NHÌN LẠI
THỜI KỲ TIỀN CHẤN
HƯNG PHẬT GIÁO
(từ năm 1849 đến
năm 1928)
Trần Tri Khách
Việc
chỉnh đốn Tăng già là nhu cầu thường xuyên trong
suốt lịch sử Phật giáo nước ta, thời loạn cũng
như thời thịnh trị. Thời loạn thì có những thanh
niên mượn chốn Thiền môn để trốn tránh việc quân
và việc hành trì giới luật tại những chùa nhỏ
khó có thể thực hành nghiêm chỉnh. Không kể còn
có thể có những thành phần bất hảo ẩn thân trong
chùa để tránh sự truy nã của triều đình. Thời
thịnh trị thì thịnh quá hoá loạn, khó mà tránh
khỏi cảnh lợi dụng Thiền môn để mưu cầu tư lợi
hay tham vọng chính trị. Cho nên việc chấn chỉnh
Phật giáo đã được thực hiện nhiều lần trong lịch
sử.
Trước thế kỷ 20,
chủ yếu là sự thanh lọc để loại bỏ những thành
phần bất xứng trong hàng ngũ Tăng sĩ do các
vương quyền thực hiện, hoặc dựa vào tờ biểu của
các nho gia vốn không ưa gì Phật giáo như Đàm Dĩ
Mông (năm 1209, triều Lý Cao Tông), hoặc do đề
nghị của cấp lãnh đạo Giáo hội như Pháp Loa (tổ
thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm đời nhà Trần)
trong thời kỳ 1308-1311. Từ thời Lý Trần, hầu
như triều đại nào trên đất nước ta cũng có ít
nhất một lần thanh lọc để triều đình kiểm soát
hàng ngũ Tăng già trên quy mô cả nước.
Tuy nhiên, nếu
hiểu chấn hưng nghĩa là chấn chỉnh sửa sai những
mặt tiêu cực và làm cho hưng thịnh những mặt
tích cực thì việc chấn hưng Phật giáo tạo thành
phong trào quần chúng ở nước ta chỉ xảy ra ở đầu
thế kỷ 20. Có hai yếu tố đáng lưu ý:
1- Có tính cách
tự phát, do giới Tăng sĩ và cư sĩ phối hợp thực
hiện tại cả ba miền của đất nước để chấn chỉnh
lại tình trạng suy đồi của Phật giáo trong giai
đoạn đất nước mất chủ quyền vào tay người Pháp.
2- Phong trào ra
đời hoà nhịp với phong trào chấn hưng Phật giáo
thế giới do đại đức người Tích Lan Dharmapala
khởi xướng đầu thế kỷ 20 với sự hỗ trợ tích cực
của đại tá Henry Steel Olcott (người Mỹ đã vẽ
kiểu lá cờ Phật giáo) và Sir Edwin Arnold (thi
sĩ người Anh tác giả bài thơ The Light of Asia).
Sau đó tại Trung Quốc từ năm 1912 sư Thái Hư
phát động khẩu hiệu “cách mạng giáo lý, cách
mạng giáo chế, cách mạng giáo hội”. Phong trào
cách mạng Phật giáo tại Trung Quốc của sư Thái
Hư tạo được ảnh hưởng đáng kể, tuy khá muộn màng,
trong giới Tăng sĩ nước ta khiến họ dần dần
chuyển động đồng bộ và chấp nhận phối hợp với
giới cư sĩ tân học, tạo được hiện tượng tứ chúng
đồng tu, tứ chúng hòa hợp.
Có một điều cần
nói rõ: phong trào chấn hưng Phật giáo nước ta
không thể được coi như một bản sao của Phật giáo
Trung Quốc. Nó được thúc đẩy do ảnh hưởng của
nhiều cuộc vận động cải cách mà quan trọng nhất
là phong trào tân học do các nhà nho Duy Tân như
Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu khởi
xướng năm 1905-1906 tại Quảng Nam và các tỉnh
nam Trung Kỳ. Chính những cuộc vận động cách
mạng văn hoá, xã hội và chính trị của các nhà
nho Duy Tân đã mở lối cho giới Tăng già nước ta
đa số còn nặng đầu óc thủ cựu, thấm đạt dễ dàng
hơn các khẩu hiệu cách mạng mà sư Thái Hư đề
xướng ở Trung Quốc vào thập niên 1910.
Trong tiến trình
dẫn tới sự hình thành phong trào chấn hưng Phật
giáo trên cả ba miền đất nước, đã xuất hiện những
sự kiện tác động ít nhiều trên đời sống tâm linh
của quần chúng:
- Tháng 2/1861 đô
đốc Charner thống lãnh quân Pháp đánh chiếm đồn
Kỳ Hoà ở Gia Định. Sau đó quân Pháp trưng dụng 4
chùa danh tiếng của Gia Định thành là chùa Khải
Tường, Cây Mai, Kiểng Phước và chùa (đền) Hiếu
Trung (Pagode des Mares) để thành lập phòng
tuyến Lignes des Pagodes (phòng tuyến các chùa).
Tượng Phật bị lôi ra ngoài, Tăng sĩ bị đuổi khỏi
chùa. Sau đó chùa Khải Tường (từng được sắc
phong là Quốc Ân Khải Tường) bị quân Pháp biến
thành trường học. Chùa Kiểng Phước tới năm 1866
chỉ còn là vài thanh gỗ mục. Đền Hiếu Trung còn
lại vài bức tường nằm trong khu doanh trại của
quân Pháp. Cho tới năm 1865, quân Pháp triệt hạ
hầu hết các chùa lớn, chỉ để lại các chùa nhỏ
trong ngõ hẻm ở Gia Định Thành. Tháng 6/1867,
quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, lập chánh
quyền bảo hộ trên toàn Nam Bộ. Ngày 7.8.1867 cụ
Phan Thanh Giản tuẫn tiết bằng thuốc độc.
Nhà cầm quyền bảo
hộ Pháp bắt các Tăng sĩ đi lính hoặc đóng thuế
thân. Các chùa muốn tổ chức an cư kiết hạ (trường
hương) phải xin phép trước. Bản phúc trình chép
tay Monographie de la Province de Gia Dinh của
J. Ch. Balencie năm 1899 cho biết: Gia Định lúc
đó có 305 chùa (trong đó có 43 chùa ngươi Hoa),
tu sĩ có 82 Tăng, 49 ni, Phật tử có 211,194
người. Như vậy trên phân nửa số chùa còn lại sau
chiến tranh không có Tăng ni coi sóc.
- Tháng 11/1883,
quân Pháp đánh Bắc Kỳ. Họ chiếm đóng và triệt hạ
nhiều chùa tại Hà Nội. Ngày 6/6/1884, triều đình
Huế ký hoà ước Patenôtre với Pháp chia nước ta
làm 3 phần: Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, Trung
Kỳ (từ Bình Thuận tới Thanh Hoá) và Bắc Kỳ chịu
quyền bảo hộ của Pháp nhưng dưới hai chế độ cai
trị khác nhau. Năm 1889, Pháp phá hủy một ngôi
chùa lớn 150 gian là chùa Quan Thượng sau khi đã
sung công làm kho của cục quân nhu Pháp một thời
gian. Chùa Quan Thượng trước đây được tổng đốc
Hà Nội Nguyễn Đăng Giai đích thân đứng ra đại
trùng tu trên nền chùa cũ thành ngôi chùa lớn
150 gian, bốn mặt đào cừ làm hồ sen, khởi công
từ năm 1841 tới 1647 thì hoàn tất. Vì vụ trùng
tu này, tổng đốc Nguyễn Đăng Gia bị sử gia nhà
Nguyễn chê trách là làm tổn phí nhiều tiền của
thập phương.
Năm 1884 theo yêu
cầu của khâm sứ Pháp tại Băc Kỳ, tổng đốc Hà Nội
Nguyễn Hữu Độ cung hiến tháp Báo Thiên chùa Sùng
Khánh (xây từ đời vua Lý Thánh Tông 1054-1072)
cho giám mục Puginier phá đi để xây nhà thờ lớn
Hà Nội.
Ở Trung Kỳ, sau
cuộc khởi loạn Giặc Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu
Trưng lãnh đạo (sư Nguyễn Văn Trí trụ trì chùa
Long Quang làm quân sư) năm 1866 bị thất bại,
vua Tự Đức ra lệnh bắt giam và xử tử nhiều Tăng
sĩ các chùa miền Trung, một số lớn khác bị bắt
hoàn tục. Mặc dù Hoàng phi Lệ Thiên (đệ tử của
thiền sư Liễu Triệt) đã can thiệp và được vua
Tự Đức xiêu lòng trước lời năn nỉ, kinh thành
Huế sau sự trừng phạt của nhà vua chỉ còn 24 vị
trụ trì coi sóc 24 ngôi chùa mà thôi. Nên biết
là vào năm 1750, đã có khoảng 400 ngôi chùa tại
Huế.
- Năm 1893 mục sư
David Lelacheur đến Sài Gòn bắt đầu việc truyền
đạo Tin Lành. Năm 1918 mục sư Richmond Merril
đến Hải Phòng rao giảng Tin Lành. Năm 1921 Hội
Thánh Tin Lành An Nam thuê nhà văn Phan Khôi đối
chiếu bản Hán văn và bản Pháp ngữ dịch Thánh
Kinh Tân Ước ra chữ Quốc ngữ. Không lâu sau, một
thánh đường Tin Lành được hoàn thành tại phố
Hàng Da, Hà Nội. Tuy nhiên, giới Tăng sĩ Phật
giáo nước ta vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật
giáo Trung Quốc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu
(1692- 1725) nên đã không mảy may lưu tâm tới
ảnh hưởng hoạt động truyền giáo của các mục sư
Tin Lành và giáo hội Công giáo tới sự tồn tại và
phát triển của Phật giáo nước nhà, nhất là tại
các cộng đồng dân thiểu số ở cao nguyên.
- Năm 1926, đạo
Cao Đài bắt đầu được truyền bá ở đồng bằng Nam
Bộ và nhanh chóng thu hút các Phật tử. Theo báo
cáo của Thống Đốc Nam Kỳ: năm 1930 đạo Cao Đài
có từ 500 ngàn tới 1 triệu tín đồ trong tổng số
dân Nam Kỳ là 4 triệu tới 4 triệu rưỡi. Có nhận
xét cho rằng ở Nam Kỳ lúc đó, đạo Phật và đạo
Khổng suy yếu vì thiếu những tu sĩ có học thức.
Trong khi đó, đạo Cao Đài là một tôn giáo tổng
hợp Phật-Lão-Nho, một hệ thống tổ chức giáo hội
chặt chẽ, nghi thức hành lễ trang trọng gây ấn
tượng mạnh và thành phần sáng lập đạo là những
công chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa có
uy tín, có trình độ học thức và có khả năng thu
hút quần chúng.
Chữ Quốc ngữ bắt
đầu được dạy chung với chữ Pháp tại các trường
công lập từ bậc Ấu học tới bậc Trung học từ năm
1908 theo đề nghị của Hội Đồng Cải Cách Học Vụ
do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập. Tới thập
niên 1920 chữ Quốc ngữ đã trở thành phổ thông vì
dễ học, dễ đọc, lại thêm có sự xuất hiện của các
tạp chí có uy tín được phổ biến trong cả nước
bắt đầu được quần chúng ưa thích như Đông Dương
Tạp Chí (từ 1913), Nam Phong Tạp Chí (từ 1917),
Học Báo (từ 1919) và Hữu Thanh (từ 1921). Cuốn
Việt Nam Sử Lược do Trần Trọng Kim viết năm
1919, được xuất bản như một sách giáo khoa quốc
ngữ lần đầu năm 1921 đã khơi nguồn cho một tinh
thần dân tộc, dẫn đến kết quả là năm 1925, giới
học sinh cả nước tranh đấu cho vụ án Phan Bội
Châu.
Trong khi đó, các
khoa cử Hán văn bị chính quyền Bảo Hộ Pháp bãi
bỏ từ năm 1880 tại Nam Kỳ (theo quyết định của
đô đốc Lagrandière, năm 1915 tại Bắc Kỳ và năm
1918 tại Trung Kỳ. Hán học tàn lụi dần vì ngay
cả một nhà nho như Phan Chu Trinh cũng kêu gọi:
bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc (không
bỏ chữ Hán không thể cứu được nước Nam).
Báo chí Quốc ngữ
là phương tiện giúp phổ biến các đề nghị chấn
chỉnh và hiện đại hoá Phật giáo của giới cư sĩ
tân học. Tiếp thu được các phân tích sâu sắc và
diễn giải dễ hiểu về Phật pháp của giới học giả
Tây phương, giới cư sĩ tân học có một căn bản
Hán học sẽ là thành phần chủ yếu thúc đẩy sự
chấn hưng để Phật giáo nước ta đáp ứng được nhu
cầu tâm linh của thời đại mới. Thời đại từ cuối
thập niên 1910 tới thập niên 1920 là một thời kỳ
kinh tế ổn định (tới mức có thể gọi là phát
triển) ở nước ta, thúc đẩy nhiều thay đổi về văn
hóa. Trên đường tìm kiếm những cái mới vào lúc
giới học giả Tây phương đã có những nỗ lực đáng
kể trong việc nghiên cứu Phật pháp, nhiều cư sĩ
tân học nước ta đã làm quen dễ dàng với Phật học
và trở thành những trụ cột của phong trào Chấn
Hưng Phật Giáo sau này như Hồng Tại - Đoàn Trung
Còn và Chánh Trí - Mai Thọ Truyền ở miền Nam,
Tâm Minh - Lê Đình Thám ở miền Trung, Lệ Thần -
Trần Trọng Kim, Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha và
Đồ Nam - Nguyễn Trọng Thuật ở miền Bắc.
Sự tham gia tích
cực có lúc mang tính chủ đạo của giới cư sĩ chấp
nhận hòa hợp với giới Tăng già là điểm đặc biệt
cần được nhấn mạnh của phong trào chấn hưng Phật
giáo nước ta đầu thế kỷ 20. Nó tạo nên tính quần
chúng, tính hiện đại, tính hòa hợp và là sự khác
biệt quan trọng so với Phật giáo Trung Quốc cho
phong trào này.
Về thời điểm
phong trào chấn hưng Phật giáo nước ta, Nguyễn
Lang, một bút hiệu của sư ông Nhất Hạnh (Việt
Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 3) và Thượng toạ
Thiện Hoa (50 năm Chấn Hưng Phật Giáo) đều cho
rằng bắt đầu từ sự vận động của sư Khánh Hoà ở
chùa Tiên Linh, Bến Tre, năm 1923 dẫn tới việc
thành lập hội Lục Hoà Liên Hiệp tại chùa Long
Hoa ở Trà Vinh.
Thực ra những nỗ
lực của sư Khánh Hoà, Khánh Anh, Thiện Chiếu và
vài chư Tăng miền Nam từ năm 1923 chỉ có tính
cách dò dẫm, thí nghiệm trong một phạm vi nhỏ
của vài ngôi chùa miền Nam. Cho tới năm 1927, sư
Khánh Hoà cử một sứ giả tân học đầy nhiệt huyết,
có khả năng biện thuyết cao là sư Thiện Chiếu ra
Bắc để vận động chấn hưng Phật giáo theo chủ
trương của hội Lục Hoà nhưng không thành công.
Cũng vậy, những nỗ lực của hai ông vào thời gian
này tại các chùa miền Trung không đạt được sự
đồng thuận trong giới Tăng già địa phương một
cách dễ dàng.
Những loại thí
nghiệm giới hạn như vậy đã xảy ra trước đó ở
nhiều nơi khác, chỉ nên coi là giai đoạn tiền
chấn hưng Phật giáo. Phải đợi tới khi các hội
Phật giáo được thành lập và xuất bản các báo chí
Phật giáo từ năm 1929, việc chấn hưng Phật giáo
mới thực sự trở thành phong trào của tứ chúng (nam
nữ tu sĩ và nam nữ cư sĩ) đồng khởi trên phạm vi
cả nước và đạt được những thành quả cải cách
thật sự.
Diễn tiến giai
đoạn tiền chấn hưng Phật giáo nước ta sẽ được
trình bày theo lối biên niên để chúng ta có thể
theo dõi từ những tác động khơi mở đầu tiên, hầu
ghi nhận rõ ràng, trung thực và công bằng hơn
những đóng góp của tứ chúng ảnh hưởng như thế
nào tới một phong trào tưng bừng trong cả nước
vào thập niên 1930.
Năm 1848: Hồng
Nhậm, con thứ hai của vua Thiệu Trị lên ngôi,
lấy niên hiệu Tự Đức (1848-1883). Triều Nguyễn
tới đời vua thứ tư này đã suy yếu nhiều. Các
cuộc nổi loạn xảy ra khắp nơi, liên tục từ khi
Gia Long lên ngôi (1802). Ngay khi Tự Đức ngồi
lên ngai vàng, đại thần Trương Quốc Dung đã tâu
vua: xin tiết kiệm việc tiêu dùng vì hiện nay
tiền của sức lực của dân gian kém trước đến sáu
phần mười. Năm 1861 khi quân Pháp đánh vào thành
Gia Định, Nguyễn Tri Phương đã phải than: quân
và dân, của đã hết, sức đã thiếu! (Lịch Sử Việt
Nam, tr.374). Tuy vậy, Tự Đức vẫn duy trì nếp
sống xa xỉ với hơn 100 bà vợ và vẫn huy động sức
người sức của vốn đã kiệt quệ của quốc gia để
xây cất Khiêm Lăng.
Năm 1849: Đoàn
Văn Huyên (1807-1856) khơi mở giáo phái Bửu Sơn
Kỳ Hương tại chùa Long Kiến ở núi Báu (Bửu Sơn),
Long Xuyên. Trước đó, ông đã truyền bá giáo lý
này từ năm Ất Tỵ (1845), bị triều đình nghi là
“gian đạo sĩ”, ra lệnh cho ông phải vào chùa
Giác Lâm (Chợ Lớn) quy y với Thiền sư Hải Tịnh.
Tại đây ông được ban pháp danh Minh Huyên, pháp
tự Pháp Tạng, đạo hiệu Giác Linh. Sau đó, tổng
đốc An Giang Doãn Uẩn xây chùa Long Kiến năm
1847 và bắt ông phải trú trì tại đây để tiện
kiểm soát hoạt động của ông. Đệ tử xưng tụng ông
là Phật Thầy Tây An và gọi chùa Long Kiến là Tây
An Cổ Tự. Mộ bia ông bên hông chùa Tây An Cổ Tự
có các chi tiết này, ghi thêm ông thuộc phái Lâm
Tế đời 38 dòng Bổn Nguyên. Tuy nhiên một nhân sĩ
thuộc hàng lãnh đạo của Phật Giáo Hoà Hảo (Nguyễn
Long Thành Nam) cho rằng đây là một gán ghép có
tính bịa đặt. Cuốn Biên Niên Sử Phật Giáo Sài
Gòn – Gia Định Thành Phố Hồ Chí Minh (tr. 48)
giới thiệu ông như một cư sĩ, lại ghi đồng bào
thường gọi ông là cư sĩ Tây An. Đệ tử của ông
cho rằng Phật Thầy Tây An sau khi tịch sẽ trải
qua 4 lần chuyển kiếp để thị hiện thế gian. Đó
là: Phật Trùm ở núi Tà Lơn giai đoạn 1868-1875,
Bổn Sư núi Tượng Ngô Lợi giai đoạn 1879-1890, Sư
Vãi Bán Khoai giai đoạn 1901-1902 và giáo chủ
Huỳnh Phú Sổ ở làng Hoà Hảo Châu Đốc từ 1939.
Bửu Sơn
Kỳ Hương được coi là một cuộc cách mạng qua hình
thức địa phương hoá Phật giáo, tạo cho Phật giáo
môt bản sắc sinh động trong môi trường nông dân
chất phác, ít học của đồng bằng Nam Bộ. Phật
Thầy Tây An Đoàn Văn Huyên truyền bá một pháp
môn dễ hiểu, dễ áp dụng mà những nét chính như
sau:
- Tùy trình độ và
hoàn cảnh mà hoá độ: Hành xử tứ ân là ơn cha mẹ,
ơn đất nước, ơn tam bảo và ơn đồng bào nhân loại.
Thiền Tịnh song tu, vừa tu Thiền vừa trì niệm
danh hiệu A Di Đà để được vãng sanh.
- Phước Huệ song
tu: Ông đưa ra một chủ trương có tính cách mạng:
không lập chùa, không thờ tượng mà chỉ thờ tượng
trưng một tấm vải đỏ (trần điều), lập những trại
ruộng để khai thác đất hoang rất nhiều tại vùng
tứ giác Long Xuyên Châu Đốc. Như vậy ông là
người có công lớn trong việc khẩn hoang miền Nam
và người khai sáng một thành phần tu sĩ Phật
giáo mới sau này người ta gọi là “các nhà sư
kinh tế” bắt đầu phát triển ở trong nước từ thập
niện 1980. Cũng có thể coi ông là người sáng lập
ra những nông xã tập thể trước chủ nghĩa Cộng
sản từ hơn nửa thế kỷ. Ngôi chùa duy nhất do ông
dựng tại Bảy Núi (Châu Đốc) là Thới Sơn Tự dù
qua nhiều lần trùng tu sau này, tới nay cũng chỉ
có bàn thờ Tổ, không có bàn thờ Phật.
Tổng đốc An Giang
Doãn Uẩn lập chùa Long Kiến năm 1847, bắt ép ông
phải trú trì tại chùa này để tiện kiểm soát hoạt
động của ông, có lẽ cũng để che chở ông khỏi bị
triều đình trừng trị về tội “gian đạo sĩ”. Chúng
ta nên biết trong triều đại của 4 đời vua đầu
tiên của nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu
Trị, Tự Đức) kéo dài 81 năm (1802-1883) có hơn
350 cuộc nổi loạn, mà thời Tự Đức là nhiều nhất.
Đệ tử Bửu Sơn Kỳ
Hương có những người đã trở thành anh hùng dân
tộc kháng chiến chống thực dân Pháp như: Trương
Công Định (1820-1864) từng đánh Pháp, chiếm tỉnh
Gò Công năm 1862. Nguyễn Trung Trực (1837-1868)
từng đốt tàu chiến Espérance của Pháp trên sông
Nhật Tảo năm 1861. Ông được ca ngợi qua câu đối:
hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, kiếm bạt Kiên
Giang khấp quỷ thần. Trước khi khởi nghĩa, ông
thường tới chùa Sùng Đức ở Gia Định vấn đạo nhà
sư Ngộ Không- Thật Tế (đời 39 Lâm Tế chánh tông).
Hiện chùa này còn bàn thờ riêng thờ ông. Trần
Văn Thành (?-1873) thường gọi là Đức Cố Quản,
lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Láng Linh năm 1867.
Năm 1850: trước
tình trạng khá đông đảo Tăng ni trở thành “thầy
cúng đám” thuần túy, thiền sư Hải Tịnh cải biến
Quan Âm Viện thành chùa Giác Viên (nay thuộc
quận 11 thành phố HCM), mở lớp đào tạo các Tăng
sĩ thông hiểu về giới luật, kinh điển và nghi
thức. Nỗ lực cá nhân của ông không tạo được ảnh
hưởng rộng lớn vì vào thời điểm này Phật sự
chính của các chùa “sắc tứ” (chùa vua, thường là
các chùa lớn) là cúng kiếng cầu đảo cho hoàng
gia. Mỗi lần cầu đảo như vậy có thể kéo dài
nhiều ngày và thường có đông đảo hoàng tộc, quan
lại tham dự. Chư Tăng từ nhiều chùa lớn thường
được triệu tập trước để tập dượt. Do đó phần
tụng niệm phải phong phú và có âm điệu tạo được
ấn tượng trong thành phần vua quan dự lễ.
Ngay cả
sau này trong thời gian 1885-1945,
trong
Tăng giới Huế chiếm đại đa số vẫn là thành phần
mang áo Tăng sĩ chuyên đi cúng đủ loại trong dân
gian từ cúng đám ma tới cầu mưa… (Lịch Sử
Phật Giáo Xứ Huế, tr. 374). Sư Chân Đạo Chánh
Thống (1901-1968), giảng sư nổi tiếng của các
trường Phật học ở Huế và miền Trung từ 1932, gọi
một cách khinh miệt thành phần Tăng sĩ này là
“thợ tụng”, “thằng” trong bài thơ tứ tuyệt:
Cửa Phật ra vào để kiếm ăn,
Mang chuông, cắp mõ chạy lăng xăng,
Tam thân tứ trí đành không biết,
Thợ tụng thầy tu cũng một thằng.
(Toàn Tập Chân
Đạo Chánh Thống, tr.321).
Trong
cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược soạn năm 1942,
sư Thích Mật Thể (1912-1961) viết ở lời chú cuối
chương 9: Có người bảo Phật giáo thời nay bị suy
đồi là bởi thế lực truyền bá của đạo Thiên Chúa.
Nhưng theo chúng tôi thì không phải; chỉ là tại
nhân tâm của thời mạt pháp mà thôi, khiến cho
trong
Phật giáo thiếu những bậc tu hành chơn chánh đến
nỗi đạo pháp phải suy vi.
Năm 1859: Hòa
thượng An Thiền Phúc Điền (1790 – 1860) trú trì
chùa Liên Tông (Hà Đông) chỉ đạo các đệ tử của
ông tại chùa Bồ Sơn (Bắc Ninh) thực hiện bản
khắc gỗ 5 tác phẩm Thiền tong đời Trần đặt tên
là Truyền Đăng Ngũ Quyển Tân Tư gồm có: Thiền
Uyển Tập Anh, Thánh Đăng Lục, Tam Tổ Thực Lục,
Thiền Điển Thống Yếu Kế Đăng Lục và một số văn
bản Phật giáo khác tập hợp lại dưới tên “Ngọai
Khóa Tạp Lục”.
Phúc Điền
là tác giả bộ sách quan trọng Đạo Giáo Nguyên
Lưu (3 quyển) còn được gọi là Tam Giáo Thông
Khảo, có lẽ được in năm 1845 vì bài tựa của
Nguyễn Đại Phương viết vào năm này… Quyển thứ
nhất nói về đạo Phật qua các đề mục: Việc du học
của thiền sư Tính Tuyền Trạm Công, các bản kinh
khắc ở nước ta, khởi thủy Thiền học nước ta, các
tháp Phật ở nước ta, Thiền phái Vô Ngôn Thông,
các danh Tăng ở triều đình, các danh Tăng đời Lê,
các danh Tăng đời Lý, các danh Tăng đời Trần,
Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Thảo
Đường, những truyền thuyết kỳ bí liên quan tời
các thiền sư nước ta qua các triều đại, danh từ
Phật học, các thần thoại Phật giáo nước Tàu và
nước ta. Quyển hai và 3 nói về Khổng giáo và Lão
giáo. Sử gia Lê Mạnh Thát dự định dịch và giới
thiệu bộ sách này trong bộ Tổng Tập Văn Học Phật
Giáo.
Phúc Điền
là người khai sơn chùa Thiên Quang ở núi Đại
Hùng (Hà Nội). Nguyễn Lang (VNPGSL 2: 252, 255)
cho rằng An Thiền và Phúc Điền là hai người.
Năm 1866: Giặc
Chày Vôi do Đoàn Hữu Trưng (con rể Tùng Thiện
Vương) lãnh đạo khởi loạn ở Huế. Họ suýt bắt
được vua Tự Đức
Năm 1870: Ngô Lợi
(1831-1890) thành lập giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa
tại xã An Lộc, An Giang. Ông tiếp nối và khai
triển giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương thành nguyên lý
Hành Sử Tứ Ân, sử dụng lòng phái (giấy chứng
nhận vào Đạo) có dấu Bửu Sơn Kỳ Hương. Tuy Ngô
Lợi tuyên bố đạo của ông là đạo thờ ông bà, thực
ra pháp tu của Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tổng hợp:
trì niệm theo Thiền Tịnh - Xử sự theo Nho giáo -
Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo - Ấn quyết
thần chú theo Mật giáo. Trong số 28 bộ kinh phổ
biến trong giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tương
truyền Ngô Lợi viết 8 bộ kinh, 18 bộ kinh do đệ
tử của ông là Nguyễn Hội Chân đúc kết các lời
ông giảng, còn lại hai kinh là Diệu Pháp Liên
Hoa kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm và Phật
thuyết A Di Đà kinh là các kinh thường tụng của
Phật giáo Bắc tông. Các kinh còn được truyền
tụng tới nay tại Ba Chúc là:
- Linh Sơn Hội
Thượng kinh
- Bà La Ni kinh
- Hiếu Nghĩa kinh
(thượng, trung, hạ)
- Siêu Thăng kinh
( còn gọi Siêu Thăng chân kinh)
- Phổ Độ kinh
- Thiên Địa Kim
Cang kinh
- Ngũ Hồ kinh
- Ngũ Nhạc kinh
- Ngũ Công Thiên
Đồ kinh
- Ngũ Công Cứu
Kiếp kinh
- Ngũ Công Quan
Âm kinh
- Âm Chất chân
kinh
- Hoàn Sinh chân
kinh
- Hoàn Hồn kinh
- Bắc Đẩu Thất
Nguyên kinh
- Kim Cương Thọ
Mệnh kinh
- Phật Thuyết
Thiên Địa kinh
- Phật Thuyết
Thiên Địa Nhập Dương kinh
- Ngũ Hoàng Cốt
Tủy chân kinh
- Phổ Am Tịch cảm
kinh
- Siêu Thăng Phan
Đào kinh
- Phổ Độ Phan Đào
kinh
- Phật Thuyết
Phân Châu kinh
- Phật Thuyết Cao
Vương kinh
- Đào Viên kinh (Đào
Viên Minh Thánh kinh
- Diêu Pháp Liên
Hoa kinh, Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm
- Phật Thuyết A
Di Đà kinh
- Ngọc Lịch Đồ
Thư Tập Chú
- Bộ kinh thứ
28 gọi tắt là Đồ Thư ghi lại sự tích Ngô Lợi,
hình vẽ các cơ sở tôn giáo của Tứ Ân Hiếu Nghĩa,
hình vẽ các bùa chú và hướng dẫn cách sử dụng.
Sách này bằng chữ Hán chỉ có một quyển do chức
sắc đạo cất giữ.
Ngô Lợi
sinh năm 1831 tại Mỏ Cày (Bến Tre) trong một gia
đình thợ mộc. Tương truyền năm 20 tuổi ông viết
Bà La Ni kinh. Bản lưu truyền tới nay gồm 223
chữ Hán. Năm 1867 ông thiếp đi 7 ngày đêm, vì
vậy còn được gọi là Năm Thiếp. Tỉnh dậy, ông tự
xưng là đắc đạo. Tuy vậy tới ba năm sau ông mới
quy y và bắt đầu thu nhận tín đồ.
Tiếp tục
đường lối khẩn hoang của Phật Thầy Tây An, năm
1876 Ngô Lợi dẫn tín đồ vào núi Tượng (xã Ba
Chúc, huyện Tri Tôn, Châu Đốc) khai hoang, thành
lập được 4 gánh (thôn) trong vùng núi Tượng, tại
mỗi gánh ông cho dựng một ngôi chùa. Bốn ngôi
chùa còn lại tới ngày nay là Phi Lai, Thanh
Lương, Long Châu và Tam Bửu. Sau đó ông sai dựng
đình và miếu. Cả thảy 14 cơ sở thờ phượng mà chữ
đầu của tên gọi được tóm tắt trong câu: Phi
Thanh Long Tam Bồng Linh Hội Tú Sơn Đình Vạn Mã
Hồi Tiên. Riêng Hồi Thế Văn Ngôn Miếu (miếu được
trang trí bằng chữ Hồi giáo) chưa được xây dựng
thì Ngô Lợi tịch. Hiện nay giáo phái này phát
triển được 24 gánh (Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam,
tr. 707).
Một câu hỏi nên
được đặt ra: Ngô Lợi xây dựng Hồi Miếu với mục
đích gì? Năm 1865, nhà sư Khmer Pou Kombo tự
nhận là hoàng tử Ang Phin, quy tụ được khoảng 2
ngàn người Chàm Hồi giáo ở Châu Đốc chống lại
vua Norodom, kéo quân vây thành Udong. Quân Pháp
mộ được khoảng 1 ngàn người Chàm cũng ở Châu Đốc
giúp vương triều Khmer bảo vệ thành này. Sư Pou
Kombo thua trận bỏ chạy về Châu Đốc, chiêu mộ
thêm lính Chàm và Khmer. Tháng 12/1866, Pou
Kombo tiến vào Udong. Lính Khmer trong thành bỏ
chạy, chỉ còn lính Chàm ở lại cố thủ. Ngày hôm
sau hơn 500 lính Chàm trong đạo quân Pou Kombo
bỏ nhà sư hồi chánh với lính Chàm trong thành.
Tới năm 1868, sau cuộc phản công của hoàng tử
Khmer Sisowath giết được sư Pou Kombo, nhiều
nhân sĩ người Chàm Hồi giáo ở Châu Đốc được giữ
các chức vụ quan trọng trong triều đình Khmer
của vua Norodom. Nguyễn Văn Huy (Cộng Đồng Người
Chăm tại Kampuchia) cho rằng do áp lực của người
Pháp đối với vua Norodom. Như vậy phải chăng Ngô
Lợi dựng Hồi Miếu như một chiến thuật ngoại giao
với cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo ở Châu
Đốc, vốn đông đảo về số lượng lại có ưu thế với
chính quyền thực dân Pháp và chính quyền Khmer?
Các chùa
của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ trần điều (tấm
vải đỏ), Phật Vương, Phật Thầy (Đoàn Văn Huyên),
Bổn Sư (Ngô Lợi) và Phật Trùm (ông Đạo Đèn).
Phật Vương ở đây
không phải là Phật Thích Ca, không phải là một
danh hiệu Phật đã được phổ biến trong kinh điển
Đại Thừa, cũng không thể là sự tôn vinh ông vua
triều Nguyễn đương quyền. Nếu Phật Vương là nhân
cách hoá ý niệm dân tộc, đất nước trong bộ áo
Phật giáo thì quả là một quan niệm cách mạng
giáo lý.
Phật Trùm là một
nhà sư gốc Miên xuất hiện năm 1868, sử dụng lòng
phái (giấy chứng nhận cấp cho tín đồ) màu đỏ có
dấu Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông truyền đạo sang cả đất
Miên, bị thực dân Pháp bắt đi đày một thời gian.
Được thả về, ông về ẩn tu tại núi Tà Lơn và tịch
tại đây năm 1875. Vì vậy mặc dù hành đạo từ năm
1867, thu nhận đệ tử từ năm 1870, tới năm 1876
nghĩa là sau khi Phật Trùm tịch, Ngô Lợi mới lấy
danh hiệu Đức Bổn Sư để lãnh đạo giáo phái Bửu
Sơn Kỳ Hương (Phật Giáo Hoà Hảo Trong Dòng Lịch
Sử Dân Tộc, phần 2 chương 4). Đệ tử Tứ Ân Hiếu
Nghĩa tin rằng Phật Trùm và Đức Bổn Sư là hai
trong 4 lần chuyển kiếp của Phật Thầy Tây An.
Tín đồ Tứ
Ân Hiếu Nghĩa niệm lục tự Di Đà (Nam Mô A Di Đà
Phật) nhưng không thờ Phật A Di Đà. Họ để tóc
dài, búi lại sau ót theo tinh thần của Nho giáo
“thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy
thương” (dịch: thân thể tóc da, thụ hưởng từ cha
mẹ, không thể làm thương tổn). Vì vậy, giáo phái
Tứ Ân Hiếu Nghĩa chỉ có thành phần cư sĩ, không
có thành phần cắt tóc cạo đầu làm tu sĩ.
Đêm 5 tháng 7 năm
1885, sau cuộc tấn công quân Pháp tại đồn Mang
Cá không thành công, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn
Văn Tường đưa vua Hàm Nghi trốn khỏi hoàng thành
Huế ra Tân Sở. Tại đây, vua Hàm Nghi truyền hịch
Cần Vương kêu gọi sĩ phu khởi nghĩa chống Pháp,
được giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương hưởng ứng mạnh
mẽ. Trước sự phát triển của giáo phái này, tổng
đốc Trần Bá Lộc đã đàn áp họ một cách dã man
trong suốt 12 năm (1876-1888) qua nhiều lần đốt
chùa, đốt nhà, bắt bớ tra tấn tín đồ.
Sau khi Ngô Lợi
tịch vào năm 1890, không có ai trong số các đệ
tử của ông có khả năng nối pháp nên giáo phái
này bị phân hoá và người ta cho rằng khuynh
hướng trừ tà chữa bệnh theo ảnh hưởng của Đạo
giáo có vẻ như lấn át ảnh hưởng Phật giáo. Mãi
tới năm 1901-1902, Sư Vãi Bán Khoai mới xuất
hiện đi nhiều nơi trong vùng của Bửu Sơn Kỳ
Hương phổ biến Sấm Giảng Người Đời nhắc nhở mọi
người giáo lý của Phật Thầy Tây An. Ông xuất
hiện như một nhà sư dáng người gầy, y phục giống
như phụ nữ, chèo thuyền vừa bán khoai vừa ngâm
Sấm Giảng Người Đời theo điệu lục bát. Nhưng chỉ
một thời gian ngắn sau, ông biến mất.
Năm 1885: cuộc
khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn do Phan
Công Hớn lãnh đạo. Chính quyền Pháp cho rằng
cuộc khởi nghĩa này do Thiên Địa Hội, một tổ
chức “bài Mãn phục Minh” của Hoa kiều chủ trương
(Biên Niên Sử Phật Giáo Sài Gòn Gia Định – Thành
Phố Hồ Chí Minh, tr.61).
Thực ra,
đây là hoạt động của một hội kín do Nguyễn Văn
Bường và Phan Công Hớn (còn gọi là Quản Hớn)
lãnh đạo. Ba năm trước (1882) họ đã tấn công
chiếm phủ đường Hóc Môn, giết đốc phủ Trần Tử Ca
và treo đầu trên cột đèn chợ Hóc Môn. Theo dư
luận, Đốc phủ Ca nổi tiếng về thủ đoạn tàn ác
bắt trẻ em con của các người tham gia phong trào
Cần Vương chống Pháp cho vào cối giã gạo giã cho
tới chết. Sư Minh Hoà – Hoan Hỷ (1846 – 1916) có
tham gia cuộc tấn công phủ đường Hóc Môn. Sau đó,
hội kín này bị chính quyền Pháp truy nã trả thù
gắt gao. Mặc dù vậy, khi liên lạc được với hai
người con của cụ Phan Thanh Giản (Phan Tôn, Phan
Liêm), họ vẫn chuẩn bị tấn công Sài Gòn vào năm
1885. Nguyễn Văn Bường bị bắt trước khi cùng
nghĩa binh tấn công Sài Gòn, Phan Công Hớn tử
trận tại Hóc Môn, vì vậy hội kín này tan rã. Sư
Minh Hoà phải xa lánh chùa đi ẩn tu. Ngày 26
tháng 1 Bính Thìn (1916) sư tịch. Ông được thờ
tại nhiều chùa ở miền Nam (Tiểu Sử Danh Tăng
Việt Nam Thế Kỷ 20, tập 1).
Năm 1892: sư Lưu
Đạo Nguyên khởi công xây dựng điện Ngọc Hoàng ở
Đakao, Gia Định. Ông từ Trung Quốc tới Quy Nhơn
rồi vào Sài Gòn truyền bá tông phái Minh Sư Phật
Đường. Tông phái này dựa vào Phật giáo để hoạt
động phong trào “bài Mãn phục Minh”. Nên biết:
nhà Mãn Thanh đã chiếm trọn Trung Quốc từ năm
1645, nghĩa là 247 năm về trước.
Tới năm
1895, sư Ngô Đạo Quang xây dựng Phổ Tế Phật
Đường tại Chợ Đệm Mỹ Tho thì từ đây tông phái
Minh Sư mới bắt đầu phát triển tới Chợ Lớn, Tân
An, Mỹ Tho, Gò Công.
Năm 1896: (Bính
Thân), trường Quốc Học ở Huế khai giảng khoá đầu
tiên, thông ngôn hạng nhất Ngô Đình Khả được bổ
nhiệm làm chưởng giáo (hiệu trưởng) . Đây là
trường công lập dạy chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp đầu
tiên. Thành phần tuyển sinh là các con cháu tôn
thất (hoàng tộc), con quan và các hậu bổ (những
tiến sĩ, phó bảng và cử nhân đang chờ được triều
đình bổ nhiệm làm quan). Trường được thành lập
do đề nghị và vận động của Ngô Đình Khả từ năm
1890. Trụ sở của trường là trại thủy binh của
triều đình Huế bị bỏ hoang sau hoà ước Patenôtre
1884. Vài năm sau, trường mở thêm ban thành
chung (4 năm trung học), chức chưởng giáo đổi
thành đốc học do Edmond Nordemann đảm trách. Ông
là người Pháp thông thạo quốc ngữ, lấy tên Việt
(Ngô Đê Mân), đã biên soạn một hợp tuyển thi ca
Việt Nam (Cresthomatie Annamite) và một bản
phiên âm truyện Kiều xuất bản năm 1897. Cũng nên
nói thêm: một hãng phim của Pháp đã tuyển các
diễn viên hát chèo của rạp Quảng Lạc ở Hà Nội
đóng phim Kim Vân Kiều (phim câm) và cho chiếu
lần đầu tiên tại Chợ Lớn tháng 10/1898.
Cư sĩ
Điềm Tịnh (Trần Viết Thọ, 1836-1899) biên soạn
sách Hàm Long Sơn Chí 6 tập, mỗi tập gồm nhiều
quyển. Năm sau 1897, Như Như đạo nhân (Nguyễn
Phúc Hồng Bàng 1851- ?) tuân lệnh sư phụ là sư
Tâm Truyền tục biên bộ này, trong 3 tháng viết
thêm được 6 tập nữa. Bộ sách chữ Hán quan trọng
này chưa được khắc in và dịch ra quốc ngữ, bản
thảo lưu trữ ở nhiều nơi, còn mất bao nhiêu chưa
rõ. Tuy vậy bộ sách đó do hai cư sĩ Phật giáo
biên soạn được giới học Phật ở Huế ca ngợi là
một công trình vĩ đại của Phật giáo. Điềm Tịnh
xuất gia năm 1898 có pháp danh Thanh Phước tự là
Chu Toàn, tự thiêu để cúng dường chư Phật ngày
10 tháng 2 năm Kỷ Hợi 1899.
Sách Hàm Long Sơn
Chí chủ yếu viết về các chùa ở Huế, gồm:
Phần Sự lục: ghi
sơ lược lịch sử các chùa từ lúc khai sơn, địa
phận, các vị trú trì kế tiếp nhau, cách thờ tự,
điền thổ của Phật tử ngoại hộ, các vị sư nổi bật
trong chùa, các năm mở đại giới đàn mở tại chùa
…
Tiểu truyện các
đại sư, các tổ: ghi ngày giờ năm sanh, quê quán,
năm và chùa nơi xuất gia, đắc pháp với ai, kệ
phú pháp, ngày giờ tịch, vị trí tháp mộ, ngày
lập và người soạn bi ký. Phần này ít thấy ghi
thế danh các nhà sư.
Sơn
môn chí (lịch sử thành lập và hoạt động của mỗi
chùa) là tài liệu quan trọng cho việc biên soạn
lịch sử Phật giáo, cần được các giáo hội Phật
giáo hiện nay trong cũng như ngoài nước quan tâm
đặc biệt để chỉ thị cho mỗi chùa thống thuộc
phải thực hiện.
Năm 1898: nhà cầm
quyền Pháp thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ (École
Francaise d’Êxtreme Orient, viết tắt là EFEO).
Cơ quan này quy tụ nhiều học giả khảo cổ và Đông
Phương Học danh tiếng của Pháp. EFEO đã tiến
hành nhiều cuộc nghiên cứu về văn minh và văn
hoá Đông Nam Á, một số có liên hệ tới Phật giáo.
Chẳng hạn giám đốc EFEO từ 1920-1950 là học giả
danh tiếng Georges Coedès đã bỏ ra nhiều năm
phiên dịch các bia chữ Phạn mà ông tìm thấy tại
Tháp Chàm (Phan Rang). Năm 1940-1943 các nhà sư
trong Bắc Kỳ Phật Giáo Hội thực hiện được bộ
Phật Điển Tùng San nhờ in dập theo bản lưu trữ
của EFEO 8 tác phẩm xưa bằng chữ Hán và chữ Nôm
của Phật giáo nước ta.
Sư Võ Trứ,
trú trì chùa Đá Trắng ở Phú Yên vận động các
Tăng sĩ và Phật tử ở Phú Yên và Bình Định khởi
nghĩa chống Pháp. Nhà cầm quyền Pháp gọi đây là
“giặc thầy chùa”. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại,
Pháp lục soát tất cả các chùa ở Phú Yên và Bình
Định, bắt giam rất nhiều Tăng sĩ Phật giáo.
Trước đó Võ Trứ
vì bất mãn với lề lối cai trị dân của chính
quyền Pháp mà bỏ chức việc làng ở Phú Yên, xuất
gia và đi hoằng pháp ở nhiều vùng Kinh và Thượng
tại Bình Định, Phú Yên. Ông vừa giảng đạo vừa
khám bệnh, hốt thuốc và cung cấp phương tiện
sinh sống cho nhiều người. Vì vậy số người theo
khá đông và che chở cho ông thoát khỏi các sự
truy nã của chính quyền. Dần dần, ông vận động
được nhiều chùa ở Bình Định, Phú Yên trở thành
cơ sở hoạt động cho ông.
Ở miền
Bắc sư Vương Quốc Chính, trụ trì động Ngọc Long
ở Chương Mỹ Hà Đông, vận động các chùa từ Nghệ
An tới Bắc Ninh khởi nghĩa chống Pháp đêm 5
tháng 12. Ông là một nhà nho hoạt động trong
phong trào Cần Vương và là bạn thân của nhà cách
mạng Nguyễn Thiện Thuật. Sau khi phong trào Cần
Vương thất bại, ông xuất gia nhưng vẫn tiếp tục
hoạt động cứu nước. Năm 1895 ông lập hội Thượng
Chí, tôn Lý Thiếu Quân ở Nghệ An làm minh chủ,
ông làm quân sư. Theo Nguyễn Lang (VNPGSL 3:14):
hội Thượng Chí vận động được hàng trăm ngôi chùa
từ Nghệ An tới Bắc Ninh, có cả một số phần tử
Công giáo tham dự. Hội tổ chức được 5 đạo quân,
dự trù tấn công vào thành Hà Nội đêm 5/12/1898.
Lợi dụng khi đó có hội chợ Hà Nội, nghĩa quân có
thể trà trộn vào dân chúng đi xem. Nhưng chính
quyền Pháp đã biết trước âm mưu này nên đề phòng
kỹ, cuộc khởi nghĩa do đó bị thất bại. Sau đó
chính quyền Pháp đàn áp kịch liệt nên các cuộc
nổi dậy khác ở các tỉnh chung quanh Hà Nội như
Hà Đông, Sơn Tây không khởi động được..
Năm 1905: nhà
cách mạng Trần Quý Cáp soạn bài Chiêu Hồn Nước
cổ võ phong trào Duy Tân. Trong 6 đoạn song thất
lục bát, có đoạn cổ động tân học:
… Chữ quốc ngữ là
hồn trong nước,
Phải đem ra tỉnh
trước dân ta.
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na,
Chữ
kia chữ nọ dịch ra tinh tường …
Năm 1906, ông mở lớp Tây học tại phủ
Thăng Bình (Quảng Nam), rước thầy về dạy chữ
Pháp và Quốc Ngữ cho học trò. Việc làm này được
các nhà nho Duy Tân tiếp sức nên trong năm 1906,
phong trào tân học đã lan rộng từ Quảng Nam tới
các tỉnh Nam Trung Kỳ. Năm 1907, phong trào lan
ra Bắc với sự thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tới năm 1908 đã có hơn 40 trường Tân học như vậy
được thành lập. Theo Phan Bội Châu (Ngục Trung
Thư): phong trào Đông Du thịnh nhất từ xuân Đinh
Mùi (1907) tới đông Mậu Thân (1908).
Các
nhà nho Duy Tân khi thực hiện cuộc cách mạng tân
học đã góp phần quan trọng trong việc phổ cập,
làm phong phú và hiện đại hoá chữ quốc ngữ, giúp
cho nó trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc
truyền bá Phật pháp thời kỳ chấn hưng Phật giáo
sau này. Có thể nói nếu không có việc phổ cập
chữ quốc ngữ do công đầu của các nhà nho Duy
Tân, sẽ không có phong trào chấn hưng Phật giáo
tưng bừng trong cả nước ngay từ năm 1929-1930.
Để hình dung rõ hơn tầm quan trọng sự đóng góp
vào việc hiện đại hoá chữ quốc ngữ của các nhà
nho Duy Tân, xin ghi lại nguyên văn (với những
sai lầm về chính tả) trang bìa bản dịch ra quốc
ngữ (của E. Nordemann, đốc học trường Quốc Học
Huế) tác phẩm Gia Huấn Ca xuất bản năm 1894 (in
lại lần thứ hai tại Huế năm 1907): Nguyễn Chại
Da Huấn Ca. Trong bài tựa đề ngày 25/8/1894,
dịch giả giới thiệu tác giả (Nguyễn Trãi) là
quan tướng công chiều nhà Lê là Nguyễn Chại.
Năm
1906: nhà cách mạng Phan Chu Trinh diễn thuyết
trước công chúng: nước Đại Nam chúng ta ngày nay
sở dĩ hèn yếu là vì thiếu tinh thần tôn giáo.
Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh coi nhẹ tánh
mạng. Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta
không biết cương thường, xả thân vì nghĩa… chỉ
bo bo giữ lấy cái lối riêng của mình. Nay bà con
thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như
vậy: quân Nguyên thắng cả Á, cả Âu, nuốt trọn
Trung Hoa mà qua nước ta thì bại tẩu. Nào cướp
sáo ở Chương Dương độ, nào bắt trói ở Bạch Đằng,
như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở nước ta
thời đó thịnh ư, nhờ cái tinh thần tôn giáo của
ta ư…?
Các chiến sĩ của phong trào Cần Vương và
Duy Tân như Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ
Hoành, Nguyễn Quyền, Phan Bội Châu cũng tìm thấy
ở lực lượng Phật giáo nước ta một chỗ dựa tin
cậy để hoạt động (Biên Niên Sử Phật Giáo Gia
Định – Sài Gòn TP Hồ Chí Minh, tr. 68).
Một chủ trương đáng ca ngợi của các nhà
nho Duy Tân là cố gắng hàn gắn sự chia rẽ lương
giáo xảy ra trong thời Cần Vương (từ 1885). Phan
Chu Trinh đi khắp Quảng Nam kêu gọi toàn dân
đoàn kết vì chia rẽ chỉ gây thêm khổ đau cho dân
tộc và có lợi cho thực dân. Nhờ đó không những
làng Công giáo Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, Quảng
Nam) không còn bị cô lập, tranh chấp đổ máu với
các làng bên cạnh. Không những vậy, làng Công
giáo Phước Kiều cũng ở huyện Duy Xuyên còn liên
hệ với phong trào Duy Tân để mở trường Quảng
Phước do một linh mục phụ trách và lập một cơ sở
sản xuất đồ đồng. Phan Bội Châu cũng liên lạc
với một số cha xứ để giải toả thành công mối
hiềm khích lương giáo ngay khi ông phát hiện
được.
Năm
1907: Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo số ra ngày 5
tháng 9 đăng bài ca Khuyên Người Khuyến Tu của Y
Tục Tử, ẩn ý kích thích tinh thần yêu nước của
đồng bào.
Báo Lục Tỉnh Tân Văn số 1 tháng 11 đăng
bài báo đề nghị “trả Phật cho Chà Và, trả Quan
Công cho Chệt”. Sau đó toà báo nhận được nhiều ý
kiến của bạn đọc phản bác luận điệu quá khích
trên nhưng chỉ để bênh vực Quan Công, không có ý
kiến nào bênh vực Phật hay phản bác ý kiến “trả
Phật cho người Ấn”.
Cuối năm, Huỳnh Công Thiệu viết bài Phá
Ngục Luận đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn, đả kích
pháp môn ứng phú (thầy cúng), vì nhiều Tăng ni
coi việc cúng kiếng, cầu an, cầu siêu… là việc
Phật sự chính, tạo nên nguồn thu nhập quan trọng
cho chùa. Tình trạng này kéo dài từ thế kỷ trước
và tiếp diễn nhiều thập kỷ sau, được coi là một
trong những đối tượng chính cần chấn chỉnh để
Phật giáo có thể hưng thịnh.
Năm
1908: Lục Tỉnh Tân Văn số 7 (đầu năm 1908) đăng
bài “Xả Cựu Tùng Tân” của cư sĩ Hồ Thành Chương
kêu gọi canh tân cải cách Phật giáo. Lục Tỉnh
Tân Văn số 11 cũng có bài đả kích tục làm chay
phá ngục của khoa cúng kiếng (ứng phú) tại các
chùa.
Đại đức Tích Lan Dharmapala liên lạc với
cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc mời cộng tác
trong việc chấn hưng Phật giáo thế giới. Trước
đó khi Dharmapala chưa xuất gia, còn là cư sĩ
David Hewavitarane, ông đã kêu gọi trùng tu các
Phật tích Ấn Độ. Sau đó, với sự ủng hộ tích cực
của hai nhân sĩ Phật giáo là đại tá Hoa Kỳ Henry
Steel Olcott và thi sĩ Anh Edwin Arnold, ông
thành lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp
chí Phật học, thành lập trung tâm nghiên cứu
Phật học và tu viện Phật giáo. Dharmapala cũng
biên soạn nhiều sách dẫn giải Phật học tới nay
vẫn còn được tái bản. Một số đã được cư sĩ Phạm
Kim Khánh dịch ra tiếng Việt và Như Lai Thiền
Viện (California) xuất bản tại hải ngoại trong
vòng hơn 20 năm qua.
Năm
1910: Lê Văn Mưu khởi công xây dựng Nhà Lớn và
truyền bá giáo lý mà sau này người dân địa
phương gọi là đạo Ông Trần ở cù lao Núi Nưa (nay
là đảo Long Sơn, cách Bà Rịa 7 km).
Lê
Văn Mưu, người quận Giang Thành, Kiên Giang (nay
thuộc xã Tân Khánh Hoà, thị trấn Hà Tiên). Năm
1900 sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp ông tham
gia bị thất bại, để lẩn tránh sự truy nã, ông
cùng đồng bọn lên năm chiếc ghe lớn chạy trốn
tới một đảo hoang, có nhiều rừng rậm và bốn bề
nước mặn ngập các vùng đất thấp.
Lê Văn Mưu thuyết phục và hướng dẫn đám
người đi theo ông phát quang làm rẫy, đốn cây và
bắt cá để lập làng tạo dựng cuộc đời mới. Ông
thường cởi trần phát quang nên được gọi là ông
Trần. Cuộc vận động của ông Trần có kết quả tốt
đẹp nên chỉ ba năm sau, kho lúa của làng đã có
dư đầy. Năm Giáp Thìn (1/5/1904) miền Tây Nam Bộ
bị bão lụt nặng, trên 5 ngàn người ở Gò Công -
Cần Giờ bị chết. Hai tháng sau vùng Gò Công lại
bị bệnh dịch chết thêm hàng ngàn người nữa. Ông
Trần sai chở gạo trong kho của làng đi cứu đói
các nạn nhân bão lụt. Sau vụ này, nhiều người
dân miền Tây xin đi theo ông tới cù lao Núi Nưa
lập nghiệp. Những người mới tới được ông Trần
cho mượn ruộng công (gọi là ruộng Nhà Lớn) để có
lương thực trong buổi đầu, khi khai quang ruộng
mới xong thì trả lại làng cho người tới sau
dùng. Chế độ này được duy trì cho tới những năm
gần đây.
Ông Trần thường nhắc nhở dân làng các
điều nhân-lễ-nghĩa-trí-tín-trung-hiếu. Ông dựa
theo cuốn Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình
Chiểu làm căn bản cho những lời giảng. Khi xây
Nhà Lớn, ông giảng giải thường xuyên hơn. Dù ông
không tuyên bố khai đạo, không thu nhận đệ tử,
cũng không chính thức công bố một loại kinh kệ
nào, nhưng những lời giảng của ông được thế hệ
cha mẹ truyền miệng cho con, ông bà truyền miệng
cho cháu chắt nên tới nay 2/3 trên tổng số 13
ngàn dân của đảo Long Sơn tự nhận theo đạo ông
Trần. Tín đồ đạo ông Trần ngày nay vẫn thường
mặc bà ba đen, để tóc dài búi củ hành sau ót. Họ
duy trì một số tập tục đặc biệt về quan hôn tang
tế thích nghi với hoàn cảnh sống khó khăn buổi
đầu nên yếu tố mê tín gần như bị loại bỏ. Đám
cưới luôn luôn cử hành vào hai ngày trong tháng
là mùng một và 16 âm lịch, bắt đầu vào giờ Thìn
(7 tới 9 giờ sáng). Khi chết rồi thì mọi người
đều bình đẳng, dùng chung một quan tài. Tang gia
tới Nhà Lớn mượn quan tài đem về tẩm liệm người
chết. Khi ra mộ, người chết được quấn chiếu cói
chôn dưới đất, quan tài đem trả lại Nhà Lớn cho
người khác dùng khi cần. Cho tới nay, có nhiều
người tình nguyện xuất gia tu ba ngày tại Nhà
Lớn gọi là trực phiên. Mỗi năm như vậy có 340
người tình nguyện 68 trực phiên. Trực phiên là
tới ở hẳn trong Nhà Lớn ba ngày liên tiếp để tu
tâm dưỡng tánh, lo việc quét dọn, tu sửa và cúng
lễ.
Nhà Lớn được ông Trần khởi công năm
1910, hoàn tất năm 1929. Đây là một quần thể
kiến trúc quy mô làm bằng gỗ và nứa, còn được
bảo quản gần nguyên vẹn cho tới nay., gồm có:
nhà khách, lầu cấm, nhà Thánh, lầu giữa, lầu
dài, lầu Tiên, lầu Phật, nhà hậu, nhà hội. Lầu
Cấm thờ Phật năm ông. Mặc dù không có tài liệu
về sự thờ phượng trong khu Nhà Lớn, nhưng qua
các tên gọi nhà Thánh, lầu Tiên, lầu Phật chúng
ta cũng có thể đoán được đạo ông Trần là một
hình thức hoà hợp Phật-Lão-Nho, một loại Phật
giáo dân gian. Ở chánh điện Nhà Lớn, nơi Lê Văn
Mưu thường giảng đạo, có trưng bày bản Lục Vân
Tiên chữ Nôm viết trên lụa.
Năm
1912: sư Thái Hư phát động phong trào Chấn Hưng
Phật giáo tại Trung Quốc, bắt đầu bằng việc
thành lập Phật học viện Vũ Xương và xuất bản tạp
chí Phật Học. Sau đó, theo đà phát triển các tổ
chức Hiệp Hội Tăng Giáo Dục, Phật Giáo Hiệp
Tiến, Phật Học Tổng Hội, Phật Giáo Liên Hiệp và
Phật Giáo Cư Sĩ Lâm được thành lập.
Tuy
nhiên phải đợi tới năm 1918, khi sư Thái Hư xuất
bản tạp chí Giác Xã, sau đổi tên thành Hải Triều
Âm, ảnh hưởng của phong trào Chấn Hưng Phật giáo
Trung Quốc mới lan tới nước ta, trước tiên qua
những người Hoa ở Chợ Lớn. Điều này cho thấy ảnh
hưởng quan trọng của báo chí đối với phong trào
chấn hưng Phật giáo. Mãi tới năm 1927, sư Thiện
Chiếu mới đem tờ Hải Triều Âm ra miền Bắc và
Trung giới thiệu với các Tăng sĩ. Cũng năm 1927
sư Khánh Hoà mới giới thiệu điều lệ của hội Phật
Giáo Trung Hoa.
Năm
1914: Hội Đô Thành Hiếu Cổ bắt đầu cho phổ biến
trên tập kỷ yếu của hội (Bullein des Amis du
Vieux Hué, thường gọi tắt là BAVH) bài nghiên
cứu của học giả Cadière về chùa Báo Quốc ở Huế.
Bài này và các bài tiếp theo về các ngôi chùa ở
Huế, trước khi đăng đã được các tác giả trình
bày trong các buổi họp thường kỳ của hội trước
toàn thể hội viên.
Năm
1920: trước tình trạng Phật giáo suy đồi (Tăng
đồ thất học, thiếu đoàn kết, giới luật tại các
tự viện không nghiêm minh) sư Tuệ Tạng cùng các
sư trú trì chùa Dương Lai, Duyên Bình và Quế
Phương ở Nam Định thành lập Hội Tiến Đức Cảnh
Sách để huấn luyện Tăng ni không phân biệt xuất
xứ từ sơn môn nào. Hội đặt trụ sở tại chùa Quế
Phương. Sư Tuệ Tạng giữ chức giáo sư luật học
trong hội.
Sư Tuệ Tạng (1889-1959), pháp danh Tâm
Thi, thế danh Trần Thanh Huyên, là người rất chú
trọng về giới luật, được Tăng chúng ca ngợi là
nhớ luật và trì luật bậc nhất trong Tăng già
miền Bắc. Ông xuất gia năm 14 tuổi, thọ giới sa
di năm 1905, thọ giới tỳ kheo năm 1909. Năm
1950, ông được tôn cử làm Chứng Minh Đạo Sư hội
Việt Nam Phật Giáo (miền Bắc). Năm 1951, Tổng
Hội Phật Giáo được thành lập, thống nhất 6 đoàn
thể Tăng già và cư sĩ Phật giáo ba miền, trụ sở
đặt tại chùa Từ Đàm ở Huế. Ông được đề cử làm
Chứng Minh Đạo Sư của Tổng Hội. Năm sau, ông
được đề cử làm Thượng Thủ Tăng Già toàn quốc
trong Đại Hội Tăng Già họp tại chùa Quán Sứ (Hà
Nội) ngày 7/9/1952. Sau khi đất nước chia đôi
năm 1954, ông không còn giữ chức vụ nào trong
Giáo Hội Phật Giáo, về chùa Vọng Cung (Nam Định)
tịnh tu và viên tịch tại đây năm 1959.
Ông
dịch, chú giải và biên soạn nhiều sách về giới
luật như Tại Gia Tu Hành, Kinh Phạm Võng Giải,
Sa Di Luật… Năm 1953, nhân danh Thượng Thủ Tăng
Già toàn quốc, ông phổ biến Lá Tâm Thư kêu gọi
Tăng ni và Phật tử góp sức chung lòng trung hưng
Phật giáo như thời Lý Trần ngày xưa.
Năm
1923: Tại Nam Kỳ, hội Lục Hoà Liên Xã do các sư
Huệ Quang, Khánh Hoà và Khánh Anh khởi xướng,
nhằm tạo điều kiện cho các vị trong giới Tăng
già ưu tư về sự suy thoái của Phật giáo nước ta
có cơ hôi gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng
Phật giáo qua ba nỗ lực: chỉnh đốn Tăng già, lập
Phật học đường, dịch và xuất bản các kinh sách
bằng chữ Quốc ngữ. Hội Lục Hoà đặt trụ sở tại
chùa Long Hoà ở Trà Vinh, do sư Huệ Quang trú
trì. Hội tổ chức họp Tăng già luân phiên mỗi kỳ
tại một chùa để gây tình đoàn kết. Sư Từ Phong
(1864-1938, trú trì chùa Từ Lâm ở Gò Kén, Tây
Ninh) thường được mời làm Pháp Sư thuyết giảng
trong những buổi hội chúng này. Sử gia Nguyễn
Lang (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3) cho rằng
hội Lục Hoà Liên Xã là viên đá đầu tiên của
phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Nam Kỳ.
Tờ Đông Pháp Thời Báo mở đề mục Phật
Giáo Lược Khảo đăng nhiều bài báo chủ yếu kêu
gọi cải tổ Phật giáo liên tục trong hai năm
1923-1924. Từ số 59 (5/10/1923) tới số 69 đăng
loạt bài Lược Khảo Cách Tu Trong Đạo Phật của
Viên Hoành, số 70 (5.11.1923) và các số sau đăng
bài Phật Giáo Khảo Lược ký Đ.P.T.B., số 100 có
bài Ảnh Hưởng Của Phật Giáo Khảo Lược. Chuyên đề
Phật Giáo Lược Khảo nói trên giới thiệu nguồn
gốc, nội dung giáo lý và lịch sử Phật giáo được
viết bằng lối văn phân tích dản dị, dễ hiểu đã
gợi được sự chú ý của nhiều độc giả.
Tại Bắc Kỳ hai bộ phim về Phật giáo được
quay. Bộ phim Sous L’oeil de Bouddha (Dưới mắt
Phật) do Lepeintre thực hiện dài 48 phút gồm 5
đoạn kể câu chuyện về chàng trai trẻ tên Lý say
mê sân khấu và cũng say mê con gái của quan
huyện, trải qua bao khó khăn mới chinh phục được
trái tim của nàng. Bộ phim Aux Environs de
Hanoi: À Travers La Campagne Tonkinoise Bouddhas
et Genies dài 15 phút giới thiệu 12 ngôi chùa và
đền miếu ở Hà Nội (trong đó có chùa Một Cột,
chùa Từ Đạo Hạnh, chùa Trấn Quốc…).
Năm
1924: Đêm 18 tháng 6, Phạm Hồng Thái (1896-
1924), thuộc tổ chức cách mạng Tâm Tâm Xã tại
Quảng Châu, âm mưu ám sát toàn quyền Đông Dương
là Martial Merlin khi ông này cùng đoàn tùy
tùng tới dự tiệc tại khách sạn Victoria ở Sa
Diện (Quảng Châu, Trung Quốc). Nhà chí sĩ họ
Phạm giả làm phóng viên, dấu bom trong máy ảnh
khi tới đám tiệc. Ông liệng được bom, nhưng toàn
quyền Merlin chỉ bị thương nhẹ. Bị cảnh vệ Trung
Quốc rượt đuổi, ông chạy tới sông Châu Giang thì
cùng đường, bèn nhẩy xuống sông tự trầm. Ông
được chôn tại gò Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu,
là nơi an nghỉ dành riêng cho 72 liệt sĩ cách
mạng dân quốc của Trung Hoa.
Sự thất bại của Phạm Hồng Thái xảy ra
vào lúc Nguyễn Thượng Hiền đến Trung Quốc sau
nhiều kế hoạch vận động quốc tế chống Pháp không
thành, càng làm nhà chí sĩ họ Nguyễn ngao ngán
chính trị. Ông tới Hàng Châu, xin cạo đầu xuất
gia tại chùa Thường Tịch Quang. Ông bị bệnh và
tịch ngày 28/12/1925 tại chùa. Theo lời trối
trăn của ông, nhà chùa hỏa thiêu và rải tro xác
ông xuống sông Tiền Đường. Ông để lại hơn 600
bài thơ nội dung đầy nhiệt tình cách mạng mà
Phan Bội Châu ca ngợi là “thơ kiểu Thịnh Đường,
văn khuôn Tiền Hán”. Ông còn viết tập luận
thuyết bằng chữ Hán “Hợp Quần Doanh Sinh Thuyết”
và hai bài phú quốc ngữ có rất nhiều câu thành
ngữ, tục ngữ (Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam,
tr. 658).
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1928) là cháu ngoại Tôn
Thất Thuyết, đỗ đầu kỳ thi Hội năm 17 tuổi
(1885). Năm 1907, sau khi chịu tang cha, ông
sang Nhật theo phong trào Đông Du do Phan Bội
Châu khởi xướng. Từ đó ông sát cánh bên Phan Bội
Châu trong các họat động cách mạng cứu nước.
Trong nỗ lực này, năm 1915 ông qua Thái Lan liên
lạc đại sứ Đức và Áo để xin trợ giúp chống Pháp.
Thế chiến I chấm dứt năm 1918, Đức và Áo thuộc
phe bại trận, Pháp thuộc phe thắng trận nên kế
hoạch trên của ông không thành.
Năm
1925: Các buổi diễn thuyết chính trị của Nguyễn
An Ninh và Phan Chu Trinh tại Sài Gòn (thường
tại trụ sở hội Bắc Kỳ Ái Hữu) có đông người tham
dự, trong đó có các nhà sư. Phong trào biểu tình
trong cả nước có nhiều học sinh tham dự, tranh
đấu với nhà cầm quyền Pháp đòi trả tự do cho nhà
cách mạng Phan Bội Châu, cũng có sự hiện diện
của các nhà sư. Nhà cầm quyền Pháp chấm dứt giam
giữ Phan Bội Châu chuyển qua chế độ giam lỏng,
cho ông tạm trú một thời gian ngắn tại chùa Bảo
Quang ở Huế.
Để trả lời thay cho những nhà sư bị mật
thám Pháp tra hỏi khi bị bắt vì tham dự vào
những vụ trên: Ai xúi thầy chùa đi biểu tình?,
sư Thiện Chiếu, giáo thọ chùa Linh Sơn ở Sài
Gòn, viết một bài nêu quan điểm: Thuyết từ bi
cứu khổ của Phật Tổ xúi Phật tử tham gia những
cuộc yêu nước thương dân, chứ không ai xúi cả!
Năm
1926: Ngày 24 tháng 3 nhà cách mạng Phan Chu
Trinh từ trần, hưởng thọ 55 tuổi. Trong số hàng
trăm đối trướng phúng điếu ông của mọi tầng lớp
dân chúng cả ba miền đất nước, các câu đối của
giới Tăng sĩ ca ngợi công đức ông tương đương
như một đại cao Tăng mặc dù trong suốt cuộc đời
hoạt động cách mạng, ông không một lần ca ngợi
Phật giáo, cũng chẳng tham gia vào việc xây
chùa-đúc tượng-in kinh. Thế Nguyên trong tập
biên khảo Phan Chu Trinh ghi lại một số đối
trướng đó như sau:
Câu đối của chư Tăng chùa Nam Sơn, Sóc
Trăng: Tiên sinh chân giác thế cao Tăng, cứu
cánh từ bi kiêm trí huệ - Hậu nhân ngưỡng cộng
hoà pháp toạ, vô biên công đức đẳng hà sa.
Câu đối của chư Tăng chùa Long Khánh ở
Trà Vinh: Nhị thập niên mộ cổ thần chung, cảnh
tỉnh ái hà chuyên chế quỷ - Thiên vạn lý trì vận
sậu vũ, hô hào trần hải mộng mê nhân.
Câu đối của một vị hoà thượng tu trên
núi: Kỷ phiên khổ hải hà sa, độ tận chúng sinh
siêu giác ngạn - Thử nhật Linh sơn viên tịch, ma
kha thất tội tấu Diêm vương.
Ngày 28 tháng 9 Hội Thánh Cao Đài làm đơn lên
Thống Đốc Nam Kỳ xin khai đạo. Ngày 7 tháng 10
đạo Cao Đài chính quyền Bảo Hộ chính thức cho
phép đạo Cao Đài hoạt động trong phạm vi Nam Kỳ.
Trước đó trong buổi cầu cơ do Phạm Công Tắc chủ
xướng đêm 24/12/1925, cơ giáng cho biết: Đức Chí
Tôn chọn lựa làm nguyên nhân khai mở đạo.
Theo Quách Tấn: người Pháp cho rằng đạo Cao Đài
là một hiện tượng thuần túy Nam Kỳ (strictement
Cochinchinois) nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của
cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên ban đầu
chỉ cho phép hoạt động ở Nam Kỳ nhưng không cho
hoạt động ở Bắc và Trung Kỳ. Vua Bảo Đại cũng
ban hành một sắc dụ cấm truyền đạo Cao Đài tại
Trung Kỳ. Mãi tới năm 1938 nhờ sự can thiệp của
bộ Thuộc Địa Pháp, đạo Cao Đài mới được phép
truyền đạo ở miền Trung, điểm khai đạo là Tam
Quan - Bình Định. Tuy nhiên khi thế chiến thứ II
bùng nổ, chính quyền Pháp cho rằng Cao Đài thân
Nhật nên năm 1941 ra lệnh đóng cửa các thánh
thất, chiếm đóng toà thánh Tây Ninh và bắt tập
trung thành phần truyền đạo. Sau khi Nhật đảo
chánh Pháp, các chức sắc Cao Đài được thả về và
họ phục hưng nhanh chóng sinh hoạt của đạo (Nước
Non Bình Định, tr. 463).
Thành phần trụ cột trong thời kỳ khai đạo là
những nhân sĩ có trình độ và uy tín tại địa
phương nên đạo Cao Đài đã nhanh chóng thu hút
được nhiều tín đồ. Đệ tử đầu tiên của đạo Cao
Đài là ông Phủ (đốc phủ sứ) Ngô Văn Chiêu được
đức Cao Đài thâu nhận làm đệ tử tại đàn cầu cơ
ngày 26.10.1920 trên núi Dương Đông, Phú Quốc.
Ban
đầu thành phần sáng lập đạo Cao Đài dự định mời
sư Từ Phong (1864-1938) làm Thái Chưởng Pháp
(chức sắc đạo đứng đầu phái Phật gọi là phái
Thái, một trong ba phái của đạo Cao Đài, mang y
màu vàng). Theo một tài liệu của đạo Cao Đài,
ban đầu ông chấp nhận nhưng sau đổi ý, chỉ cho
mượn chùa Từ Lâm (Gò Kén, Tây Ninh) để làm lễ
khai đạo trong 4 tháng. Lễ khai đạo Cao Đài và
thiết đàn cầu cơ được tổ chức trọng thể tại chùa
Từ Lâm từ rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) tới
rằm tháng giêng năm Đinh Mão (1927).
Sư
Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, pháp danh
Như Nhãn, pháp hiệu Từ Phong, phái Lâm Tế dòng
Đạo Mẫn đời 39, xuất gia năm 16 tuổi với sư Minh
Đạt (tục gọi Yết ma Lượng) tại chùa Từ Lâm (châu
thành Tây Ninh) sau khi được biết cha mẹ chuẩn
bị cưới vợ cho mình.
Theo Thích Đồng Bổn: sư Từ Phong là một nhà sư
tinh thông kinh điển, giỏi biện thuyết. Trong
khoảng các năm 1920-1925) Phật tử tại các tỉnh
Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gò Công… hiến cúng ông khoảng
20 ngôi chùa tư nhân. Thống đốc Nam Kỳ Doumergue
và thiếu tá hải quân Pháp Lamacs cũng tôn kính
đức độ của ông. Vì vậy ông đã được mời qua Nam
Vang giảng pháp cho hoàng gia Kampuchia. Để bày
tỏ lòng khâm phục nhà sư, vua Norodom thỉnh ông
xuống tóc cho nhà vua vào chùa tu hạn kỳ theo
tục lệ Kampuchia. Đây là một ngoại lệ chưa từng
có tại nước này vì sư Từ Phong là nhà sư Bắc
Tông và Phật giáo Kampuchia theo Nam tông. (Tiểu
Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ 20, tập 1).
Theo tài liệu của đạo Cao Đài do Dã Trung Tử sưu
tầm: ban đầu sư Từ Phong và các đệ tử của ông
gia nhập đạo Cao Đài. Ông hy vọng với chức
chưởng Thái Chưởng Pháp, ông sẽ thuyết phục dược
các chức sắc lãnh đạo Cao Đài theo Phật giáo và
giúp hoàn thành chùa Từ Phong trở thành một
trung tâm Phật giáo quy mô lớn. Nhưng chỉ trong
3 tháng khai đạo tại Gò Kén, tín đồ đạo Cao Đài
đã lên tới 400 ngàn, trong khi dân số Tây Ninh
trước đó chỉ khoảng 10 ngàn người. Vì vậy các
nhà sư Phật giáo trong vùng làm áp lực, cộng
thêm áp lực của người Pháp không muốn công khai
ra mặt cấm đạo Cao Đài, buộc sư Từ Phong phải
đòi lại chùa Từ Lâm. (trang web
www.datviet.com,
Lược Sử Khai Nguyên Đạo Cao Đài) Chùa Giác Hải ở
Gia Định hiện còn tàng trữ nhiều tác phẩm chữ
Nôm của sư Từ Phong.
Năm
1927: Theo Trần Văn Giàu, sau khi được Pháp thả
vào tháng 1/1927, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh
(1900-1943) dường như tìm đến Phật pháp để tự an
ủi. Trên bàn giấy của ông có để chuông và mõ. Có
lúc ông cạo đầu và đi chân đất như thể nhà sư
khất sĩ. Nguyễn An Ninh nghiên cứu Phật pháp qua
các tác phẩm tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và
qua tiếp xúc thực tế với các sanh hoạt Phật
giáo. Là con người chính trị tích cực, sau một
thời gian ngắn nghiên cứu Phật giáo, ông nhận
xét: Đạo Phật bày ra các thứ phương tiện duy
tâm, cá nhân vô hiệu quả để làm lầm lạc con
người. Vì vậy, ông qua Pháp tiếp tục hoạt động
chính trị và học tiếp chương trình tiến sĩ Luật.
Năm 1928, ông trở về nước tiếp tục hoạt động
chính trị chống Pháp. Cuối năm 1928, ông bị nhà
cầm quyền Pháp kết án 3 năm tù vì tổ chức hội
kín Nguyễn An Ninh.
Tháng 5, sư Khánh Hoà phái sư Thiện Chiếu ra Bắc
để vận động chư Tăng Bắc Việt chấn hưng Phật
giáo theo đề xuất của hội Lục Hoà. Là một nhà sư
trẻ làm giáo thọ rồi trụ trì chùa Linh Sơn ở Sài
Gòn, có căn bản tân học và Phật học, khả năng
biện thuyết cao và nhiều nhiệt huyết canh tân
Phật giáo, ông tiếp xúc với hầu hết các tổ đình
miền Bắc như Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ… Có
thể vì ông trẻ tuổi chú trọng nhiều vào hành
động, lại có quan điểm canh tân cấp tiến tới mức
quá khích nên không đạt được thành quả nào trong
chuyến du thuyết vận động này.
Ông
chủ trương Phật giáo phải cởi bỏ cái lốt tôn
giáo để trở thành một lối sống, Tăng sĩ phải bỏ
hình thức “đầu tròn áo vuông”, nên thiết lập
chế độ “tân Tăng” như ở Nhật, nghĩa là nhà sư
không cần cạo trọc đầu, có thể lấy vợ hay không
và tham gia vào cách mạng xã hội. Ngay từ năm
1924, ông cho treo đôi câu đối trước cửa chùa
Linh Sơn (quận 1, Sài Gòn, nơi ông trụ trì):
Phật
pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế - Từ bi nãi
sát sanh dĩ độ chúng sanh (dịch: Phập pháp
nhập thế không yếm thế -Từ bi có thể sát sanh để
độ chúng sanh). Ông cũng nêu lên quan điểm:
Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ cho phép nhà sư
tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Với quan
điểm thiên về hoạt động quá khích, sau này Thiện
Chiếu gia nhập và tích cực trong những hoạt động
bạo động của đảng Cộng Sản, bị Pháp bắt đày đi
Côn Đảo rồi hoàn tục, lấy vợ và có con.
Tháng 7, chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu tổ chức lớp
gia giáo cho khoảng 100 ni chúng. Đây là lớp
giảng dạy Phật pháp đầu tiên cho Ni giới nước
ta, do HT Phi Lai Chí Thiền chủ trì.
Nhà
xuất bản Thạnh Mậu (ban đầu có tên là Thạnh Thị
Mậu) chuyên xuất bản cách sách về Phật học bằng
quốc ngữ được thành lập ở Sài Gòn. Cơ sở tư nhân
này hoạt động liên tục cho tới thời đệ nhị Việt
Nam Cộng Hòa. Các kinh tụng bằng quốc ngữ đầu
tiên đều do nhà Thạnh Mậu in và phát hành. Nên
biết năm 1929, sư Khánh Hoà còn đi các nơi kêu
gọi nên diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng
quốc ngữ.
***
Những diễn tiến trình bày theo thứ tự thời gian
nêu trên cho thấy Phật giáo nước ta cuối thập
niên 1920 đã như một thửa đất được tứ chúng đóng
góp công đức liên tục cày bừa và dẫn thuỷ để sẵn
sàng cho những hạt giống chấn hưng Phật giáo nảy
mầm, đâm chồi mau lẹ.
Thời kỳ Tiền Chấn Hưng này phải được coi là một
thời kỳ lịch sử hào hùng và sinh động của Phật
giáo nước ta: mầm sống Phật giáo được tứ chúng
vun bồi, đã vươn lên mạnh mẽ trong hoàn cảnh
thương khó của đất nước và sự đàn áp nghiệt ngã
của cả chính quyền thực dân Pháp lẫn vương triều
Nguyễn. Qua sự khai sáng các giáo phái Bửu Sơn
Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Ông Trần, qua
việc các nhà sư ca ngợi công đức của nhà cách
mạng Phan Chu Trinh như một đại danh Tăng, qua
sự tham gia tích cực vào các cuộc khởi nghĩa
chống Pháp của các nhà sư và qua nỗ lực hoà hợp
lương-giáo đạt được thành công của các nhà nho
Duy Tân, mái chùa thời Tiền Chấn Hưng thực sự
nhập vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Nó mang
dấu ấn dân tộc và do đó được che chở bởi hồn dân
tộc.
Bài
học có thể nhận ra không mấy khó khăn từ thời kỳ
này: khi mái chùa mang dấu ấn dân tộc, thì không
pháp nạn nào có thể làm suy yếu nổi Phật giáo
nước ta.
TRẦN TRI KHÁCH
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
Nguyễn Long Thành Nam, Đạo Hoà Hảo Trong Lòng
Lịch Sử Dân Tộc, ấn bản điện tử trong trang web
www.hoahao.org
-
Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh, Biên Niên Sử
Phật Giáo Gia Định- Sài Gòn- TP HCM (1600-1992),
nxb Thành Phố HCM, 2001.
-
Độc Đáo Long Sơn, Nhân Dân online ngày
21.4.2005.
-
Thế Nguyên, Phan Chu Trinh, Tân Việt, Sài Gòn
1956.
- Dã Trung Tử
sưu tầm, Lược Sử Khai Nguyên Đạo Cao Đài, trang
web
www.datviet.com.
-
Quách Tấn, Nước Non Bình Định, nxb Thanh Niên in
lại, Hà Nội 1999.
- Nguyễn Văn
Huy, Cộng Đồng Người Chăm tại Kampucia,
www.thongluan.org
16.8.2005.
-
Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, Lịch Sử Việt
Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, nxb TP Hồ Chí
Minh, 2000.
-
Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Lịch Sử Phật Giáo
Xứ Huế, nxb TP HCM, 2001.
-
Trần Hồng Liên, Phật Giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17
đến 1975, nxb TP HCM, 1996.
-
Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế
Kỷ 20 tập 1, Thành Hội Phật Giáo TP HCM, 1996.
-
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3,
Lá Bối in lần thứ 2, San Jose California 1993.
-
Nguyễn Duy Hinh, Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam,
nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1999.
-
Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch Sử Phật Giáo Việt
Nam, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
-
Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân
Vật Lịch Sử Việt Nam, in lần thứ tư, nxb Văn
Hóa, TP HCM 1997.

|