Những Điều Cần Biết Khi Đi Hành Hương Ấn Độ
Quảng Hội
Cuộc hành hương
chiêm bái Phật tích của phái đoàn Tu Viện Quảng
Đức đã thành tựu viên mãn. Chuyến đi rất thoải
mái và an toàn, nhất là về mặt tâm linh, đạt
được nhiều lợi lạc và đời sống tinh thần thăng
hoa vượt bực. Trước chuyến đi, chúng tôi cũng e
ngại đủ thứ nhưng rồi nhận thức mau chóng, những
e ngại đó đã được thổi phồng quá đổi có thể làm
chùng lòng nhiều Phật tử muốn hành hương xứ Phật
nên chúng tôi xin ghi lại một vài kinh nghiệm và
lời khuyên rút từ chuyến đi.
Ngoại trừ những
việc phải làm như mọi chuyến đi khác như giữ bản
sao Passport, Visa trong hành lý và ở nhà người
thân phòng trường hợp cần đến bất ngờ, chích
ngừa một số bịnh vùng nhiệt đới nói chung như
thổ tả, sốt rét, thương hàn,... (xin tham khảo ý
kiến Bác Sĩ Gia Đình), chúng ta cần phải biết
thêm những điều như sau:
1. Khách Sạn:
Công ty Nhật Bản
Nikko Lotus đã yểm trợ khách hành hương phương
xa bằng một hệ thống khách sạn khá tối tân xây
dựng xung quanh các Phật Tích mọi nơi phái đoàn
chiêm bái nhưng ở một vài phế tích xa xôi hoang
vắng, phố xá tiêu điều, khách sạn theo truyền
thống bình dân Ấn Độ dùng nước cho việc vệ sinh
cá nhân nên chúng ta cần mang theo xà phòng gội
đầu, tắm, giấy và băng vệ sinh.
Khách sạn không
cung cấp máy xấy tóc, bàn ũi nhưng có nhiều ổ
cắm điện, giường ngủ rộng rải thoải mái.
2. Thực Phẩm:
Các món ăn chay
chính vẫn là rau cải xào hay luộc, cà ri thì nặc
mùi sữa dê và những thức ăn đầy gia vị đặc biệt
văn hoá Ấn Độ kể cả các món ăn Trung Hoa nhưng
không có món ăn Việt nào.
Nên mang
theo những đồ ăn khô như chà bông chay, mì gói
chay, muối xả, rong biển trộn mè (món ăn này rất
đắt khách, khi mời ai cũng thích) và nhất là
nước tương hiệu Knorr mà Thầy Trưởng Đoàn có dặn
mỗi người nên đem theo thêm 3 chai loại 1 lít và
rất nhiều thùng mì gói chay để cúng dường các
chùa VN trên xứ Phật. Đây là món quà quí giá
và có ý nghĩa nhất vì rất hiếm, không thể mua
được trên xứ Ấn.
Nhiều đạo hữu
mang theo những chai nước tương Knorr loại nhỏ
rất tiện lợi, có thể chia sẻ với các đạo hữu
trong bàn ăn rất thân tình.
Dọc đường, không
nên ăn vặt đồ ăn địa phương, ngoại trừ đậu phộng
rang và chuối quá rẻ. Bấy giờ, chuối ở Úc rất
mắc, khoảng 15$ đến 18$ AUD do hạn hán lâu ngày
nên phái đoàn gặp... chuối như cá gặp nước. Đó
là chưa nói, chuối còn giúp cơ thể tiêu hoá,
nhuận trường và yểm trợ hành cước trên đường
thiên lý.
Nhớ mang theo cá
phê loại Nestle 3-in-1 nếu ghiền cà phê vì sữa
tươi là sữa dê nặng mùi, hơi khó uống. Nước sôi
không thành vấn đề vì có nhà hàng cung cấp sẵn.
3. Tiền Tệ:
Đơn vị tiền tệ Ấn
Độ là Rupees (INR - India Rupees). Vào tháng 11
năm 2006, 1 đô Úc đổi khoảng 32 Rupees, nếu mua
chuối, sẽ được 3 nải chuối loại ngon nhất.
Chỉ đổi
tiền ở Ngân Hàng qua sự giúp đỡ của tour guide
địa phương mỗi khi có dịp. Dọc đường, thường qua
những khu vực nghèo nàn phía Bắc Ấn nên ít có
ngân hàng. Khi đổi tiền nên đổi 1 số lớn để dùng
trong vài tuần. Tiền đổi thường là giấy 50 hay
100 Rupees không thuận tiện khi mua sắm hay
bố thí, do đó chúng tôi đổi một số tiền nhỏ ở Úc
trước chuyến đi.
Không thấy có vấn
đề tiền giả như ở Trung Quốc, chỉ có tiền giấy
lót bên trong bọc tiền khi đổi tiền chợ đen, do
đó phải đếm lại kỹ càng trước khi trao tiền Úc.
Không thể dùng
Traveller Cheque hay Master Card ờ các vùng phế
tích. Ở khách sạn có quầy đổi tiền nhưng thường
họ không dự trử tiền mặt đủ cho cả phái đoàn.
4. Y Phục:
Vào thời điểm
tháng 10 đến tháng 12 mỗi năm, khí hậu Bắc Ấn Độ
tương đối ôn hòa và lý tưởng cho các chuyến hành
hương, nhiệt độ trung bình khoảng 25, 26 độ
Celsius, ngay cả trên đỉnh Linh Thứu Sơn hay Bồ
Đề Đạo Tràng. Áo già lam rất thích hợp nhờ tay
áo dài che nắng, nón cần đem theo che đầu khi
trời nắng gắt. Tối cũng không lạnh gì lắm, một
áo ấm loại mỏng là đủ.
Khi ghé
Dharamsala - Thủ Phủ Lưu Vong của Đức Dalai Lama
14 là vùng cực Bắc Ấn dưới chân dãy tuyết sơn,
phái nam trong đoàn hành hương chì cần một áo
vest nỉ và phái nữ áo ấm dày là đủ. Khi diện
kiến Đức Dalai Lama cũng như chiêm bái 1 số chùa
ở Đài Trung, phái nữ đã mặc áo dài đủ màu đủ
kiểu đậm nét văn hóa VN rất đặc sắc, yêu kiều
tạo phong cách riêng khiến phái đoàn được hoan
nghênh đặc biệt.
5. Đồ Điện:
Ấn Độ dùng
điện 220 V (loại 50 Hertz) nên thiết bị điện
mang từ Úc không cần lưu ý nhiều như thiết bị từ
Hoa Kỳ là loại dùng điện 110 V (60 Hertz), nếu
không cẩn thận đổi sang điện 220 V, các thiết bị
này sẽ hư hoại. Nút cắm điện rất nhiều kiểu khác
nhau từ Plug Adapter #1, #6, WA-9, WA-10, WA-10L
và không có một tiêu chuẩn chung như ở Úc
nhưng phổ thông nhất là loại 3 đầu tròn WA-10 (với
2 đầu 5 mm và một đầu Earth 7 mm).
6. Y
Tế và Sức Khỏe:
Nhớ
mang đủ thuốc cá nhân vì không có tiệm thuốc Tây
nào ở các phế tích ngoại trừ các thành phố lớn
như New Delhi.
Chỉ ăn trong các
nhà hàng do tour guide đề nghị và dùng thực phẩm
nóng.
Uống
nước
suối do tour cung cấp, không dùng nước lạnh
trong nhà hàng. Trong phòng, có thể có những
chai nước suối miễn phí nhưng thường họ chỉ đổ
đầy chai từ vòi nước, nếu lưu ý, sẽ thấy chai
nước được dùng lại vì seal đã vỡ.
Ruồi
muỗi
ở ngoài đường cũng nhiều như ở VN, do đó cần đem
theo Mosquito Repellant.
Tập thể dục, thoa
bóp tay chân hay tập Khí Công Dưỡng Sinh mỗi
sáng sớm rất cần thiết vì đi bộ nhiều và ngồi xe
đường xa. Rất may, trong đoàn chúng tôi không ai
bị bịnh gì cả và chương trình tiến hành thuận
lợi như dự định. Thầy Trưởng Đoàn thường hay nói
là nhờ kiếp trước có tu. Tôi nghĩ thêm là nhờ
tour chuẩn bị rất chu đáo và tour guide quá
nhiều kinh nghiệm nên mọi việc sao mà xuôi chèo
mát mái đến thế.
7. Vấn đề những
người ăn mày:
Thường thường
người ta bố thí khoảng 2 Rupees nhưng đây là
việc làm tùy thuộc sự quyết định của mỗi cá nhân.
Cứ mỗi khi có ai bố thí như vậy sẽ tạo nên cảnh
hàng chục, hàng trăm người ăn xin bu và đeo theo
hết sức kiên trì, trong đó không thiếu kẻ xấu,
kẻ cắp mà làm trì hoãn và nhiếu khi thay đổi
lịch trình chiêm bái của cả phái đoàn.
Thầy Trưởng Đoàn
có đề nghị đóng góp chung và nhờ các chùa VN
hoặc hội đoàn thiện nguyện trên xứ Phật giúp đỡ
những người cùng khổ ở các phế tích, đây là việc
có ý nghĩa và việc đóng góp hữu hiệu này mang
tính cách lâu bền. Việc bố thí riêng rẽ không
những bất công vì chia sẻ không đồng đều mà còn
là một việc nguy hiểm, nhất là bố thí tịnh tài
qua cửa sổ xe bus làm các em nhỏ chen lấn dành
giựt bất kể việc xe bắt đầu lăn bánh khởi hành.
Rất may là tránh được tai nạn thảm khốc và sau
lần đầu tiên gặp trường hợp như vậy, phái đoàn
đã rút kinh nghiệm và tuân thủ lời đề nghị của
Thầy Trưởng Đoàn.
Khi hỏi thăm Quản
Thủ Thư Viện kế bên Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi
mới rõ lương công chức trung bình khoảng 3000
Rupees / 1 tháng (khoãng 100 AUD một tháng hoặc
3 đến 4 đô Úc một ngày) gần tương đương mức thu
nhập của một người ăn xin may mắn (vì nhiều vị
không có cơ hội đổi tiền Ấn nên bố thí luôn 5 đô
Úc).
8. Phương tiện di
chuyển:
Ngoại trừ
1 số
chuyến bay giữa các thành phố lớn, đa số dùng xe
bus hay xe tour bus làm phương tiện di chuyển
chính giữa các phế tích. Xe tour thường cũ,
không tiện nghi như xe bus ở Úc nhưng vẫn chạy
tốt. Tài xế rất chuyên nghiệp, dù lái trong
đường xá chật hẹp và bụi bặm.
Khi chuẩn bị vượt
biên giới Ấn đến Lâm Tì Ni - Nepal, chúng tôi
phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ trong dòng xe nối
dài dằn dặt để bác tài làm thủ tục nhập cảnh,
ngoài ra xe chạy đều đều ít khi ngừng bánh.
9. Điện thoại,
Digital Camera và Storage Card, CD Pháp Âm, CD
Nhạc
Không dùng mobile
phone được trong các vùng phế tích hoang vắng,
do đó nên chuẩn bị trước tinh thần cho người nhà.
Gọi điện thoại từ
khách sạn khá mắc, không kinh tế và chỉ có khách
sạn gần thành phố lớn mới có thể liên lạc về Úc.
Dịch vụ điện thoại viễn liên ở các tiệm ngoài
khách sạn rẻ hơn nhiều và cũng rất dễ dàng, có
bảng chỉ dẫn tiếng Anh từng bước một, gọi bao
nhiêu trả tiền bấy nhiêu, khi nào gác máy, phiếu
tính tiền tự động in ra.
Internet trong
khách sạn các vùng phế tích không hoạt động hữu
hiệu.
Nhớ đem
đầy đủ thẻ nhớ cho máy hình kỹ thuật số (digital
camera) hoặc máy Photo Storage hoặc Notebook để
lưu trữ hình ảnh trong chuyến đi dài ngày. Pin
cũng vậy, rất khó tìm mua ở những vùng phế
tích.
CD Pháp Âm hay
Nhạc rất hữu ích trên đường thiên lý. Có thể mua
các CD Nhạc Đạo hay CD Tụng Niệm tiếng Ấn, tiếng
Tây Tạng ở ngoài khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng, tuy
nhiên chất lượng CD kém vì CD thuộc loại rẻ tiền.
10. Những sản
phẩm nên mua trong chuyến hành hương
Kinh và sách từ
các chùa VN trên xứ Phật hoặc Thư Viện kế bên Bồ
Đề Đạo Tràng tỷ như thư viện Bồ Đề Đạo Tràng có
cả sách Đường Xưa Mây Trắng của Thầy Nhất Hạnh,
chùa Viên Giác có cuốn Xứ Phật Tình Quê của Thầy
Hạnh Nguyện & Vô Thức làm tư liệu hành hương cho
các Phật Tử ở nhà.
Tràng Hạt ở phía
ngoài khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng: nhiều loại rất
đẹp và rẽ ngay cả loại làm bằng gỗ trầm rất thơm
(khoảng 100 đến 300 Rupees tùy tràng hạt ngắn
hay dài). Tuy nhiên hàng thật hàng giả lẫn lộn
rất khó biết, nên nhờ các Thầy, các Sư Cô VN tu
học tại Ấn hay tour guide mua dùm. Có nhiều vị ở
Ấn hơn 10 năm nên có nhiều kinh nghiệm loại
tràng hạt gỗ trầm hương.
Các túi vải in
hình hay chữ Bodh Gaya độc đáo không thấy kiếm
thấy ở Úc Châu. Các túi vải dùng làm quà tặng
người thân ở nhà rất quý báu. Bấy giờ, giá 1 túi
loại tốt có nhiều túi nhỏ bên trong khoảng 70
Rupees, nếu mua 3 túi, có thể trả khoảng 200
Rupees.
Các chuông hay mõ
để tụng kinh.
Các CD nhạc đạo
hay niệm Phật bằng tiếng Sanskrit hay Ấn (6 đến
7 CD giá khoảng 100 Rupees).
Áo thung (từ 10
đến 20 Rupees cho 1 áo thung tùy chất lượng mỏng
hay dày) có in chữ hay hình những Thánh Tích.
Ngoài các chuẩn
bị kể trên, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng mộ
đạo và tinh thần cởi mởi, vô chấp. Có lẽ nhờ thế,
phái đoàn đi hành hương rất vui vẻ, thoải mái.
Người người đối xử với nhau tử tế và chân thành
đến nổi đã về Úc gần hơn 9 tháng rồi mà chúng
tôi vẫn còn như đang dong duổi trên đường theo
dấu chân Đức Phật, quá nhiều kỷ niệm ngọt ngào
trong chuyến đi vẫn còn đầy ấp trong chúng tôi
hứa hẹn sẽ gặp lại nhau trong nhiều chuyến đi
tương lai do Tu Viện Quảng Đức tổ chức. Đối với
chúng tôi, đây là duyên lành bậc nhất không thể
nào quên.
Quảng Hội
(theo
Quảng Đức)

|