MẸ GIÀU - MẸ NGHÈO

NGUYỄN NGỌC TƯ

 

Ban đầu, cô bạn dõi theo các cuộc thi viết về thầy, về mẹ, về gia đình, trường học… vì thích đọc những câu chuyện có thật, chân phương, cảm động. Cô thích những câu chữ còn vụng về nhưng tấm lòng người viết dịu dàng.

Cô thích cái cách người ta thể hiện tình cảm, lời tri ân, sự tiếc nuối… bằng văn học, mềm mại và tinh tế biết bao. Cô bỗng phát hiện ra mình cũng có những kỷ niệm như thế, những cảm xúc như thế, như thế. Nên về sau, cô tìm đọc vì muốn coi người ta viết làm sao để… rút kinh nghiệm sáng tác bài dự thi.

Kinh nghiệm cô có được là câu chuyện nào cũng liên quan tới thời nghèo khó. Nhân vật để lại tình cảm, dấu ấn trong lòng người viết cũng… nghèo. Cô bạn hay gặp thầy giáo làng, hơi già, khó tính, nhưng thương học trò hết lòng, thấy những ngôi trường làng, vách lá bàn xiêu, gặp cảnh cả nhà nhường nhau củ khoai lùi, giề cơm cháy, con cá sặc kho. Và những bà mẹ thường gầy gò, tần tảo sớm trưa, mặc áo rách để nhường con tấm áo lành, nhịn ăn để dành cho con bữa sáng.

Cô bạn có một thắc mắc: “Vậy những bà mẹ giàu không thương con sao?”.

Có chứ, mẹ nào mà không thương con, hết lòng vì con, hy sinh vì con. Nhưng sự thật là người đọc hiếm khi gặp nhân vật bà mẹ giàu có, no đủ. Cũng như hội văn bút xưa rày hay liếc xéo anh doanh nhân, dòm nghiêng ông quan chức, chỉ người nghèo, nông dân là được nhìn thẳng thắn, âu yếm.

Hôm đó quán cà phê vắng khách, tôi không trả lời, chỉ cười, biểu: “Vậy thì bồ viết về bà mẹ giàu đi”.

Mắt cô bạn sáng rỡ, ờ hén, bài của tui sẽ lạ lắm đây, Ban giám khảo đọc chắc hết hồn. Để rồi vài bữa sau, gặp nhau, cô bạn tiu nghỉu: “… khó lắm, nhỏ ơi”.

Chúng tôi (tức tôi và cô bạn) biết bà mẹ giàu cũng thương con, như những bà mẹ nghèo. Nhưng viết rằng: “…sáng nào mẹ cũng dẫn tôi đi ăn ở quán bà Ba Bánh Tầm, mẹ gắp xíu mại cho tôi”, hay “…biết tôi học khuya, mẹ khuấy cho tôi ly sửa hột gà béo ngậy”, hoặc “…mẹ bấm bụng cho tôi đi học ở trường Quốc tế ở Sài Gòn, để đêm đêm mẹ xót xa, thương con mình thui thủi”… không làm trái tim người đọc run rẩy.

Dù có làm theo mách bảo trên tờ báo nào đó, cách “cho con ký ức đẹp”, nhưng bà mẹ giàu cũng chỉ đơn điệu là trò chuyện, lắng nghe, để lại lời nhắn trên giấy, ôm ghì, tham khảo ý kiến của con… Những bà mẹ nghèo thể hiện tình thương nhọc nhằn hơn, người viết dễ sáng tạo, người đọc dễ mũi lòng hơn, thí dụ như bà chui vào bếp để luộc cho con mấy trứng chim vừa lượm được ở bờ sậy, bà lọ mọ móc sình nắn trâu, nắn máy cày, bà cõng con qua những đoạn đường bùn lầy để đến ông bác sĩ già với cái ống chích lụt nhách.

Và cô bạn tôi cũng tham gia cũng thi “tự kể chuyện mình” bằng bà mẹ nhà… kế bên. Rất dễ dàng, như đám học trò bây giờ buộc phải tả về mẹ y trong… văn mẫu. Cô chỉ bồn chồn một lẽ, lỡ bài được đăng, cô cũng không dám khoe với mẹ mình. Bà sẽ buồn cho coi.

Ở vậy sống vì con cả đời, quan tâm con từng chút một, vậy mà con gái lại đi vay mượn mẹ của người để nói tiếng thương yêu, chỉ vì mẹ ruột có… tiệm vàng. Cô chữa thẹn với tôi, cũng là trấn an mình, người ta cũng không hoàn toàn viết từ chuyện thật. Biết đâu, họ cũng vay mượn kỷ niệm nghèo khó của người đời.

Bà mẹ giàu có quyền buồn. Nhưng tôi bảo với cô bạn không sao đâu, tấm lòng hiếu kính của con đối với mẹ, không nhất thiết bày lên trang viết, không nhất thiết phải nói bằng lời. Là mẹ, ắt hiểu.

 

Nguyễn Ngọc Tư

theo Tuổi Trẻ Phật Giáo

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008