ĐẠO PHẬT & CON
NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Nguyễn Thế Đăng

Suốt hai ngàn năm,
đạo Phật đã đóng góp cho đất nước VN trong hầu
hết các lãnh vực của đời sống, để có thể nói
rằng đạo Phật là một sức mạnh thúc đẩy giòng
chảy của sinh mệnh VN. Chỉ kể vài tên tuổi quen
thuộc được đặt tên cho các con đường khắp nước
cũng đủ nói lên điều đó: Đinh Tiên Hoàng và quốc
sư Khuông Việt, Lê Đại Hành, thiền sư Vạn Hạnh
và Lý Công Uẩn, hai người lập ra đời Lý và thủ
đô Thăng Long – Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Trần
Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Qúi Đôn…
Trong quá khứ,
đạo Phật đã góp nhiều cho sức sống VN như thế,
và bây giờ, trong thời hiện đại, trong những
lãnh vực của đời sống xã hội, mà có những lãnh
vực mới xuất hiện với đời sống con người, đạo
Phật có thể có những đóng góp gì, ảnh hưởng gì,
điều chỉnh gì trong sự nhập thế của mình? Đạo
Phật hiện diện và ảnh hưởng trong những lãnh vực
của đời sống như thế nào? Sau đây chúng ta xét
qua một vài lãnh vực quan trọng:
Về văn
hóa: Đạo Phật là con đường thực hiện sự toàn
Chân, toàn Thiện, toàn Mỹ cho con người. Con
người toàn thiện và toàn diện là mục tiêu mà đạo
Phật hướng dẫn con người đạt đến. Vì thế, ngày
nào con người còn bất toàn, còn khao khát phát
triển tự thân để trở nên toàn thiện và toàn diện,
ngày đó đạo Phật còn phát triển. Hiện giờ, không
kể những hình thái chính trị khác nhau, những
mức sống kinh tế cách biệt nhau, đạo Phật là một
nền văn hóa sống động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến
hàng tỷ người trên khắp các châu lục.
Như ở
nước Mỹ, một nước có nền khoa học kỹ thuật và
đời sống giàu có vào loại bậc nhất, từ ngày bắt
đầu làm quen với một vài thiền sư Nhật Bản đầu
tiên qua Mỹ, đến những cuộc hội thảo khoa học
như hội nghị về “Thiền và phân tâm học” giữa
thiền sư DT Suzuki và các chuyên gia tâm lý học
bậc nhất của Tây phương như Erich Fromm vào
những năm 50, đến nay, hầu hết các đại học Mỹ
đều có ngành Phật học, và trong dân chúng, phong
trào Phật học đã lên cao, chỉ tính riêng về PG
Tây Tạng đã có hàng chục ngàn cuốn sách in tại
Mỹ, tuần nào cũng có những buổi thuyết pháp của
PG Tây Tạng ở Mỹ. Con số người Mỹ xuất gia đã
không còn là vài chục như cách đây gần nửa thế
kỷ. Càng có nhiều vị trí thức của mọi ngành nghề
trong xã hội đến với đạo Phật, thậm chí các ca
sĩ nhạc rock, các tài tử điện ảnh khi tuyên bố
mình là Phật tử cũng không làm ai ngạc nhiên như
trước kia. Đạo Phật đã và đang phát triển ở một
nước hậu công nghiệp như thế, thì ở nước ta, với
truyền thống đã có đạo Phật từ lâu, đang bước
trên con đường công nghiệp hóa, thì sự nẩy nở
của nền văn hóa PG phải là điều hiển nhiên. Có
thể nói rằng, ở nước ta, đạo Phật là cái gạch
nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nền văn
minh nông nghiệp và nền văn minh công nghiệp và
hậu công nghiệp. Nếu thiếu mất dòng văn hóa
truyền thống đó, thì nước ta sẽ hóa rồng, sẽ
tiến lên văn minh công nghiệp, nhưng rồi chỉ trở
thành một nước công nghiệp như bất kỳ nước công
nghiệp nào khác mà không còn cái bản sắc, cái
linh hồn của ông cha của thời lập quốc Lý Trần.
Những nhà lãnh đạo của các nước châu Á đang hô
hào nước mình hãy giữ lấy những giá trị truyền
thống của châu Á, đừng để rơi vào sự mất đi
những giá trị truyền thống của con người và rơi
vào khủng hoảng như phương Tây. Trong sự giữ gìn
những giá trị của con người, chắc chắn đạo Phật
là một sức mạnh bền vững có khả năng, có thực
lực để làm được nhiệm vụ khó khăn ấy, trước cơn
lốc của văn minh vật chất cao độ. Tiện đây cũng
xin nói thêm rằng chúng ta không những đang lạc
hậu về công nghiệp, về kinh tế, về văn minh vật
chất, mà ngay trong lãnh vực văn hóa, ngay trong
cái gọi là văn hóa truyền thống Tam giáo đồng
nguyên mà đạo Phật là chủ đạo, ngay trên mảnh
đất truyền thống đó của chúng ta, chúng ta cũng
đang nghiên cứu cội nguồn văn hóa để định hình
sự phát triển so với sự nghiên cứu Phật học vừa
rộng vừa sâu của một số nước tiên tiến như Anh,
Pháp, Đức, Mỹ… chẳng hạn. Chúng ta không chỉ
thua người trong cái sở trường của người, mà
chúng ta còn thua người trong chính cái vốn là
sở trường của chúng ta. Đó là điều bức xúc cho
không chỉ riêng giới Phật tử, mà cho tất cả mọi
người VN chúng ta trong thời đại này.
Về xã
hội: Đạo Phật không chỉ chia sẻ cái công
việc của nhân loại là thực hiện xã hội hòa bình,
thịnh vượng, công bằng bình đẳng, mà còn ra sức
xây dựng một xã hội lấy điều thiện làm lẽ sống,
lấy điều thiện làm sức mạnh tự thân cho tiến bộ
cả vật chất lẫn tinh thần của mình, lấy điều
thiện điều động sinh hoạt xã hội cũng như cá
nhân, lấy điều thiện làm phương tiện và mục đích
tiến hóa cho con người như vốn dĩ sự tiến hóa
tất yếu của con người là phải trở nên hoàn thiện
và toàn diện. Sự sống bằng điều thiện và cho
điều thiện đó, được đức Phật lập đi lập lại
nhiều lần trong kinh điển: “Pháp Phật là pháp
trước thiện, giữa thiện và sau rốt đều thiện” (sơ
trung hậu thiện), “hãy làm bạn với đều thiện”.
Sức mạnh của văn minh PG chính là điều thiện vậy.
Về đạo
đức: Như chúng ta đều biết, hiện nay nước ta
cũng như trên thế giới, đạo đức đang sa sút.
Đạo đức PG đặt căn bản trên định luật nhân quả
và nghiệp báo. Bởi thế, đạo Phật lý giải mọi
thịnh suy, hạnh phúc và khổ đau của con người
trong hiện tại đều là kết quả của nghiệp báo,
đặt con người ở vị trí chủ nhân của mọi hành vi
thiện ác và chịu trách nhiệm về nghiệp báo của
mình trong tương lai. Trước câu hỏi “tại sao
phải làm điều thiện?”, đạo Phật trả lời giản dị
là phải làm điều thiện để được hưởng quả thiện,
như tổ tiên chúng ta vẫn nói “ở hiền gặp lành”.
Trong khi đó, với sự tiến bộ cao tột của mọi
ngành khoa học và triết lý trên thế giới hiện
nay, trước những câu hỏi tại sao có sự xui rủi
và may mắn, tại sao phải nên làm điều thiện
tránh điều ác, sự tiến bộ ấy hiện giờ vẫn không
có cách gì giải đáp. Trước một câu hỏi giản dị
tại sao phải làm điều thiện tránh điều ác, tất
cả đều lúng túng bí lối. Từ đó chúng ta thấy ra
một điều là hàng ngàn năm nay, nhân loại vẫn kêu
gọi làm điều thiện, vẫn cổ vũ đạo đức, nhưng
thật ra đạo đức nhân loại từ hàng ngàn năm nay –
trừ đạo Phật – đều không có nền tảng, không có
một định luật công bằng phổ quát nào để làm căn
cứ cho sự tự giác đạo đức của mình cả. Sự thiếu
vắng một nền tảng, một định luật chung cho mọi
hành vi của con người là nguyên nhân của tính
cách màu mè, không hiện thực, không hiệu lực của
mọi thứ luân lý do trí óc con người bày vẽ ra.
Chính vì không có một nền tảng đích thực cho một
nền đạo đức tự giác mà mọi lời kêu gọi đạo đức
đều trở nên vô ích, con người vẫn tiếp tục sa
đọa, tiếp tục bắn giết nhau, cướp bóc nhau, dối
gạt nhau, quan hệ bất chính với nhau như chúng
ta đang thấy trên truyền hình thế giới hàng ngày.
Thiếu vắng nền tảng cho một nền đạo đức tự giác,
đó là lý do chính yếu cho sự mất phương hướng
đạo đức hiện nay trên thế giới.
Từ lý do
trên, chúng ta mới thấy tại sao ngày xưa vua
Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã đi khắp xóm
làng để dạy cho dân chúng về Thập Thiện, và dầu
ngày nay xã hội đã đổi thay, nhưng định luật
nhân quả không vì thế mà biến đổi.
Về đời
sống hiện đại hóa:
Như trên đã nói, đạo Phật không chướng ngại đối
với khoa học kỹ thuật nói riêng, và với đời sống
hiện đại hóa nói chung. Với khoa học, thậm chí
đạo Phật còn là nguồn cảm hứng cho khoa học hiện
đại. Những tác phẩm kinh tế, vật lý lấy ý tưởng
từ Phật giáo như Buddhist physics, Buddhist
economics xuất hiện không chỉ là một hai cuốn.
Hoặc như riêng VN, nhà vật lý thiên văn Trịnh
Xuân Thuận – một trong hai người VN nổi tiếng
được Tổng thống Pháp Mitterand mời theo trong
chuyến thăm VN lần đầu sau chiến tranh – đã viện
dẫn đến PG, khi ông bác bỏ quan niệm thời gian
theo đường thẳng của triết học Tây phương để nêu
lên quan điểm của khoa học hiện đại giống như
cái nhìn của PG: thời gian là một vòng tròn vô
thủy vô chung, trong cuốn sách L’harmonie
secrète (Sự hòa điệu bí mật ) của ông.
Đối với
việc hiện đại hóa, kinh nghiệm của các con rồng
châu Á là hiện đại hóa trên nền tảng văn hóa
truyền thống, bởi thế mà Nhật Bản, Nam Triều
Tiên, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai… đều
được hiện đại hóa mà không mất đi những giá trị
truyền thống. Khác với Âu Mỹ, hiện đại hóa không
định hướng trước đã làm nhạt đi những giá trị
truyền thống như gia đình, tính liên đới giữa
con người, sự hy sinh, lòng yêu nước, niềm tin
vào cuộc sống, lẽ sống trong cuộc đời… Sự kêu
gọi của các nhà lãnh đạo Tây phương rằng dân
chúng cần phải phục hồi các giá trị căn bản của
con người là một điều khiến các nước sắp vào
hiện đại hóa như chúng ta phải suy nghĩ.
Bài học
lớn của châu Á là văn hóa truyền thống không chỉ
cần được bảo trì, mà chính văn hóa truyền thống
là một động lực cho sự phát triển nhanh và đúng.
“Văn hóa
đó là sự tự hào của châu Á, chúng ta phải phát
triển trong các giá trị của châu Á”, đây là
lời phát biểu của cựu thủ tướng Singapore Lý
Quang Diệu với giới báo chí Sài Gòn đầu tháng
2/1995. Đó là hướng đi và là sự thành đạt của
một số nước quanh ta. Trung Quốc nước đổi mới
trước ta, nhưng sau một số nước, “con rồng” khác,
năm 1994 đã tổ chức một hội nghị quốc tế về “Nho
giáo và thế kỷ 21”. Tất cả bản sắc của nền văn
hóa châu Á mà thiên hạ đang “chộn rộn” bảo trì,
cổ vũ đó vẫn đầy đủ nơi đời sống đất nước ta, đó
là một điều vô cùng may mắn.
Gần đây, chúng ta
thấy các nhà kinh tế thường hay đề cập đến mối
tương quan biện chứng giữa kinh tế và văn hóa,
tính nhân văn và kinh tế, tính đạo đức và kinh
tế. Không thể có nền kinh tế mạnh nếu không có
trình độ nhân văn cao, tư cách đạo đức kinh tế.
Từ đó chúng ta có thể thấy sự đóng góp của đạo
Phật vào thời điểm hiện nay: đạo Phật từ xưa đến
nay và mãi về sau luôn luôn tập trung vào chủ đề
“sống làm sao để thực sự lợi ích cho mình và cho
người”. Đạo Phật có tiềm năng lớn lao, sẵn sàng
cung cấp những đức tính cho một con người hiện
đại: tính sáng tạo, cái nhìn khai phóng không
hạn cuộc, sự kỹ luật, tánh kiên trì, ý thức đoàn
kết, lòng trung thực, ý thức phục vụ phụng sự xã
hội, ý thức trách nhiệm trong ý nghĩa làm người…
Trong thời đại mới, con người cần nhấn mạnh vào
những giá trị mới. Những giá trị ấy đạo Phật có
thể xiển dương và khai thác cho con người, vì
đạo Phật luôn luôn quy chú vào con người toàn
diện. Sự khai thác những giá trị vốn tiềm tàng
ở nơi con người cho phù hợp với thời đại mà ta
gọi là những giá trị mới ấy là khả năng của đạo
Phật, như nó đã từng khai thác những giá trị con
người, phát huy chúng cho phù hợp với nhu cầu
của lịch sử để tạo ra hai triều đại Lý - Trần
rực rỡ trong quá khứ.
Tóm lại, đạo Phật
cung cấp cho chúng ta phương tiện là “con người
để thực hiện hiện đại hóa” đồng thời cả mục đích
là “một xã hội hiện đại hóa cân bằng giữa vật
chất và tâm linh”. Khác với phương Tây, mà hiện
đại hóa chỉ có nghĩa là vật chất hóa, cho nên
khi một xã hội tiến bộ rồi, người ta mới thấy sự
thiếu vắng của tâm linh, của những giá trị tinh
thần, đó là lý do những khủng hoảng, những hỗn
loạn, những đam mê quá trớn và những chán chường,
sự mất niềm tin trong xã hội Tây phương, cũng là
lý do khiến Đông phương được đón mời một cách
nồng nhiệt ở Tây phương. Hiện đại hóa với Đông
phương, nhất là đối với đạo Phật, đó là xã hội
cân bằng giữa vật chất tâm linh ngay từ bước
khởi đầu cho tới đích đến, vật chất tiến tới đâu
tâm linh phải tiến tới đó. Việc tránh lỗi lầm
của Tây phương chỉ giản dị có vậy, và tuy là
giản dị, nhưng nếu không có thực lực của đạo
Phật đóng góp vào sự phát triển hiện đại như là
nguồn lực lớn nhất còn sống động của văn hóa
truyền thống, thì mục đích giản dị đó hầu như
trở thành bất khả. Và rồi có ngày chúng ta cũng
la làng lên như các nước Tây phương về đứa con
“xã hội kỹ trị thiếu nhân tính” của mình mà thôi.
Chúng ta phải
lo bản vẽ cho một xã hội tương lai ngay từ đầu,
đừng để xây xong một cao ốc bê tông kiên cố rồi
thấy ra những thiếu sót, không ưng ý, có muốn
sửa đổi cũng không biết làm sao đập bỏ hoặc xây
thêm như thế nào, như hoàn cảnh nhiều nước hậu
công nghiệp gặp phải.
Ở trên,
chúng ta phác qua một vải lãnh vực, còn nhiều
lãnh vực khác chưa được nói đến, với một vài ý
kiến sơ lược, nhưng cũng cho chúng ta thấy sự
cần thiết phải đóng góp của đạo Phật cho đất
nước, sự cần thiết phải xem như một trách nhiệm
của những người con Phật vào sự xây dựng và phát
triển xã hội hiện đại. Phải chăng chính qua sự
đóng góp mà đạo Phật càng khơi thêm được sức
sống của mình từ nguồn sống muôn đời của Từ bi
và Trí huệ. Đóng góp cho đời trong tất cả mọi
hình thái của đời sống, đó là lý do tồn tại và
sức sống của đạo Phật. Đó cũng là ý nghĩa cuộc
đời của mỗi người con Phật.


|