MỘT CÁI NHÌN BAO
QUÁT
VỀ ĐẠO PHẬT NGÀY
NAY
Hoàng Phong

Thống
kê vào đầu thế kỷ XX, một cách chính xác là vào
năm 1900, số người theo Phật giáo trên thế giới
ngang hàng với toàn thể số người theo Ki-tô giáo,
và hơn hẳn số người Hồi giáo. Nhưng ngày nay,
một trăm năm sau, tức vào đầu thế kỷ XXI, số
người Phật giáo chỉ trên dưới 400 triệu. Trong
khi ấy có đến hai tỷ người chịu phép rửa tội,
1,3 tỷ người Hồi giáo và 830 triệu người Ấn Độ
giáo. Phật giáo tụt xuống hàng thứ tư. Tại sao
lại như thế?
Tương
lai của Phật giáo sẽ đi về đâu? Vượt qua những
thử thách và khó khăn của thế kỷ XX, Phật giáo
phải đương đầu với những thử thách mới, những
khó khăn mới đang ló dạng ở chân trời, đó là sự
hấp dẫn và mê hoặc của những giá trị vật chất,
biểu tượng của nền kinh tế tư bản.
Thế
kỷ XX là một thế kỷ biến động và tai hại cho
Phật giáo nói riêng và cho cả Ki-tô Chính thống
giáo (Orthodoxe) trên lãnh thổ Xô-viết nữa.
Những luồng tư tưởng và cải cách xã hội trong
thế kỷ XX đã ảnh hưởng đến các truyền thống tinh
thần như Ki-tô Chính thống giáo tại Nga và nhất
là Phật giáo tại các vùng đất Á châu như Trung
Quốc và các nước Đông Dương.
Phật
giáo ngày nay cho thấy nhiều dấu hiệu hồi sinh,
nhất là đã tìm thấy một mảnh đất mới, còn trống
trải và đầy hứa hẹn. Mảnh đất đó chính là mảnh
đất Tây phương, cực kỳ phát triển về khoa học,
triết học và văn hoá. Trên vùng đất mới ấy, Phật
giáo đã và sẽ phát triển rất nhanh, có thể nói
đó là một “thừa Phật giáo mới” được thành lập,
xây dựng trên một nền móng vững chắc về khoa học
và triết học, phù hợp với những lo âu của con
người trong thời đại mới, biết ý thức về vị trí
của mình trong cộng đồng nhân loại, giữa bối
cảnh của môi trường thiên nhiên đang bị tàn phá
và biến đổi nghiêm trọng.
Tuy
nảy mầm trên vùng đất phương Tây, nhưng Phật
giáo ngày nay còn phải đương đầu với những thách
đố của những giá trị vật chất và những quyến rũ
của nền kinh tế tư bản ngay trên các phần đất Á
châu, lãnh địa nghìn năm của Phật giáo.

Vài nét về đạo Phật ngày nay
Qua
lịch sử, vào thời kỳ vua A Dục, tức thế kỷ thứ
III trước Tây lịch, mặc dù Phật giáo đã được
truyền bá trong các vùng Cận Đông, Hy Lạp và cả
Ai Cập, nhưng cho đến nay, Phật giáo vẫn chưa hề
bành trướng rộng rãi bên ngoài ranh giới phía
Tây của con sông Indus. Phật giáo Trung Quốc thu
mình phía sau những bức tường kiên cố, Phật giáo
Việt Nam thì phía sau những luỹ tre xanh, và
Phật giáo các nước theo Phật giáo nguyên thuỷ là
chung quanh các Tăng đoàn trong các chùa chiền
nơi thanh tịnh. Trong lúc đó, các nhà truyền
giáo Ki-tô La Mã lan tràn khắp các miền đất Mỹ
châu, Phi châu và Á châu qua các kế hoạch và các
tổ chức chặt chẽ.
Thật
sự có bao nhiêu người theo Phật giáo trên thế
giới? Sự tương quan giữa Phật giáo và các tôn
giáo khác ra sao? Các câu hỏi này lêu lên nhiều
khó khăn cho các chuyên gia về tôn giáo, nhất là
phải xác định tổng số Phật tử trên thế giới. Nếu
người mẹ là Do Thái giáo, đứa bé sinh ra đương
nhiên sẽ theo Do Thái giáo; đối với Hồi giáo,
đứa con theo đạo của cha; người Ấn Độ giáo khi
sinh ra được xếp ngay vào giai cấp muôn đời của
họ trong xã hội; người Ki-tô giáo thì chịu phép
rửa tội; người Phật giáo quy y Tam bảo (tức quy
y Phật, Pháp và Tăng).
Nhưng
người theo Phật giáo chỉ quy y khi họ bắt đầu
hiểu được ý nghĩa của các giới luật phải tuân
theo, như không trộm cắp, sát sinh… tức sớm nhất
là vào khoảng bảy tuổi trở đi. Người theo Phật
giáo hoàn toàn tự do, có thể từ bỏ bất cứ lúc
nào các lời nguyện khi quy y; trái lại, phép rửa
tội là một quy định cho suốt đời. Tính cách
khoan dung, tự do và tự nguyện của Phật giáo gây
khó khăn không nhỏ cho việc kiểm định số Phật tử
trong xã hội, nhất là trong các quốc gia có
nhiều truyền thống tinh thần khác nhau.
Vấn
đề thống kê lại càng khó khăn hơn nữa vì các
trào lưu tôn giáo của các vùng Á châu chẳng
những không chống đối nhau, không loại bỏ lẫn
nhau, mà lại hoà đồng và hội nhập với nhau. Đối
với các người theo Do Thái giáo, Hồi giáo hay
Ki-tô giáo, họ không được dính líu với các tôn
giáo khác, không được phép “ba phải”. Trái lại,
người Nhật chẳng hạn, có thể vừa là Thần giáo
(Shinto) vừa là Phật giáo; người Việt Nam, người
Trung Quốc, người Hàn Quốc… có thể vừa là Phật
giáo, vừa là Lão giáo.
Mặc
dù ý thức được những khó khăn trong việc thống
kê như vừa trình bày trên đây, các chuyên gia
Tây phương về tôn giáo đều đồng ý với nhau và
ước tính có khoảng 350 triệu đến 450 triệu Phật
tử trên toàn thế giới, con số trung bình thường
được nêu lên là 400 triệu.

Phật giáo và biên giới quốc gia
Một
phần ba người Phật giáo trên thế giới thuộc Nam
tông hay Tiểu thừa (Hinayana), còn gọi là Phật
giáo Nguyên thuỷ (Theravada). Hai phần ba thuộc
Phật giáo Bắc tông hay Đại thừa (Mahayana). Kim
cương thừa Phật giáo (Vajrayana) chỉ đại diện
cho 1/30 số người Phật giáo.
Sự
phân bố theo tỷ lệ trên đây không tương quan với
tính cách thu hút của các học phái, nhưng liên
hệ mật thiết hơn với tính cách địa phương, tức
biên giới quốc gia. Đại thừa Phật giáo phát
triển trong các quốc gia đông dân như Trung Quốc,
Nhật Bản…
Trái
lại Kim cương thừa giới hạn trong các nơi thưa
dân như Tây Tạng, Bhutan, Nepal và Mông Cổ. Tuy
rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ đại diện cho 1%
người Phật giáo, nhưng với uy tín của Ngài,
người Tây phương vẫn nhìn Ngài như người đại
diện cho toàn thể Phật giáo.
Theo
lịch sử, Phật giáo phát triển trong những vùng
văn minh trồng lúa gạo và trà, cũng giống như
Ki-tô giáo phát triển trong những vùng văn minh
sản xuất lúa mì và rượu nho. Phật giáo phát
triển trong các vùng châu thổ sông Hoàng Hà và
Trường Giang ở Trung Quốc, trong vùng châu thổ
sông Hồng ở Bắc Việt, và dọc theo sông Mê Kông
thuộc các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và vùng
Nam Việt Nam. Trong các vùng trồng lúa phì nhiêu
và đông dân của Myanmar, chẳng hạn như Mandalay,
Phật giáo phát triển rất mạnh, chùa chiền đồ sộ
xây dựng khắp nơi, nhiều chùa có đến hơn 2.000
nhà sư xuất gia và tu học.
Các
chuyên gia Tây phương ước lượng trong ba nước
Việt Nam, Campuchia và Lào, có 130 triệu người
theo Phật giáo. Phật giáo Lào và Campuchia
nghiêng về Nam tông, trái lại Phật giáo Việt Nam
phần lớn thuộc Bắc tông. Phật giáo trong các
vùng Á châu đôi khi còn phảng phất một vài nét
rơi rớt từ những phong tục và tín ngưỡng lâu đời
trong dân gian. Người Myanmar e sợ thần Nat,
người Thái thờ thần Phi, người Campuchia sợ các
ông chằn Neakta, người Việt Nam giữ tập tục thờ
cúng tổ tiên và các tín ngưỡng dân gian khác.
Tại Việt Nam, Phật giáo phát triển ở các vùng
đồng bằng, trong khi đó trên các vùng cao nguyên,
những bộ tộc ít người vẫn thờ các thần linh (Animisme).
Trong
khi Phật giáo trong các vùng Á châu mang nặng
tính cách dân gian, thì Tây phương lại định
nghĩa Phật giáo như một tôn giáo vô thần, và
chính khía cạnh vô thần đó của Phật giáo đã đặc
biệt thu hút họ. Phật giáo Tây phương nghiêng
nhiều về khoa học và triết học cũng như các
phương pháp tu tập rất rốt ráo của Thiền học và
Kim cương thừa.
Có
thể nói là Phật giáo Tây phương đang dần dần
biến thành một “thừa Phật giáo mới” mang nhiều
đặc tính triết học và khoa học. Nước Anh công
nhận Phật giáo là một nền triết học toàn vẹn,
trong khi đó nước Pháp chỉ xem Phật giáo như một
tôn giáo.
Xem
Phật giáo là một tôn giáo có lẽ đúng hơn và
thiết thực hơn là một nền triết học khô khan.
Một nền Phật giáo mang quá nặng tính cách triết
học và khoa học cũng có thể đánh mất phần nào
sắc thái thiêng liêng của một tôn giáo. Phật
giáo Tây phương chỉ đại diện cho khoảng 2% Phật
tử trên thế giới, nhưng họ rất tích cực và đi
rất xa trên con đường tu tập.

Một trường hợp điển hình về Phật giáo phương Tây
Tại
Pháp, tín ngưỡng có tính cách tự do và cá nhân,
được luật pháp bảo vệ, không ai và không có cơ
quan nào có quyền điều tra hay thống kê. Các ước
tính của Bộ Nội vụ và Tổng hội Phật giáo Pháp
cho biết, có khoảng 600.000 Phật tử, một nửa số
này là những người di dân gốc Á châu, một nửa
còn lại là những người gốc Pháp.
Ngoài
số người đã quy y như vừa kể còn có năm triệu
người Pháp xem Phật giáo như một tôn giáo gần
gũi nhất với họ. Các người Phật giáo gốc Tây
phương nghiêng hẳn về Phật giáo Tây Tạng, có lẽ
nhờ uy tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhất là nhờ
các vị thầy Tây Tạng đi thuyết giảng khắp nơi
rất giỏi. Sau Phật giáo Tây Tạng, người Tây
phương bị thu hút bởi các trường phái Zen của
Thiền tông.
Thiền
tượng trưng cho trạng thái trong sáng và an bình,
hoá giải những lo âu và căng thẳng tinh thần của
con người trong các xã hội tân tiến ngày nay.
Cách tu tập đơn giản nhưng thiết thực trong việc
đem lại một cuộc sống an bình, tỉnh thức của
Thiền tông cũng đặc biệt thu hút người Tây
phương.
Nếu
không thể biết đích xác số người Phật giáo trên
đất Pháp và Âu châu, thì trái lại dễ nhìn thấy
hơn địa vị xã hội của họ: phần lớn họ thuộc vào
tầng lớp “trung lưu”, trong lứa tuổi “trung bình”,
tức không già cũng không quá trẻ, sinh sống
trong các vùng thành thị. Địa bàn sinh hoạt của
họ rất đa dạng, 80% là người trí thức, phần đông
có tú tài và cộng thêm bốn đến năm năm đại học
và hơn nữa.
Nói
chung, Phật giáo đã hội nhập một cách chặt chẽ
trong xã hội Pháp nói riêng, trong các xã hội
Tây phương nói chung, và đang phát triển rất
nhanh. Trên đài truyền hình của Chính phủ Pháp
vào mỗi sáng Chủ nhật đều có chương trình về
Phật giáo và phần nội dung của chương trình hoàn
toàn do Tổng hội Phật giáo Pháp đảm trách.

Phật giáo ngày nay đi về đâu?
Ngoài
những giới luật phải chấp hành trên phương diện
đạo đức, chẳng hạn như không sát sinh, không
trộm cắp, không nói dối… người Phật tử không bắt
buộc phải tuân theo những nghi lễ gò bó nào cả.
Họ có thể đến chùa vào ngày rằm và ngày ba mươi
mỗi tháng, nhưng không có tính cách bắt buộc.
Người Phật tử nông thôn đến chùa và lễ Phật
thường xuyên hơn những Phật tử sinh sống trong
các thành phố lớn.
Trong
khi đó, các tôn giáo khác đòi hỏi tín đồ phải
chấp hành những nghi lễ khắt khe hơn, phải đến
dự lễ tại giáo đường: người Do Thái giáo vào
ngày thứ Bảy, người Ki-tô giáo vào ngày Chủ Nhật,
người Hồi Giáo vào ngày thứ Sáu. Việc tu tập
thiếu chặt chẽ của người Phật tử tại gia cũng là
một điểm yếu, không giúp họ đến gần hơn với Giáo
pháp và Tăng đoàn.
May
mắn thay, trên đất nước Myanmar vẫn còn có
300.000 nhà sư xuất gia, tức gần ngang hàng với
tổng số tất cả giáo sĩ Ki-tô trên toàn thế giới.
Thái Lan cũng hãnh diện có một Tăng đoàn hơn
300.000 vị. Ngày nay, ta vẫn còn thấy các nhà sư
đi chân đất, ôm bình bát thứ lớp đi khất thực ở
Myanmar và trong các vùng nông thôn Thái Lan.
Nhưng
các thành phố lớn, phồn hoa và nhộn nhịp, chẳng
hạn như Bangkok, quang cảnh các nhà sư vừa tụng
kinh vừa chậm rãi đi khất thực vào lúc hừng đông
không còn nữa. Ta hãy nhìn vào một thành phố lớn
của địa cầu là thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc)
với 31 triệu dân, ngang hàng với dân số của cả
nước Canada, ta sẽ thấy rằng trong khu rừng
những toà nhà chọc trời đó, không dễ gì tìm thấy
một mái chùa. Mức sống của người dân trong các
nước Á châu gia tăng gấp đôi mỗi mười năm. Giá
trị vật chất thật hấp dẫn, lắm khi lấn át cả
lương tri con người.
Tương
lai của Phật giáo sẽ đi về đâu? Vượt qua những
thử thách và khó khăn của thế kỷ XX, Phật giáo
phải đương đầu với những thử thách mới, những
khó khăn mới đang ló dạng ở chân trời, đó là sự
hấp dẫn và mê hoặc của những giá trị vật chất,
biểu tượng của nền kinh tế tư bản. Tâm nguyện
của người Phật tử chọn một lối sống đơn sơ, đạm
bạc và lương thiện khi quy y có còn duy trì và
giữ được một chút giá trị nào hay chăng?
Hoàng Phong
(Theo Văn Hóa
Phật Giáo)

|