Lời Thương Yêu
HẠNH THUẦN
Nhà chị nằm trong
một hẻm nhỏ thuộc quận đông dân nhất thành phố.
Hẻm bình thường yên ắng vì người lớn bận đi làm
cả ngày, trẻ con cũng theo nhau đến trường.
Chiều đến, từng người, từng nhóm mới lục tục trở
về nhà từ mọi nẻo đường...
Nhưng đôi lúc
trong hẻm cũng gặp chuyện “trái gió trở trời”,
ồn ào náo loạn khi hàng xóm có chuyện xích mích
nhau. Những lúc như vậy, chị khó phân biệt giọng
của người nào khi ai nấy cũng đều to tiếng để
giành phần thắng. Phải đến lúc có người ra can
ngăn, hòa giải, chị mới biết được nguyên nhân
của cuộc cãi vã và ai đúng, ai sai.
Thật khổ thân,
chị thường giật thót người, tim đập nhanh mỗi
khi hàng xóm gây lộn với nhau.
Chị
như thu mình lại, khẽ khàng bước trong căn nhà
nhỏ của chị, không muốn ra mặt như vài người
trong hẻm. Rồi chị bỗng cảm thấy cuộc đời u ám,
không khí ngột ngạt quá.
Ngày trước, ông
bà và cha mẹ chị luôn dạy con cháu “một sự nhịn,
chín sự lành”. Không có gì phải xấu hổ nếu phải
nhẫn nhịn, chịu thua người khác, nhất là khi lẽ
phải thuộc về người ta. Mẹ chị còn lý giải rằng
nói điều xấu xa, lời thô tục thì trước hết “dơ
cái miệng mình”.
Ngày Tết còn
thiêng liêng hơn nữa, anh chị em chị được dặn dò
phải cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói: Nghiêm
túc trong từng câu chữ khi chúc Tết người lớn.
Ngay cả đối với bạn bè cùng trang lứa, đầu năm
cũng phải trao cho nhau lời vui, câu cười... để
quanh năm được hưởng niềm an lạc, hạnh phúc.
Những lời giáo
huấn của các bậc bề trên đã khắc sâu vào tâm trí,
đi theo chị gần hết cuộc đời. Chị thấy rõ rằng
không ai có thể to tiếng, nặng lời với chị khi
chị đã giữ thái độ lễ phép, nói năng đúng mực
với họ. Mỗi khi có dịp đi viếng một người thân,
bạn bè vừa nằm xuống, chị càng thấy cuộc đời hữu
hạn.
“Con người là quả
lắc giữa nụ cười và nước mắt” như một thi sĩ
phương Tây đã viết; thế nên
khi
sống, mọi người cần trao cho nhau những lời
thương yêu để khi nằm xuống còn nhận được cảm
tình quý mến, trân trọng.
Hạnh Thuần


|