LÒNG SÔNG CẠN
HUỆ TRÂN

Tình cờ,
lật một trang sách, bắt gặp hai câu thơ của thi
sỹ Seamus Heaney, người đoạt giải Nobel văn
chương năm 1995:
“The
riverbed, dried up, half full of leaves,
Us,
listening to a river in the trees”
Không
biết hai câu này trích từ một bài thơ nào của
ông, hay đây là bài thơ ngắn đã thừa sức trải
dài tới mốc điểm giá trị văn học cao quý, được
thế giới công nhận?
“Nửa
lòng sông cạn, lá rơi đầy,
Ta nghe
sông chảy xiết trong cây”
Ngay
khi đọc hai câu thơ nguyên bản bằng Anh-ngữ thì
lạ thay, không suy nghĩ gì mà trong tôi bỗng bật
ra hai câu phỏng dịch Việt-ngữ, tưởng như những
giòng chữ này đã nằm sẵn trong tàng thức tự bao
giờ! Và cũng lạ thay, tôi chợt nhìn thấy tôi là
lòng sông cạn, là đám lá khô; đồng thời, cũng là
con sông thầm lặng chảy trong cây cao, trong lá
chết. Nên tôi xúc động vô cùng trong buổi sáng
ngày đại lễ của xứ sở tôi đang dung thân. Ngày
Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.
Tôi cứ
tưởng hôm nay sẽ náo nhiệt, ồn ào lắm nên đã thu
xếp để chỉ ngồi yên trong Cốc Thảnh Thơi. Nhưng
bên ngoài có vẻ im lắng. Tôi mở rộng cửa sổ.
Nắng vàng ùa vào, tràn ngập căn phòng nhỏ. Trên
kệ thờ, chân dung Đức Phật A Di Đà sáng rực hào
quang. Từ ánh quang minh đó, tôi lại mơ hồ
“Ta nghe sông chảy xiết trong cây”.
Có ai
cùng đi với tôi tới Lòng Sông Cạn của thi sỹ
Seamus Heaney không? Chúng ta không cần nói gì
cả. Chỉ im lặng đi bên nhau thôi, vì còn được đi
bên nhau đã là quá hạnh phúc, trong khi ngoài
đời-thường kia, người ta ruồng bỏ nhau, né tránh
nhau, hành hạ nhau. Chúng ta im lặng đi bên nhau
để tới nơi mà chúng ta cùng muốn tới. Trong ý
niệm đó, chúng ta đang nói với nhau ngàn lời.
Nói gì
ư? Nói bằng tiếng chim đang ríu rít trên những
vòm lá xanh. Âm thanh mang thông điệp của sự
hiện hữu cộng đồng mà ta thường nghe bằng tâm
hời hợt, nay, bạn có cảm nhận gì khác không?
À, bạn
nhận ra những rung động mới mẻ, kỳ diệu là tiếng
chim không Ở NGOÀI bạn, mà đang Ở TRONG bạn vì
bạn đang nghe âm thanh đó bằng TÁNH NGHE chứ
không bằng nhĩ căn. Nghe bằng tánh nghe, nhìn
bằng tánh thấy sẽ thực chứng cho ta những phép
lạ nhiệm mầu mà khi tâm ta tất bật, ta từng
chẳng nhận ra.
Phép lạ
đó là: “Trong giây phút hiện tại này đây tôi
đang thở nhẹ nhàng. Tôi biết tôi đang hít vào,
thở ra. Bàn chân tôi đang chạm mặt đất. Tôi đang
nghe tiếng chim hót. Tôi đang thấy bầu trời xanh.
Tôi đang có tôi. Tôi đang sống. Hôm nay tôi trẻ
hay ngày mai tôi già, mỗi phút giây hãy nhận
biết sự hiện hữu của tôi, chính là nhận diện sự
bất sinh bất diệt, sự chuyển hóa hài hòa trong
vạn hữu. Cái này ra đi để cái kia tiếp nối thì
Đi hay Ở đồng một nghĩa mà thôi”.
Bước đi
bằng phép-lạ-bình-thường, thì con đường tưởng là
thiên lý sẽ lập tức đến ngay điểm muốn tới.
Lòng
Sông Cạn của thi sỹ Seamus Heaney đây rồi.
“Nửa
lòng sông cạn, lá rơi đầy
Ta nghe
sông chảy xiết trong cây”
Không
có gì huyền bí, khó hiểu nữa. Sông nay đã cạn,
với những con mắt vô tình, chỉ thấy lá khô phủ
đầy lòng đất. Nhưng con sông vẫn biết nó là sông.
Nó chỉ chuyển hóa nên tự thân, nó vẫn nghe được
mạch nước thầm lặng chảy trong cây, trong lá,
trong cả tia nắng lẫn hạt sương. Như áng mây
chiều nay không còn nữa, nhưng ai thấy được áng
mây ấy trong cơn mưa chiều mai, người ấy chắc đã
từng được nghe lời Phật dạy về lý-duyên-sinh vô
thỉ vô chung, để tin nhận rằng chúng sanh chính
là tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta nhiều đời
nhiều kiếp.
Thì phút giây
Seamus Heaney đứng trước lòng sông cạn, phủ ngập
lá khô rơi mà nghe được con sông vẫn tuôn chảy
trong cây, hẳn là phút giây ấy, Seamus Heaney đã
thấy giòng tiếp nối của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Thấy
được như thế là thấy chính mình.
Nhưng
phút giây này hiện hữu bao lâu?
Ta thấy
ta được bao lâu, để rồi lại đánh mất ta vào
giòng đời vô thường?
Thôi
thì, bạn ơi, dẫu chỉ phút giây chạm tới vĩnh
hằng cũng đủ ân sủng nghe được tiếng sáo của Đức
Thế Tôn khi Ngài dùng nghệ thuật âm thanh để cảm
hóa những công tử giòng dõi quyền thế đang tham
đắm trong hạnh phúc giả tạo.
Cũng
tiếng sáo này, ngày xưa, thái tử Tất Đạt Đa chỉ
dành tặng công nương Da Du Đà La mỗi khi nàng ân
cần đốt một lư trầm hương nhỏ, mang ra vườn ngự
uyển.
Nay,
tiếng sáo ấy cất lên cho chúng sanh, vì chúng
sanh, dù ở không gian nào, thời gian nào, tiếng
sáo vẫn phảng phất hương trầm tri kỷ vì tự thân
người nâng sáo trúc đã gặp được bản tâm.
Nhìn
dấu vết cây ngọc-lan trên nền sân rêu cũ.
Vẫn
ngào ngạt hương của trăm hoa.
Dù cây
ngọc-lan không còn đó.
Cây
ngọc-lan đã đi xa!
Nên tôi
không còn thổn thức khi thấy mình chỉ là lòng
sông đã cạn.
Và hoan
hỷ nhận những lá chết phủ lên tôi.

|