Như Lai Thập Hiệu

Chia sẻ Phật Pháp của Trí Giải

 

Thập hiệu Như Lai ý nghĩa hay

Ba đời chư Phật mười hiệu này

Danh xưng mỗi Phật đều riêng biệt

Trình bày ý nghĩa ở dưới đây:

 

1. Như Lai (Tathāgata)

Như là thể tánh “Chân Như” đây

Lai nghĩa đến đi hạnh nguyện Ngài [1]

Như như bất động “Như Lai Tánh” [2]

Lai thành Chánh giác nghĩa Như Lai [3] 

 

2. Ứng Cúng (Arhat = La Hán)

La-Hán, Như-Lai, hết não phiền

Đủ đầy phước trí nhị trang nghiêm

Như Lai đoạn tận vòng sinh tử,

Trời người Ứng cúng phước gieo duyên

 

3. Chánh Biến Tri (Samyak-sambuddha)

“Chánh” là đúng đắn ở trong đời

Vạn pháp do tâm biến khắp nơi

Trí tuệ Như-Lai thấu pháp giới

Chỉ bày chánh Pháp liễu tri người

 

4. Minh Hạnh Túc (Vidyā-carana-sampanna)

Minh nghĩa sáng suốt Phật tâm mình [4]

Hạnh là phước đức trí huệ sinh

Túc là đầy đủ phước và trí

Phước - Trí nhị nghiêm Phật độ sinh

 

5. Thiện Thệ (Sugata)

Thiện là cội gốc, muôn điều lành

Thệ nguyện Đạo thành, độ chúng sanh

Như Lai là bậc Nhất thiết trí [5]

Độ sanh viên mãn chứng Niết-bàn

 

6. Thế Gian Giải (Loka-vid)

Thế gian đau khổ mãi luân hồi

Giải mở chân lý tâm chiếu soi

Thấu rõ ba đời trong các cõi

Niết bàn-sinh tử tại tâm thôi

 

7. Vô Thượng Sĩ (Anuttara)

Vô thượng Bồ đề tối thắng Ngài

Không ai có thể sánh Như Lai

Mọi người thường gọi tên Đạo sĩ [6]

Thuyết Pháp độ sinh thoát trần ai

 

8. Điều Ngự Trượng Phu (S. Purusa-damya-sārathi)

Thành Đạo Bồ đề ở cõi trần

Điều phục não phiền ở nơi tâm

Chế Ngự  ma quân Ngài thành Đạo

Trượng Phu thành tựu bậc Thánh nhân

 

9. Thiên Nhơn Sư (S.Sāstā deva-manusyānām)

Phật thuyết pháp môn để chiếu soi

Trời người tu tập thoát luân hồi

Tôn xưng danh hiệu lòng thành kính

Bậc Thiên-Nhân-Sư của mọi loài

 

10. Phật-Thế Tôn (Buddha-Bhagavat)

Phật hiện ra đời thuyết pháp môn

Để trừ phiền não khổ không còn

Thế gian tu tập lìa sinh tử

Tôn kính danh hiệu Phật Thế Tôn

 

 ---------------------------------

Chú Thích:

Đôi khi Như Lai Thập Hiệu này, trong các kinh luận cũng có trường hợp gộp chung Thế Gian Giải và Vô Thượng Sĩ thành một hiệu, hoặc gộp Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu thành một hiệu…

[1] Lai nghĩa đến đi hạnh nguyện Ngài: ý nói Như Lai thị hiện đến cõi đời này thuyết Pháp độ sanh khi hoàn thành viên mãn, Ngài nhập Niết Bàn (đi) đó là theo hạnh nguyện độ sinh của Ngài,

[2], [3] Như Lai là "như như bất động, lai thành chánh giác", là tự như, sẵn có từ ngàn xưa. Như Lai Tạng Tánh cũng tức là Phật tánh vậy.

 [4] Phật Tâm=Như Lai có đầy đủ Tam minh: (Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh)

[5] Nhất thiết trí (一切智), trí huệ hiểu biết tất cả

[6] Sĩ : Sĩ - Đạt-Đa: Tên riêng của Ðức Phật là Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhattha - Gotama). Tuy nhiên, ngày nay có rất ít người dùng tên gọi nầy. Chúng ta thường gọi Ngài là Ðức Phật, hoặc Ðức Phật Cồ-đàm.

========================

 

Tiếng Chuông

Tiếng chuông chùa cảnh tỉnh

Ngân vang giữa đêm mê

Đánh thức tâm Bồ Đề

Xa khỏi nẻo vô minh

 

Kiếp người khổ điêu linh

Danh, sắc mãi buộc ràng

Tạo ác nghiệp thế gian

Khi chuông chùa vang vọng 

Cảnh tỉnh mọi chúng sinh

Bồ đề tâm khai trí

Giác ngộ Phật tánh mình…


Thiền Trà

Giữa đêm trường giá lạnh

Sưởi ấm một tách trà

Thanh khiết và đậm đà

Trở về với thực tại

Thấy cuộc sống an lành…

 

Bước chân

Bước chân người Cùng-Tử

Năm tháng mãi rong chơi

Vô thường trong nhà lửa

Trôi lăn biển luân hồi…

 

Dấu chân

Ngày đêm con sóng mãi vỗ bờ

Ái dục dâng tràn thỏa ước mơ

Bước chân in dấu bờ sinh tử

Bao giờ xóa sạch cái tâm mê???

 

Bước chân cùng tử mãi rong chơi

Dấu chân in cát biển luân hồi

Gió động sóng tràn hôn bờ cát

Vết hài nơi ấy theo nước trôi…

 

Học Giả & Hành Giả

Trước tiên phải học thực hành tu

Không học chỉ tu tâm hóa mù

Học giả không tu như đãy sách

Học dùng kiến thức soi đường tu…

 

Học giả chưa xong hành giả ngu

Hành không đúng nghĩa giống người mù

Người tu không học sao hành giả?

Để trừ phiển não, thấy chân như

 

Thuyền làm phương, tiện để qua sông

Học giả không tu, trôi giữa dòng

Hành giả chỉ tu, không chịu học

Như thuyền mất hướng trôi lòng vòng

 

Học Nhẫn

Học Đạo cho thông, thấy chữ "Minh"

Cao sâu phải nhượng, tánh quân bình

Chữ "Trung" chữ "Tín" đừng xa "Nhẫn"

Ba chữ vẹn toàn Đạo phát sinh

 

Người tu học nhẫn, lặng im thôi

Hạnh nhẫn tốt đẹp, an lạc đời

Hành giả không nhẫn với nghiệp chướng

Diệt trừ chúng nó, khỏi tâm thôi


Bao năm học nhẫn, ở trong đời

Mới biết bây giờ, tìm "Chủ" thôi

Làm "Chủ" hành vi, không nóng giận

Chướng duyên khi gặp, bình tâm soi

 

Chữ Tâm chữ Nhẫn, ở tâm người

Tâm Nhẫn không sân, mọi việc vui

Đức hạnh chân tu, cầu giải thoát

Một người học Phật, Nhẫn soi đời

 

Nhẫn nhục thể hiện Tâm Từ

Nhẫn Người một chút chữ Tu hiển bày

Nhẫn nhịn mới thấy điều hay

Nhẫn bạn ta có những ngày cảm thông…

 

Hằng ngày ươm giống Bồ đề tâm

Học giả chân tu, thấy lỗi lầm

Kiếm tuệ vun gươm, trừ ác nghiệp

Trượng phu thành tựa được “chân tâm”

 

Vô thường lá rụng, ở bên sân

Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần

Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ

Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân

 

Trí Giải

University of Mumbai, tháng 05 năm 2011

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008