BÙI GIÁNG & TRÒ CHƠI BÁN DÙI

LÊ BÍCH SƠN

 

Năm nào cũng vậy, mùa Đông về hắn thường hay nghe ngóng tin tức quê nhà. Bão lụt gần như đã trở thành “người bạn đồng hành” năm nào cũng “ghé thăm” giãi đất miền Trung. Riết rồi tạo nên trong hắn một thói quen hết sức…vô duyên: “… chờ tin bão lụt”.

Dạo này tin tức thiên tai ít nghe hơn trước, thay vào các chương trình radio Việt ngữ người ta thi nhau “bình loạn” chuyện bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đôi khi rỉ rả một vài câu chuyện văn chương…

Bẵn đi một thời gian khá dài, cái tên Bùi Giáng gần như đã xoá sạch trong bộ nhớ của hắn; hôm nay lại hiện về. Người ta thay nhau ca ngợi Bùi Giáng là cây bút lớn, là thiên tài văn chương, nhà thơ cuối cùng thế kỷ 20, là…

 

chân dung nhà thơ BÙI GIÁNG

 

Khác với những gì người ta nói về Bùi Giáng, cái tên Bùi Giáng đến với hắn bằng tất cả những cảm giác rùng rợn và lo sợ… mỗi khi phạm phải một sai lầm. Bùi Giáng trong hắn đích thực là “Ông Ba Bị”, nhân vật đen đủi, gớm ghiếc với chiếc bị lớn trong tay chuyên bắt con nít bỏ bao, trong những câu chuyện răn đe của người lớn…

Năm bảy, tám tuổi gì đó, lần đầu tiên hắn “diện kiến” Bùi Giáng trong một lần tan học. Bùi Giáng mặc áo quần rách tả tơi, gầy đen, tay cầm một cây gậy quấn vải có cột vài chai lọ trên đó, và dĩ nhiên không cầm chiếc bị nào để bắt cóc con nít… Ông Ba Bị Bùi Giáng hiền hơn những gì hắn nghe người ta kể!

…Sau đó, hắn tham gia cùng lũ trẻ trong vùng “chơi trò Bùi Giáng”. Trò chơi vừa thích thú, vừa lo âu sợ hãi lạ lùng. Bọn trẻ thi nhau tìm đến gần Ông rồi bất chợt hô to: “Bùi Giáng…bán dùi, Bùi Giáng…bán dùi…” rồi xô nhau mà chạy… Không biết Ông có đuổi theo phía sau hay không, nhưng “chơi trò Bùi Giáng” quả là một điều thích thú của lũ trẻ ngày đó.

Thời gian sau, bọn trẻ không còn thấy hình bóng Bùi Giáng nữa. Đoạn đường từ cầu Diêu Trì đến Ngã Ba Phú Tài vắng bóng Ông. Người ta thay nhau truyền những “bản tin”, đại loại như: “Bùi Giáng do C.I.A cài lại, và đã được “bốc” đi Mỹ tháng trước…”, hoặc “Bùi Giáng đã được một nhóm người vượt biên “tóm cổ” lên một chiếc tàu ra đi từ cảng Quy Nhơn…để thông dịch”; .v.v. Nói chung, Bùi Giáng đã rời khỏi Quy Nhơn để… đi Mỹ.

Năm hắn khăn gói vào Sài Gòn thi đại học, tờ lịch treo tường trong phòng Thầy hắn có ghi hàng chữ:

“Ta vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ,

… Ai đâu ngờ xó chợ cũng…chơi nhau…”

Hắn bật cười. Ý thơ ngộ nghĩnh thiệt, nhưng suy gẫm kỹ quả là chí lý. Hỏi ra mới biết thơ Bùi Giáng.

Những ngày sau đó, hắn tìm ra một sự thật: Bùi Giáng… không đi Mỹ như người ta đã “thổi tin đồn”. Bùi Giáng vẫn còn sống và sống rất mãnh liệt ngay trên mảnh đất Sài Gòn đầy náo nhiệt. Thỉnh thoảng, hắn nhìn thấy Bùi Giáng "làm cảnh sát giao thông" giữa cầu Trương Minh Giảng; có lúc Ông trú mưa dưới mái hiên Trung Tâm Ngoại Ngữ Đại Học Sư Phạm (Đại Học Vạn Hạnh trước 1975); đôi khi Ông đến thăm chư Tăng ni và các Thiền viện trong những câu chuyện kể của quý Thầy…

Bùi Giáng bụi bặm, gầy gò, nghêu ngao, tự tại giữa đất Sài Gòn!

 

Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 1990, thỉnh thoảng diễn ra một vài “sự kiện báo chí” được ghi nhận “cầu vượt cung”…

Câu chuyện về cái chết của diễn viên Lê Công Tuấn Anh đã khiến giá báo tăng gấp ba bốn lần nhưng vẫn “hiếm hàng”; nhiều người còn “sáng kiến” photocopy những phóng sự điều tra, bản tin liên quan (từ những tờ báo in ra giấy A4) “phát hành” “đáp ứng nhu cầu độc giả”; sinh viên thức dậy thật sớm đến các điểm phát hành mua cho được tờ báo mới để đem vào lớp thay nhau “bình loạn”

Tin Bùi Giáng ra đi lại một lần nữa “chấn động” giới cầm bút. Lần này người ta không những chạy đi tìm mua các tờ báo in, mà gần như hiệu sách nào cũng được khách hàng hỏi: “Ở đây có thơ Bùi Giáng?”. Tin, tuỳ bút, phóng sự, truyện tự kể, bình luận, sách và thư pháp “Bùi Giáng” được người ta thi nhau phát hành, bày bán… Người ta thay nhau kể công, viết lách, phô trương trên những trang viết về những mối “thâm tình” cùng Bùi Giáng… khi nhục thân Ông được đưa từ Chùa Vĩnh Nghiêm đến nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức; và mộ phần Ông chưa xanh cỏ…

Hắn cũng tìm riêng cho mình một bộ sưu tập Bùi Giáng nho nhỏ. Những lúc rảnh rổi, hắn vừa đọc, vừa giận, vừa thích thú, vừa chua xót… rồi lầm bầm một mình: “Ước gì một phần nhỏ lợi tức thu được từ những cuốn sách, tờ báo này… đủ để cho Bùi Giáng một bữa no, một manh áo mới!”

Mà cũng ngộ thiệt, Bùi Giáng - một người mà người ta cho là “bệnh tâm thần” - có đòi gì đâu? Ông tự tại rong chơi đến “đã đời”… không một xu dính túi.

“…Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,

Đi lên, đi xuống đã đời du côn…” (Bùi Giáng)

Xét cho cùng Ông chẳng hề "du côn" chút nào! Phần "du côn" Ông đã "khiêm tốn" "nhường lại" kẻ khác...

 

Bùi Giáng vào cõi vô tận một ngày mùa Đông năm 1998, Sài Gòn lất phất những hạt mưa buồn. Mười năm sau đó, ở một nơi xa xăm, âm thầm thắp nén hương vọng hướng về Ông, hắn lặng lẽ cúi đầu tạ lỗi “trò chơi mất dạy… bán dùi” ngày xưa.

Với hắn, Bùi Giáng tuy rách nát, gầy gò thân xác nhưng tâm hồn của Ông trong sạch, mãnh liệt vô cùng!

 

LÊ BÍCH SƠN

Miền Đông Hoa Kỳ tháng 10 năm 2008

 

 mộ phần Thi sĩ Bùi Giáng tại nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008