NHỮNG KHÍA CẠNH
VỀ PHẬT GIÁO
Tác giả:
Lý Bỉnh Nam
Việt dịch:
Thích Đức Hỷ

Tín ngưỡng tôn
giáo vốn là điều mà con người chúng ta không sao
có thể thiếu được. Nếu lưu tâm quán sát chúng ta
sẽ thấy được điều đó. Thế giới rộng lớn này, nó
khác nào biển cả. Chúng sinh trong thế giới ấy
được ví như những loài thủy tộc đang trú ngụ. Và
các tôn giáo giống như màng lưới kín giăng trùm,
bao bọc khắp biển cả. Các loài thủy tộc trong đó,
quanh quẩn chạy đông chạy tây, vẫn không sao
thoát khỏi phạm vi của lưới. Chúng sinh trong
thế giới này bị vướng vào những sầu muộn của
hoàn cảnh; có nhiều vấn đề nảy sinh nhưng vẫn
không cách nào giải quyết nổi. Đến một lúc nào
đó, họ hầu như phải lao đầu, nương tựa vào một
tôn giáo, trông chờ sự cứu rỗi, khai mở cho họ
một con đường mới.
Vào lúc đó, tốt
nhất ta nên bình tâm tĩnh lặng, trầm tư suy
tưởng, khảo sát một cách tỉ mỉ; đem những điểm
chính yếu của các tôn giáo, thảo luận, tra cứu
một cách tường tận, so sánh với nhau, nhận thức
một cách khách quan; ngõ hầu chọn ra một tôn
giáo để quay về. Có như vậy, ta mới không mê mờ
khi tin nhận, mới không từ mê vào mê, từ đau khổ
lại chất chồng đau khổ. Và như thế, ta mới có
thể phá tan mọi hoàn cảnh khổ đau, mới có thể
tìm cho mình một con đường xán lạn đúng đắn để
dấn bước.
Chúng ta hãy xem
sự tôn nghiêm về quả vị của bậc giáo chủ Phật
giáo, sự cao sâu rộng lớn của giáo nghĩa, sự
triệt để của phương pháp cứu độ chúng sinh;
không một tôn giáo nào có thể sánh hơn được. Đặc
biệt nhất là trong hoàn cảnh văn hóa của nước ta
hiện nay, đối với gia đình là điều mà chúng ta
cần phải phân tích; như thế, mới có thể nhận
thức được rõ ràng.
Thứ nhất, chúng
ta nói về quả vị của Phật. Như mọi người đều
biết, trong các loài có tánh linh, con người là
bậc nhất (thật ra có loài Trời đứng trên loài
người). Trong các kinh điển, đức Phật được xem
như là bậc Thầy của tất cả loài người, quốc
vương, loài Trời, Thiên Đế. Những nơi nào có
Phật thuyết pháp, quốc vương các nước, chư Thiên
Thiên Đế đều đến cuối đầu đảnh lễ, hộ pháp hoặc
làm thị giả. Trong Kinh gọi Ngài là Thánh trong
các bậc Thánh, là Trời trong hàng Trời; vậy thử
hỏi còn có ai hơn Phật không?
Thứ hai là nói về
giáo nghĩa. Số lượng kinh Phật lưu bố rộng rãi
trong nước ta, tính ra cả thảy có hơn tám ngàn.
Trong số đó có những bộ kinh như Đại Bát Nhã gồm
sáu trăm quyển. Quả thật mênh mông như biển cả
rộng lớn. Với sự phong phú như thế, e rằng không
có gì hơn được. Nội dung của kinh, nói lớn thì
lớn như hư không, nói nhỏ thì nhỏ như hạt bụi;
nói dài xa thì như trần điểm kiếp, nói ngắn gần
thì như một sát-na. Nói đến tình huấn của con
người thì chi ly tường tận; nói đến bí mật của
vũ trụ thì tách bạch rạch ròi. Nói đến phương
diện chứng đạo thì chỉ ra Phật tánh không sanh
không diệt; bàn đến triết học thì quả thật đã
đạt đến mức chí cao. Nói đến luân lý thì lại là
một luân lý tỉ mỉ chu đáo; nói đến khoa học thì
cũng là khoa học tiên tiến; nói đến văn nghệ thì
lại là văn chương hết sức hùng vĩ.
Thứ ba là nói đến
phương diện độ sinh. Tâm lý chúng sinh đều muốn
theo lành lánh dữ, một khi không còn cách nào
giải quyết, cực chẳng đã họ mới làm những công
việc cúng tế, cầu thần bái thiên. Những hành
động này, kỳ thật không đạt được một chút ích
lợi gì! Phật pháp không hướng dẫn chúng ta làm
như thế, mà chứng minh cho chúng ta rõ về nhân
quả, dạy chúng ta gieo nhân lành được quả tốt,
dứt nhân ác diệt tội báo. Song nhân quả này lại
chẳng đơn giản giống như nhân quả mà hàng thế
tục nhận thức. Theo Phật pháp, đứng về mặt thời
gian thì nhân có quá khứ, hiện tại và vị lại;
quả phân ra có hiện báo, sanh báo và hậu báo.
Đứng về mặt không gian thì nhân quả có rất nhiều
cơ duyên không sao nói hết. Hợp hai mặt không
gian và thời gian, nhân nhân quả quả thật là
phạm trù rất phức tạp, lẫn lộn. Nếu như hiểu rõ
luật nhân quả, chúng ta không những tự mình tiêu
trừ tai họa mà còn có thể đạt được hạnh phúc.
Lại có một vấn đề
khác nảy sinh, đó chính là từ nay về sau phải
cầu một nơi quy túc. Bởi vì tất cả chúng sinh
đều có thần thức, sự sống chết, đầu thai vào các
nẻo không bao giờ dứt. Sau khi chết, con người
sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt. Bởi thế, phần nhiều họ
phải chịu làm thân súc sinh, làm ngạ quỷ, phải
đọa lạc vào địa ngục. Phật Pháp có khả năng
hướng dẫn những căn cơ thấp kém để được làm thân
người; hướng dẫn những căn cơ trung đẳng để được
sinh thiên; còn đối với căn cơ trung đẳng hướng
dẫn tu thành La Hán; đối với căn có tối thượng
hướng dẫn tu hạnh Bồ Tát để chứng thành Phật quả.
Nhưng Phật quả hoàn toàn không hạn chế cho bất
kỳ chúng sinh nào. Chỉ có điều là chúng ta phải
cố gắng chuyên cần thì căn khí mới theo đó hướng
thượng tăng tiến. Và như thế, theo một quy luật
bình đẳng, tất cả đều sẽ thành tựu.
Thứ tư là nói về
những xử sự tốt đẹp trong gia đình. Một gia đình
hạnh phúc là lục thân hòa thuận, Phật pháp có
những yếu tố để hòa thuận sống chung, đó chính
là thân, khẩu, ý phải hòa hợp không tranh chấp,
giới luật cùng gìn giữ, lợi ích cùng chia đều.
Nếu gia dình chúng ta đều một lòng quay về nương
tựa Phật pháp, thì tự nhiên sẽ đoàn kết thành
một mối, hòa khí nảy sinh và như thế sẽ đạt
được những niềm vui trọn vẹn.
Đến như hy vọng
tương lại trọn vẹn, con cháu hiền lương; điều
này chúng ta nên biết rằng, phong tục nước ta
rất chú trọng hiếu đạo. Cha mẹ còn sống phải
phụng dưỡng; cha mẹ mất đi phải thường xuyên
tưởng niệm, cúng tế. Theo tinh thần Phật giáo
đối với cha mẹ hiện tại, không những phụng dưỡng
mà còn có rất nhiều hiếu tử thay cha mẹ tăng
phước tăng thọ, sau khi chết được sanh về cõi
Cực Lạc, thành bậc chân hiền. Những việc này
ngoài Phật Pháp ra, không ai có giải pháp nào có
thể làm cho triệt để như thế cả. Đồng thời hàng
con cháu tin tưởng phụng Phật, cũng quyết không
thể xoay lưng với ông bà tổ tiên mà vứt bỏ đi
những gì thiêng liêng cao cả nhất.
Thứ năm là nói về
lợi ích của dân tộc quốc gia. Sự đoàn kết của
một dân tộc, nếu chỉ đơn thuần dựa vào huyết
thống để duy trì thì quả thật không đủ năng lực
để làm việc đó. Điều cần thiết nhất, đó chính là
cần có nột nền văn hóa, có cùng một tín ngưỡng;
một khi chí đạo đồng hợp thì sự đoàn kết tự
nhiên kiên cố. Tinh thần dân tộc nước ta lấy
trung hiếu làm gốc. Vấn đề hiếu đạo đã được
trình bày mở mục thứ tư. Ở đây chỉ đề cập chữ
“trung” mà thôi. Trong các kinh luật Phật giáo
có bốn điều kiện được xem là lực lượng hộ quốc
của Phật giáo.
1. Không phạm vào
quy chế nhà nước.
2. Không trốn lậu
tô thuế nhà nước.
3. Không bài báng
các lãnh tụ quốc gia chân chính.
4. Không được làm
kẻ thù nước nhà.
Chỉ với bốn điều
này mới đủ để biểu hiện tinh thần tuân thủ pháp
luật, chân thành báo đền ơn nước, tấm lòng trung
ái sâu sắc, dũng cảm bảo vệ nước nhà của Phật
giáo.
Nước ta trải qua
mấy nghìn năm nay, đời đời con cháu tiếp nối
truyền thống tín ngưỡng Phật giáo, nó đã nghiễm
nhiên trở thành sức mạnh đoàn kết không thể nào
phá bỏ được. Nên biết rằng nhân dân tín ngưỡng
Phật giáo thì quyết chắc sẽ không lìa bỏ đạo đức,
xem thường quốc gia, hay không tôn trọng quốc kỳ.
Đây cũng chẳng
qua là một phần. Điều quan trọng nhất là ở nước
ta, vấn đề tín ngưỡng Phật giáo rất được thích
nghi. Mong rằng những ai cầu học vấn, những ai
tu đạo đức, những ai nghiên cứu triết học, khoa
học, những ai mong cầu hiện tại được gần lành
lánh dữ, những ai mong cầu đời sau giải thoát
tịch tịnh, những ai mong cầu gia đình hòa mục,
con hiếu cháu hiền, những ai quý trọng bảo vệ
dân tộc quốc gia thì hãy mau chóng tín ngưỡng
Phật giáo!


|