TƯ DUY VỀ THƯỢNG ĐẾ 

Trần Thế - Huệ Trí

 

Tư duy để biết rõ hơn.

Biết từ cây sậy, biết luôn người - trời.

Có triết lý tức có triết gia. Trong đó có Pascal (1623-1662). Tư tưởng của triết gia nầy có câu để đời "L’homme est un roseau pensant” (con người là một cây sậy biết suy nghĩ). Nghe qua câu ấy, có ai nghĩ rằng "con người không biết suy nghĩ là một cây sậy"?

Hình ảnh nào tiêu biểu cho tư tưởng của Pascal cho bằng họa phẩm của danh họa Auguste Rodin (1840-1917). Đó là tác phẩm có tên "penseur" mà hình đã được chọn để ở trang bìa của Lều Xưa. Muốn biết rõ về họa phẩm nầy, các bạn chỉ cần tìm trên internet với từ khóa penseur.

Có ai mà không suy nghĩ. Nên chẳng có ai là cây sậy cả. Chỉ khác nhau ở chỗ là khi suy nghĩ thì hai tay chắp lại hay chống cằm, và nếu chống cằm thì lụy có rơi hay không mà thôi. Chính nhờ suy nghĩ mà con người biết Thượng Đế từ đâu mà có?

Ngày nào Voltaire (1694-1778) còn được nhắc đến thì ngày đó người ta còn biết Thượng Đế từ đâu mà có qua câu nói để đời của ông: "Si Dieu n'existait pas, il faudrait l'inventer” (Nếu không có Thượng Đế thì hãy tạo ra Thượng Đế). Qua tư tưởng nầy tự khắc người ta phải hiểu: chính con người tạo ra Thượng Đế chứ chẳng phải Thượng Đế tạo ra con người. Nói cách khác, con người là Đấng Tạo Hóa của Thượng Đế. Đấng Tạo Hóa thế nào thì Thượng Đế thế đó. Còn gì tài ba và sung sướng cho bằng tạo ra được Thượng Đế như đã tạo ra những máy robot để phục dịch cho đời sống vật chất của con người và luôn cả cho con vật. Cũng như người máy, Thượng Đế được tạo có chất lượng tốt hay không là tùy theo người thợ vụng về hay khéo tay. 

y phương được văn minh nhờ có nhiều khoa học gia và triết gia. Khoa học gia áp dụng định lý toán học để chế ra robot, còn triết gia dùng triết lý để nói lên khả năng của con người còn có thể tạo ra được Thượng Đế. Đó là một robot đa dụng không sắc tướng rất cần thiết và cũng rất nguy hiểm như công thức E=mc² chế bom nguyên tử sau khi đã được tạo ra. Cần thiết vì con người vốn yếu đuối cần có chỗ dựa nương, nguy hiểm vì sau khi có chỗ dựa con người muốn đi xa hơn nữa do bởi lòng tham không đáy - mà tham là khổ. Chẳng phải tạo ra được Thượng Đế hay không. Tựa như một người cần có cái ghế dựa lưng để ngồi, lại đứng trên cái dựa lưng để lấy đồ trên cao. Chưa lấy được gì thì ghế đã ngã và người bị té đau. Ai đứng cạnh bên cũng bị té trúng, đau lây.

Bạn đang suy nghĩ? Vậy bạn là một Penseur và bạn cũng có thể tạo ra được một Thượng Đế cho chính mình, như trong kinh Phật có thuyết vô lượng chúng sanh vô lượng Phật. Tư tưởng nầy nói lên tánh bình đẳng tuyệt hảo giữa chúng sanh và Phật, không như giữa con người và Thượng Đế luôn luôn có một khoảng cách không tưởng. 

Cũng như bao nhiêu người khác, dù muốn hay không tôi cũng là một penseur. Một penseur bất đắc dĩ không hề nghĩ đến chuyện tạo ra một Thượng Đế khi biết mình luôn luôn bận rộn với điều "làm sao để khỏi bị rơi vào sự tranh giành đời vật chất vốn luôn vô thường khi chưa diệt được vô minh". Theo bạn, tạo ra một Thượng Đế để dùng và diệt bỏ vô minh, tham sân si thì đằng nào khó hơn? Muốn biết, chỉ còn cách là tư duy. Đó là cách mà Đấng Giác Ngộ đã dùng khi ngồi thẳng lưng ở cội Bồ Đề. Từ đó mà có kinh điển để lại cho trần thế.

 

         France, tháng 11 năm 2010

         Trần Thế, T², Pd. Huệ Trí ( tranthezen@yahoo.fr )

             

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008