp xếp thời gian tu học hợp lý của người tu sĩ trẻ cộng thêm sự hỗ trợ từ Giáo Hội về vấn đề chỗ ở thì chắc chắn sẽ không còn chuyện quý Thầy Cô phải đi từng nhà để hỏi thuê phòng như vậy.

Thương kính gửi tất cả quý Thầy, quý Sư Cô trẻ đang trên đường tu học giữa chốn thành phố ồn ào và đầy khói bụi này!

Con rất thương cho quý vị! Hãy vững chãi trước mọi sự cám dỗ của thế gian này, con đường nào cũng gặp nhiều chông gai và gian khó, có thể sẽ bỏ cuộc bất cứ lúc nào, nhưng con rất tin vào tinh thần và ý chí tu học của những người tu sĩ trẻ trong thời hiện đại. Ngưỡng mong chư Phật gia hộ để vấn đề về chỗ ở cho Tăng Ni sinh sớm có giải pháp triệt để trong nay mai.

Kính nguyện chư tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu! Kính chúc quý Thầy Cô luôn vững chãi và thảnh thơi trong mỗi bước chân của mình! Con đường tu học còn rất dài, gian khó vẫn chồng chất lên nhau, người tu sĩ trẻ hãy luôn vững bước vì đang còn rất nhiều Phật tử ở nơi xa xôi đang mong cầu ánh sáng Phật Pháp.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nguyện cho con đi mãi

Không đứng lại giữa đường

Đến tuyệt đối vô biên

Tâm đồng tâm chư Phật.

 

TỊNH HẠNH (NGUYỄN ÁNH VY)

 

 

* Mọi ý kiến đóng góp về vấn đề trên vui lòng email đến địa chỉ:

phatgiaodaichung@gmail.com

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008