NHỮNG CHÌA KHOÁ TRAO EM

Thơ: Trí Giải

Bình thơ: Ánh Vy

 

Bé thân mến!

Ngẫm lại mình, dường như ta đã đánh rơi khá nhiều chiếc chìa khóa trong quãng đường ta đi qua…Biết tìm lại ở đâu bây giờ nếu chính ta không tự làm nên những chìa khóa mới để ta học cách trân trọng hơn.

 

1. Chìa khóa mỉm cười.

Mình đã đánh rơi nó từ lúc nào rồi nhỉ? Lâu quá rồi, không nhớ ra được nữa.

Mỉm cười thiện cảm, ở trong đời

Là mối tâm giao, người mến chơi

Hạnh phúc được nhiều, bạn quý mến

An vui cuộc sống, xung quanh người” (Thích Trí Giải)

Chả trách, lâu nay ta cứ hay mệt mỏi và dường như chả có thiện cảm với ai thì phải. Cuộc sống an vui của ta chỉ là văn tự nói chứ ta không có nói. Ta giật mình trong tiếng cười của mình, đó là tiếng cười dễ vỡ của thế gian, đó là tiếng cười đem lại niềm đau cho người khác, là tiếng cười mau biến thành tiếng khóc trong phút giây. Không phải là tiếng cười của sự giải thoát và an lạc, không phải tiếng cười phá mê giữa cõi Ta-Bà, một tiếng cười méo mó mà chính nó đang khoác trên mình sự phiền não, khổ đau. Thật đúng là ta đã phí phạm sức lực mình cho những tiếng cười như thủy tinh vỡ đi rồi hốt nhặt đem quăng vào đống rác, vì đó là những thứ sẽ gây chảy máu, đau đớn cho người.

 

2. Chìa khóa quan tâm

Quan tâm ư? Ta từng quan tâm ai chưa nhỉ? Hình như là có. Oh, cái có đặt trong cái hình như, nghĩa là còn ngờ vực không biết là có không nữa. Thêm một lần nữa để ta tìm kiếm chiếc chìa khóa thứ hai, lại đánh rơi ở đâu nữa rồi.

Quan tâm chia sẻ, đến nhiều người

Thiện cảm trao nhau, ta thấy vui

Thăm hỏi thường xuyên, trong cuộc sống

Sẵn sàng giúp đỡ, khó khăn đời” (Thích Trí Giải)

“Quan tâm chia sẻ đến nhiều người”. Dường như đến bây giờ ta vẫn chưa làm được. Bởi vì ta còn chưa một lần biết quan tâm đến chính bản thân ta. Nghe ra thì có vẻ ích kỷ nhưng thực tế là vậy. Chưa biết quan tâm đến mình thì làm sao quan tâm cho tha nhân, làm sao ta thông cảm cho người khi chính ta chưa một lần học sự cảm thông. Kinh điển, giáo lý, dẫn chứng lời Phật dạy, ta thuyết hùng hồn lắm, hay lắm nhưng bốn chữ “quan tâm, chia sẻ” ta vẫn chưa thực hiện được rốt ráo. Trong ta cũng đang có rất nhiều con người, đừng bỏ quên nhiều con người trong chính con người mình trước khi ta sẻ chia với thế nhân. Không hiểu mình thì không thể nào chia sẻ cùng người được.

 

3. Chìa khóa nỗi buồn

Ở đời, cái nghịch lý là chuyện buồn ta giữ chặt lắm, giữ để gặm nhấm, để viết nên những bản tình ca đẫm lệ. Có điều lạ là nhạc buồn ta lại hát nhập tâm hơn. Không hiểu! Thế mới biết nó đã ăn sâu vào con người mình, lấy mấy thứ não phiền, hờn giận, phiền muộn trét lên mình rồi bảo đó là ta.

Nỗi buồn đừng để, ở tâm ta

Những việc không vui, nên bỏ qua

Gặp phải chướng duyên, ta vững bước

Bền tâm ý chí, nỗi buồn qua” (Thích Trí Giải)

Khi buồn khóc lóc, lợi gì đâu??

Tìm cách quên đi, chuyện khổ sầu

Ổ khóa người làm, chìa khóa mở

Tịnh tâm tháo gỡ, hết thương đau” (Thích Trí Giải)

Ta chưa từng học cách chuyển hóa, ta chỉ biết lấy tiếng khóc cho nhẹ cõi lòng này nhưng nỗi buồn vẫn không tan biến mà nó vẫn cứ âm thầm theo ta trong mỗi phút giây khi ta giật mình nhớ tới bởi một bản nhạc quen thuộc gợi về quá khứ.


4. Chìa khóa sức khỏe

Khi ta không biết tôn trọng chính sức khỏe của mình thì ta đã không còn tôn trọng ta nữa rồi và cũng không tôn trọng người đã sinh ra ta.

Khi thân tráng kiện, tốt tinh thần

Thể dục thường xuyên, việc rất cần

Ăn uống đúng giờ, tốt sức khỏe

Thức ăn phù hợp, bệnh không sanh” (Thích Trí Giải)

Một ngày thân thể này yếu đi là một ngày chữ “Hiếu” chưa tròn. Thân không tốt, tâm không an thì đừng nói đến việc Hiếu Đạo vẹn tròn. Giật mình, hốt hoảng vì ta đã đánh rơi quá nhiều chiếc chìa khóa. Vụng về tìm kiếm của một kẻ luộm thuộm. Còn nữa, còn nhiều chiếc chìa khóa nữa mà ta chưa thể kể cho em nghe được. Là thế đấy! Ta trách cuộc đời này không mở cửa ra cho ta nhưng ta đâu biết rằng ta đã đánh rơi quá nhiều những thứ mà ta đang có. Đợi ta nhé! Ta sẽ kể tiếp cho em nghe những chiếc chìa khóa để mở cửa cuộc đời này mà chúng ta đã vô tình hay cố tình đánh mất.

 

5. Chìa khóa ngủ nghỉ

Lúc trước, ta có chia sẻ với em về vấn đề sức khỏe rồi. Hôm nay, ta chia sẻ thêm cho em về chiếc chìa khóa ngủ nghỉ nữa nhé! Mới nghe, em thấy bình thường lắm phải không? Có lẽ em sẽ cho rằng ngủ nghỉ thì có gì đâu mà gọi là chìa khóa quan trọng. Ta không trách em bởi ta cũng đã từng giống như em hiện giờ. Ta hay thức khuya lắm nhưng có ai ngờ rằng chính vì ta coi thường nó nên đến giờ ta mới không còn tỉnh táo như ngày xưa nữa. Em biết không?

Thức khuya cơ thể, dễ bệnh đau

Mệt mỏi tinh thần, dễ nhức đầu

Ngày ngủ li bì, không dậy nổi

Bệnh tim dễ phát, thọ không lâu” (Thích Trí Giải)

Ôi! Đúng thật là…Thức khuya là vậy đó em, giờ thì em đã nhận ra chưa? Đừng coi thường sức khỏe của mình. Em có biết rằng một khi sức khỏe đã yếu đi, tinh thần không tỉnh táo thì nguy hiểm vô vàn. Tu học cũng vậy em ạ! Nếu không tỉnh thức thì đừng bàn gì đến việc giải thoát nữa huống chi là an lạc trong giây phút hiện tại, khi ta cứ mãi trong trạng thái hôn trầm thì đúng là chỉ kết bạn với trầm luân mà thôi. Do vậy, em nên…

Nên cần ngủ trước mười hai giờ

Ngủ đủ một đêm, dậy tỉnh bơ

Sảng khoái tinh thần, làm mọi việc

Thành công cuộc sống, đẹp như mơ” (Thích Trí Giải)


6. Chìa khóa tha thứ

Khi nhắc đến hạnh “Tha thứ”, ta cũng không biết phải nói sao nữa? Đã có nhiều áng văn chương hay nói về hạnh Tha thứ. Chúng ta hãy cố gắng noi gương họ mà thực tập cho tốt. Bởi …

Tâm Từ đối trị diệt cơn sân

Hóa giải oan khiên việc rất cần

Khi đã có lỗi nên sửa đổi

Đừng nên cố chấp, lỗi mình làm” (Thích Trí Giải)

Cũng đôi lần ta biết rằng người đã đem đến cho ta nhiều ưu phiền lắm, người khiến cho ta phải chia rẽ tình huynh đệ, người khiến cho ta không còn chỗ nương thân, người khiến cho ta phải lang thang trên một quãng đường dài vào mùa giông bão. Theo bản năng, cái sân hận trong con người ta sẽ nổi lên rất mạnh nhưng nhờ có những người pháp lữ nhắc nhở ta đang đi trên con đường của Tình thương và Trí tuệ nên ta đã không còn giận người nữa. Kể từ đó, ta luôn vững chãi trong tâm Từ để đối trị diệt cơn sân.

Khi người có lỗi, biết ăn năn

Những việc không hay, đã lỗi lầm

Cuộc sống không ai, chẳng có lỗi

Sẵn sàng tha thứ, việc sai lầm” (Thích Trí Giải)

Trong đời, ai cũng đã từng gây lỗi cho người khác hết em ạ. Những ai nhận ra lỗi lầm của mình biết ăn năn thì đúng thật quý vô vàn. Ta tha thứ tất cả, ta vui mà người cũng nhẹ lòng. Chúng ta phiêu du trong phương trời thong dong không hơn hay sao mà phải có khoảng cách bởi hai chữ “Lỗi lầm” cách ngăn giữa đôi bờ.

 

7. Chìa khóa thị phi

Hầu như ít ai giữ được chiếc chìa khóa này chắc trong tay, cũng đã đôi ba lần rớt trong quãng đường đời ta đi qua.

Ai thường nói xấu, chuyện người ta

Thù oán, thị phi, chồng chất mà

Tình cảm con người, thêm sức mẻ

Nói năng chánh niệm, tránh oan gia” (Thích Trí Giải)

Sao ta không một lần ngồi lại bên nhau để tập nói trong chánh niệm nhỉ? Nói xấu người khác dường như cũng là một chủ đề cho người ta dễ bắt đầu một câu chuyện. Cái này ta nhớ quán sát nhé! Nó cũng vi tế lắm đấy. Nếu không tỉnh thức thì nhiều khi ta đang “thị phi” lúc nào mà không hay.

 

8. Chìa khóa thư giãn

Ta thường hay tham lam. Tham lam cả công việc, không còn thời giờ cho chính mình nữa. Những lúc này đây rất quan trọng, giúp cho ta cân bằng được trạng thái của mình. Đừng đày đọa bộ óc này quá! Hãy để cho chúng “thở và cười” cùng ta.

Một ngày làm việc mệt nhiều rồi

Thư giãn tinh thần để thảnh thơi

Tản bộ công viên đi hóng mát

Những gì giải trí, tâm mình vui” (Thích Trí Giải)

 

9. Chìa khóa tâm hồn

Tặng em nè…!!!

Hằng ngày nuôi dưỡng, tâm hồn mình

Sám hối, ngồi thiền, và tụng Kinh

Lạy Phật thường xuyên, trừ nghiệp chướng

Tâm hồn thanh tịnh, trí tuệ minh” (Thích Trí Giải)

Ta không cần em làm gì nhiều. Chỉ cần như vậy thôi, em sẽ có được “Tâm hồn thanh tịnh, trí tuệ minh”. Ráng lên em nhé! Vì đó là phút giây em sẽ tìm thấy được chính mình. Đạo Phật không phải là tôn giáo của nghi lễ rườm rà, phô trương và hình thức mà đạo Phật là đạo của tình thương và sự hiểu biết, đó là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại. Đừng bao giờ biến đạo Phật trở nên huyền bí và khó hiểu, khó hiểu là do sự hiểu biết của ta. Hãy để cho “Tâm hồn thanh tịnh” em sẽ thấy được “trí tuệ minh” ngay thôi. Thực tập đi, ta cam đoan với em là như vậy!

 

10. Chìa khóa quán chiếu

Hằng ngày quán chiếu, việc qua rồi

Sai trái điều gì, nguyện bỏ thôi

Làm đúng việc gì, cần phát triển

Cuộc đời hoàn thiện nhân cách thôi” (Thích Trí Giải)

Có bao giờ em tập quán chiếu như vậy chưa? Nếu chưa thì hãy làm ngay bây giờ đi. Cuộc sống cần nên có chiều sâu, đừng hời hợt với những hành vi của mình. Ta đã làm sai điều gì, hãy sửa ngay. Ta đã làm việc gì đem lại lợi lạc cho tha nhân, hãy phát huy. Tập quán chiếu như vậy trong mỗi giờ đã qua, em sẽ hoàn thiện được nhân cách của mình trong cuộc đời. Ta mong em nhiều lắm. Vậy là ta đã kể cho em nghe về 10 chiếc chìa khóa mà chúng ta đã đánh rơi nhưng vẫn chưa hết đâu, còn thêm 4 chìa khóa nữa.

Thế là ta lại gặp em để cùng sẻ chia về những chiếc chìa khóa mở cửa hạnh phúc cuộc đời. Ta rất vui vì có nghe rằng em đã mở được đến cửa thứ 10. Ta vui nhiều lắm! Em biết không? Em đã cảm nhận được những điều ta chia sẻ, đó là những chiếc chìa khóa mà người đời hay coi thường nó, thật tội nghiệp vì họ đã không biết rằng đó chính là những chiếc chìa khóa quan trọng trong cuộc đời mình. Em hãy trân trọng những gì mình đang có, bởi con đường ta đang đi là con đường của tình thương và sự hiểu biết. Chúng ta vẫn thường đi thiền hành vào mỗi buổi chiều về, Linh Thoại hoa vẫn nở, ta đang thở và cười, ta sẽ kể tiếp cho em nghe về 4 chìa khóa còn lại.

 

11. Chìa khóa khó khăn

Đường lên dốc đỉnh An Khê

Khó khăn trắc trở không hề chùn chân

Quyết tâm giữ vững tinh thần

Đèo cao mấy núi bước dần cũng qua” (Thích Trí Giải)

Em còn nhớ đỉnh An Khê không? Nơi mà người ta vẫn thường nói rằng:

“Không đi thì mắc cái eo,

Ra đi thì sợ cái đèo An Khê”.

Dân gian vẫn thường nói An Khê đi dễ khó về, nhưng đó là người đời. Còn em, em có sợ đèo An Khê không? Là không! Đúng không em? Người con Phật không bao giờ sợ khó khăn, trắc trở, trên lộ trình tìm về Chân Như “Đèo cao mấy núi bước dần cũng qua”. Ta không sợ vì tâm ta là tâm hướng đến đại chúng, bước chân ta vững chãi trên mọi nẻo đường thì đỉnh An Khê cũng có là gì? Em à! Con đường địa lý dù xa dù hiểm trở nhưng nếu tâm ta không ngại thì sỏi đá cũng biến thành thảm cỏ xanh nâng bước em đi.

Những bước chân của tình thương và trí tuệ “cách sông cách núi vẫn là do tâm”. Bậc trí cao thâm ở đời không bao giờ đứng lên từ bục vinh quang, danh vọng phù du ở đời, mà họ đứng lên từ đâu? Từ chính những sai lầm trong cuộc đời đó em. Xấu hổ quá! Khi ta vẫn chưa làm được như vậy. Đôi khi ta vẫn thường nói dù cho bát phong có “đụng” đến ta thì ta “vẫn vững như kiềng ba chân”. Lời nói đó chỉ là phiếm ngữ mà thôi. Khi tâm sự những điều này với em, ta đang nói thật lòng mình, bởi khi ai đó chạm vào cái Ngã của ta thì trước mắt ta cho người đó ngã trước cho hả giận nhưng ai ngờ đoạn đường còn lại ta còn ngã đau hơn.

Đường đi không khó bởi ta

Cách sông cách núi vẫn là do tâm...

Đứng lên từ những sai lầm

Mới là bậc trí cao thâm ở đời” (Thích Trí Giải)

Con đường tu học không thể nói bằng ngôn từ sáo rỗng, nói cho hay, cho đẹp, cho văn chương nhưng cuối cùng chẳng hiểu gì hết. Con đường đó vốn không khó đi, sông núi cách trở là do ta. Tự ta làm nên sông núi chứ sông núi nào dám cản ta đi, ta đi không đúng đường thì cho rằng sông ngăn núi trở rồi sau đó thối tâm nản chí mà mỏi gối chùn chân. Có ai biết rằng chính ta cũng có thể dời núi dời sông được vậy? Tại sao ta không dời mà lại nói là do sông núi? Không tìm về chính mình mà cứ tìm ở ngoại cảnh mà than khóc cho áng văn chương thêm đau buồn. Kẻ đại ngu là từ những sai lầm mà nản chí, người bậc trí là từ những sai lầm mà thấy được thành công. “Sai lầm” là một trường đại học dạy ta biết về những kinh nghiệm mà sách vở ở đây là vô ngôn, nó chỉ đòi hỏi em phải biết cách quán chiếu, cách nhìn sâu nhìn rộng. Hãy từ những sai lầm đó mà đứng lên, đôi chân sẽ vững vàng hơn rất nhiều. Đó là chiếc chìa khóa thứ 11, chìa khóa khó khăn mà hầu như ai cũng đã đánh rơi hết rồi. Hãy giữ gìn nó bằng sự trân trọng, em nhé!

 

12. Chìa khóa thăng trầm

Cuộc đời luôn có thăng trầm

Bước cao bước thấp hết trầm lại thăng

Dù cho gian khổ nhọc nhằn

Vững chân ta bước chỉ thăng không trầm”  (Thích Trí Giải)

Hãy kể cho ta nghe em cảm nhận được gì ở cuộc đời này? Nó có bao giờ làm cho em phải buồn chưa? Cuộc đời vẫn cứ như những nốt nhạc hay một bản tình ca, không phím thăng phím trầm thì ai cảm nhận được cái hay của tác phẩm, không có những đoạn điệp khúc hay cao trào thì bản nhạc cũng mất hay. Ta vẫn còn nhớ có một câu nói rằng “Không đau khổ lấy chi làm chất liệu. Không buồn vui sao hiểu chuyện con người”. Đau khổ vẫn như một chút gì đó trong hương vị của cuộc đời, thiếu nó thì sự an vui sẽ không có mặt. Trong đau khổ đã ngầm chứa cái nhân của hạnh phúc nếu ta biết cách quán chiếu. Ta mong em rằng đừng bao giờ ruồng bỏ những sự đau khổ mà trốn tránh, em hãy ôm lấy nó, hãy ôm ấp những nỗi khổ niềm đau mà chuyển hóa, đó chính là một chất liệu không thể thiếu để ta làm nên một cuộc đời tươi đẹp. Ta tin em sẽ làm được điều này. Ngày nay, người đời vẫn thường trầm mình trong sự khổ đau bằng những giọt nước mắt bi lụy, họ cố vùng vẫy để thoát khỏi cái hố đen đó nhưng không được, càng ngày nó sẽ càng lún xuống. Chi bằng ta đừng vùng vẫy mà hãy bình tâm, sáng suốt trong sự vững chãi để tìm hướng giải thoát cho chính mình. Khi bước chân em đã vững chãi bước đi trên thảm cỏ xanh trong tình đạo vị cùng người pháp lữ thì theo em đó là thăng hay trầm?

 

13. Chìa khóa tiền tài, danh vọng

Đây là hai thứ mà ai cũng mơ vì họ cho rằng đó là thước đo của sự thành đạt. Ta cũng đã từng như vậy đó em ạ. Nó đã đến với ta trong tiếng cười bật lên rồi chợt tắt, ta lịm dần trong sự mệt mỏi, chán chường. Ta muốn có thật nhiều tiền nhưng ta không tìm ra được đáp số như thế nào mới gọi là nhiều? Ta muốn trèo cao lên nấc thang danh vọng nhưng chính ta cũng không biết khi nào mới gọi là cực điểm? Ta là thế đấy. Một kẻ vô minh đến ngôn từ cũng phải bó tay. Lòng tham không đáy của một con người, chả trách con đường trầm luân ta vẫn luôn có mặt. Quán trọ trần gian đến đi bao lần mà khách vẫn chưa mỏi mệt.

Tiền làm phương tiện, kiếp nhân sinh

Hãy đến với nhau , một chữ tình

Danh lợi, bạc tiền, như bọt nước

Có rồi tan biến, bởi duyên sinh” (Thích Trí Giải)

Trôi lăn từ vạn kiếp, đến giờ ta mới hiểu ra rằng tất cả chỉ là phương tiện cho kiếp nhân sinh. Tiền có thể đốt thành tro nhưng chữ tình thì lấy đâu ra mà đốt. Lâu nay ta cứ ôm lấy nó như những cái bong bóng vỡ tan, cuộc sống do chúng nó làm chủ, ta làm nô lệ từ bao kiếp để rồi giờ đây mới giật mình mà nhận ra rằng:

Danh lợi, bạc tiền như bọt nước

Có rồi tan biến, bởi duyên sinh…

Thật đúng! Bởi duyên sinh, là bọt nước, là phương tiện. Ôi! “Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chì có tình thương để lại đời”. Đừng đắm chìm trong biển hồ tham vọng nữa. Nó chỉ là thứ bắt ta cứ phải lẩn quẩn trong vòng vô minh. Ta vẫn đồng ý rằng ở đời ta cũng cần phải có vật chất, tiền bạc để làm phương tiện trong cuộc sống nhưng ta không thể để chúng làm chủ ta được. Tình thương là cái mà người ta rất cần cũng giống như còn biết bao nhiêu người đang rất cần tình thương của chúng ta vào lúc này. Cuộc đời này như một giấc mộng, danh lợi cũng chỉ là phù du, trần gian là nơi ở trọ, bỗng chốc rồi cũng hóa hư không mà thôi…

Bước đi giữa chốn hồng trần

Tiền tài danh vọng phù vân ở đời

Ví như sóng biển ngoài khơi

Hôn vào bãi cát hợp rồi lại tan

Bao năm mỏi gối lang thang

Nay dừng chân bước nhẹ nhàng an vui” (Thích Trí Giải)


14. Chìa khóa thương, ghét, chê

Đây là chiếc chìa khóa cuối cùng mà chị muốn chia sẻ với em. Khi nhắc đến thương thì ai cũng thích nhưng nếu chữ thương bắt nguồn từ sự cảm mến đôi chút chứ chưa hiểu gì hết thì đó là tình thương không bền vững. Mặc dù biết là vậy, biết là giả tạm nhưng ta vẫn thích người ta thương yêu ta. Ngọt vẫn hơn, phải không em?

Có ai thích bị ghét, bị chê bao giờ đâu. Nếu ai chê ta thì coi như bản Ngã đột nhiên lại to lớn hơn thường ngày. Cái lạ ở đời là người ta không thích đặt câu hỏi ngược vì sao anh thương tôi? Vì sao bạn ghét tôi? Và, vì sao tôi lại bị chê? Họ chỉ biết nhìn cái trước mắt rồi bám vào đó sinh buồn phiền hay vui với những niềm vui giả tạm của thế gian.

Chữ thương, chữ ghét, chữ chê

Do ta vướng bận, si mê bám vào

Để tâm trong sáng ngàn sao

Ái biệt ly khổ ai nào dễ quên

Tiếng thương như gió dịu êm

Chữ chê tức giận nổi sân hãi hùng

Thôi thì hãy sống ung dung

Thương chi cho khổ, ghét chung thêm sầu”. (Thích Trí Giải)

Tất cả đều bắt nguồn từ những sự si mê, chấp trước. Có bao giờ ta ngồi lại với chính ta chưa? Ta ôm ấp một con người bé nhỏ đang mệt mỏi thở dài trong ta hay chưa? Khi chia sẻ những dòng này, ta cũng muốn em hãy nên dành thời gian cho chính mình nhiều hơn, hãy thương yêu mọi người bằng sự “hiểu” của em. Khi em biết thương lấy chính bản thân mình, khi em đã hiểu được em rồi, em sẽ cảm thông cho người khác. Tình thương bắt đầu từ sự hiểu biết thì chữ ghét, chê không còn chỗ để có mặt. Hãy để cho tâm mình như một mặt hồ phẳng lặng, hãy để cho người khác cảm nhận được năng lượng từ bi của một người tu học Phật, hãy tạo một luồng từ trường bình an và tiếng nói yêu thương cũng xuất phát từ tâm Từ. Vậy em nhé!

Thôi thì hãy sống ung dung

Thương chi cho khổ, ghét chung thêm sầu”.

Thương ghét làm chi, cũng có được gì? Người con Phật không có khái niệm của sự biệt phân. Ta thả mình trong làn gió mát và hương thơm của tình đạo vị, người học Phật không bao giờ gánh chữ sầu, đeo chữ khổ khi đã hiểu bằng sự thực tập của mình.

Sau triệu triệu lần hứa hẹn rong chơi cõi tử sinh, giờ đây thân ta đã quá mỏi mệt, ngọn lửa oán thù cứ cháy mãi trong nhân gian. Thôi thì hãy dừng lại mà dùng những giọt nước của tình yêu thương làm dịu mát thế gian này, mọi thành bại ở cuộc đời này cũng như mây trôi, vinh hoa cũng chỉ là gió thoảng qua, sinh tử cũng như chiếc lá rơi về cội. Chỉ là đôi dòng chia sẻ, ta tin em sẽ cảm được những điều ta nói. Với ngôn từ chất phác, mộc mạc của kẻ quê mùa nhưng đó lại là vạn lời yêu thương gửi đến em.

Ngoài kia mặt trời đã lên cao, nắng vàng rực rỡ, mặt hồ như đang lấp lánh ngàn ánh sao dưới cái ánh nắng của buổi trưa hè. Ta nghĩ về em! Hãy cố gắng tập cho mình một cuộc sống tỉnh thức và một ngày nào đó điều diệu kỳ của tự thân sẽ lập tức nở hoa. 14 chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc cuộc đời, ta đã trao về em. Hãy trân trọng nó. Gửi em tôi…

Hồng trần muôn sự phù vân

An nhiên, tự tại một chân tâm này”.

Hai câu này ta không nhớ tên tác giả nhưng đó là những điều ta muốn em hiểu sau khi em đã mở được cánh cửa thứ 14. Thảnh thơi và vững chãi trong mỗi bước chân… An lạc trong từng hơi thở… Ta đã gặp em chính tại nơi này…

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008