LƯỢC SỬ TỔ ĐÌNH PHỔ BẢO - BÌNH ĐỊNH

bản lưu truyền của Chư Tăng Môn Phái Chúc Thánh Minh Hải (1997)

 

I. KHAI SÁNG VÀ THIÊN DI CẢI HIỆU

A. KHAI SÁNG

Tổ Đình Phổ Bảo hiện nay nguyên là Am Phổ Giác do Lão ông Thiền sư Ngộ Giác, tự Thiện Minh, thế danh Lê Tấn Đạt, đệ tử thiền sư Đạt Giám (sáng lập chùa Long Phước) khai sáng vào năm Quý Tỵ (1773), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 để tu niệm, tại thôn Phổ Trạch, tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, thuộc Dinh Quảng Nam. Am Phổ Giác nguyên thuỷ xây mặt hướng Nam - Đông Nam nằm trên đồi Hòn Ấn thôn Phổ Trạch. Hiện nay (1997) là nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy Phước.

 

B. THIÊN DI, TÁI THIẾT VÀ CẢI HIỆU

Đến năm Bính Thân (1836) niên hiệu Minh Mạng thứ 16, Thiền sư Phổ Huệ, thế danh Lê Tấn Viên, con trai thứ tư của cụ Đạt, thiên di, tái thiết và cải hiệu Am Phổ Giác thành Phổ Bảo Tự đến ngày nay. Tuy thiên di cải hiệu, nhưng vẫn tọa lạc tại thôn Phổ Trạch, nay thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Trung phần Việt Nam.

Nguyên ngôi chùa ngài Phổ Huệ thiên di – tái  thiết tọa Càn, Tốn hướng, Tỵ Hợi phân kim - theo di chúc của ngài Phổ Huệ là vào mùng 4 tháng 8 năm Tân Dậu (1861), niên hiệu Tự Đức thứ 14 (những tài liệu trên hiện còn lưu tại Tổ Đình Phổ Bảo).

Đến năm Canh Thìn (1940), niên hiệu Bảo Đại thứ 15, ngài Tâm Ấn, tu phương tái thiết, xoay mặt về hướng Tây - Tây Nam như hiện nay .

 

II.PHỔ HỆ THỪA TRUYỀN

(Nguyên Am Phổ Giác do Thiền sư Ngộ Giác tạo lập để thiền quán khi tuổi về già tại Hòn Ấn).

1. Ngài Phổ Huệ, húy Toàn Ý, tự Vi Trí - đệ tử của Tổ Pháp Liêm, tự Luật Oai, hiệu Minh Giác – “Bình Mang Tảo Thị” trú trì Tổ Đình Phước Lâm, ấp Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đồng sư với Ngài là tổ Pháp Thuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, khai sơn Bạch Thạch Sơn Từ Quang Lan Nhã, nay thường gọi là Chùa Từ Quang Đá Trắng tại Phú Yên. Ngài Toàn Ý là sơ tổ của Tổ Đình Phổ Bảo.

Đệ tử ngài gồm có:

* Huý Chương Lý khai sơn chùa Diêu Phong, Diêu Trì, Phước Long.

* Huý Chương Nghĩa thiên di, cải hiệu Giang Long Thiền Thất thành Tổ Đình Sơn Long toạ lạc tại thành phố Quy Nhơn.

* Huý Chương Tường, Chương Lượng, sáng lập chùa Vĩnh Khánh xã Nhơn Hưng, An Nhơn.

* Huý Chương Thiện, sáng lập chùa Phổ Quang, thôn Phổ Trạch, Phước Thuận, Tuy Phước.

* Huý Chương Trí, tái thiết và cải hiệu chùa Hưng Long thành chùa Hưng Khánh, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước hiện nay.

* Huý Chương Hải, cải Am Thiên Trúc, tái thiết thành chùa Thiên Trúc, thôn Bình Lâm.

* Huý Chương Nhẫn, tự Tuyên Tâm khai sơn chùa Diệu Giác (?)

* Huý Chương Hiệp, thừa kế Tổ Đình Phổ Bảo, khai sơn chùa Huỳnh Long, thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, Tuy Phước sau ngài về trú trì chùa Thiên Hòa, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang.

Tổ Toàn Ý là vị Thiền sư đạo cao đức trọng, nên những vị đệ tử của Ngài đều là bậc danh đức đã khai sáng hoặc tái thiết cải hiệu các ngôi Bửu điện ghi trên. Kể từ đó tỏa ra hàng trăm tự viện, hàng ngàn Tăng, ni thuộc phái Lâm Tế Chúc Thánh Minh Hải từ Bình Định đến Sài Gòn như hiện nay.

Tổ Toàn Ý, sinh năm Kỷ Mùi (1799), thị tịch năm Nhâm Thân (1872), Ngài thọ 74 tuổi. Tháp Ngài hiện ở hướng Đông – Bắc  Tổ Đình Phổ Bảo.

 

2. Ngài Thánh Trì, huý Chương Hiệp (đệ tử trẻ tuổi nhất của Tổ Toàn Ý) khi Ngài trú trì Tổ Đình Phổ Bảo. Năm Giáp Ngọ (1894) niên hiệu Thành Thái thứ 6, Ngài khai sơn chùa Huỳnh Long, thôn Huỳnh Mai. Đến năm Kỷ Hợi (1899) niên hiệu Thành Thái thứ 11, Ngài về trú trì chùa Thiên Hòa.

Ngài sinh năm Quý Tỵ (1833), tịch năm Canh Tuất (1910) giờ Tỵ mùng 4 tháng 10 năm Duy Tân thứ 4, thọ 88 tuổi. Tháp Ngài hiện ở hướng Đông Nam chùa Thiên Hoà.

Đệ tử ngài gồm có:

* Huý Ấn Đoan, Ấn Sinh thừa kế Tổ Đình Phổ Bảo.

* Huý Ấn Phước, sáng lập chùa Tây Thiên, thôn Liêm Trực, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, Bình Định.

* Huý Ấn Thành, tái thiết và trú trì chùa Sơn Triều, thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước, Bình Định.

 

3. Ngài Hoằng Nghĩa, tự  Tổ Vị, huý Ấn Đoan. Tương truyền Ngài là vị Thiền sư tăng tướng đường đường – oai  nghi khả kính, diện mạo viên mãn, thế trí biện tài, Hán – Việt  siêu nhân. Ngài được chiếu thỉnh của triều đình thường vào triều nội giảng giải kinh luận cho Vương, Thần, Quốc, Thích, cung phi thể nữ. Trong đời trú trì của Ngài, chùa bị hoả hoạn rất nặng: Toàn bộ pháp khí đều bị thiêu hủy... Ngài đã tái thiết quy mô theo kiểu lá mái xưa, tiền đường hậu tẩm, đông tây đối diện.

Ngài sinh năm Tân Dậu (1861) tịch giờ ngọ, ngày 26 tháng 8 năm Canh Dần (1900) mộ Ngài ở núi Phổ Trạch.

Tử đệ của Ngài tuy nhiều, duy còn một vị thừa kế Tổ Đình Phổ Bảo là Chơn Thành Đại Sư.

 

4. Huý Ấn Sinh - thế danh Nguyễn Hậu, tự Ngộ Hiền. Trú trì Tổ Đình Phổ Bảo từ năm 1900 đến 1910, thì vướng trần duyên.

 

5. Ngài Chơn Thành, hiệu Phước Khánh - Đệ tử ngài Ấn Đoan. Đời Ngài trú trì do âm hưởng của bổn sư: Ngài Ấn Đoan là vị tài hoa lỗi lạc, danh đức nhất thời, hương quyền tộc thuộc đều khiếp sợ, do đó nên ngài Chơn Thành  thừa kế bị phải hai thế  lực trên cưỡng chế. Ngài nhiễm bệnh tại trường hương Tổ Đình Long Khánh - Quy Nhơn, khi đưa Ngài về đến Tổ Đình Phổ Bảo thì Ngài đã tịch. Lúc bấy giờ  hương quyền tộc thuộc hay tin, đem đồ tẩm liệm ngay tại chỗ, đồng thời đem táng Ngài tại đầu núi Phổ Trạch, Ngài không có  đệ tử.

Ngài sinh năm Mậu thìn (1868). Tịch năm Đinh mão (1927) thọ 60 tuổi.

 

6. Ngài Tâm Ấn, húy Như Hòa (đệ tử ngài Chơn Hương chùa Hưng Khánh) được hương quyền, tộc thuộc cùng bổn đạo cung thỉnh về trú trì Tổ Đình Phổ Bảo vào năm Nhâm thân (1932). Khi Ngài về trú trì được sự tận tình ủng hộ của hào sĩ binh dân, và tộc thuộc cùng bổn đạo, nên năm Ất hợi (1935) Ngài trùng tu toàn diện Tổ Đình.

Đến năm Canh thìn (1940), niên hiệu Bảo Đại thứ 15, ngài đã tu phương tái thiết từ  Nam Bắc sang Đông tây.

Ngài là vị tài đức đáng kính, hoạt bát lanh lẹ, cư xử lịch thiệp, tâm đại hoan hỷ, khi Phật sự cần Ngài đều đảm trách chu toàn. Vậy cho nên bề trên ai cũng mến, kẻ dưới ai cũng tin.

Vô hình trung, cuộc đời hành đạo của Ngài chia đôi thời gian một cách gần cân đối: Ngài nhận trú trì Tổ Đình Phổ Bảo năm Nhâm thân (1932). Trao trách nhiệm lại cho đệ tử là Ngài Bảo An vào năm Mậu tý (1948). Thời gian Ngài phụng sự đạo pháp tại Tổ Đình Phổ Bảo là 16 năm. Từ năm 1948, Ngài về lo tang lễ Hòa thượng Bổn sư –  ngài Chơn  Hương hiệu Chí Bảo - tại chùa Hưng Khánh và Ngài kế thừa ở đó luôn. Đến năm Quý mão (1963) viên tịch. Thời gian Ngài phụng sự tại chùa Hưng Khánh là 15 năm. Vậy trong 31 năm kể từ ngày xuất thân hành đạo chia đôi thời gian một cách rất là kỳ diệu cho hai ngôi Tam Bảo mà có trách nhiệm trực tiếp của Ngài.

Nói chung những tự viện thuộc phái Lâm Tế Chúc Thánh ở vùng Tuy Phước và An Nhơn, sau hiệp định Genève Ngài đều trực tiếp và gián tiếp chủ trương tái thiết tùy khả năng của mỗi trụ xứ.

Thế danh của ngài là Phan Hòa, cháu kêu ngài Chơn Hương họ Phan bằng Bác. Ngài Tâm Ấn, sinh năm Đinh Dậu (1907) tại thôn Hưng Nghĩa, Tuy Phước. Tịch giờ thân mồng 5 tháng Giêng năm Quý mão (1963). Tháp Ngài hiện ở hướng Đông nam chùa Hưng Khánh.

       Đệ tử ngài gồm có:

Húy Thị Huệ hiệu Bảo An kế thừa Tổ Đình Phổ Bảo và chùa Hưng Khánh.

*  Húy Thị Thượng hiệu Bảo Phước trú trì chùa Phước Điền, Tuy Phước.

*  Húy Thị Trình, trước trú trì chùa Sơn Bình, thôn Bình An; sau xây dựng chùa Bình Nam thôn Nam Tăng, xã Phước Thành, huyện Vân Canh.

*  Húy Thị Long, trú trì chùa Hải Phong, thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận.

* Hiệu Bảo Vân (cầu pháp) xây dựng và trú trì chùa Tịnh Quang xã Phước Thắng.

* Hiệu Bảo Nghiêm (cầu pháp) xây dựng và trú trì chùa Nam Thạnh, thôn Thế Thạnh (nay thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn).

 

7. Ngài Bảo An, húy Thị Huệ, thế danh Lê Bảo An, sinh quán thôn Tịnh Bình, xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, Bình Định. Ngài là con Lê gia thế phiệt, đời đời tôn sùng Đạo Phật. Ngài xuất gia năm Bính dần (1926) tại Tổ Đình Phổ Bảo.

Đời hành đạo của Ngài đã đóng góp những công tác Phật sự:

- Sáng lập viên Đoàn Thanh niên Tăng sĩ Bình Định, được bầu làm Phó trưỏng đoàn năm 1947.

- Chính thức nhận trách nhiệm trú trì Tổ Đình Phổ Bảo năm Mậu tý (1948).

- Hội trưởng Hội Phật giáo Tuy Phước (1949).

- Cổ động viên thành lập chúng Lục Hòa tỉnh Bình Định (1949) và Chúng trưởng Tuy Phước (1951).

- Cố vấn đoàn chúng A –Nan  (1952).

- Hội trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam Tuy Phước 1957 - Sau hiệp định Genève.

- Thành viên sáng lập Tu Viện Nguyên Thiều – Bình Định (1958). Được bầu làm Phó ban quản trị khóa 1 (năm 1960).

- Đặc Ủy nghi lễ trong Ban Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định năm 1964, khóa 1.

- Chánh Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất huyện Tuy Phước năm 1965.

- Đặc ủy tăng sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định năm 1968, khóa 2.

- Phó Giám đốc Phật học viện Nguyên Thiều (năm 1969) khóa 2.

- Đặc Ủy cư sĩ  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định năm 1973, khóa 3.

- Phó Ban đặc cách giáo dục nam – nữ  Cư sĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Nghĩa Bình năm 1979, khóa 1. Và Đặc cách đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất huyện Tuy Phước.

Năm Giáp thìn (1964), Ngài tái thiết chánh điện chùa Hưng Khánh, cùng năm đó Ngài vào Sài Gòn được tín đồ cung thỉnh nhận chức trụ trì chùa Giác Uyển, cuối năm Ngài tái thiết ngôi chùa này (chùa Giác Uyển vốn trước là Niệm Phật Đường Ấp Tây Ba).

Năm Qúy sửu (1973) tái thiết hậu tổ và đông tây đường, trù gia chùa Hưng Khánh.

Năm Canh ngọ (1990) Ngài trùng tu chánh điện Tổ Đình Phổ Bảo.

Đệ tử  Ngài gồm có:

* TT. Thích Huệ Minh trú trì chùa Giác Uyển quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

* TT. Thích Thiện Tấn thừa kế chùa Hưng Khánh.

* TT. Thích Thiện Thức duy trì Tổ Đình Phổ Bảo.

* ĐĐ. Thích Đồng Văn hiện đang du học tại Đại Học Delhi - Ấn Độ.

* ĐĐ.Thích Thiện Thông trú trì chùa Vân Sơn.

* ĐĐ.Thích Thiện Đức trú trì chùa Nguyên Giác (hiện đang cư trú tại chùa Huỳnh Kim quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh - 1997).

* ĐĐ. Thích Thiện Thâm trú trì chùa Bích Nam.

* ĐĐ. Thích Thiện Viễn trú trì chùa Tịnh Quang.

Ngài Bảo An sinh năm Giáp dần (1914) hiện thọ 84 tuổi (1997).

 

8. Đại đức Thích Đồng Chơn, thế danh Lê Ngọc Anh, tự Thông Đức, hiệu Thiện Thức; duy trì sự nghiệp của Bổn sư, truyền đăng tục diệm của chư Tổ. Thầy vốn là cháu gọi ngài Bảo An bằng Chú. Thầy xuất gia từ nhỏ nên Bổn sư đặt pháp danh thầy là Đồng Chơn. Thầy vốn có đức tính hài hòa, hoạt bát nên được mọi người quý mến. Với quan niệm vừa tu tâm theo Đức Phật, vừa tu thân giúp ích cho đời, vì thế bên cạnh việc tu niệm Thầy còn là người tham gia nhiều công tác xã hội... Hiện Thầy đang phụng dưỡng Hòa thượng Bổn sư tuổi đã về chiều.

Thầy sinh năm Nhâm thìn (1952), thọ Đại giới năm Qúy sửu (1973) tại Nha Trang...

 

III. ĐẶC ĐIỂM

Tổ Đình Phổ Bảo thuở xưa là nơi các quan phủ, huyện, phẩm hàm thường đến lễ bái và tu học. Chùa Hưng Khánh sản xuất nhiều hương trầm, chùa Phổ Quang có nhiều ruộng, nên trong dân gian thường truyền tụng câu: “Phổ Bảo nhiều bánh; Hưng Khánh nhiều nhang; Phổ Quang nhiều lúa” để nói về ba ngôi chùa cổ toạ lạc tại huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định ngày nay.

 

Địa chỉ liên lạc:

TT. THÍCH ĐỒNG CHƠN (Trụ Trì)

CHÙA PHỔ BẢO

thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận,

huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - VIỆT NAM

Điện thoại: (+84) 56 – 633044

Email: phobao@googlemail.com

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008