Thương Một Áng
Mây Bay
Thích Đồng Tâm

Thương
một áng mây bay thì không thể lấy dây mà buộc
ràng áng mây lại. Không được thong dong trên bầu
trời cao vợi, đám mây sẽ không còn là đám mây mà
chỉ còn là một đám khói mờ nhạt và chóng tan
biến.
Áng mây và bầu
trời xanh thẳm
Những ngày ấu
thơ, ta nằm dài trên những ngọn đồi đầy hoa cỏ,
ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh thẳm nơi có
những áng mây đầy màu sắc, hình dáng bay lửng lơ
thong dong. Ta thích ngắm những đám mây! Đám mây
sao mà đẹp đến thế! Những đám mây trắng tinh
nhưng những bông tuyết lấp lánh, đám mây vàng
cuộn tròn như lá chín mùa thu, đám mây tía là đà
như khói lam chiều tỏa ra từ gian bếp nhà tranh
của mẹ.
Mây nhẹ nhàng,
thanh thoát và bay tự do mà chẳng hề bị ràng
buộc. Cả bầu trời rộng lớn bao la là nhà của đám
mây. Đám mây tha hồ rong chơi tùy thích. Thỉnh
thoảng chúng lại ngủ vùi sau những ngày lang
thang hay chơi trò ú tim mất dạng.
Ta muốn có một
đám mây. Nếu có đám mây ta sẽ ôm đám mây vào
lòng, đám mây sẽ cùng ta rong chơi khắp nơi…!
Người
tu là áng mây bay
Cho đến một ngày,
ta gặp một đám mây bằng xương bằng thịt hẳn hoi.
Người ấy là một tu sĩ. Ta bị thu hút ngay lần
gặp đầu tiên. Tại sao lại có một người trẻ mà dễ
thương đến thế? Tại sạo vị ấy lại có thể bỏ tất
cả danh vọng, sự nghiệp, gia đình để theo lý
tưởng? Cử điệu người ấy thật nhẹ nhàng, thanh
thoát và nhất là đôi mắt sáng như sao và nụ cười
thật hiền luôn túc trực trên khuôn mặt… Rồi ta
thương đám mây của ta bằng những ấn tượng ban
đầu như thế!
Người
tu là một áng mây bay.
Vẻ đẹp của người
tu là sự thảnh thơi và tươi mát. Đám mây trên
bầu trời không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì.
Người tu cũng không bị ràng buộc bởi sắc dục,
danh vọng, bạc tiền, quyền uy thế tục. Tất cả
những thứ ấy được bỏ lại đằng sau để bước đi
vững chãi về phía con đường thương yêu và hiểu
biết. Người tu nhờ thực tập giáo pháp của Phật,
được nuôi dưỡng bởi lý tưởng Bồ đề và những gì
tươi mát thiện lành nên họ đẹp như một áng mây
bay. Nếu không có giáo pháp của Phật, không có
Tăng đoàn để họ nương tựa thì đám mây của ta sẽ
chẳng còn là đám mây nửa.
Thương một áng
mây bay
Khi ta thương
một áng mây bay ta có thể sẽ rất khổ sở. Ta có
thể biện luận rằng “con tim có lý lẽ riêng của
nó”. Và rằng ta là con người mà đã là một con
người thì không thể không có tình thương. Ta
không có lỗi khi thương một ai đó. Nhưng tình
thương phải hội đủ ba điều kiện: chân – thiện –
mỹ. Đây là 3 nền tảng căn bản của tình thương
yêu. Kể cả đối tượng thương yêu và bản chất của
tình thương yêu phải đáp ứng được ba điều kiện
này thì tình thương yêu mới vững bền và không
mang tới hệ lụy. Ba yếu tố này bổ khuyết và có
mặt trong nhau. Một người không thể gọi là đẹp
được khi thiếu sự chân thành và thánh thiện.
Cũng như không thể có sự chân thành khi không
đẹp và thiện lành. Chủ thể yêu thương (người
thương) và đối tượng yêu thương (người được
thương) phải đáp ứng được chân thiện mỹ thì sự
gắn kết của chủ thể và đối tượng thương yêu mới
vững chắc. Nếu không khi những yêu thích ban đầu
trôi qua thì khuynh hướng thương yêu (khuynh
hướng muốn thương và khuynh hướng muốn được
thương hoặc cả hai) sẽ kéo tình thương kia đi
chệch các giá trị thương yêu ban đầu.
Những cử chỉ từ
hòa, vẻ đẹp bên ngoài, lời nói nhẹ nhàng thanh
thoát…..chỉ là biểu hiện bên ngoài của các giá
trị kết tinh bên trong. Khi những điều kiện
thương yêu không còn vững chắc thì tình thương
kia có đảm bảo rằng sẽ còn bền vững. Nếu người
mà ta thương không còn dễ thương, không còn
thảnh thơi nhẹ nhàng nữa thì tình yêu ta còn đủ
mạnh mẽ để tiếp tục? Ta cần nhìn lại một chút về
tình thương của mình. Tình thương của ta có điều
kiện hay vô điều kiện? Nếu là tình thương vô
điều kiện thì đó là thứ tình thương rất đẹp của
đạo Phật: từ - bi - hỷ - xả. Ta thương yêu người
kia mà không vì một lí do gì một điều kiện gì,
không đòi hỏi người kia đáp lại. Tình yêu thương
không điều kiện sẽ không vướng mắc và không gây
đau khổ.
Sự biến hình của
đám mây
Chúng ta đã được
học về tính vô thường của vạn vật. Tình yêu
thương của thế gian cũng vô thường như thế. Ta
không thể nói “thương người kia trọn đời không
bao giờ thay đổi”. Sẽ không có gì đảm bảo chắc
chắn rằng người kia sẽ không thay đổi và tình
cảm của ta cũng sẽ không thay đổi. Đám mây có
lúc thì hình dạng thế này có lúc hình dạng thế
khác. Chúng thay đổi không ngừng theo thời gian
và không gian và bị chi phối, phụ thuộc vào các
điều kiện tác động. Nếu ta cứ ôm ước muốn đám
mây mãi mãi ở một trạng thái không thay đổi thì
ước muốn đó chỉ làm ta thêm mệt mỏi và khổ sở.
Đặt đám mây
xuống!
Phật dạy tham ái
và chấp thủ là nguyên nhân phát sinh đau khổ.
Khi thương một ai đó không đúng theo cách Phật
dạy ta có thể trở thành nạn nhân của chính tình
yêu thương của mình. Khi thương đám mây và muốn
đám mây trở thành của mình, đám mây thương mình
và nghĩ đến mình thì khi ấy ta đã rơi vào trạng
huống nắm giữ.
Chúng
ta thường khẳng định mình thương người kia hơn
cả bản thân mình. Mọi hạnh phúc vui buồn của
người kia đều là hạnh phúc vui buồn của mình.
Người kia buồn thì mình buồn hơn và người kia
vui thì mình mới vui được.
Thật ra, chúng
ta đã ngộ nhận. Ngộ nhận vì thực ra đằng sau sự
thương yêu “quên mình” kia là hiện hữu của một
cái tôi rất lớn. Và một hệ lụy của tình yêu
thương này là sự đánh mất đi chính mình. Ta
không còn là ta nữa.
Trước
khi gặp người kia, ta hồn nhiên, yêu đời. Ta có
những sở thích và công việc ý nghĩa. Nhưng khi
yêu thương người kia, ta muốn dành trọn cho
người kia tất cả thời gian và mọi thứ (Tất nhiên
là người kia cũng phải như vậy đối với mình).
Người ta thương phải như thế này, không được làm
chuyện này chuyện kia thì mới chứng tỏ được tình
thương yêu dành cho nhau. Nhưng vô tình ta nhốt
người mình yêu và nhốt luôn cả ta vào trong
những ràng buộc, những giận hờn và ghen tuông lo
lắng.
Nếu ta đủ thông
minh và tỉnh táo để áp dụng những lời Phật dạy
thì ta có thể đạt được tình thương yêu rất sâu
sắc và mầu nhiệm. Tình thương khi được soi chiếu
bởi trí tuệ sẽ thăng hoa và mang lại rất nhiều
hạnh phúc, bình an.
Có một vị giáo
sư dạy học trò của mình bằng hình ảnh cánh tay
cầm một cái cốc nước.
Nếu ta cầm
trong vài phút thì sẽ không có vấn đề gì cả.
Nhưng thử hình dung xem tay ta sẽ ra sao nếu
phải cầm chiếc cốc ấy trong vài giờ, vài ngày
hay vài tháng? Chắc chắn cánh ta của ta sẽ đau
đớn rã rời mất. Cũng là chiếc cốc với cùng trọng
lượng như thế nhưng tại sao có thể làm tay ta
đau đớn đến như vậy? Đó là vì thời gian sẽ tăng
thêm sức nặng cho chiếc cốc. Ở đây cũng vậy,
nếu chúng ta cứ ôm mãi trong lòng mình những
thương tổn, những đau khổ, những ước vọng mong
cầu thì thời gian sẽ làm gia tăng thêm nỗi đau,
những nặng nề của ta thêm gấp bội. Vậy thì cách
thông minh nhất mà ta nên làm là hãy đặt chiếc
cốc xuống. Đặt đám mây của ta xuống. Đừng mãi ôm
đám mây với những thương đau phiền muộn. Đừng
đánh mất khoảng trời tự do của người ta thương
và cũng đánh mất khoảng trời tự do của chính
mình. Dừng lại và mỉm cười với đám mây bay.
Chăm sóc đám mây
thương tích trong ta
Một khi ta yêu
thương một ai đó khó mà biết được lý do. Có
những tình cảm không lý giải được tại sao? Tất
cả cũng là nhân duyên tác mà thành ra tất cả.
Mấy ai may mắn tìm được tình yêu thương trọn vẹn
vì chủ thể yêu thương và đối tượng yêu thương
vốn là những vũ trụ sâu thẳm và không bao giờ
đầy.
Mỗi chúng ta là
một tiểu vũ trụ. Chúng ta vẫn chưa khám phá,
chưa hiểu được hết, chưa làm chủ được bản thân
mình thì để hiểu hết một ai khác quả thật là
điều rất khó. Nếu muốn yêu thương một cách sâu
sắc ta cần trả lời hai vấn đề. Thứ nhất là chúng
ta đã biết tự thương mình trước khi thương yêu
một ai đó chưa? Chúng ta có bao giờ nhìn lại
mình, lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của mình,
cảm nhận từng bất an hay ước ao kỳ vọng, lý
tưởng của chính ta? Khi yêu thương một ai đó, ta
thường quên mất mình phải thương mình.
Thương mình
không có nghĩa là ích kỷ. Mà thương mình chính
là thương người khác một cách trọn vẹn. Làm sao
ta có thể yêu thương ai một cách trọn vẹn khi ta
vẫn còn bị những khổ đau trấn ngự? Khi ta chưa
làm chủ được những tham đắm và bất an trong ta?
Nếu có một lần nhìn lại mình, ta sẽ thấy đám mây
trong đang bị thương tích. Đám mây tươi mát
trong ta cần được băng bó lại bằng hơi thở có ý
thức, bằng nụ cười, bằng sự cảm thông và hiểu
biết chứ không phải bằng những đối tượng của sắc
dục, vật chất bên ngoài mà khỏa lấp nỗi đau,
thiếu thốn bên trong.
Những
đam mê nhất thời có thể kéo ta hành xử mà không
có sự chiếu soi của trí tuệ. Ta bị dính mắc vào
những tham đắm và gây ra tội lỗi. Chiếm hữu một
áng mây bay của riêng mình là một hành động phạm
giới. Khi chiếm hữu một đám mây tức là ta đang
tước đoạt đi tư cách tự do và thảnh thơi của đám
mây đó. Cũng vậy, khi ta chiếm hữu một ai đó (về
cả tâm hồn và thân thể) thì ta cũng đang làm một
hành động tước đoạt sự tự do của họ.
Người tu là
những người vứt bỏ hết tất cả những tham đắm thế
gian để đi theo con đường lý tưởng giải thoát
với đời sống phạm hạnh. Chiếm hữu đồng nghĩa
tước đoạt và phá vỡ đời sống phạm hạnh của một
tu sĩ và cũng đồng nghĩa với việc ta đang ngăn
cản con đường thực hiện chí nguyện Bồ đề của
người mình thương. Tình thương chân thật không
đi kèm với sự hủy hoại người mình thương. Tình
thương chân thật là sự cảm thông, nâng đỡ và
cùng chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cùng nhau
trong cuộc sống.
Ta có
mặt trong nhau
Nếu
không hiểu tính tương tức của vạn hữu thì ta có
thể bị kẹt vào cái thấy còn - mất, trong ta và
ngoài ta, thấy người thương của ta đang còn bên
mình hay rời xa mình.
Nếu ta không
thấy được trong mỗi chúng ta đều có một đám mây,
đều có sự hiện diện của sự thảnh thơi, bình an
và hạnh phúc thì khi ấy ta vẫn còn đi tìm cầu
một đám mây ở bên ngoài để mong có được chút
bình an, tươi mát của nó. Bấy lâu nay ta đã quen
trông chờ vào sự bố thí tình thương của người
khác mà không thể tự biết thương mình. Ta thấy
tâm mình còn thiếu thốn, trống rỗng và cần cái
gì đó để lấp vào cho bớt trống trãi. Nhưng càng
tìm cầu ta lại càng thấy mình trống rỗng hơn.
Trống rỗng vẫn là trống rỗng.
Mây trời cùng
bay
Ta
cũng là
một áng mây bay và ta cũng có khả năng được sống
hạnh phúc. Thương một áng mây bay thì không thể
lấy dây mà buộc ràng áng mây lại. Không được
thong dong trên bầu trời cao vợi, đám mây sẽ
không còn là đám mây mà chỉ còn là một đám khói
mờ nhạt và chóng tan biến. Thương một người thì
ta phải thương luôn cả lý tưởng của người đó.
Ngày xưa, trong đêm thái tử Shiddhārtha rời bỏ
tất cả ra đi tìm đường giải thoát, ta biết rằng
có một người tiễn đưa thầm lặng: Yaśodharā. Nhờ
tình thương vô điều kiện, sự thấu hiểu và
chí nguyện nâng đỡ lý tưởng cho người mình
thương của Yaśodharā mà thái tử của chúng ta
được an lòng đi trọn vẹn trên con đường lý tưởng
xuất gia của mình.
Vậy hãy là người
tiễn đưa thầm lặng để người mình thương được
tròn ước nguyện. Ta không lẻ loi và đám mây
không lẻ loi vì mây trời cùng bay trên bầu trời
diệu vợi. Mây trời có nhau tự bao giờ.
Thích Đồng Tâm


|