TIỂU SỬ
CỐ HOÀ THƯỢNG
THÍCH ĐỒNG THIỆN
Môn Đồ Pháp Quyến
Hòa Thượng thế
danh Trần Đình Hiếu, sinh năm Nhâm Tuất
(08/04/1922) tại thôn Vạn Hòa, xã Ân Hảo, huyện
Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ Trần văn
Duệ pháp danh Thị Hộ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn
Thị Long pháp danh Thị Kính.
Xuất thân từ gia
đình thuần kính Tam Bảo, thế tộc đã nhiều đời
thấm nhuần đạo lý Phật gia, vì thế năm vừa lên 9
tuổi gia đình đã sớm tạo nhân duyên để cho Ngài
quy y Tam Bảo. Lúc bấy giờ Hòa Thượng Tổ Đình
Thiên Bình húy thượng Như hạ Từ hiệu Tâm Đạt
truyền pháp quy y cho Ngài với pháp danh là Thị
Công tại chùa Thanh Sơn thôn Thanh Lương xã Ân
Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Năm Qúy Dậu, 1933
Hòa Thượng xuất gia đầu sư tại chùa Thanh Sơn
với Ngài thượng Thị hạ Thường hiệu Chánh Nguyên,
đương thời trú trì thâu nạp với pháp danh là
thượng Đồng hạ Thiện. Tòng học với Bổn sư chưa
được bao lâu, do nhiều chướng duyên làm trở ngại
bước đường học vấn nên Hòa Thượng được Bổn sư bố
trí vào huyện An Nhơn để tiếp tục thế học và
Phật học. Trong thời gian nầy Hòa Thượng được sự
giám hộ của Ngài Tâm Đạt Tổ đình Thiên Bình.
Năm Nhâm Ngọ (1942) tại
Tổ đình Hưng Khánh
huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định mở trường Hương
giới đàn tái thí do Hòa Thượng húy thượng Chơn
hạ Hương, hiệu Chí Bảo làm đường đầu. Do nhiều
nghịch duyên, Bổn sư của Hòa Thượng còn trú trì
chùa Thanh Sơn và cũng không liên lạc được để
xin thọ đại giới, Hòa Thượng tác pháp với Hòa
Thượng Tâm Đạt, húy thượng Như hạ Từ Tổ đình
Thiên Bình, huyện An Nhơn để y chỉ và cầu thọ
đại giới. Từ thời gian này Hòa thượng chính thức
được Ngài Tâm Đạt cho lưu thông pháp danh truyền
thừa là thượng Thị hạ Công, hiệu Trí An và thọ
đại giới tại giới đàn Tổ đình Hưng Khánh huyện
Tuy Phước. Tuy nhiên để tỏ lòng hoài niệm Bổn sư,
Hòa Thượng vẫn dùng pháp danh Đồng Thiện là tên
tự phổ thông cho đến cuối đời.
Năm Qúy Mùi, 1943
đến năm Giáp Ngọ 1954 Hòa Thượng học Phật pháp
với chư vị cao đức trong địa phận huyện An Nhơn
và huyện Tuy Phước, thường xuyên tham vấn, lưu
học tại các Tổ đình Hưng Long, Thanh Quang huyện
An Nhơn, Tổ đình Thiên Đức huyện Tuy Phước và
nhiều tự viện khác...Tham gia tổ chức tập thể
Tăng" Chúng Lục Hòa" để thực hiện tinh thần
thượng cầu hạ hóa thường sinh hoạt tại Tổ đình
Tịnh Liên thị trấn Bình Định huyện An Nhơn. Lưu
ngụ và bán chính thức trú trì chùa Hồng Liên thị
trấn Bình Định để tạo thuận duyên trau dồi thế
học tại trường giòng thánh Giu-se thuộc Kim Châu
Bình Định.
Năm Giáp Ngọ 1954
đến năm Mậu Tuất 1958, sau hiệp định Geneva phân
chia đất nước 1954, Hòa Thượng cùng một số pháp
hữu thanh niên đương thời tòng học lớp Tăng Học
Đường Trung Việt tại chùa Long Sơn thành phố Nha
Trang, tỉnh Khánh Hòa do Tổng hội Phật giáo
Trung phần điều hành. Lúc bấy giờ do Đại Lão Hòa
Thượng hiện vẫn còn sinh tiền là
Ngài Huyền
Quang húy thượng Như hạ An làm giám đốc. Học
đường này về sau khuếch trương và đổi tên là
Phật học viện Hải Đức, nơi đào tạo Tăng tài cho
cả Trung phần Việt Nam.
Năm Mậu Tuất
1958, Hòa Thượng cùng chư tôn pháp hữu tòng học
tại Nha Trang trở về Bình Định khởi xướng chương
trình giáo dục đào tạo Tăng tài ngõ hầu góp phần
quang huy cho tiền đồ Phật giáo tỉnh nhà, đặc
biệt Phật sự trọng đại nầy trong thời kiến sơ
được đặt dưới sự chỉ đạo của
Ngài Thượng Như hạ
An hiệu Huyền Quang về việc chủ trương sáng lập
và điều hành cơ sở. Hạnh nguyện hoằng pháp dần
được thành tựu, đạo hiệu của Đại Lão Tổ Sư
Nguyên Thiều được chính thức công bố sáng lập
vào ngày 15/08 năm Mậu Tuất, nhằm ngày
27/09/1958. Sau đó, qua sự tham gia hộ trì của
hầu hết chư tôn thiền đức bản tỉnh mà Tu Viện
trải qua bao biến đổi thời cuộc vẫn luôn phát
triển không ngừng.
Theo tư liệu lưu
tàng tại Tu Viện, y cứ trích dẫn Kỷ yếu kỷ niệm
đệ thập chu niên khai sáng Tu Viện Nguyên Thiều
được tổ chức tại Tu Viện ngày 17 tháng 11 năm
Mậu Thân, nhằm ngày 05/01/1969 thì nguyên khởi
hình thành và trực tiếp kiến tạo Tu Viện là do
công khai sơn phá thạch của chư vị tôn đức như:
Hòa Thượng Thích Bảo An, H.T Thích Đồng Thiện,
H.T Thích Đỗng Quán, H.T Thích Bửu Quang, H.T
Thích Thiện Độ, H.T Thích Minh Quang, H.T Thích
Quang Ngọc, H.T Thích Nguyên Trạch... và giữ vai
trò thượng thủ là
H.T Thích Huyền Quang. Công
tác kiến lập nầy với sự chứng minh hộ niệm của
chư tôn thiền đức thuộc Tổng hội Phật giáo Trung
phần và công sức đóng góp của mười phương Tăng,
Ni, Phật tử.
Năm Kỷ Dậu
1969
Hòa Thượng được chính thức công cử làm đệ nhất
trú trì Tu Viện Nguyên Thiều được công bố qua
đại hội khoáng đại kỳ I của chư tôn thiền đức
toàn tỉnh quy tập tại Tu Viện ngày 17 tháng 08
năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 28/ 09/ 1969. Từ đó Hòa
Thượng phụng hành hoài bảo lấy công hạnh hoằng
pháp lợi sanh làm sự nghiệp, đem hết tâm lực duy
trì và khuếch trương cơ sở Tu Viện cho đến
ngày viên tịch.
Trong thời gian
này Hòa Thượng rất chú trọng đến việc giáo dục
học Tăng và ít quan tâm đến việc thế độ đệ tử.
Mãi đến cuối đời Ngài mới thâu nhận đồ chúng để
có nhân sự duy trì cơ sở Tu Viện. Hiện tại đồ
chúng Hòa Thượng thâu nạp lên đến số vài mươi,
hiện nay đã trưởng thành và lo Phật sự khắp nơi.
Vào lúc
13 giờ 15 phút ngày 03 tháng 08 năm Tân Tỵ, nhằm
ngày 19/09/2001 là ngày bi thương đáng nhớ nhất
cho tất cả môn đồ. Bởi do tuổi cao sức yếu không
thể nào trái được luật vô thường, Hòa Thượng đã
lâm bệnh chỉ hơn một tuần trăng, mặc dầu phương
tiện y khoa đã tận tình can thiệp, nhưng cỗ xe
tứ đại đã không còn hoàn hảo và Ngài đã thâu
thần an nhiên viên tịch. Thọ thế 80 năm, nối
dòng Lâm Tế đời thứ 42, Tăng lạp 58 tuổi.
Nam Mô Lâm Tế
Chánh Tôn tứ thập nhị thế Nguyên Thiều Tu Viện
Đệ nhất trú trì húy thượng Thị hạ Công tự Đồng
Thiện hiệu Trí An Hòa Thượng Giác Linh tác đại
chứng minh
Pháp lữ -
Môn đồ pháp quyến đồng phụng soạn
LỜI TỪ BIỆT THẦY
TT Thích Minh Dung
(đọc trong tang lễ
HT Thích Đồng Thiện – Tu viện Nguyên Thiều 2001)
Kính lạy giác linh Thầy,
Từ hôm hay tin Thầy lâm bịnh và tiếng nói yếu ớt
của Thầy qua điện thoại làm con rất lo. Nhiều
năm qua con cố gắng về thăm Thầy một lần nhưng
ước vọng đơn sơ ấy đã không toại nguyện. Hơn hai
mươi năm con xa Thầy, xa Tu viện, xa đồi núi
thương yêu thưở nào. Mai này nếu được về thăm
thì Thầy đã ra đi biền biệt.
Trong giờ phút linh thiêng u buồn của của núi
đồi Tu viện. Giờ phút đưa kim quan Thầy vào chốn
an nghỉ sau cùng. Từ nơi xa xôi, con xin vọng về
đảnh lễ giác linh Thầy với tất cả lòng biết ơn
và nhớ thương của người học trò xa nước.
Thầy kính yêu,
Hôm nay Thầy đã hóa kiếp thành những cụm mây
lành bay thong dong trong bầu trời. Nơi Thầy đến
Thầy mang bình an cho chỗ đến. Vì Thầy là nước
mát của biển khơi. Là lửa ấm của ngày đông. Là
đất lành của cây cỏ. Là viên bảo châu trong Phật
pháp. Năm mươi năm xây dựng tu viện Thầy đã thể
hiện trọn vẹn của một Bồ tát hóa thân. Từ một
đồi hoang làm chỗ dung thân cho người du thủ du
thực trở thành một tòng lâm tu học danh tiếng.
Thầy là một thành viên đoàn Tăng sĩ đầu tiên khai sơn phá thạch
để dựng nên tu viện ngày nay. Bao là công, bao
là sức, bao là tình
mà Thầy đã trải ra trong suốt năm thập niên qua.
Năm mươi năm của tu viện với bao thăng trầm theo
thăng trầm của đất nước lửa bom. Nhưng Thầy chưa
một lần từ bỏ dù trong tạm thời để ra đi lánh
nạn. Lúc thịnh, lúc suy, lúc tu viện trong hoang
tàn nghiệt ngã, đói khổ lầm than, Thầy vẫn dang
tay ra ôm tu viện vào lòng như mẹ ôm con. Thầy
ơi, làm sao núi đồi này không ảm đạm được
trong giờ phút tiễn Thầy ra đi lần cuối.
Kính lạy giác linh Thầy,
Con là người phước duyên được làm đệ tử Thầy từ
thuở còn thơ. Thầy là bậc đạo sư hiếm hoi trong
cuộc đời này. Thầy vĩ đại quá. Hồn Thầy sáng như
sao băng, vững chãi như dãy trường sơn. Thầy ơi,
trong cuộc sống xa quê, xa chùa, mỗi lần con
nghĩ tới Thầy con chỉ biết cúi đầu sụp lạy. Thầy
đã dạy cho con những bài học lớn trong cuộc đời.
Thầy không dạy bằng lời. Thầy không giảng từ
kinh. Thầy không lý luận với những kiến thức
trong cuộc sống. Thầy dạy bằng tấm lòng từ ái
thương Tăng chúng bao la. Từ độ con xa Thầy rồi
bỏ nước ra đi, con sống nhiều nơi, học hỏi nhiều
chỗ, nhưng con chưa thấy ai thương Tăng chúng
như Thầy. Thầy dạy chúng con bài học cống hiến
trọn vẹn sự sống này cho Đạo pháp bằng chính sự
sống và chết của Thầy. Con nhớ một lần Thầy đau
nặng năm 1977, Thầy gọi chúng Tăng lại căn dặn.
Thầy bảo nếu Thầy không qua khỏi cơn bịnh này
thì đừng báo cho ai biết, chôn Thầy dưới một gốc
cây nào đó vào ngày hôm sau. Đừng làm tháp miếu,
chỉ lấy vài miếng ván thô sơ đóng hòm mà thôi.
Thầy bảo Thầy chưa đóng góp được gì cho Đạo và
đừng để tu viện phải khổ nhọc trong tang lễ của
Thầy. Thầy sống vô cùng đơn giản trong khi sống
và chẳng muốn gì rườm rà cả khi ra đi. Bao giờ
chúng con mới hiểu thấu những bài học vĩ đại này
của bậc Thầy kính trọng của chúng con.
Thầy ơi,
Con gọi về chùa mình hằng tuần trong bao năm
qua, nhưng ít khi nào con dám tiếp chuyện với
Thầy. Vì mỗi lần nói chuyện với Thầy là giọng Thầy nghẹn ngào trong điện thoại. Thầy thường
hỏi con: "…Bên Mỹ, chùa Quang Thiện chỉ có mình
con, không thầy, không bạn, rồi ai giúp đỡ khi
con bị bịnh. Con đường hoằng pháp và cuộc sống
tu hành ở xứ người có nhiều khó khổ không con…"
Con luôn nói điều lạc quan để Thầy được an tâm,
duy chỉ có điều nơi đây, con thiếu Thầy, thiếu
huynh đệ thôi. Rồi giọng Thầy lịm đi trong điện
thoại viễn liên cho đến khi Thầy cúp máy. Hôm
nào hầu chuyện với Thầy qua điện thoại thì đêm
ấy biến thành đêm dài xa xứ của con. Vì xa quê
mới thấy quê mình đẹp nhất. Sống xa Thầy, con
thấy được ý nghĩa sư - đệ tình thâm. Sống lẻ loi,
con thấm thía sức mạnh hợp quần của Tăng chúng
một tòng lâm. Rồi hôm nay con thêm nỗi u buồn
của người đệ tử mất Thầy.
Kính lạy giác linh Thầy,
Chúng
con buồn vì mất Thầy nhưng chúng con không lùi
bước. Chúng con biến nước mắt thành nước mát để
thêm lực cho cỏ cây tu viện Nguyên Thiều. Chúng
con tiếp nối ước vọng của Thầy trong việc đào
tạo Tăng ni sinh. Chúng con nguyện học thấy để
thấy Thầy có mặt trong từng viên sỏi vụn của núi
đồi tu viện. Trong ánh mắt mang đầy lời nguyền
của Tăng sinh. Trong sự sống vì giáo pháp và hy
sinh cho giáo pháp. Chúng con nguyện học Nghe,
nghe tiếng Thầy xót xa trước sự khổ của muôn
sinh. Nghe niềm đau của Thầy trước sự đói rách
của con người. Nghe tiếng thở dài của Thầy
trong sự điêu linh của Đạo pháp. Chúng con
nguyện học Sống, sống theo Thầy trong bình dị và
đơn sơ. Vui trong niềm vui lo cho Tăng chúng.
Buồn theo nỗi buồn Tăng chúng lầm than, cơm
không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu Thầy dạy dỗ.
Ngày di quan hôm nay của Thầy vào đất, đất Tu
viện này sẽ thành linh địa cho ngàn sau. Chúng
con đang gục đầu vào đất nghe thông điệp "hy
vọng vào ngày mai" của Thầy.
Thầy ơi,
Nếu năm 2001 có những đêm buồn và dài trong năm,
thì đêm nay là đêm dài và buồn nhất của con. Con
đến hàng giờ nơi bàn thờ của Thầy trong đêm
khuya để dâng trầm thì giờ phút này ở quê nhà là
ngày đưa áo quan Thầy vào nơi an nghỉ. Giờ phút
thiên thu từ biệt này, con chẳng có gì để dâng
lên cúng dường Thầy ngoài mấy lời thơ như lời từ
biệt của con từ bên nay bán cầu:
Từ thuở xa thầy
Vào Nam rồi tìm đường vượt biển
Đời con như những đợt sóng của chiều đông
Có những lúc đêm dài sao dài quá
Nhìn đôi tay gầy guộc mỏi mòn trông
Hai mươi năm trôi nổi vạn lần
Phố thị ấy mỗi ngày đi, sao vẫn còn bỡ ngỡ
Tóc dần bạc theo tuổi đời trăn trở
Tìm quê hương trong giấc mộng đêm dài
Trong độc thoại mới biết mình khờ khạo
Bỏ mùa xuân ôm lấy trọn mùa đông
Đêm nay xin chút lửa hồng
Xin ơn đức ấy phủ lòng xa xôi
Chân bước nhẹ nơi phương trời xứ lạ
Mà vẫn đau vì đau quá bao lần
Khi đau đớn con cúi đầu sụp lạy
Lạy ơn Thầy cứu độ cho hồn con.
Nhất tâm đảnh lễ Nguyên Thiều Đường thượng từ
Lâm tế chánh tông tứ thập nhị tuế, đệ nhất Trụ
trì thượng Đồng hạ Thiện Đại Lão Hòa Thượng Bổn
sư tam bái
|