LƯỢC SỬ CHÙA HƯNG KHÁNH

Soạn theo bản viết tay của

Cố Hoà thượng THÍCH ĐỔNG QUÁN

 

Chùa Hưng Khánh - hiện tọa lạc tại thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nguyên có tên là Chùa Hưng Long, do Phật tử ở hai thôn Hưng Nghĩa và Thọ Nghĩa phụng lập dưới sự chứng minh khai sáng của Tổ Toàn Ý (thế kỷ 18) để làm nơi tu học của thiện nam, tín nữ trong vùng. Tổ Toàn Ý là đệ tử của ngài Pháp Liêm “Bình Man Tảo Thị”, Trú trì Tổ đình Phước Lâm - Hội An, Quảng Nam.

Chùa được lập vào ngày tháng nào không được biết đích xác, nhưng chắc chắn là vào năm Quí Sửu (1793) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất được ghi trên câu liễn hiện còn: “Cảnh chiếm bồng doanh thiên bất lão – Vu khai cẩm tú địa vô trần”. Đại ý hai câu này là: “Cảnh chùa tọa lạc nơi thanh tịnh, Giữa cánh đồng ruộng xanh tươi”.

Chùa được cải hiệu một lần và tái thiết nhiều lần, nhưng vẫn tọa lạc trên một vị trí xưa nay: tọa Tý – Ngọ, hướng Quí – Đinh phân kim theo dịch lý tại thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Sau khi thành lập, chiến tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh bùng nổ dữ dội, nên chùa vắng bóng tín đồ. Nhiều tin đồn rằng có những hiện tượng bất thường xảy ra như: đêm đêm có bóng người đi đi lại lại, chập chờn giữa những ánh sáng đom đóm trong những đêm đầu tháng và giữa tháng, nhất là quanh khuôn viên rậm rạp, hoang phế của vườn chùa. 

Những tin đồn này đã làm cho quý vị kỳ cựu, hào lý và thiện tín thuần thành trong thôn lo ngại. Vì vậy, vào ngày 10 tháng 10 năm Tân Hợi (1851) niên hiệu Tự Đức thứ tư, thiện tín và quí vị thân hào, nhân sĩ, tân cựu hương lý ở thôn Hưng Nghĩa, đại diện gồm có cụ Thủ chỉ Vĩnh, Trùm chức Định, Lý trưởng Sơ, Đội trưởng Thăng, Phó trưởng Phụng, Hương mục Tường, Thủ vụ Tân, Dịch mục Thuộc và Dịch mục Nhạn… khăn áo chỉnh tề về Tổ đình Phổ Bảo (thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định) cung thỉnh Thiền sư Quảng Giác, húy Chương Trí về trú trì ở chùa.

CHÙA HƯNG KHÁNH do Thiền sư Quảng Giác tái thiết và cải hiệu. Sau khi được mời về trú trì tại chùa Hưng Long, Ngài đã đổi tên chùa Hưng Long thành chùa Hưng Khánh cho đến ngày nay.

Như đã đề cập ở trên, chùa Hưng Long không còn tự tích nào ngoài câu đối được nhắc đến ở trên ra nên không biết đã có vị nào trú trì hay không và cũng không có cựu khế điền địa nào cho biết khu đất vườn chùa là do vị nào hiến cúng, nên sơ tổ chùa Hưng Khánh được bắt đầu từ đời của Thiền Sư Quảng Giác, vị cao tăng đã được quý thân hào nhân sĩ đến chùa Phổ Bảo cung thỉnh về làm trụ trì.

Thiền sư Quảng Giác thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 38, húy Chương Trí, đệ tử của Tổ Toàn Ý. Ngài sanh tháng tám năm Kỷ Sửu (1799), thị tịch ngày 6 tháng 2 năm Mậu Thìn (1868), thọ 70 tuổi. Tháp của Ngài hiện ở hướng Tây nam chùa Hưng Khánh.
Đệ tử của Ngài gồm có: - Húy Ấn Tổ thừa kế chùa Hưng Khánh. Húy Ấn Ký khai sáng chùa Thanh Quang, thôn Thanh Quy, Tuy Phước. Húy Ấn Phương khai sáng chùa Quang Phước, thôn Quang Hy, Tuy Phước. Ngài Quảng Giác có mua 4 mẫu 5 sào ta ruộng để lại cho chùa.

Trụ trì đời thứ hai của chùa là Ngài Ấn Tổ, Thiền sư Phước Minh thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 39, là vị Tổ có nhiều đệ tử danh đức nhất: Húy Chơn Hương hiệu Chí Bảo thừa kế chùa Hưng Khánh; Húy Chơn Long hiệu Chí Đạo khai sáng chùa Phú Thọ, thôn Phú Tài; Húy Chơn Ngộ hiệu Chí Tâm tái thiết và trú trì chùa Bình Quang, Tuy Phước; Húy Chơn Diệp hiệu Chí Thạnh; Húy Chơn Tường hiệu Chí Thiện tái thiết và trú trì chùa Thiên Trúc, thôn Bình Lâm, Tuy Phước; Húy Chơn Huệ hiệu Chí Mẫn tái thiết và cải hiệu chùa Song Nghĩa thành Nhạn sơn tự, thôn Nhạn Tháp, An Nhơn; Húy Chơn Chất hiệu Chí Hưng tái thiết và trú trì chùa Khánh Lâm, thôn Ngọc Thạnh, Tuy Phước; Húy Chơn Đạo hiệu Chí Tâm (đệ tử Ngài Ấn Phước chùa Tây Thiên, An Nhơn, cầu pháp với Ngài Ấn tổ) trú trì chùa Vĩnh Khánh An Nhơn, sau khai sáng chùa Hương Quang, thôn Trung Tín, Tuy Phước; Húy Chơn Trí hiệu Chí Phổ (đệ tử Ngài Ấn Ký, cầu pháp ngài Ấn Tổ) trú trì chùa Thanh Quang, thôn Thanh Quy; Húy Chơn Định hiệu Chí Hạnh trú trì chùa Phong Quang, thôn Phong Thạnh Tuy Phước, sau Ngài về thừa kế Tổ đình Sơn Long, Quy Nhơn; Húy Chơn Nguyên hiệu Tâm Thiền trú trì chùa Diêu Phong (cầu pháp Ngài Chơn Hương).

Ngài Ấn Tổ là vị đạo hạnh nghiêm túc, đống lương đạo pháp, quy cảnh hậu lai (tấm gương soi sáng cho đời sau). Ngài tái thiết chùa Hưng Khánh và mua 3 mẫu 6 sào ruộng. Ngài sinh giờ Dần ngày 18 tháng 8 năm Tân Sửu (1841), thị tịch giờ Sửu ngày 6 tháng 9 năm Canh Tý (1900), tháp của ngài hiện ở hướng đông nam chùa Hưng Khánh.

Trụ trì đời thứ ba của chùa là Thiền sư Chí Bảo, húy Chơn Hương (Hòa thượng Tái Thí) dòng Lâm Tế đời thứ 40. Ngài là vị Thiền sư đạo hạnh bậc nhất thời bấy giờ. Năm Canh Thân (1920), niên hiệu Khải Định thứ năm, ngài được giới tử cung thỉnh làm Đường đầu Hòa Thượng. Năm Canh Ngọ (1930) niên hiệu Bảo Đại thứ năm, Ngài đại trùng tu Ngôi Tam bảo Hưng Khánh. Năm Ất Hợi (1935), Ngài mua 3 mẫu 4 sào ruộng. Năm Nhâm Ngọ (1942), niên hiệu Bảo Đại thứ 17, tại trường hương chùa Hưng Khánh, Ngài được giới tử cung thỉnh làm Đường đầu Hòa Thượng lần thứ hai (tái thí). Ngài sinh giờ Dần, ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Tỵ (1868), thị tịch giờ Tỵ ngày 12 tháng 8 năm Mậu Tý (1948), thọ 80 tuổi. Tháp của Ngài hiện ở hướng Tây chùa Hưng Khánh. Ngài có các vị đệ tử: Húy Như Hòa thừa kế chùa Hưng Khánh và Phổ Bảo; Húy Như Huệ trú trì chùa Khánh Sơn, Đập Đá; Húy Như Thọ trụ trì chùa Long Phước; Húy Như Chấp trụ trì chùa Long Tường; Húy Như Lợi trụ trì chùa Huỳnh Long; Húy Như Phú thường trú chùa Hưng Khánh; Húy Như Ký thường trú chùa Hưng Khánh; Húy Như Kính trụ trì chùa Khánh Lâm; Húy Như Pháp (cầu pháp) trụ trì chùa Quang Phước và Diêu Phong.

Trụ trì đời thứ tư của chùa là Ngài Tâm Ấn, húy Như Hòa thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, bình sinh Ngài có nếp sống rất hài hòa, nhất là đối với lãnh đạo của các tôn giáo bạn và nhân dân. Ngài đã khéo lèo lái mọi Phật sự ở huyện Tuy Phước, tái thiết các Tự viện có liên hệ với Ngài như: Tổ đình Phổ Bảo, thôn Phổ Trạch, Tuy Phước, chùa Hưng Khánh, chùa Khánh Lâm, thôn Ngọc Thạnh, xã Phước An, Tuy Phước. Chùa Linh Sơn, thôn Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn. Chùa Huỳnh Long, thôn Huỳnh Mai, Tuy Phước. Chùa Khánh Sơn, Đập Đá, An Nhơn. Ngài đã khai sáng chùa Tòng Lâm, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước, chùa Nam Thạnh, thôn Thế Thạnh, xã Phước Thạnh, nay thuộc thành phố Quy Nhơn. Ngài đã vận động Phật tử cùng Ban Đại diện các Khuôn Hội trong phạm vi huyện Tuy Phước, thành lập mỗi xã một Khuôn Hội và mỗi thôn một vức hội để tiện việc tu học, lễ sám, nói chung là những sự sinh hoạt, tín ngưỡng của toàn thể nam, nữ hội viên trong mỗi vùng. Sau khi Bổn sư của Ngài là Hòa Thượng Chơn Hương viên tịch, mọi Phật sự liên hệ trách nhiệm Ngài đều chu toàn cẩn thận. Ngài sinh năm Đinh Mùi (1907) tịch giờ Thân ngày 05 tháng giêng năm Quí Mão (1963), thọ 57 tuổi. Tháp của Ngài hiện ở hướng Đông nam chùa Hưng Khánh. Đệ tử Ngài gồm có: Húy Thị Huệ hiệu Bảo An, thừa kế Tổ đình Phổ Bảo và Tổ đình Hưng Khánh; Húy Thị Chí hiệu Bảo Thành cư tăng chùa Phổ Bảo; Húy Thị Thượng hiệu Bảo Phước trụ trì chùa Phước Điền, xã Phước Nghĩa, Tuy Phước; Húy Bảo Vân (cầu pháp), thiên di, tái thiết chùa Tòng Lâm, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước; Húy Bảo Nghiêm (cầu pháp), xây cất và trụ trì chùa Nam Thạnh, thôn Thế Thạnh; Húy Bảo Tín (cầu pháp) xây dựng và trụ trì chùa Tịnh Quang, xã Phước Thắng.

Trụ trì đời thứ năm của chùa là Ngài Bảo An, húy Thị Huệ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42. Năm 1964 Ngài tái thiết chánh điện chùa Hưng Khánh bằng vật liệu kiên cố. Năm Quí Sửu (1973), Ngài tiếp tục kiến thiết nhà Hậu Tổ, Đông Tây đường và nhà trù. Ngài sinh năm Giáp Dần (1914), khi tuổi về già, Ngài đã giao trách nhiệm trú trì các tu viện liên hệ cho các đệ tử để chuyên lo công tác Giáo hội và tu trì. Ngài viên tịch lúc 1g45 phút rạng ngày 22 tháng giêng năm Tân Mão, trụ thế 98 năm, 70 năm hạ lạp. Tháp của Ngài hiện ở hướng tây bắc của Tổ đình Phổ Bảo.

Đệ tử Ngài gồm có: Thích Huệ Minh trụ trì chùa Giác Uyển, Sài Gòn (cầu pháp); Thích Đồng Thuyên hiệu Thiện Tấn, tự Thông Hải, thừa kế chùa Hưng Khánh; Thích Đồng Chơn hiệu Thiện Thức, tự Thông Đức, thừa kế chùa Phổ Bảo; Thích Đồng Văn hiệu Thiện Thắng, tự Thông Hạnh, trụ trì chùa Phổ Bảo tại thành phố Munich,  Đức quốc; Thích Thiện Thông (cầu pháp) trụ trì chùa Vân Sơn, thôn Quảng Vân, Phước Thuận, Tuy Phước; Thích Thiện Đức (cầu pháp) trụ trì chùa Nguyên Giác, thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp; Thích Thiện Thâm (cầu pháp) trụ trì chùa Bích Nam, thôn Quảng Nghiệp, Phước Hưng; Thích Thiện Viễn (cầu pháp) trụ trì chùa Tịnh Quang, thôn Tư Cung, Phước Thắng.

Trụ trì đời thứ sáu của chùa là Thượng Tọa Thích Đồng Thuyên, hiệu Thiện Tấn, tự Huệ Hải (tự Thông Hải) thuộc dòng Lâm tế đời thứ 43, thừa kế sự nghiệp của Bổn sư và chư Tổ, truyền trì đạo pháp, phổ lợi nhơn sanh. Thế danh của Đại đức là Lê Quyên, sinh ngày 20 tháng 3 năm Giáp thân (1944) tại thôn Tịnh Bình, xã Nhơn Hạnh, An Nhơn, con ông Lê Vịnh và bà Phan Thị Phàn. Thượng tọa xuất gia ngày 15 tháng 4 năm 1957 tại Tổ đình Phổ Bảo, thọ Đại giới năm Mậu Thân (1968) ngày Trung Nguyên tại Đại giới đàn Tổ đình Long khánh, Quy Nhơn do Ngài Phúc Hộ chùa Từ Quang, Đá Trắng, Phú Yên làm Đường Đầu Hòa Thượng.

Thượng Tọa nhận trách nhiệm trụ trì chùa Hưng Khánh ngày 11 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1978), kế thừa đời pháp thứ 43. Thượng Tọa viên tịch lúc 9 giờ tối mồng 3 tháng 11 năm Đinh Sửu (1997). Tháp nằm ở hướng đông nam chùa, cạnh tháp Ngài Phước Minh.

      Đệ tử của Thượng Tọa gồm có:

Thích Vạn Hành (thừa kế).

Thích Vạn Đức (Hoa Kỳ).

Thích Vạn Toàn 

Thích Vạn Ân (sư cô Đồng Ân – chùa Quang Phước).

Trụ trì đời thứ bảy của chùa là Đại Đức Thích Vạn Hành, đệ tử kế thừa đời pháp 44. Pháp tự của Đại đức là Khánh Phước, Pháp hiệu là Giác Thọ, nguyên trú ở chùa Quang Phước, thôn Quang Hy, xã Phước Lộc, Tuy Phước.

Thế danh của đại đức là Nguyễn Thành Phi, sinh ngày 18 tháng 3 năm 1967, con ông Nguyễn Văn Xuân và bà Nguyễn Thị Hường. Đại đức xuất gia ngày 8 tháng 2 âm lịch năm Giáp Dần (1974) tại chùa Hưng Khánh, thọ Đại giới năm 1989 tại giới đàn Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn do Hòa Thượng Kế Châu viện chủ tổ đình Thập Tháp làm Đường Đầu. 

Vào năm 1996, đại đức đang là học tăng Tu viện Huệ Quang tại Sài Gòn thì bổn sư lâm trọng bệnh nên đại đức trở về phụng sự. Khi bổn sư viên tịch, sau tuần chung thất bổn sư, ngày 23 tháng 1 năm 1998 nhằm ngày 22 tháng chạp năm Đinh Sửu, đại đức được hòa thượng Thích Bảo An trưởng môn phái hệ phái Chúc Thánh cùng chư sơn thảo luận và quyết nghị cử đại đức thừa kế trụ trì tổ đình Hưng Khánh cho đến ngày nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008