PHẬT GIÁO VÀ VẤN
ĐỀ DÂN CHỦ
Tác giả:
GS. Kurt F. Leiderker
Việt dịch:
Minh Diệu
Phật giáo là một phương cách sống và
cũng là một quan điểm. Hai yếu tố này đã tạo
thành một đạo Phật độc nhất trên thế gian. Vậy,
phương cách sống của Phật giáo là gì và bằng
cách nào để Phật giáo hội nhập vào giới hiện đại?
Phật giáo không
thể tồn tại nếu không có hình ảnh cao thượng của
đức Phật. Trước hết, chúng ta hãy khảo xét vấn
đề này và tìm vài dẫn chứng cho vấn đề khả thi
về phương cách sống mà chúng ta cho là “một quan
điểm dân chủ” đã được Đức Phật dạy.
Mặc dù đức Phật
được xem như là nhà sáng lập ra “phương thức
sống” được chúng ta gọi là Phật giáo, Ngài không
bao giờ đặt mình vào vị trí nổi bật này. Thay vì,
Ngài đặt “trí tuệ” mà Ngài đạt được vào vị trí
cao tột này qua hình thức giáo pháp (tức là lời
dạy của đức Phật). Ngài không ép buộc mọi người
phải theo Ngài. Đối với một vấn đề, Ngài khuyên
mọi người cũng như Ngài nên suy xét trước rồi
mới chấp nhận vấn đề đó qua sự thấu hiểu hợp lý.
Ngài không có ý định phải thay đổi cá tính của
đệ tử. Vì vậy trong Phật giáo, chúng ta thấy
quan điểm của Đức Phật về cá tính con người được
tôn trọng hơn hết. Dạy và giảng giáo pháp được
thực hiện trong đường lối lý tưởng nhất, không
có dấu vết giáo điều, không có tình trạng ép
buộc. Nếu đệ tử muốn trình bày điều gì, vị ấy
được đề nghị phải giữ tâm mình trong trạng thái
hoàn toàn trung thực. Đây là lối giáo dục mà
chúng ta đã có từ lâu.
Giáo dục là sự
phát triển tâm thức và tính cách. Điều này cũng
giống như một mảnh vườn thì cần có người chăm
sóc, còn đệ tử thì cần có thầy hướng dẫn. Người
làm vườn phải cuốc đất, làm cỏ và tưới nước. Hoa
màu thu được tùy thuộc vào phẩm chất hiện hữu
của cây trồng. Chúng ta thấy nền tảng của lối
giáo dục này đã có mặt trong xã hội dân chủ và
sau này nó được gọi là giáo dục cải cách. Hơn
nữa, chúng ta còn biết rằng các nền tảng giáo
dục này đã hiện hữu từ xa xưa và đã được các vị
tôn sư ứng dụng đến nó. Vì thế, đức Phật tránh
việc đề cập đến cá nhân mà Ngài chỉ đặt sự lưu
tâm vào giáo pháp (phương pháp giáo dục). Ngài
thiết kế giáo pháp như những dấu chỉ đường, bằng
cách này giáo pháp sẽ được mọi người quan tâm
đến hoặc làm ngơ đi, chính nhờ cách này mà lần
lượt nhiều người tìm ra được lối đi hơn là những
người bị lạc lối. Không có cách nào tốt hơn là
đọc để hiểu thông tin trước rồi thực hiện theo
chỉ dẫn đó để thu hoạch kết quả lợi ích cho mình.
Tất nhiên, đức Phật cũng làm như vậy cho lợi lạc
chính mình. Cũng như vậy, bốn chân lý chắc thật
(Tứ Thánh Đế) được chấp nhận hay từ chối tùy vào
lựa chọn mỗi người. Bát chánh đạo cũng được
tuyên thuyết một cách khách quan. Ở đây có thể
nói rằng Bát Chánh Đạo hoàn toàn trung lập đối
với vị tuyên thuyết về nó.
Qua việc này cho
thấy rằng đức Phật tránh việc tôn thờ cá nhân,
trong các thế kỷ đầu lịch sử Phật giáo những
biểu tượng ám chỉ về đức Phật được biểu hiện như
bánh xe pháp, trụ đá, cây bồ đề, thiền tòa; vì
thế các biểu tượng đã trở thành vật tượng trưng
cho đức Phật cũng như quan điểm được Ngài thuyết
giảng. Vì vậy, đức Phật là một vị lãnh đạo trong
ý nghĩa Ngài là vị đã khám phá ra con đường, sự
khám phá này bất cứ ai cũng có thể làm được một
khi người ấy được truyền trao đầy đủ các dữ kiện.
Vai trò lãnh đạo
của Ngài xuyên suốt không gián đoạn và Ngài thật
sự là một vị lãnh đạo đáng tôn kính. Ngài không
cỡi trên lưng ngựa để thể hiện mệnh lệnh hoặc
dọa dẫm, mà Ngài ngồi, đứng hoặc đi bộ bằng
những biểu hiện của người nhắc nhở, dạy dỗ, biểu
hiện tình thương cao thượng và được chiếu sáng
từ trí tuệ nội tại.
Người Á châu có
tinh thần tôn sư trọng đạo. Vì vậy, sự tôn kính
cho thấy rằng kiến thức và trí tuệ có giá trị
siêu việt hơn danh vọng và vật chất. Vì mục đích
tầm cầu kiến thức thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ
quê hương; vì mục đích mở thông trí tuệ thái tử
đã thành tựu, các cấp độ trí tuệ giải thoát
trong tiến trình tu tập, rồi lại từ bỏ tất cả.
Một cách thực tập
mà các bậc cha mẹ ở Thái Lan khuyên con mình
trải qua ít nhất 3 tháng thực tập như đức Phật
trong cuộc đời của chúng đó là: từ bỏ dục lạc,
giàu sang và tất cả những cám dỗ, để khoát lên
mình tấm y vàng. Nhờ vậy, khi trở lại đời sống
thế tục, ít nhất một lần trong đời người con
lãnh hội được một kinh nghiệm về lối sống giản
dị, khiêm tốn là điều kiện phát sinh trí tuệ và
tuệ giác ly tham mặc dù họ chưa hoàn toàn giác
ngộ.
Sự tôn kính đức
Phật thể hiện trong các biểu hiện bằng hình
tượng của Ngài chứ không phải qua việc thờ cúng.
Tôn kính đặc tính vĩ đại của vị thầy, vì Ngài đã
khám phá để thành tựu đạo quả tối thượng, nhưng
Ngài không hề trốn tránh thế giới khổ đau để
hưởng thụ giải thoát cho riêng mình mà Ngài cống
hiến không mỏi mệt để truyền đạt trí tuệ do Ngài
đạt được thành những lời dạy giản dị, hướng dẫn
qua nhiều phương cách và tiến trình để cho tất
cả chúng sanh từ bình dân đến trí thức đều có
thể hiểu được. Quan điểm này không chứa đựng tư
tưởng vị kỷ mà là tư tưởng xã hội trong ý nghĩa
cao nhất. Ngay cả trong trạng thái an lạc không
thể nghĩ bàn của Niết- bàn, đức Phật hướng tâm
về chúng sanh với lòng từ bi vô hạn. Chính vì
tính cách này mà các Phật tử tôn kính Đức thế
tôn, với đôi mắt hiền từ khép lại và nụ cười
thanh thoát trên khuôn mặt của Ngài.
Ngài là bậc chiến
thắng, không phải chiến thắng kẻ thù mà đã chiến
thắng cái gọi là các yếu tố nền tảng để hình
thành bản chất con người, đã thu hút người Phật
tử quy ngưỡng về Tam Bảo. Chúng sinh cúi lạy
Ngài không phải vì sự hào nhoáng vinh quang của
Thái Tử Tất Đạt Đa mà vì Ngài đã chứng vô thượng
giải thoát dưới cội bồ đề, là kho tàng của trí
tuệ. Các yếu tố dẫn đến một đời sống có trí tuệ
và một phong thái bình an đều là những phát minh
(của Đức Phật). Nhờ những phát minh này mà những
người Phật tử cần cống hiến khả năng của mình
vào việc xây dựng một lối sống dân chủ.
Địa vị và danh
vọng không được đệ tử đức Phật tôn kính ở cấp độ
cao tột như trí tuệ. Giáo lý nhà Phật có nhấn
mạnh đến khái niệm về tính cao thượng. Không chỉ
Bốn chân lý chắc thật và Tám Con Đường Chân
chánh dẫn đến Niết bàn cao thượng; mà sự cao
thượng thật sự chính là “người” thực hành theo
Tám con đường chơn chánh. Hay nói cách khác,
cuộc
đời mà bạn hướng đến, tư tưởng mà bạn nghĩ đến
sẽ làm cho bạn cao thượng, chứ không phải y phục
bạn mặc, hoặc tên tuổi và địa vị bạn nắm giữ làm
bạn cao thượng. Các vị xuất gia là các vị
thánh cao thượng hay Tăng đoàn của các vị thanh
cao.
Tất cả những điều
đã trình bày cho chúng ta thấy rằng trong Phật
giáo giá trị chân thật được chuyển đổi từ hình
thức vật chất và thế gian sang hình thức tâm
linh, tinh thần nhưng không hề bài bác về của
cải và tài năng như một sự xấu xa tội lỗi. Vì
vậy, điều được công nhận là những thứ này (của
cải, tài năng) vẫn còn có giá trị cần thiết cho
đến khi nào chúng ta thành tựu trí tuệ tối
thượng. Vương vị và danh vọng đều được thế gian
chấp nhận; nhưng chân lý cao thượng không có sự
sự tồn tại của những thứ này.
Đức thế tôn giao
thiệp với mọi người, ngay cả với những người hạ
đẳng và Ngài không hề hối tiếc về việc từ bỏ
giai cấp quí tộc của mình. Thực vậy, Ngài đã
nhận ra một nghĩa lý đó là: “giai cấp” là biểu
hiện của sự phân chia của con người trong xã hội
qua nghề nghiệp.
Ngài đồng ý có
vua, có giáo sĩ Bà la Môn trong một quốc gia (Ấn
Độ cổ đại). Ngài thừa nhận có sự bất công trong
xã hội vì Ngài biết rằng sự công bằng chân thật
không bao giờ có mặt ở thế giới hiện tượng này.
Một Bà la Môn chân chính, một minh quân không
phải biểu hiện bề ngoài mà phải có giá trị thực
sự từ bên trong đó là tư tưởng và tính cách cao
thượng.
Vì vậy, đức Phật
không phải là nhà cải cách, phần nhỏ nào đó Ngài
là nhà cách mạng qua đánh giá của các học giả
Tây phương thường gán cho Ngài như vậy. Ngài còn
bị gán cho là có tư tưởng muốn thiết lập lại xã
hội Ấn giáo và xóa bỏ giai cấp. Nếu như, hệ quả
về lời dạy của Ngài, sự giải phóng khỏi các giới
hạn ép buộc trong xã hội Ấn giáo đã xảy ra, thì
đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một trong
những nhận định sai lầm cho rằng đức Phật đã
phát động cải cách xã hội. Mục tiêu của Ngài là
sự giác ngộ và đoạn trừ phiền não và khổ đau bất
cứ nơi nào nó có mặt chứ không phải giải thoát
đau khổ cho những người ở giai cấp thấp trong xã
hội. Điều đức Phật quan tâm đến là bản chất và
nguyên lý của khổ và chết chứ không phải quan
tâm đến những nỗi khổ vì những xa đọa và bất
công trong xã hội.
Thực ra, trong
lời dạy của Ngài đức Phật đã khéo léo biện minh
để hóa giải những xung đột giai cấp trong xã hội.
Phương châm của Ngài là hòa bình. Hòa bình không
nhất thiết phải thay đổi quyền lực mà phải thiết
lập lối suy nghĩ của mình dẫn đến sự giải thoát,
hòa bình không thể đạt được chỉ hoàn toàn nhờ
vào các phương tiện bên ngoài. Chính sự cải
thiện tinh thần từ bên trong rồi sau đó mới biểu
hiện ra ngoài qua những hành vi đạo đức. Chúng
ta không thể làm những việc tốt mà không có một
quan điểm hoặc khái niệm về điều thiện.
Một trong những
nền tảng được chấp nhận trong một xã hội dân chủ
đó là: nó phải được thiết lập và nên được thiết
lập qua tính đa dạng của các cá nhân và tính
cách của mỗi cá nhân phải được bảo vệ. Đây cũng
là ý nghĩa nền tảng của dân chủ và cũng là sự
quan tâm của Phật giáo. Trong Kinh Mi-Tiên Vấn
Đáp (Milindapanna Sutta) có dạy rằng: “…ví như
các loại cây cỏ có sự khác nhau là tùy theo tính
chất hạt giống của chúng, cũng vậy tính cách và
thân phận của mỗi người khác nhau là do các việc
làm của họ khác nhau rồi dẫn đến kết quả tương
ứng khác nhau.” Đây là giáo lý về nghiệp (kamma:
hành động), giáo lý này phổ biến rộng rãi trong
tư tưởng Ấn độ. Một người trở nên tốt qua việc
làm tốt và trở nên xấu do việc làm xấu. Người
Phương Tây bảo đây là giáo lý về trách nhiệm cá
nhân.
Có một sự khác
biệt là Phật giáo cho rằng: đời sống hiện tại
của một cá nhân là kết quả của quá khứ và còn
ảnh hưởng đến tương lai của cá nhân đó. Tuy
nhiên, nội dung then chốt thì tương đồng với
nhau. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm toàn bộ
những tư duy và hành động của mình, ngược lại
bất cứ việc làm sai lầm nào của một cá nhân đều
có thể sám hối để sửa đổi và luật pháp sẽ vô
hiệu hóa tội lỗi ấy. Xã hội sẽ thay đổi, cũng
như thiên nhiên chịu sự chi phối của quy luật
nhân quả cho quá trình tồn tại của nó từ quá khứ
cho đến tương lai, nhưng không phải tất cả đều
phải chịu sự chi phối của quy luật này.
Trong xã hội dân
chủ không phải mọi người đều hoàn hảo. Trong tự,
qua giao thiệp với đồng loại con người phát
triển quan điểm niềm tin về nghiệp báo. Chính
quan điểm này, Phật giáo cho rằng: một người có
thể và phải hoàn hảo qua thể hiện thiện nghiệp (hành
vi tốt) của anh ta. Vâng, có nghiệp quốc gia, và
mọi người thuộc các cộng đồng trong quốc gia tin
nhận điều này. Chúng ta là những người thừa tự
tội lỗi cũng như đạo đức của tổ tiên để lại.
Theo lý thuyết về
nghiệp thì mỗi cá nhân tự do thực hiện các quyết
định của mình. Theo quan điểm của đức Phật một
cá nhân nào đó muốn hướng đến giải thoát (vimukti)
và Niết-bàn (nibbana) thì chính cá nhân đó phải
quan tâm đến con đường giải thoát và Niết bàn.
Vì vậy, đức Phật muốn ám chỉ rằng: trong xã hội
cũng cần phải có các điều kiện cần thiết cho
việc chứng đạt Niết-bàn. Hay nói cách khác, tự
do phải được bảo hành ở đời này.
Thực vậy, tự do
chính là huyết mạch của tôn giáo, trong bất cứ
hình thức tôn giáo nào tựu trung chỉ có một
khuynh hướng là tìm đến tự do. Bất kỳ xã hội nào
tôn thờ tính ngưỡng về học thuyết định mệnh thì
kết quả sẽ nhốt kín con người vào một thế giới
tư tưởng và hành động ở đó con người không còn
hoạt động tự do nữa, và tự do không thể thực
hiện bằng nổ lực của mỗi cá nhân.
Chính Emerson,
một người Mỹ, đã phát biểu rằng: “văn minh y cứ
vào đạo đức”. Với quan điểm này, mọi Phật tử sẽ
đồng ý rằng giới là nền tảng đối với đời sống
con người. Chánh ngữ (sammavaca), chánh mạng (sammakammanta)
và chánh nghiệp (sammaajiva) là ba yếu tố quan
trọng (thuộc về giới) trong Bát Chánh Đạo, nếu
chúng bị phá hoại, ví dụ: nếu sự chân thật và
tôn trọng trong ngôn ngữ là chất liệu liên kết
trong các mối quan hệ của con người không còn
giữ gìn nữa, nếu không có ngôn ngữ thì con người
không còn là người nữa, xã hội sẽ tan hoại và
văn minh sẽ sụp đổ. Tương tự như vậy là sự thực
hành hạnh chân thật bằng thân hành trong cư xử;
cư xử trong xã hội, nếu chúng ta làm tổn hại
đồng loại qua việc làm của thân (thể), hoặc lấy
cắp những gì không phải sở hữu của chúng ta,
hoặc chúng ta tham gia vào các hoạt động không
mang lại hài hòa và hạnh phúc cho đồng loại.
Chúng ta đánh giá
cao các nước Tây phương về mặt đạo đức và những
quốc gia theo thể chế dân chủ và tôn thờ tinh
thần tự do được bao hàm trong thành ngữ “sữa của
những người rộng lượng”. Tương tự trong Phật
giáo, cả hai giới: xuất gia và tại gia được
khuyến khích để hướng đến và làm cho mọi người
sống trong “các cảnh giới cao thượng” đó là Từ,
Bi, Hỷ và Xả.
Từ (Metta) là tấm
lòng tốt và tình bạn tốt, với lòng từ một Phật
tử chân chánh sẽ làm cho nó thấm nhuần khắp mọi
nơi. Tương tự đối với Bi (karuna), thương yêu
tất cả chúng sanh, vì chúng sanh là thừa tự các
phiền não và khổ đau của ác nghiệp. Một số học
giả chưa đồng ý về nội dung của Hỷ (mudita). Họ
gọi nó là tình thương vô cầu, như thể tình
thương luôn ban ra mà không mong sự báo đáp. Có
lẽ sự cảm thông “sympathy” là từ Anh ngữ tương
đương. Xả (Uppekkha) được chuyển nghĩa như
“trạng thái thờ ơ đối với các dục lạc hoặc là sự
lãnh đạm đối với các dục lạc”; nhưng: “trạng
thái thanh thản” có lẽ là sự phiên dịch chính
xác.
Một xã hội chủ
trương quan điểm tự do hơn là sự đàn áp và ngăn
cấm, một tôn giáo cho phép mọi người thực tập
không giới hạn thì tự nó sẽ hoàn hảo, và chắc
chắn sự cảm thông sẽ được hiển bày. Có hai loại
cảm thông, một là cảm thông với người không tôn
giáo và hai là hết lòng quan tâm đến cái gọi là
không chính giáo mặc dù không tán thành về nó.
Quyền bất đồng quan điểm được bảo vệ trong tất
cả các quốc gia dân chủ. Vì, con người phải hiểu
rằng: chân lý tối thượng không thuộc sở hữu của
riêng ai, con người chỉ dò dẫm được nó (chân lý)
qua khía cạnh khái niệm, tuy nhiên bao lâu con
người còn bị giới hạn những hiểu biết của mình
thì chân lý tối thượng vẫn vững tồn.
Quyền tương tự
như vậy được đề cập trong tư tưởng Phật giáo. Vì,
thực tại tối hậu (Niết-bàn) không thể định nghĩa
hoặc trình bày.Vì vậy, nếu bạn hoặc tôi khởi
hành tìm đến nó chúng ta phải tìm bằng kiến thức
và nỗ lực của chính mình. Nếu đạo đức mà phải
tranh đấu bởi vì có sự khác biệt là điều không
hợp lý.
Tôi nghĩ, kết
luận bây giờ hơi sớm về vị trí của Phật giáo
trong thế giới dân chủ. Vị trí của Phật giáo
được xác định chắc chắn ở đó. Phật giáo ắt hẳn
cống hiến lớn cho tình thương và tự do, được
thực hành một cách dân chủ ở các quốc gia và còn
là niềm tự hào của họ. Khi nào lời dạy của đức
Phật còn hành trì thì đời sống của người Phật tử
vẫn còn an vui và ổn định. Kẻ thù trước mặt dễ
nhận ra, nhưng ý tưởng để khắc phục kẻ thù thì
thật sự rất tinh vi. Vì vậy, cách hay nhất trong
xây dựng nền tảng để khắc chế kẻ thù không chỉ
bằng thực hành mà còn phải hiểu biết về triết
lý Phật giáo nữa. Khi chúng ta nói “chánh”
nghiệp, “chánh” tư duy, “chánh” tinh tấn có
nghĩa là chúng được thực hành hoàn hảo chứ không
phải chỉ hiểu đúng thôi. Nhưng không phải bằng
trực giác, bằng thói quen mà có thể làm đúng
hoặc làm hoàn hảo công việc. Cần phải suy tư đến
vấn đề: “thế nào là “đúng”.
MINH DIỆU
(dịch từ Bodhi
Leaves No. B 17)
Hội in ấn kinh
sách Phật giáo, Kandy 1973, Tích Lan.
Xuất bản lần thứ
nhất (1961)
Xuất bản lần thứ
hai (1973)


|