NGỌT NGÀO VU
LAN THIÊN THU TÌNH MẸ
Nguyên Trâm
Rất ngẫu nhiên,
tôi nhận được email từ người bạn gởi cho
chương trình Lễ Vu Lan tại chùa Thiên Trúc
- San Jose. Đọc lướt qua nội dung chương
trình, tôi thực sự ấn tượng bởi hai điều:
điều thứ nhất là, tấm lòng từ bi của quý
Thầy, những trưởng tử của Như Lai, đã dốc
hết công sức tổ chức Trai đàn Bạt độ cầu
siêu cho cha mẹ nhiều đời đã quá vãng
cũng như sám hối giải oan cho những hài
nhi bé bỏng không may chưa lọt lòng mẹ đã
phải giả từ trần gian về bên kia thế giới;
điều thứ hai là, chất “thi vị” trong 15
món chè của mẹ, xin nói thật là tôi bị
bác sĩ cấm ăn nhiều đường nên không hảo
ngọt cho lắm! Vì thế, không phải tôi thích
ăn chè mà ca ngợi quá lời. Cái chất thi
vị ở đây không nằm trong các ly chè mà nó
nằm ở những bàn tay ấm áp của mẹ. “15
món chè của mẹ” gợi cho ta nhớ về năm xưa,
hình ảnh của mẹ hiền lam lũ bên mái tranh
nghèo. Chính bàn tay chai sần tần tảo đó
của mẹ đã dậy sớm thức khuya để nấu cho
ta những món ăn mà ta thích. 15 món chè
chỉ là một điểm son nhỏ trong hàng triệu
triệu chấm son công ơn to lớn của mẹ hiền.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là sự gợi
nhớ, sự gợi nhớ này là “chất thi vị”.
Không biết có phải “idea” 15 món chè của
mẹ đó từ thầy trú trì hay không mà làm
cho nhiều Phật tử nhớ mẹ quá chừng!
Thu xếp
xong công
việc nhà, tôi đáp chuyến bay từ Los Angeles
lên chùa Thiên Trúc - San Jose để tham dự
Đại lễ Vu Lan mà tôi cho rằng hiếm gặp
này. Tôi hớt ha hớt hải đến chùa và xin
gặp Thầy Trú Trì để nói lên tấm lòng
ngưỡng mộ đối với quý thầy. Những tưởng
là thầy cũng “phe” với tôi hoặc là khen
tôi về sự cảm phục đó, nhưng không ngờ
thầy phán một câu xanh rờn: “Có chi đâu
chị, ai cũng làm giống như quý thầy được
hết.” Tôi sững sờ 1 phút và suy nghĩ lại,
thì ra hạnh nguyện của quý thầy cao hơn
suy nghĩ của mình, làm nhiều việc to lớn
như vậy nhưng lúc nào cũng cảm thấy
nhỏ bé như chưa làm được điều gì. Tôi
phục quý thầy quá!
Thứ bảy, ngày
13 là buổi lễ bắt đầu. Phần khai kinh Trai
đàn Bạt độ diễn ra rất long trọng, có sự
tham dự rất đông của chư Tôn đức và quý
Phật tử khắp nơi. Tôi chọn một vị trí để
lễ lạy, đồng thời theo dõi diễn tiến của
buổi lễ. Trong lòng tôi tự nhiên có một
xúc cảm mãnh liệt khi quý thầy làm lễ
quá trang nghiêm, long trọng, nhất là lúc
quý thầy thỉnh chư hương linh cha mẹ nhiều
đời đã quá vãng, các hài nhi sút sảo và
thập loại cô hồn không nơi nương tựa, chư
chiến sĩ Việt Nam, Hoa Kỳ hy sinh vì đại
nghĩa quốc gia, các hương hồn bỏ mình trên
biển cả trong cuộc vượt biên tìm tự do...
và quý thầy cũng không quên cầu nguyện cho
hơn 25 nghìn người Nhật Bản đã thiệt mạng
trong cơn sóng thần vừa qua. Đến đây, hai
dòng nước mắt của tôi chợt lăn dài trên
gò má...
Buổi trưa hôm đó
là phần Trai Tăng trong ngày Vu Lan Tự Tứ
truyền thống mà đức Phật đã dạy trong
kinh “Báo Ân Cha Mẹ”. Tôi thấy quý Phật tử
mỗi người mỗi tay dọn thức ăn rất nhanh
chóng, đẹp mắt, mà cũng rất ngăn nắp
dâng lên cúng dường thập phương chư Đại đức
Tăng. Quý thầy trong màu hoàng y trang
nghiêm thanh tịnh đã chú nguyện cầu siêu
cho cha mẹ nhiều đời được siêu sanh Phật
quốc, cha mẹ và người thân hiện còn nhờ
phước báu này mà sống an lành trong đạo
pháp từ bi của đức Phật. Xong phần cúng
dường, quý Phật tử bắt đầu dùng cơm trưa
trong chánh niệm. Tôi thấy niềm hân hoan, an
lạc hiện rõ lên trên nét mặt của toàn thể
quý Phật tử hôm đó. Cơm nước xong, tôi
cũng tạm về nghỉ trưa một chút ở nhà
một Phật tử quen biết gần đó.
Chiều, lúc
1:30, là quý thầy bắt đầu phần nghi thức
Bạt độ Giải oan cho những oan hồn đã vì
một nguyên nhân nào đó mà chết đi một
cách đột ngột, tức tưởi. Tôi đoán như vậy.
Để rõ hơn, tôi tìm gặp một vị thầy để
nhờ giải thích về ý nghĩ của Trai đàn
Bạt độ này. Thầy trả lời: “Bạt là nhổ
lên, Độ là vượt qua. Nhổ tận gốc rễ của
lòng tham lam và oán thù để nghe lời kinh,
tiếng kệ, nương vào pháp Phật mà vượt
thoát cảnh luân hồi sanh tử khổ đau.” Thầy
nói tiếp: “Đây là đàn thức được thiết
trí theo đàn tràng Mandala, bao gồm cả
Thiền tông, Mật tông và Tịnh độ tông được
các vị tổ sư soạn thảo nhằm cứu độ cho
những oan hồn không nơi nương tựa, rất có
lợi lạc.” Tôi cám ơn thầy giảng giải cho
tôi biết rõ hơn về ý nghĩa Trai đàn Bạt
độ. Tôi cứ tưởng như bao buổi lễ khác,
chắc lễ Bạt độ này cũng chừng khoảng 1
tiếng đồng hồ, không ngờ thầy chủ sám và
quý thầy trong ban kinh sư tụng suốt cả 4
tiếng đồng hồ không ngơi nghỉ. Mạnh khỏe
như tôi mà chỉ đứng được 1 hoặc 2 tiếng
đồng hồ là phải tìm chỗ ngồi rồi, huống
hồ gì suốt 4 tiếng mà quý thầy chỉ đứng
và tụng kinh. Tôi thầm nghĩ, chắc là có
Phật lực gia hộ cho quý thầy! Quý Phật tử
thì mỗi người cầm trong tay mỗi bài vị
của người thân, thay vì hương linh mà lạy
theo quý thầy. Trong lời kinh, tiếng kệ
ngân vang, tôi nghe đâu đó tiếng khóc thút
thít của rất nhiều người. Họ nói rằng
chưa bao giờ họ được tham dự một buổi lễ
quá long trọng và linh thiêng như vậy. Họ
khóc là vì lâu nay chưa có dịp làm được
việc gì đó cho người đã mất, nay có quý
thầy tạo điều kiện cho họ thể hiện tấm
lòng thương tưởng đến người thân của họ.
Họ quá hạnh phúc và khóc vì xúc động.
Khi hòa thượng chứng minh Thích Thái Siêu
thuyết pháp Bạt độ cho các hài nhi sút
sảo và các hương linh thì họ lại càng
ngậm ngùi nhiều hơn.
Lúc Bạt độ
xong, mọi người được thưởng thức “15 món
chè của Mẹ” thật tuyệt vời. Tôi tưởng 15
món chè nếu ăn thì còn lâu mới hết. Không
ngờ chỉ trong vòng nửa tiếng mà các món
chè đã sạch trơn. Có người đề nghị với
thầy trú trì sang năm nhờ thầy làm 50 món
chè ăn mới đủ. Thầy cười mà nói vui rằng:
“Ăn 50 món chè là thành Đường Tam Tạng
hết!” Phật tử hỏi sao vậy thầy, thầy nói:
“Đường Tam Tạng là Đường Tăng. Ăn 50 món
chè mà đường không tăng mới là lạ!” Ai
cũng gật đầu cười sảng khoái.
Đúng 6 giờ tối
là phần Thắp nến nguyện cầu, tưởng nhớ
đến ơn cha nghĩa mẹ và tất cả chúng sanh
và phần văn nghệ cúng dường mùa Vu lan
Báo hiếu lấy chủ đề theo bài thơ của
thầy trú trì “Thiên Thu Tình Mẹ”. Tôi cũng
rất bất ngờ khi có sự hiện diện của sư
ông viện trưởng tu viện Kim Sơn, Thích Tịnh
Từ, cùng với tăng chúng rất đông. Nghe đâu
dạo này sư ông không khỏe nên ít đi đâu,
vậy mà hôm nay sư ông cũng quang lâm đến
chứng minh, chắc là sư ông cũng có cảm
tình lắm với thầy trú trì chùa Thiên
Trúc. Chương trình văn nghệ, ngoài phần
biểu diễn của các anh chị em nghệ sỹ
trong nhóm Hương Sen còn có phần hát cúng
dường của quý thầy nữa, mà quý thầy hát
rất hay và truyền cảm với những bài ca về
công cha nghĩa mẹ. Tôi rón rén đến gần
thầy trú trì và hỏi: “Thầy ơi, quý thầy
tập hát khi mô mà hay rứa?” Thầy trả lời
với nụ cười hoan hỉ: “Có tập mô mà tập,
do quý thầy tụng kinh nhiều nên hát hay
rứa đó! Chị không tin về tụng kinh nhiều
nhiều xem, chắc hát còn hay hơn quý thầy!”
Phật ơi, ngồi tụng kinh nhiều như quý thầy
chắc là tôi phải hẹn kiếp sau, vì kiếp
này tôi bị cái “nghiệp” chỉ ngồi được 15
phút là phải đứng dậy đi lui đi tới rồi.
Tôi cũng rất ấn tượng về vở hát kịch
“Mẹ ghẻ con chồng” do anh chị em trong nhóm
Hương Sen dàn dựng. Người thủ vai chính là
bé Jenny Đang Anh kết hợp bé Dung Nhi, chị
Trinh và anh Họa sĩ Trần Bổn. Không ngờ
anh Bổn là họa sỹ mà cũng đóng kịch có
duyên ghê. Vở bi hài kịch rất đặc sắc làm
cho nhiều người vừa cười vừa rơi lệ. Nghe
đâu hôm đó quý Phật tử ủng hộ cho tiết
mục này gần 500 đồng và các anh ca
nghệ sĩ nhóm Hương Sen quyết định cúng
lại số tiền đó cho chùa Thiên Trúc. Tôi
nghe thấy một tràng vỗ tay vang thật dài
của quý Phật tử dành cho nghĩa cử cao
đẹp đó! Xong phần văn nghệ, tôi thu xếp đồ
đạc về nghỉ ngơi mà trong lòng cảm thấy
thảnh thơi và an lạc.
Chủ nhật, tôi
dậy thật sớm để sang tham dự Đàn Tràng
Địa Tạng do quý thầy trong ban kinh sư chủ
tọa. Trên đàn tràng thì có 7 thầy, dưới
này quý Phật tử rất đông, mỗi người được
sắp mỗi người mỗi cái ghế để ngồi tụng.
Lạy phật, may mà có ghế, nếu không có ghế
mà an tọa dưới nền đất là con chịu. Đàn
Tràng Địa Tạng suốt hơn 2 tiếng đồng hồ
thì xong.
Sau phần Tụng
kinh còn có phần thuyết giảng về “Đạo
Làm Con” của thầy trú trì nữa. Nghe tiếng
đã lâu hôm nay mới “tận mục sở thị” là
thầy thuyết pháp rất có “duyên”. Có lúc
thì Phật tử được cười rất to, nhưng có
lúc cũng nhớ mẹ da diết, ngậm ngùi ngấn
lệ. Phật tử nghe những bài thơ về cha mẹ,
về đạo làm con thật thấm thía. Khi thầy
đọc bài thơ của Thanh Tịnh: “Năm
xưa tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã qua đời, lần
đầu tiên tôi hiểu, thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc, im lặng tôi sầu
thôi, để dòng nước mắt chảy, là bớt khổ
đi rồi...” Tôi chợt thấy có mấy bàn tay
đưa lên khóe mắt, rưng rưng...Thấy Phật tử
buồn vì nhớ cha nhớ mẹ, thầy liền pha
trò cho mọi người cười. Thầy nói, có
những cô con gái không nỡ xa cha mẹ khi đến
tuổi lấy chồng nên nói rằng: “Má ơi đừng
gả con xa, gả con qua Mỹ qua Canada là
được rồi.” (Sau đó thầy đọc lại là: Chim
kêu vượn hú biết nhà Má đâu. Hú hồn!).
Mọi người được một trận cười nghiêng ngửa.
Chiều hôm đó,
lúc 2 giờ là phần Đăng đàn Chẩn tế. Thầy
chủ sám đội mũ Tỳ lư trang nghiêm cử hành
đàn thức “Du Già Tập Yếu” mà chúng ta
thường quen gọi là Đàn Tràng Chẩn Tế. Quý
thầy quyết ấn, gõ Thủ xích xuống bàn
làm cho mọi người im phăng phắc. Chắc cô
hồn cũng phải im lặng trong trật tự!? Cha
mẹ và người thân trong nhiều đời kiếp đã
quá vãng cũng như 12 loại cô hồn cũng
được quý thầy lần lượt triệu về nghe kinh,
thính pháp và thọ hưởng trai diên, trượng
thừa công đức mà siêu sanh Phật quốc. Lần
đầu tiên trong đời tôi tham dự Đàn tràng
quá long trọng như thế này. Như đàn tràng
Bạt độ hôm qua, hôm nay Chẩn tế quý thầy
cũng ngồi tụng suốt gần 5 tiếng đồng hồ.
Mọi người ai cũng tấm tắc khen và cảm
phục đức độ của quý thầy. Trong suốt 2
ngày, tôi hết đi từ ngạc nhiên này đến
ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên mà kính phục
vô cùng!
Đến 7 giờ tối
là hạ đàn. Nhìn ai cũng hoan hỷ và cảm
thấy hương vị ngọt ngào, ấm áp trong Mùa
Vu Lan “Thiên Thu Tình Mẹ” của chùa Thiên
Trúc, thành phố Hoa Vàng.
Los Angeles, Mùa Vu Lan 2011
Nguyên Trâm
|