TỪ BI HỶ XẢ ĐI
VÀO XÃ HỘI
Nguyễn Thế Đăng

Từ Bi Hỷ Xả là
bốn tâm mà con người có thể phát triển đến vô
lượng (bốn vô lượng tâm) để trở thành một con
người lý tưởng, một con người toàn thiện, một vị
Phật. Ở đây, chúng ta chỉ phác qua một định
nghĩa sơ lược, vì trong kinh điển chỗ nào cũng
có nói đến, và cũng vì trong mỗi người, chúng ta
cũng có thể hình dung thế nào là Từ Bi Hỷ Xả.
Từ là tình thương
cho con người, cho chúng sanh, cho muôn vật. Bi
là lòng thương xót, trắc ẩn cho những sanh linh
đau khổ, đang bị trói buộc trong bánh xe lăn của
sanh già bệnh chết. Hỷ là lòng vui mừng khi thấy
người khác được hạnh phúc, được thành công điều
tốt đẹp. Xả là sự cởi mở, buông bỏ những kiến
chấp, thành kiến, những giận hờn để chan hòa với
mọi chúng sanh.
Từ Bi Hỷ Xả không
chỉ là thái độ đối với đời sống. Nó còn là một
sức mạnh để chuyển hóa đời sống. Chúng ta đã
biết, có lần đức Phật đã dùng lòng từ bi để
thuần hóa một con voi say được thả ra để hại
Ngài. Chuyện dùng lòng từ bi để hóa giải sự hung
dữ, mù quáng, tâm ác như vậy không hề thiếu
trong suốt cuộc đời đức Phật. Chúng ta cũng biết
các thiền sư Việt Nam ngày xưa sống ở những nơi
đấy thú dữ, cọp beo, trăn rắn, các vị đã chuyển
hóa thú vật thành ra hiền từ, thuần hậu hơn.
Qủa thật, Từ Bi
Hỷ Xả là một sức mạnh của nhân cách cao đẹp, một
thứ hương thơm vô hình của đạo đức, một sự kết
trái thầm lặng tỏa hương qua quá trình Bát Chánh
Đạo của một nhân cách chín muồi. Chúng ta thấy
điều này qua một con người hiện đại là đức Đạt
Lai Lạt Ma, dầu chỉ thấy qua ảnh chụp: ở Ngài,
luôn luôn tỏa ra một niềm hoan hỷ, lạc quan, vui
sống không vướng bận, một vẻ hiền từ khiến người
cảm mến và thích gần gũi, một sự thoải mái buông
xả, dứt bặt mọi ý niệm tranh luận hay ý định
thuyết phục... Có lẽ người Tây phương đến với
Ngài bằng chính sự hiện diện của Ngài, trước khi
đến với những pháp tu Mật tông có vẻ rắc rối và
xa lạ đối với họ.
Từ Bi Hỷ Xả không
chỉ là một quan niệm mà là sự sống. Chúng ta
thấy một nhà Lý từ bi (và thịnh vượng) qua các
câu nói, thái độ, việc làm của các vua Lý đối
với những người cùng khổ, các tội nhân đang bị
giam cầm, và danh tướng Lý Thường Kiệt “chăm lo
cho đến các cụ già” như thế nào. Có thể nói, sức
mạnh của đời Lý chính là lòng từ bi, và yếu tố
khiến cho hậu thế đánh giá triều Lý là một thời
đại cực thịnh cũng chính là lòng từ bi đó.
Bước qua nhà Trần,
chúng ta không chỉ chú ý đến việc đời Trần đã
đánh thắng quân Nguyên-Mông, mà còn là không khí
văn hóa thời ấy. Đó là tinh thần lạc quan vui
sống (Hỷ) của vua quan và dân chúng đời Trần,
tinh thần khoan dung, không cưu mang mối thù hận
giữa các cá nhân, do hoàn cảnh gia đình tạo ra
là Trần Liễu và Trần Thái Tông, giữa Trần Hưng
Đạo con của Trần Liễu và Trần Quang Khải con của
Trần Thái Tông. Tâm khoan dung tha thứ đó còn mở
rộng ra với kẻ địch đã mấy lần tàn phá thủ đô
Thăng Long, bằng việc thả tất cả các tù binh
giặc về phương Bắc, thậm chí vua Nhân Tông còn
cho đốt hết các thùng tài liệu ghi tên các người
có mối liên lạc với giặc hoặc định đầu hàng theo
giặc, mà không hề xem qua. Bởi thế, đời Trần
không chỉ được ghi vào lịch sử như một thời đại
hào hùng nhất, mà còn để lại dấu ấn nhân văn đậm
nét mang tính chất Việc Nam:
hùng
dũng mà khoan thứ, độ lượng; đoàn kết keo sơn mà
không cuồng tín, tự cao tự đại để rơi vào chủ
nghĩa quốc gia hep hòi (sự thương thuyết
với Chiêm Thành để có hai châu Ô, Lý và nền hòa
bình Chiêm- Việt càng nói lên điều đó).
Nhìn lại trong
kho tàng ca dao, trong tính cách của các nhân
vật lich sử mà ai cũng biết như Lý Thánh Tông,
Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo,
Trần Quang Khải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du… , chúng ta có thể thấy cái tinh thần
Từ Bi Hỷ Xả thấm nhuần sâu xa trong đáy lòng dân
tộc như thế nào, để có thể nói được rằng Từ Bi
Hỷ Xả là một phần trong nhân cách của dân tộc
Việt.
Khi nói đến Từ Bi
Hỷ Xả trong xã hội hiện nay, có lẽ có người cho
rằng đó là phạm trù đạo đức, đâu có liên quan gì
đến thời đại siêu kỷ nghệ này. Cứ tạm cho Từ Bi
Hỷ Xả chỉ là những tiêu chuẩn đạo đức, không
phải là sức mạnh của chính đời sống, thì chúng
ta cũng phải thấy rằng ý muốn phục hồi, làm sống
lại những giá trị đạo đức ở một nước đứng hàng
đầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật như nước Mỹ, có
ý nghĩa như thế nào trong những năm cuối của thế
kỷ 20 này. Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã làm
nhiều việc để làm sống lại nền đạo đức từng đưa
nước Mỹ đến chỗ thịnh vượng, theo như nguyện
vọng của một số trí thức nhìn rõ vấn đề. Ông đã
đến Hollywood để nói với giới sản xuất phim ảnh
rằng, nước Mỹ cần giảm đi những loại anh hùng
bạo lực, để thay thế bằng những người hùng nhân
tính, và ông đã soạn một dự luận liên bang về
tôn giáo ở học đường. Một nước Mỹ đã lãng quên
đi vấn đề đạo đức để chạy theo lợi nhuận kinh tế,
ưu thế về quân sự, nay đã nhìn thấy xã hội hậu
công nghiệp của họ không thể thiếu nền tảng đạo
đức, thế thì chúng ta có thể bỏ qua cái phần cốt
lõi trong văn hóa truyền thống là Từ Bi Hỷ Xả
trong giai đoạn mới bước vào xã hội công nghiệp
hay sao?
Quả thật, một xã
hội dầu được tổ chức siêu đẳng bao nhiêu, mà
không có tình thương và lòng trắc ẩn, sự hoan hỷ
va lòng khoan thứ, thì đó chỉ là một bộ máy vô
nhân tính tinh vi và khổng lồ, trong đó con
người đánh mất chính bản thân mình và rơi vào
cái cảm thức cô độc bất an của người Âu Mỹ hiện
đại: sự ích kỷ cá nhân, sự bơ vơ và bất an, sự
nghèo đói về tinh thần, sự cô lập, thấy mình
không có một tương quan nào với đồng loại và
thiên nhiên, sư chạy đua cạnh tranh khốc liệt về
tiền bạc, danh vọng và quyền lực bất chấp người
khác… kết quả là một xã hội dư thừa vế vật chất
mà thiếu thốn chỗ trú thật sự cho con người, một
xã hội đặt thành công vật chất lên trên hết đã
làm khô kiệt và khủng hoảng con người. Đó là
“một cơn ác mộng phòng lạnh”, như lời nhà văn Mỹ
Henry Miller đã nói cách đây nửa thế kỷ.
Sự tổ chức cao độ
chỉ là hình thái, hình thức tinh vi của một xã
hội, nếu thiếu vắng cái nội dung là lòng từ bi
thì thật bi thảm biết bao: một số nước tiên tiến
có rất nhiều viện dưỡng lão trang bị tối tân,
nhưng người gìa không chỉ cần viện dưỡng lão; họ
cần sự chăm sóc, tưởng nhớ của thân nhân hơn là
những ngôi nhà quá đủ tiện nghi và dư giả cô đơn
để chờ cái chết. Cũng thế, tai nạn giao thông về
hình thức là sự thiếu hiểu biết luật lệ, nhưng
nội dung của nó là sự phóng nhanh vượt ẩu, không
tôn trọng kẻ khác, coi thường sinh mạng người
khác, tóm lại là thiếu lòng nhân từ.
Trong thời đại
ngày nay, chúng ta mới thấy từ bi là quan trọng
đến dường nào: chưa bao giờ trái đất sản xuất
thực phẩm dư giả đến như vậy, hệ thống phân phối
nhanh chóng đến như vậy, nhưng cũng chưa bao giờ
con người
trực tiếp thấy trên TV hàng triệu người chết đói
đến như vậy. Chưa bao giờ thế giới có nhiều
thương thuyết gia với đầy đủ phương tiện để tiếp
xúc với nhau đến như vậy, nhưng cũng chưa bao
giờ chiến tranh, khủng bố cứ bùng nổ, dai dẵng
không thể chấm dứt như thế. Và có lẽ cũng chưa
bao giờ chúng ta thấy chân lý tình thương của
đạo Phật lại sáng tỏ đến thế: hận thù không thể
xóa bỏ hận thù, hận thù chỉ chồng chất thêm hận
thù, bạo động chỉ làm tăng thêm bạo động, chỉ có
tình thương mới làm tan biến vĩnh viễn hận
thù.
Khi không có tình
thương và lòng trắc ẩn, không có sự vui mừng
trước thành công của kẻ khác, không có lòng hỷ
xả với nhau, thì thế giới dù có được tổ chức
tinh xảo đến đâu, cũng chỉ là một môi trường để
con ngươi xâu xé lẫn nhau, xâu xé bằng pháp luật
tinh vi, bằng những định luật kinh tế, bằng
những phát minh khoa học vượt trước người khác,
bằng sự quảng cáo thông tin áp đảo kẻ khác…, tóm
lại là bằng mọi phương tiện văn minh. Nhưng một
nền văn minh thật sự, theo đạo Phật và quan điểm
của minh triết phương Đông, chỉ có từ nơi sâu
thẳm của lòng người, từ suối nguồn Từ Bi Hỷ Xả,
suối nguồn nâng cấp con người vượt lên thân phận
thú vật của mình, để trở nên ngày càng toàn
thiện.
Như Heidegger
triết gia hiện đại của phương Tây, đã nói: chính
trong hiểm nguy hiểm họa, con người mới nhìn
thấy sự cứu thoát và giá trị của sự cứu thoát.
Thực thế, chính trong những thập niên cuối cùng
của thế kỷ 20 này, trải qua biết bao cuộc chiến
tranh và khủng hoảng căn để của xã hội, con
người mới bớt huênh hoang và nhận ra nỗi khốn
khổ bất hạnh của mình. Nỗi khốn khổ không trừ
một ai, kẻ giàu cũng như kẻ nghèo, phát triển
hay chưa phát triển, người nhận viện trợ cũng
như người viện trợ, da trắng cũng như da màu… và
cũng chính từ nỗi khốn khổ đó, con người mới
nhận ra đâu là sự cứu thoát của mình, đó là chân
lý muôn đời của đạo Phật: Từ Bi Hỷ Xả.
Không nghi ngờ gì,
Từ Bi Hỷ Xả là sự lành mạnh của một xã hội.
Thiếu cái nội dung là Từ Bi Hỷ Xả thì một xã hội
giàu hình thức được tổ chức cao cấp đến đâu cũng
lâm vào khủng hoảng. Đến bây giờ, người ta mới
thấy tính toán sự tiến bộ của một nước mà chỉ
tính bằng GDP (lợi tức bình quân thu hoạch trong
năm của một người dân) là một sự thiếu sót căn
bản, không chỉ là mức sống mà phải là chất lượng
sống, không chỉ là lợi tức mà còn là dân trí, sự
an vui và giá trị của cuộc sống, trong đó, cái
cốt lõi là Từ Bi Hỷ Xả. Chúng ta thấy, năm 1995
vừa qua được UNESCO chọn làm “năm của lòng khoan
dung”, điều đó cho thấy khoan dung (là một phần
của tâm xả) vẫn còn là một mục tiêu chưa với tới
được của nhân loại.
Từ đó có thể thấy
ra, Từ Bi Hỷ Xả không phải là một cái gì đã
thuộc về quá khứ cha ông, trái lại nó là một cái
đích phát triển của nhân loại.
Phước đức thay, từ 2000 năm nay, Từ Bi Hỷ Xả qua
sự bồi dưỡng của đạo Phật, đã thấm nhuần vào máu
huyết và tâm hồn dân tộc, tạo thành nhân cách
dân tộc, đến nỗi mỗi người Việt chúng ta tự thâm
sâu ai cũng có thấy có chút ít phần của chúng.
Đó là một gia tài vô giá, sống động mà lặng lẽ,
mà lịch sử truyền lại cho mỗi chúng ta. Nó không
phải là một danh từ, một khẩu hiệu, mà là một
thực tại sống động, dầu nhỏ nhoi, trong mỗi
chúng ta. Phải chăng, nhờ sự thực hành cụ thể
của đạo Phật mà chúng ta mới giải phóng được
tiềm năng của nó, để nó không còn là một ý niệm,
một lý tưởng giá trị văn hóa, mà là hiện thực
thành một sự sống quyết định cuộc đời của từng
cá nhân cũng như vận mệnh của dân tộc ?
NGUYỄN THẾ ĐĂNG


|