Dẫu gai đời đâm
rướm máu đôi chân…
Lưu Đình Long

Câu
thơ của Lê Bích Sơn, tôi đọc lại trong một
chiều ngẩn ngơ nhớ về những dòng tự sự đầy đau
đớn của em, người bạn Đạo chân thành.
Em bảo em đau quá, lòng người sao mà mênh mông
khó đoán, họ lọc lừa em, và họ nhân danh tình
huynh đệ để làm em đau. Em bảo em thiếu niềm tin
vào bất kỳ ai quanh mình, bởi em đã tin, đã đặt
trọn niềm tin vào một người bạn (em xem họ là
bạn Đạo chân thành)…
Em ạ! Cuộc đời vốn dĩ như vậy. Vô thường. Trong
hai chữ vô thường ấy em phải hiểu nó là sự đổi
thay theo hướng tốt lên hoặc xấu đi, hoại diệt
hoặc sinh trưởng. Khi con người chưa phải là
Thánh, tâm họ còn lung lay bởi trần cảnh, sáu
căn còn tiếp xúc với sáu trần, lòng còn lao xao
bởi những cuộc va chạm, tiếp xúc ấy thì tránh
sao khỏi những xuống lên của tâm thức. Và tránh
sao được những hệ lụy, sa ngã vào hố thẳm, đường
cùng?
Em quán như thế để thương họ đổi thay, họ đã đi
về hướng bất thiện, đánh mất những điều tốt đẹp
mà họ đã gieo tạo trước đó. Và, đánh mất niềm
tin nơi em là họ đã thiệt thòi, mất đi một người
bạn Đạo chân thành.
Em
đã sống chân thành, đã không hổ thẹn với tình
cảm, sợi dây bạn Đạo của mình thì em không có gì
phải hối tiếc cả. Em đã gieo vào lòng em và vào
vũ trụ mênh mông một ý niệm đẹp thì sợ gì những
gió thốc, giông bão bên ngoài? Rồi gió sẽ lặng
khi lòng em thôi những nghĩ suy hối tiếc, khi em
nhận chân cuộc sống vốn dĩ vô thường, miễn lòng
em vẫn thường niệm thiện, niệm lành, thương cả
người đã tạo cho mình những vết thương bầm tím,
thì em sẽ như con chim cất cao đôi cánh giữa bầu
trời tự do. Em sẽ không bị ràng buộc trong chiếc
lồng được đan bởi những câu hỏi thường tình của
thế gian: tại sao người ta lại dối lừa mình,
phụ rẫy chân tình và niềm tin của mình?
Biết đâu đó là nhân quả trùng trùng, biết đâu em
đã từng phụ rẫy trong ý, trong khẩu, thân nghiệp
của mình? Và dẫu em chưa từng thì với tâm mật
hạnh Bồ-Tát mà em thọ lãnh, nguyện thực hành
lắng nghe-hiểu và thương thì em cũng sẽ bắt đầu
thương người bạn Đạo chưa dễ thương, còn có
nhiều hơn thua, tị hiềm của mình… Vì họ đang
thụt lùi, đang quay trở lại con đường tử sanh,
xuống lên sáu nẻo.
Em từng phát nguyện rộng độ chúng sinh, thương
hết thảy những ai đang còn chìm đắm trong sanh
tử luân hồi thì hà cớ gì em phải đau, phải giận
một người mà em xem là bạn Đạo, từng tin tưởng
và thương yêu? Cứ nghĩ như thế rồi quay lại với
bổn nguyện thương yêu của mình để dẫu “gai đời”
làm chân em rớm máu em cũng không thất vọng ê hề,
em cũng không đánh mất niềm tin…
***
Y pháp bất y nhân. Em còn nhớ câu “thần chú” ấy
không? Em đã vượt qua được nghịch cảnh mà em
từng gặp, chơ vơ khi biết vị Thầy mà mình tôn
kính bỗng dưng… rất đời. Thầy dạy em sống đời
giải thoát, gìn giữ tâm từ ái, không tham, không
sân, không mê (ái, si)… nhưng rồi chính Thầy đã
sân hơn bất kỳ ai. Em biết qua một lần tranh
chấp chùa chiền của Thầy với huynh đệ trong Tông
phong. Và em đã từng buộc miệng nói rằng: “Em
không đi chùa nữa đâu”. Cũng may là em đã kịp
sám hối, kịp xin lỗi chính mình vì câu nói cắt
đứt đường tu ấy của mình trước Phật và Bồ tát.
Khi ấy em bảo, ai làm sai thì người ấy phải nhận
lãnh quả mình đã gieo. Tại sao em phải chạy theo
cái sai của người đó làm chi. Em cứ tiếp nhận
những lời dạy tốt ấy và thực tập theo lời mà
Phật dạy.
Những nguyên tắc sống đạo đức mà Phật đã chế là
thuốc giúp em giải thoát từng ngày, từng việc.
Em đã ứng dụng điều đó và vượt qua, em còn nhớ
không?
Sự nghiệp của người tu là giải thoát, là trí tuệ (duy
tuệ thị nghiệp), còn ai đó vướng víu cái chùa,
cái chức, danh phận, tiền bạc thì họ phí uổng
đời tu. Em phải thương vị ấy chứ sao em lại
trách hờn rồi khổ đau, rồi thối thất Bồ Đề Tâm,
thối thất chí nguyện giải thoát, giác ngộ của
mình hở em?
Tôi
viết cho em đôi dòng, viết như một sự chia sẻ
chân thành của một người anh trong Đạo, rằng em
hãy vững chãi, nhìn kỹ con đường mình đi, đừng
có vì những cái bên ngoài, những người nào đó
chưa tốt mà tự đóng khép một cánh cửa đã mở
cho một con đường chân như, hạnh phúc…
Lưu Đình Long
(theo Giác
Ngộ Online)
Bài
thơ
"Viết Cho Người
Chùn Chân" –
Lê Bích Sơn

 |