ÐÀO TẤN VỚI LINH PHONG TỰ
VÀ TÊN HIỆU MAI TĂNG

 LỘC XUYÊN ÐẶNG QÚY ÐỊCH

 

          Cụ Ðào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộc Mai và Tô Giang, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (6-4-1845) tại làng Vinh Thạnh phủ Tuy Phước (nay là thôn Vinh Thạnh xã Phước Lộc huyện Tuy Phước). Trúng Cử nhân khoa Ðinh Mão, Tự Ðức thứ 20 (1867). Quan chức đến Hàm Hiệp Biện Ðại Học sĩ, phẩm Tùng nhất, tước Vinh quang tử, kiêm lãnh Thượng thư bộ Công. Về hưu năm Giáp Thìn, Thành Thái 16 (1904). Tạ thế tại Vinh Thạnh ngày rằm tháng bảy năm Ðinh Mùi Thành Thái 19 (23-8-1907), thọ 63 tuổi ta.

          Trở lên là đôi nét sơ lược thân thế ông quan lớn họ Ðào. Và, nếu chỉ có thế thì vị tất cụ Ðào Tấn ở Vinh Thanh đã lưu danh thiên cổ. Sở dĩ cụ được các nhà nghiên cứu Văn Học Nghệ Thuật lâu nay xưng tụng là tác giả lỗi lạc của dòng văn học trình diễn, là nhà văn hóa lớn của dân tộc có tầm cỡ quốc tế chính nhờ ở sự nghiệp soạn tuồng hát Bội, dạy hát Bội, hoạt động nhằm phát triển hát bội đến mức cực thịnh. Tư tưởng chủ đạo hướng dẫn ngôn hành của cụ, thể hiện rõ nét qua tác phẩm cụ (gồm văn thơ từ tuồng), là triết lý hữu vi của Nho giáo và biện chứng giải thoát của Phật giáo. Ở đây tôi chưa bàn đến dấu ấn của hai nguồn tư tưởng trên trong tác phẩm cụ mà chỉ nói đến cái hiện tượng biểu thị sự liên hệ mật thiết giữa ông quan lớn mà cũng là nhà văn hóa lớn Ðào Tấn với Thiền môn. Tức là nói đến ý nghĩa từ Tiểu Linh Phong Mai tăng và các nguyên ủy khiến cụ chọn nhóm từ này làm đạo hiệu vừa bút hiệu cho chính mình.

          Như trên đã nói cụ Ðào Tấn ngoài hai tên hiệu Mộng Mai và Tô Giang, còn một biệt hiệu nữa là Tiểu Linh Phong Mai Tăng, gọi tắt là Mai Tăng. Biệt hiệu này cụ thường dùng để tự xưng trong những bài thơ nói về mình và dùng ký dưới những trước tác của mình mà ngày nay ta còn thấy được tự tích trên tấm hoành.

HƯƠNG THẢO THẤT
MAI TĂNG
THÀNH THÁI ẤT VỊ XUÂN (1895)

          Tự tích dưới bài thơ Mai Tăng tức chiếu đề dấu chân dung chụp tại bộ Công năm 1903 và ký dưới bài Linh Phong tự ký. Theo ngữ nghĩa thì Linh Phong Mai Tăng có nghĩa là Sư Mai ở núi Linh, còn từ Tiểu đứng trước bốn từ kia hàm ý khiêm tốn, cả năm từ có nghĩa "Mai tăng, nhà Sư tầm thường ở núi Linh".

          Núi Linh - Linh phong - là tên ngọn núi nằm phía đông dãy Bô Chinh đại sơn. Sơn hệ này, tục gọi hòn Bà, nằm giữa huyện Phù Cát, chạy dài từ quốc lộ 1 phía tây đến giáp biển phía đông, gần 20 km đường chim bay. Lưng chừng ngọn Linh phong có ngôi chùa cổ từng được chúa Nguyễn Phúc Chú (Ninh vương) ban biểu sắc tứ vào năm Qúy Sửu 1732. Người khai sơn ngôi Linh Phong Tự là sư Lê Ban, tục gọi Ông Núi (Sơn Ông), từng được chúa Ninh ban hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì Ðại Lão Thiền Sư cùng một lúc ban biển sắc tứ cho chùa; chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ vương) mời ông về triều ban cho pháp phục vào năm Tân Dậu (1740). Vua Minh Mệnh ban thêm pháp phục để thờ ông và ban bạc tu bổ chùa vào năm Bính Tuất (1826). "Sư Mai ở núi Linh" nhất định có liên hệ với ngôi cổ tự này.

          Xét "Tiểu sử cụ Ðào Tấn 1845-1907" do con trai thứ của cụ là Ðào Nhữ Tuyên soạn đề ngày 17 tháng 8 năm Bảo Ðại thứ 18 (1943) thì: "...sau khi đức Dục Tôn Anh Hoàng đế (tức vua Tự Ðức) thăng hà rồi, quyền thần lộng bính, cụ bỏ quan về phụng dưỡng song đường. Triều đình nghị giáng tứ cấp, năm Kiến Phước nguyên niên (1883) định đưa cụ cố ông và hộ cụ cố bà lên chùa Linh phong (Phù Cát - Bình Ðịnh) lánh loạn nương thân, năm Ðồng Khánh nguyên niên (1886) quan tỉnh Bình Ðịnh cử cụ Thượng tá Tỉnh vụ Bình Ðịnh, chưa mấy ngày vâng đức Cảnh Ðôn Thuần Hoàng đế (tức là vua Ðồng Khánh) chuẩn triệu lai kinh Tham tá Các vụ..." và bài Linh Phong tự ký có đoạn viết: “Kiến Phúc Hàm Nghi niên giám, Tấn khí quan nam qui, thác ư thiền dĩ tị loạn, lam dư trúc trượng, tằng ư thử sơn thể tự lưu biên. Cổ nhân hữu nhất tuế sơn cư quá bán, Tấn ư thử thời tự chi hĩ!” Dịch: “Giữa niên hiệu Kiến Phước - Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về (nhà ở phía) nam (Kinh đô), gởi thân nơi cửa Phật để tránh loạn, kiệu chàm gậy trúc thường đi lại giữa núi này (Linh Phong) và chùa này (Linh Phong tự). Người xưa mỗi năm ở núi quá nửa (thời gian), Tấn tôi lúc bấy giờ cũng tương tự như vậy!” (2)

          Qua hai tư liệu trên ta biết được mấy sự kiện: Sau khi Tự Ðức chết (19-4-1883) cụ Ðào Tấn đang thọ hàm Hồng lô Tự khanh phẩm chánh tứ (4-1) vẫn làm Phủ Doãn Thừa Thiên phẩm chánh tam (3-1) thì bỏ quan về nhà ở Vĩnh Thạnh bị điều nghị phạt giáng bốn cấp. Gặp tang cha rồi gặp Văn thân khởi dấy nên cùng với mẹ lên nương náu tại chùa Linh Phong - Phù Cát hơn nửa năm giữa 1885-1886. Ðồng Khánh lên ngôi ngày 14-8-1885 hạ chỉ mời cụ về Kinh giữa năm sau, Ðồng Khánh nguyên niên 1886, cụ về tới triều được cử giữ chức Tham Biện (4) tại Nội các. Vậy là cụ đã có hơn nửa năm hoặc gần một năm ở tại chùa Ông Núi trên Linh Phong để tránh loạn.

          Liên hệ đến sự cố Văn thân khởi nghĩa tại Bình Ðịnh, nhiều tư liệu đều đã cho biết sau khi Nguyên soái Mai Xuân Thưởng phụng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi thì có cử người đến mời cụ nhập đảng. Cụ lấy cớ đang thọ tang cha và còn mẹ già phải phụng dưỡng nên từ chối. Sợ ở lại nhà không yên, cụ phải lánh lên chùa Ông Núi, nên cho người bí mật đưa mẹ lên chùa ở với cụ. Ðể tránh sự rắc rối xảy ra từ phía Văn thân, cụ đã "đầu Phật". Có điều cụ "đầu Phật" mà tôi ngờ rằng cụ chẳng "đầu Sư", tức là tự mình đầu Phật, tự mình làm tăng. Tôi vừa nói cụ Ðào Tấn "tự mình đầu Phật, tự mình làm tăng" không phải chẳng có cơ sở. Thông thường một người thế tục muốn làm tăng phải trải qua các chặng đường quy y, thọ giới, cầu pháp. Dẫu cho cụ lúc bấy giờ đã 40 tuổi, đã có vợ có con nhưng nhờ có căn bản Hán học mà đã thâm nhập Phật học, được bổn sư cho miễn thọ giới Sa di thì cũng phải thọ đại giới Tỳ kheo mới làm tăng được. Khi quy y thì được bổn sư đặt cho pháp danh (tên đạo). Khi thọ giới - cầu pháp thì được vị thầy thế độ đặt cho đạo tự (tên tự trong đạo) và đạo hiệu (tên hiệu trong đạo). Pháp danh của đệ tử thường chỉ có hai chữ mà chữ khởi đầu tiếp theo chữ khởi đầu của bổn sư, cả hai đều nằm trong một bài kệ của một dòng Thiền đã có sự truyền thừa ở nước ta. Ðạo tự, đạo hiệu do vị sư thế độ đặt thường được khởi đầu bởi một chữ chung cho đệ tử vị ấy, tự hay hiệu thường cũng chỉ có hai chữ, cả hai đều nói lên cái ước vọng thăng tiến về trí tuệ và về đạo hạnh mà thầy muốn gởi gấm nơi học trò mình. Xét năm chữ "Tiểu Linh Phong Mai Tăng" thì không phải đạo hiệu, đạo tự, lại càng không phải pháp danh. Tôi đã đọc kỹ bài "Tiểu sử cụ Ðào Tấn" đã dẫn trên kia, cùng thần chử, thần vị của cụ hiện thờ tại nhà thờ cụ ở Vĩnh Thạnh thì ngoài tên hiệu Mai Tăng không hề thấy có pháp danh. Tôi cũng nghĩ nếu cụ đã quy y từ nhỏ, thì lúc lánh mình ở chùa Ông Núi, muốn thọ giới cụ tức thì thầy thế độ không ai khác hơn vị sư trụ trì tại chùa. Có thế mới giữ kín được hành tung của cụ. Tôi cũng muốn biết hành trạng của vị sư này, để thông qua đó đoán định thử có phải vị thầy thế độ cho cụ chăng, bởi lẽ một trí thức khoa bảng, am hiểu Thiền lý, đã từng làm đến ấn quan hàm chánh tứ như cụ không thể không chọn minh sư để cầu pháp. Ðiều mong muốn ấy của tôi hiện nay và có lẽ mãi sau này cũng khó thỏa mãn bởi chùa Ông Núi đã bị thiêu hủy trong chiến tranh vừa qua, đến long vị của lịch đại trụ trì từ tổ khai sơn Lê Ban đến vị Hoà thượng sau cùng thị tịch trong chín năm kháng Pháp cũng không còn thì nói chi đến tự phổ, ngữ lục v.v... nếu có.

          Không tìm được từ phía chùa Ông Núi thì thử tìm trong tác phẩm cụ xem sao. Tôi đọc lại những gì cụ đã viết mà tôi hiện có thì chỉ thấy ở bài Linh Phong tự ký có nhắc đến "tự tăng" và ở bài thơ Phỏng Linh Phong tự, qui chu phong vũ đại tác trong tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo do hai bà con gái của cụ ký lục thấy có câu "Khước lạ Thiền phòng tiếu bất lưu", ngoài ra chưa thấy ở đâu nữa.

          Ở bài Linh Phong tự ký, chữ tự tăng được lặp lại hai lần trong một đoạn sau đây:

Sơn cư vô sự, nãi sưu cầu Sơn Ông di tích, vô bi ký khả trưng, chỉ tầm đắc tàn chi tệ biên, hữu biên niên kỷ nguyện giả... Hựu đắc Sơn Ông thử thuyên Pháp Hoa kinh giải nhất tạng, nhị bách du bản, dữ ngọc thạch đề chương... phàm thất, khỏa, triệu cực cổ. Tấn toại phất thức, tàng ư tiểu khiếp, tịnh dữ Pháp Hoa kinh tạng, phú tự tăng trân thủ chi. Diệc hữu Sơn Ông đề vịnh, mặc tích tam sổ chi, tự tăng bất tri, dĩ thủ nhi hồ họa tượng hĩ! Tấn bối triễn họa tương quan chi, đa phân tích bất hiểu, thậm khả tích dã!”

Dịch: “Ở trong núi không việc gì làm, (Tấn tôi) bèn tìm tòi di tích của Ông Núi, không văn bia làm chứng, chỉ tìm được giấy rách sách nát có chép năm ghi tháng... Lại được hơn hai trăm tấm ván khắc trọn bộ "Pháp Hoa kinh giải", những mộc bản này do chính tay Ông Núi sắp xếp, cùng khuôn dấu bằng đá quí... được bảy cái khắc kiểu chữ triện rất xưa. Tấn tôi bèn phủi lau sạch bụi, đặt vào tráp nhỏ, cùng với mộc bản bộ kinh Pháp Hoa, giao cho tự tăng cất giữ cẩn thận như cất giữ vật quí. Cũng có đôi ba tờ giấy có dấu chữ Sơn Ông đề vịnh nhưng tự tăng chẳng biết, đã đem bồi bức vẽ tượng!... Tấn tôi lật bề lưng bức tượng mà xem thì phần lớn chữ hiện rõ nhưng chẳng hiểu được, rất đáng tiếc!” (2)

          Tự tăng tức "sư ở chùa", trỏ vị sư trụ trì chùa Linh Phong lúc ấy chứ chẳng ai khác. Ở bài thơ "Phỏng Linh Phong tự..." câu "Khước tạ Thiền phòng tiếu bất lưu" nếu dịch theo nghĩa đen thì "Từ giã phòng sư ở, cười mà chẳng giữ lại" Người từ tạ ra về là cụ Ðào Tấn, người cười mà chẳng cầm cụ ở lại là sư trụ trì chùa Linh Phong lúc ấy chứ chẳng ai khác. Ở cứ liệu trước, tự tăng đã không biết bảo quản tốt di tích của Ông Núi khiến cụ phải than phiền. Ở cứ liệu sau "Nhà sư trong thiền phòng" không biết cầm cụ lại để cụ rời khỏi chùa thì gặp mưa gió lớn. Tự tăng trước và nhà sư sau có thể là một người cũng có thể là hai người khác nhau bởi vì khi cụ lánh mình ở chùa (giữa 1885-1886) đến lúc cụ trở lại thăm chùa mà làm bài thơ này (sau khi về hưu - 1904) cách nhau gần hai mươi năm và tự tăng trước và nhà sư sau, qua lời kể của cụ mà tôi vừa nói, thì không thể là đạo sư của cụ được. Hơn nữa, tuy cụ thường tự xưng "Sư Mai ở Linh Phong", nhưng từ lúc ở chùa, rồi trở lại làm quan cho đến khi hưu khi chết cụ không hề xuống tóc, không mặc nâu sồng, không ăn chay trường, mà vẫn giữ phong thái, và nếp sống của nhà Nho. Càng nghiên cứu những sự kiện trên tôi càng nghiêng về giả thuyết cụ chỉ "đầu Phật" chứ không "đầu Sư", tự mình làm tăng, tự mình đặt hiệu Tiểu Linh Phong Mai Tăng. Thông qua tên hiệu này, rõ ràng cụ muốn tỏ cho đời biết cụ từng có lúc ẩn tại Linh Phong. Còn mai là tên một loài cây có hoa có phẩm chất cao quí mà cụ từng ưu ái. Phẩm chất ấy tương tự như đức tính của bậc quân tử mà cụ từng tu dưỡng. Chọn mai làm tên hiệu vừa bày tỏ gốc gác ở làng Nho vừa nói lên ý hướng thăng tiến tu học. Ðọc bài thơ trích sau đây ta sẽ thấy cụ trân trọng biết bao ngọn núi ngôi chùa mà cụ mang tên.

             Ðối với núi và chùa Linh Phong - nơi đã cưu mang cụ trong những ngày ẩn tu - bằng thơ văn, cụ đã nhiều dịp bày tỏ lòng biết ơn và tình lưu luyến. Trong số thơ văn, nói đến chùa Linh Phong đáng chú ý có bài Linh Phong tự ký, Mai Tăng tiểu chiếu và Phỏng Linh Phong tự, qui chu phong vũ đại tác. Năm Quí Mão, Thành Thái thứ 15 (1903), cụ đang làm Thượng thư bộ Công tại triều, nhân lúc rảnh cụ soạn bài Linh Phong tự ký. Ðây là một bài văn xuôi, bằng chữ Hán, dài khoảng 1400 chữ, tác giả đã miêu tả núi và chùa Linh Phong kể lại tường tận sự tích cùng di tích Ông Núi, sự tích cùng sự trạng chùa từ lúc khai sơn đến ngày tác giả ẩn tu tại đây. Tác giả có trưng dẫn hoành phi và liễn đối của chúa Nguyễn sắc tứ và ngự đề, cùng điểm xuyết mấy câu đối chính mình đề vịnh. Cuối bài tác giả viết: “Bộ thư chi hạ, lược thuật kỳ ngạnh khái; mệnh như Thụy Thạch Nhữ Tuyên bốc ký chi, vị Linh Phong thiền tự nhất tiểu thừa, dĩ miễn nhân một, phi vãn dã”. Dịch: “Nhân rỗi việc sổ sách tại bộ, lược thuật những nét chính, sai các con là Thụy Thạch, Nhữ Tuyên ghi lấy, vì chùa Linh Phong là phương tiện nhỏ đưa người đến giác ngộ (nên phải viết) để sự tích chùa khỏi bị vùi lấp chứ chẳng phải làm văn vậy” (2).

          Tuy tác giả nói không dụng ý "làm văn", nhưng giá trị nội dung và hình thức bài ký này từng được người đương thời đánh giá cao, được xem như mẫu mực của thể ký, được phổ biến cả nước dưới hình thức sao chép. Chính bản chữ Hán mà tôi đang dùng để viết bài này là bản chép tay của cụ Hà Trì Trần Ðình Tân (đỗ Cử nhân khoa Ất Mão 1915). Bản cụ Hà Trì cũng được sao lại từ bản chép tay của cụ Biểu Xuyên Ðào Phan Duân (đỗ Phó bảng học khoa Ất Vị 1895). Có người, như nhà cách mạng Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền đọc bài ký này rồi khởi hứng viết nên bài "Mộc y ông thuyết" vừa nhắc chuyện xưa vừa tán dương tác giả Linh Phong tự ký.

          Cũng trong năm 1903, mùa hè, cụ có đề một bài thơ dưới bức ảnh bán thân của cụ. Bài thơ như sau:

MAI TĂNG TIỂU CHIẾU

Vi tiếu hậu Thiền kỳ
Phong trần không mãn y
Linh Phong tam thập liễu
Vi kiện thử tăng qui (3)

Thành Thái thập ngũ niên ngũ thập cửu tuế
Mai Tăng tự đề ư Hoàng cung chi Ðông thự.

 

Dịch nghĩa:

Bức ảnh nhỏ của Mai Tăng
Miệng mỉm cười như để lộ vẻ huyền diệu trong đạo Thiền
Và gió bụi đã bám đầy áo
Chùa Linh Phong đã ba chục năm nay
Chưa thấy sãi này trở về!

Mai Tăng tự đề tại bộ Công trong Hoàng cung vào tháng cuối mùa hè năm Thành Thái thứ 15 (1903), lúc 59 tuổi.

 

Tạm dịch thơ:

MAI TĂNG ÐỀ ẢNH

Miệng cười như lộ mây Thiền
Mà trên áo bám triền miên bụi đời
Linh Phong ba chục năm trời
Sãi này còn mãi rong chơi chưa về.

          Bài thơ có phong thái Thiền. Có điều lạ là ở câu 3 cụ bảo cụ xa chùa Linh Phong đã ba mươi năm. Nếu nhẩm tính từ lúc cụ ẩn tu tại chùa khoảng giữa năm 1885 đến khi cụ làm bài thơ này mùa hè năm 1903 thì chưa đầy 18 năm. Hay thậm xưng cũng là một ngôn ngữ Thiền được sử dụng để bày tỏ tính phá chấp?

          Sau khi về hưu, năm Giáp Thìn Thành Thái 16 (1904), có lần cụ trở lại thăm chùa Linh Phong. Cụ đi bằng ghe, từ nhà cụ theo đường nước, dẫn xuống xã Phước Thuận, vào đầm Thị Nại, rồi men theo bờ ngự hàm các xã phía đông hai huyện Tuy Phước - Phù Cát mà ngược lên bắc thì tới gần Kẻ Thử (xã Cát Chánh). Từ đó rời ghe đi bộ lên chùa chẳng bao xa. Lượt về cụ cũng đi bằng ghe, rời khỏi chùa thì gặp mưa to gió lớn. Cụ kể lại chuyến đi này trong bài thơ sau đây:

PHỎNG LINH PHONG TỰ QUI CHU PHONG VŨ ÐẠI TÁC

Mai Tăng kim nhật hựu lai dư
Khước tạ Thiền phòng tiếu bất lưu
Khả ái Sơn Ông vô sở hữu
Chỉ tương phong vũ tống qui chu (3)

 

Dịch nghĩa:

Thăm chùa Linh Phong, thuyền về gặp mưa to gió lớn
Ngày nay Mai Tăng lại đến thăm chơi,
Từ giã phòng sư, (sư) cười mà chẳng cầm ở lại,
Ðáng yêu thay trong Núi không có vật gì (tăng),
Chỉ đem gió mưa mà tiễn thuyền (ta) trở về.

 

Tạm dịch thơ:

Mai Tăng nay lại đến chùa chơi
Từ giã, chẳng lưu sư chỉ cười
Ông Núi đáng yêu không của cải
Chỉ đem mưa gió tiễn thuyền thôi.

          Ðọc lại câu cuối "Phong vũ tống qui chu, gió mưa tiễn thuyền về" mà cũng có nghĩa "gió mưa đẩy thuyền đi về hướng nam" thì gió nầy nhất định là gió bấc. Gió bấc lại thường thổi về mùa đông. Mùa đông mưa nhiều thì nước đầm càng sâu, gió bấc thổi mạnh thì sóng trên đầm càng to. Nếu phong vũ đại tác xảy ra trên đầm Thị Nại vào mùa đông thì có nguy cơ làm đắm thuyền cụ, đe dọa đến tính mạng cụ và những người đồng thuyền. Nếu xảy ra vào những mùa khác thì nguy cơ ít hơn nhưng cũng khiến cho người trong thuyền phải trải qua một phen vất vả và lo sợ. Ấy thế mà cụ đã bình thản nhẩn nha kể lại sự biến vừa qua, hơn thế nữa còn xem mưa to gió lớn như một phương tiện tốt mà Ông Núi đã để cụ rèn luyện tinh thần và nghị lực. Nếu không có được một công phu hàm dưỡng cả Tâm học của Nho giáo lẫn Thiền học của Phật giáo thì dễ gì có được một nhân sinh quan lành mạnh đến thế?

          Trở lại với nhóm từ "Tiểu Linh Phong Mai Tăng". Nếu viết được như thế thì thì tăng là danh từ chung, có nghĩa là nhà sư, thì từ tăng không viết hoa. Nếu viết tắt "Mai tăng" thì tùy theo nơi mà không viết hoa như ở bài thơ Tặng Mai tăng do chính Nam quốc Mai tăng (có pháp phục, có mão tì lư hẳn hoi) làm tặng mình thì từ tăng không viết hoa. Nhưng ở những nơi khác như dưới bức hoành HƯƠNG THẢO THẤT chẳng hạn, thì từ Tăng viết hoa bởi Mai Tăng đã trở thành tên hiệu của cụ Ðào Tấn, thuộc loại chữ danh từ riêng. Bạn đọc chớ cho tôi nhiễu sự. Khổ quá, cũng bởi chữ Hán không có lối viết hoa, bởi Mai Tăng từng có lúc tự làm tăng, bởi Mai Tăng thường tự xưng mình là Mai tăng (với chữ tăng viết thường)... nên tôi phải dài dòng. Lại nữa, sau khi "hạ sơn" để trở lại "hoạn lộ", thỉnh thoảng Mai Tăng vẫn xưng là Mai tăng. Hay Mai Tăng cho rằng mình trở lại làm quan cũng không khác hành động "thỏng tay vào chợ" (thùy thủ nhập triền) của Thiền giả đạt đạo? Vả lại Bồ tát hạnh không phải chỉ để dành riêng cho tu sĩ xuất gia tu tập và quả vị Bồ tát không chỉ có tăng sĩ mới đạt được mà cư sĩ tại gia cũng được phép tu hạnh này và cũng đã có người đạt quả vị này. Lịch sử Phật giáo từng chép Duy Ma Cật ở Ấn Ðộ thời Phật tại thế, Bàng Uẩn ở Trung Hoa và Trần Quốc Toản đời Trần ở nước ta đều là những cư sĩ tại gia, đều chứng quả vị trong thập địa Bồ tát. Cho nên cũng không phải nhọc sức tìm xem Mai Tăng có tên trong Tăng tịch không? Có được Tòng lâm tỉnh ta xưa nay thừa nhận là tăng không? Và cũng không cần phải chính danh cho Mai Tăng mà chỉ nên xem thử Mai Tăng đã làm được những gì. Việc mà Mai Tăng đã làm thì nhất định có nhiều nhưng làm mà không mong cho người biết cũng là một hạnh trong Bồ tát hạnh, cho nên ngày nay ta chỉ biết được một ít nhờ thư tịch có ghi chép mà thôi. Ðó là: “Thành Thái Ất Vị niên, Tấn kị Ðông thự, dĩ sự tấu đạt Tây cung, dụ thỉnh ân chỉ. Phụng bang xuất nội thảng ngân thát thập hạnh, mệnh tỉnh thần hiềm khuyến đồng nhân hội kim, đắc nhược can, đổng suất trùng tu yên, Ðinh Dậu cửu niên bát nguyệt lạc thành. Tấn vị năng qui phỏng, nhi tùng cố hương lai giả, giai vị Linh Phong quang cảnh, hoán nhiên nhất tâm, khả hỉ khả ủy” (Linh Phong tự ký). Dịch: “Năm Ất Vị niên hiệu Thành Thái (1895), Tấn tôi thự Thượng thư bộ Công, đem chuyện chùa Linh Phong tâu lên Tây cung để cầu xin ấn chỉ (Tây cung) lệnh xuất kho trong cung 70 lạng bạc, sai đỉnh thần quyên thêm người trong tỉnh được bao nhiêu thì gộp chung với số bạc đã ban mà đốc suất việc trùng tu chùa. Tháng tám năm Ðinh Dậu, nhằm năm thứ 9 niên hiệu Thành Thái (1897) thì lạc thành. Tấn tôi chưa thể về thăm nhưng theo lời người làng ta ai cũng nói: "Quang cảnh chùa Linh Phong nay trở nên sáng sủa và mới mẻ!" Ðáng mừng! Ðáng yên tâm”! (Trích Linh Phong tự ký) (2)

          Qua cứ liệu trên, ta thấy rằng từ lúc vận động trùng tu chùa Linh Phong đến khi lạc thành chỉ trong vòng hai năm (1895-1897). Công trình thực hiện nhanh chóng là nhờ có sự tán trợ của bà Thái hậu (Tây cung) và sự chỉ đạo trực tiếp của bộ sở quan, bộ Công, mà người đứng đầu là Thượng thư Ðào Tấn. Lần trùng tu này có qui mô lớn hơn các lần trước, đẹp đẽ và vững chãi hơn các lần trước, nếu không bị ngọn lửa chiến tranh thiêu hủy vào năm 1965 thì chắc chắn nó vẫn còn đứng vững tới hôm nay. Có thể nói mà không sợ lầm rằng nếu không có sự vận động của cụ Ðào Tấn thì vị tất đã có lần trùng tu Linh Phong tự nói trên.

          Và, việc thứ hai là bằng văn thơ cụ đã ghi lại sự tích chùa Ông Núi cùng bày tỏ sở kiến về Thiền đạo, những văn thơ ấy đã làm phong phú thêm dòng văn học Thiền trong lịch sử văn học nước nhà.

          Với bấy nhiêu ấy, nhà Nho, nhà văn, nhà nghệ sĩ, ông quan lớn Ðào Tấn không phải thẹn khi mang thêm tên hiệu Mai Tăng hoặc tự xưng là Tiểu Linh Phong Mai Tăng vậy.

 

          LỘC XUYÊN ÐẶNG QUÍ ÐỊCH

          Ðặc san LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUY NHƠN

            Xuân Canh Thìn - 2000

 

 

 

CHÚ THÍCH:

1.- Xem "Thư mục và tư liệu về Ðào Tấn", Vũ Ngọc Liễn chủ biên, UBKHKTNB, Sở VHTTNB và Nhà Hát tuồng Nghĩa Bình xuất bản, Qui Nhơn - 1985, tr.7 - tr.9

2.- Xem "Mai Viên cổ sự" của Lộc Xuyên Ðặng Quí Ðịch. Văn Lang xuất bản 1994, bài Linh Phong tự ký với đầy đủ nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa, tr.51 - tr.65

3.- Trong "Tiên Nghiêm Mộng Mai ngâm thảo" do hai bà con gái của cụ Ðào Tấn là Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, Tịnh Ba phụng sao năm 1964, bản photocopy lưu trữ tại tủ sách của Lộc Xuyên Ðặng Quí Ðịch

4.- Từ biện trong các từ ghép Hiệp biện, Tham biện, Thương biện... còn được thay bằng từ tá nên còn gọi Hiệp tá, Tham tá, Thương tá.

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008