Nương nơi Phật, Pháp và Tăng; Chúng con xin quy y cho đến ngày đạt đến quả vị giác ngộ - In the Buddha, the Dharma and the Sangha; We take refuge until we reach Enlightenment. Nương nơi Phật, Pháp và Tăng; Chúng con xin quy y cho đến ngày đạt đến quả vị giác ngộ - In the Buddha, the Dharma and the Sangha; We take refuge until we reach Enlightenment. Nương nơi Phật, Pháp và Tăng; Chúng con xin quy y cho đến ngày đạt đến quả vị giác ngộ - In the Buddha, the Dharma and the Sangha; We take refuge until we reach Enlightenment.

 

CÒN ĐÂY KỶ NIỆM

Quảng Tài - Nguyễn Trà

 

 

THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

ĐẠI  LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN

(1933 – 2011)

 

        Đại Lão Hòa Thượng THÍCH TRÍ CHƠN thuận thế vô thường, an tường xả báo thân vào lúc 6 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 2011 tại California, Hoa Kỳ. HT thế danh Trương Xuân Bình sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận Việt Nam. Ngài là vị lãnh đạo cao cấp của Phật Giáo Việt Nam còn là mối đạo tình gắn bó mật thiết với đồng bào Phật tử vùng Đông Bắc Hoa Kỳ là vị lãnh đạo tinh thần hơn hàng chục niệm Phật Đường, Tu Viện và các Chùa tại Hoa Kỳ.

“Vườn Lộc Uyển Thế Tôn Truyền Chánh Pháp

Rừng Trúc Lâm Đại Thánh Nhận Đạo Mầu”

        Hai câu đối trên Hòa Thượng đã đặt cho Chùa Lộc Uyển viết theo kiểu chữ Nho được khắc lên hai trụ bên ngoài của chánh điện chùa, trải qua bao nhiêu năm tháng mưa gió, phong ba bão táp của thiên nhiên bị phai nhạt, nhưng nét chữ vẫn còn in đậm nét và hình thể nguyên vẹn, cảnh vật vẫn còn đó, tên tuổi được lưu truyền cho hậu thế.

        Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã ra đi để lại cho Phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật tử tại hải ngoại nói riêng hơn bốn mươi ngôi Chùa và Tự Viện, và dịch  hơn hai mươi cuốn sách Phật Pháp. Một vị Tu Sĩ đã hy sinh và dâng hiến đời mình cho đạo pháp. 

Người đời thường nói: “Chết không mang theo được gì cả”, Hòa thượng Thích Trí Chơn đã mang theo những phước báu, mà Ngài đã tạo dựng trong suốt cuộc đời Tu Nghiệp của mình.

        Hòa thượng Thích Trí Chơn và tôi có nhiều kỷ niệm, cách đây khoảng mười năm về trước, một lần tôi đi cùng Thầy đến nhà một đạo hữu ở West Palm Beach thăm viếng, trong tinh thần thầy trò đạo tình cởi mở vui vẻ, đạo hữu mời Thầy cùng tôi thọ trai buổi chiều, có chút thì giờ nên đạo hữu muốn tìm hiểu thêm về Phật Pháp rồi bạch Thầy: “Hiện tại Đức Bổn Sư của chúng ta đang ở đâu?”. Thầy Trí Chơn la cho một trận: “Tu không lo tu mà lo hỏi tầm bậy trớ trêu, vớ vẩn”. Hòa Thượng không trả lời, chỉ la thôi, những lời la mắng bao trùm tình thương như người cha dạy dỗ con, làm tôi không cầm được sự yên lặng, phải bật cười và sợ Thầy la trối chết may thay Thầy bỏ qua. Tôi cũng từng nghe những Phật tử khác hỏi các vị cao Tăng: “Sau  khi chết linh hồn sẽ đi về đâu?”, gặp nhiều Thầy vui tánh cởi mở thì lại vừa trả lời vừa nói đùa: “Thầy đã chết đâu mà Thầy biết?” …với Hòa thượng Trí Chơn nhiều lần Thầy ít trả lời những thắc mắc của Phật tử, Thầy khuyên răn nên niệm Phật, Tụng Kinh và tìm sách vở nghiên cứu học hỏi, rồi Thầy nói một đoạn pháp có liên quan đến vấn đề, Phật tử rất hoan hỷ và ghi nhớ mãi trong tâm thức.

        Hòa Thượng Thích Trí Chơn có tài năng về Anh Ngữ mặc dù Thầy không đàm thoại thông suốt (theo cách phát âm của Mỹ), nhưng dịch thuật rất thông thạo. Có một lần Thầy gởi cho tôi một bức thư bằng Anh ngữ biểu tôi đánh máy đúng luật, rõ ràng để gởi cho sở Di Trú của Hoa Kỳ ở  Thái Lan, làm thủ tục bảo lãnh Tăng ni cho Chùa Lộc Uyển. Tôi đánh máy rõ ràng theo lời Thầy dặn và nhờ con của tôi coi lại, thì thấy một đôi chữ sai mà tôi không dám sửa, một vài ngày sau Thầy gọi điện cho tôi sửa ngay những chữ sai đó, từ dạo ấy tôi biết Thầy là người rất giỏi và thông thạo Anh ngữ.                    

        Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã lìa thế gian về miền tịnh lạc, về nước Phật an vui vĩnh cửu. Thầy ra đi để lại cho hàng ngàn Phật tử những ngậm ngùi xót thương, những châu báu vô hình vô giá mà Hòa Thượng đã để lại cho đời là những liều thuốc quý giá cho tâm linh không chỉ để lại cho hôm nay mà để lại cho những thế hệ mai sau.                                

        Có một lần tôi trà đạo cùng Thầy, tại tư thất của chúng tôi, Thầy tâm sự Thầy muốn thực hiện một thư viện Phật Giáo, sẽ  mời những Tăng ni và những Cư sĩ có khả năng ngoại ngữ để dịch các kinh điển hoặc các sách báo của Phật Giáo trên thế giới, đặc biệt là từ đất Phật ở Ấn Độ. Hai địa điểm mà Thầy chú ý để đặt thư viện, có lẽ hai nơi này khí hậu ấm áp, ôn hòa và Phật tử chuyên cần tu tập, được Thầy mến thương đó là Chùa Diệu Đế tại Pensacola miền Bắc Florida và Chùa Lộc Uyển tại Greenacres miền Nam Florida. Than ôi! Tâm nguyện chưa thành thì trong chớp nhoáng Thầy đã rời trần thế.

Mong rằng: Cùng môn đồ Pháp quyến, các huynh đệ, các cư sĩ có khả năng, có phương tiện hoan hỷ phát tâm cúng dường xây dựng thư viện Phật Giáo, trước để duy trì và phát triển Phật Giáo tại hải ngoại, sau để dâng lên Hòa Thượng niềm hoài bão, của Người. Hiện nay các sách báo mà Thầy đã sưu tầm hơn nửa thế kỷ đang nằm tại  nhà kho ở California (theo lời của Sư Cô Nguyên Thiện trụ trì Chùa An Lạc - Indiana) cũng mong mõi một cơ duyên, một phước báu, số sách đó sẽ được trưng bày trong một thư viện ở Chùa Linh Mụ Hải Ngoại tại Atlanta - Georgia hoặc Chùa Lộc Uyển hay Chùa Diệu Đế tại Florida.

        Vào ngày 17 tháng 4 năm 2011, chùa Lộc Uyển cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tại Texas về chùa chứng minh, cúng ngũ tuần; đồng thời hướng dẫn Phật tử tại đây thọ tang để tưởng nhớ ân Giáo dưỡng của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Chơn, buổi lễ tổ chức thật long trọng và trang nghiêm, mở đầu ông Hội trưởng hội Phật Giáo Palm Beach - Nguyên Đức giới thiệu về Hòa thượng Thích Trí Chơn, kế đến cựu Hội trưởng Quảng Tài đọc bài viết Hoài Niệm và Lời Tạ Từ, sau đó  bài nói chuyện cuả Hòa thượng Thích Tín Nghĩa, quyền Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ nhắc lại những tình cảm, những kỷ niệm đồng đạo mà Hòa thượng Thích Trí Chơn đã giành cho Phật tử hải ngoại hơn ba mươi năm qua, Hòa thượng quyền Chủ tịch không cầm được xúc động, nước mắt phải tuôn trào, làm cho Phật tử trong chánh điện cũng khóc theo, sau cùng Đại đức Thích Vĩnh Nguyên đại diện Phật tử Chùa Lộc Uyển cảm niệm Hòa Thượng chứng minh cùng quý quan khách và Phật tử tham dự.

        Những lời dạy bảo và hình ảnh của Thầy mãi toả sáng giữa chốn trần gian đầy phong ba ô trược trong cuộc hành trình của kiếp nhân sinh, hòa mình với chúng sanh trong cõi ta bà tham, sân, si… Cuộc đời có đến có đi, hai chữ “vô thường” làm cho con người mang đầy đau thương và từ biệt, thân tứ đại trở về cát bụi, còn đâu nữa dáng Thầy xưa thân hình nhỏ bé, đi đứng chậm rãi, ăn gạo lức muối mè thân thể càng ngày càng khô cằn, gầy mòn.

Hỡi ơi! Nói sao cho hết tấm lòng bao dung, từ ái của người đã khuất, giờ này Hòa thượng đã đã nhẹ gót thong dong nơi miền lạc cảnh của thế giới tây phương tịnh độ.

“Dương trần Phật cảnh chia hai ngã,

Kẻ ở người đi dạ xót xa”.

        Bạch Hòa Thượng, con quỳ xuống, chắp hai tay ngang ngực, giữa chánh điện  trang nghiêm rộng lớn của Chùa Lộc Uyển mà Thầy đã hướng dẫn lèo lái chúng con gần hai thập niên. Chúng con nguyện sẽ duy trì và bảo vệ những gì mà Thầy đã hướng dẫn và đã dạy bảo chúng con. Trước linh ảnh mến yêu, trân quý và thân thuộc, con cung kính và ngưỡng mộ kính lạy ba lạy.

Con đê đầu bái biệt Thầy thượng TRÍ hạ CHƠN. Con kính vĩnh biệt Ôn!

Quảng Tài - Nguyễn Trà

Cựu Hội Trưởng Cộng Đồng Phật Giáo Palm Beach - Florida

 

*** Thiên tài vật lý Albert Einstein: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo hoàn vũ. Tôn giáo này phải vươn lên khỏi một Thượng Đế cá thể và tránh các giáo điều và một nền Thần Học. Tôn giáo này phải bao gồm cả thiên nhiên giới và tâm linh giới, và phải dựa vào một ý thức tín ngưỡng phát xuất từ kinh nghiệm của cả vật chất lẫn tinh thần, và dựa trên một thế hợp nhất có ý nghĩa. Phật Giáo chính là tôn giáo đáp ứng được tất cả những mô tả vừa kể… Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được với các nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo. Phật Giáo không cần phải tu chính để chối bỏ những quan điểm của mình mà theo khoa học, vì Phật Giáo vừa bao gồm khoa học vừa vượt xa quá khoa học.”*** “The religion of the future will be a cosmic religion.  It should transcend a personal god and avoid dogmas and theology.  Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual and a meaningful unity.  Buddhism answers this description... If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science.” said Albert Einstein.
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008